Vác đỡ Thánh Giá Chúa – PM. Cao Huy
Hoàng
Vào Tuần Thánh với
Lễ Lá, bài Thương khó đã kể lại cho chúng ta
nghe về Con Một Thiên Chúa mang thân phận con
người với tên Giêsu. Ngài đã cô đơn
đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu như
bị bỏ rơi, chấp nhận hóa thân mình nên thần
lương cho nhân loại, bị chính môn đệ
phản bội nộp thầy cho quân dữ, bị
đứng trước vành móng ngựa, nghe bản cáo
trạng hàm oan, rồi lại nghe tuyên án tử hình,
chịu vác thập giá, đánh đòn, đội mão gai, té
ngã trên đường lên Núi Sọ, và cuối cùng, chịu
đóng đinh và chết thật.
Đó là cái
giá phải trả để chuộc lại tội
bội phản của tổ tông loài người.
Cụ thể hơn, chỉ có hy tế thập giá của
Chúa Giêsu mới là lễ dâng đẹp ý Thiên Chúa Cha,
để nhờ án tử hình của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa Cha
xóa đi bản án tử hình đời đời cho con
người.
Tham dự vào cuộc
Thương Khó của Chúa Giêsu với lòng biết ơn
Người đã mang lại cho chúng ta niềm hy vọng
được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu
của Thiên Chúa, nhờ lòng khoan dung tha thứ của Thiên
Chúa Cha.
Có người
đặt vấn đề khá thời sự rằng: Chúa
Giêsu đã chịu thương khó, đã chết và sống
lại hai ngàn năm rồi. Chúng ta đang
nghe việc thuật lại như một chuyện kