Niềm
hy vọng
Bản tin trên Internet ngày 23-3-1998 có ghi: “Nạn tự tử tại
Nhật Bản đạt tới mức kỷ lục. Các
giới Nhật Bản cho biết mức độ tự
tử trong nước tăng đến mức báo động.
Trong mười tháng của năm 1998, hơn 27.000 người
tự sát. Hầu hết những người tự tử
là các nhà quản lý hay doanh nghiệp, do ảnh hưởng
tình trạng suy thoái kinh tế trong nước Nhật kéo
dài”. Và báo Công giáo và Dân tộc số 1296 năm 2001: ở An Độ đã có nhiều nông dân tự tử
vì cảm thấy không còn lối thoát nào khác, khi giá nông sản
giảm sút trầm trọng. Năm 2003 vừa qua có 120
người tự tử tại bang Pradesh và ở các bang
khác cũng có những người tự tử
tương tự.
Không chỉ riêng những nhà doanh nghiệp Nhật Bản,
và các người nông dân An Độ mà còn nhiều người
khác nữa, khi họ đặt mục tiêu của cuộc
đời là sống thành công, thành công trong học hành, trong
gia đình, trong việc làm và thành công ngoài xã hội. Họ
bỏ mọi công lao, sức lực, tài
trí để mong đạt được ước
mơ này. Nhưng khi kỳ vọng đó gặp
trở ngại, thất bại, họ cảm thấy chán
nản, đau buồn vô vọng và tìm cách quyên sinh.
Đối với các môn đệ Đức Giêsu, biến
cố ngày thứ sáu đã làm cho dự tính tương lai của
các ông tan thành mây khói. Bao nhiêu hy vọng đã bị
chôn vùi trong ngôi mộ cùng với thân xác Đức Giêsu.
Ngôi mộ biểu hiện cho sự thất bại
hoàn toàn. Tâm trạng các môn đệ cũng giống
như tâm trạng của những người nông dân An Độ hay những thương gia Nhật
Bản, cũng đau khổ thất vọng, tương
lai xán lạn nay đã bị chôn vùi. Không những
thế các môn đệ còn lo sợ, lo sợ bị truy lùng
bởi hàng lãnh đạo Do thái. Họ đã
giết Thầy, thì coi chừng môn đệ họ cũng
không tha. Vì thế các ông phải trốn
tránh.
Nhưng, khi nghe bà Maria Madalena báo tin: “Người ta
đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết
để Người ở đâu?”, thì tâm trạng của
các ông lại biến đổi ngược lại, theo lẽ
bình thường, khi nghe báo tin người ta đem xác Chúa
đi đâu mất, thì sự sợ hãi của các ông càng
tăng lên gấp bội. Nhưng ở
đây, hai ông lại thoát khỏi tính e dè, khỏi sự im
lặng sợ sệt. Các ông rời bỏ
nơi ẩn nấp, vội vã chạy đến mộ.
Trong sự vội vã và náo nức ấy, chúng
ta thấy có một cái dấu hiệu gì đó, một dấu
hiệu hy vọng loé lên, các ông đang hướng
về một niềm hy vọng, niềm hy vọng này còn
mơ hồ, nghi ngại, nhưng các ông vẫn chạy.
Dù các ông đã biết xác Chúa không còn trong mộ nữa,
nhưng họ vẫn chạy ra mộ, ra mộ không phải
để thấy xác Chúa, mà họ hy vọng một
tương lai, và để rồi chính nơi đây niềm
hy vọng đã loé lên trong họ bây giờ
được bừng sáng.
Thế nhưng, các ông đã thấy
điều gì? Đã thấy Thầy mình chăng? Không! Các
ông không thấy gì ngoài ngôi mộ trống rỗng với tảng
đá lớn đã bị đẩy sang một bên, và những
khăn liệm bên trong. Thánh Gioan cho chúng ta thấy
Phêrô là người đầu tiên đi vào trong mộ.
Ông thấy băng vải để ở đó và khăn
che đầu Đức Giêsu. Khăn này
không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn
lại, xếp riêng ra một nơi. Nhưng
không nói Phêrô có nhận ra dấu chỉ hay không? Phúc âm thánh Luca tường thuật lại rằng
Phêrô chứng kiến ngôi mộ trống, nhưng trở về
nhà “rất đỗi ngạc nhiên, không hiểu gì hết”.
Còn Gioan, người môn đệ Đức Giêsu
thương mến, ông cũng bước vào, ông đã thấy.
Ông thấy cái gì? Ông cũng
chỉ thấy những điều Phêrô đã thấy mà
thôi. Nhưng ông đã nhận ra, nhận
ra sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Nếu như xác
bị ăn trộm, thì kẻ trộm
đâu có thời giờ để gỡ vải liệm,
và khăn cuốn đầu được cuộn lại
và đặt đúng chỗ, bên trong băng vải? Như
vậy không có bàn tay bên ngoài tham dự
vào. Chỉ một mình Gioan, với tâm hồn
nhạy cảm, ông đã nhận ra Thầy mình hiện
đang ở đâu qua ngôi mộ trống. Chúng ta tự hỏi chỉ qua ngôi mộ trống
mà Gioan xác tín Đức Giêsu đã Phục sinh? Thì xem
ra niềm tin của Gioan không vững chắc, vì với một
dấu chỉ mơ hồ là ngôi mộ trống mà ông
đã tin: thật ra ông tin không phải dựa vào ngôi mộ,
mà qua ngôi mộ và cách sắp xếp trong ngôi mộ, ông
đã nhận ra Lời Chúa dạy dỗ các ông đã
được ứng nghiệm: “Con Người sẽ bị
nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ
lên án xử tử Người và sẽ
nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ
nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ
sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.
Trong cuộc sống của chúng
ta có biết bao dấu chỉ, thế nhưng chúng ta có hiểu
được, có đọc được ý nghĩa của
dấu chỉ đó hay không? Một cử chỉ, một lời
nói, một sự vật… là những dấu chỉ còn hàm hồ,
ẩn chứa bí mật! Chúng ta cần được giải
thích: sự việc đó muốn nói gì? Cử
chỉ đó hiểu như thế nào? Đó
là một điều khó đối với chúng ta.
Nhưng nếu chúng ta để cho Lời của Chúa soi
sáng, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta
sẽ hiểu được các biến cố đó.
Biến cố Phục sinh làm biến
đổi hoàn toàn đời sống các môn đệ. Đời của họ đã giở
sang một trang mới, mà không một khó khăn nào cản
trở được niềm tin vào Đức Kitô, tin rằng
sẽ được hưởng phúc vinh quang với Ngài,
cho dù bao nhiêu lần bị đói khát, đánh đòn, tù
đày… Nếu sự Phục sinh của Chúa Giêsu thật cần
thiết cho các môn đệ, thì sự Phục sinh cũng
thật cần thiết cho cuộc sống hôm nay của
nhân loại, một cuộc sống còn nhiều khó khăn,
đau khổ, chết chóc… Những lúc đó,
chúng ta cần phải có sự nhạy cảm như Gioan,
nhận ra Đấng Phục sinh, Đấng của niềm
hy vọng. Người đã Phục
sinh để khai mở một thế giới mới, một
thế giới của công bình và bác ái, hoan lạc và bình an,
khai mở một nhân loại mới, trong đó mọi
người là anh em. Khi khai mở một thế giới
mới, một nhân loại mới, Người đã cống hiến cho chúng ta một tương
lai có khả năng lấp đầy những khát vọng
sâu xa chất chứa trong lòng con người, khát vọng vốn
làm nên biết bao dự phóng đời người.
Thế nhưng, trong đời sống nhiều khi
chúng ta còn gặp biết bao nhiêu khó khăn, thử thách: trong
công việc làm ăn, chúng ta cố gắng làm ăn
lương thiện, nhưng vẫn thất bại, trì trệ
không phát triển được; rồi bao nhiêu cố gắng
trong việc giáo dục con cái, thế nhưng vẫn không
thành công, cũng như nhiều lần bị hiểu lầm,
bị lừa gạt làm cho chúng ta đánh mất đi niềm
tin trong cuộc sống. Những lúc đó chúng ta có còn nhận
ra sự hiện diện của Thiên Chúa, có còn dám tin tưởng
và đặt hy vọng vào Đức Kitô hay không? Và nếu
như một khi nhìn ra sự hiện diện và nghe
được lời mời gọi của Đấng Phục
sinh, đặc biệt là những biến cố đau
thương, chúng ta có khả năng biến cuộc sống
thành lời hy vọng hay không?
Như vậy, hy vọng của chúng ta, không phải
là những thành công, những lợi lộc, tiếng
tăm… ở trần gian này, vì chúng ta biết rằng
đây chỉ là điều tạm thời, chóng qua, không có
giá trị lâu bền, nó không làm cho tâm hồn chúng ta hạnh
phúc được và khi chết chúng ta cũng chẳng mang
đi được. Hy vọng của chúng
ta chính là Đức Kitô, là Đấng đang sống, hiện
đang ngự bên hữu Chúa Cha và đang cầu bầu cho
chúng ta.
Trong niềm vui của ngày Chúa Phục sinh, chúng ta xin
Chúa Kitô ban cho chúng ta nguồn hy vọng để biết
nhìn thấy quyền năng sống lại của Thiên Chúa
trong các cơn thử thách. Xin Ngài lăn
tảng đá che lấp hy vọng ra khỏi cuộc đời
chúng ta. Để rồi mỗi người chúng ta trở
nên chứng nhân hy vọng, là dấu chỉ, là ánh sáng phục
sinh chiếu toả cho những anh chị em
đang sống trong sự thất vọng.
|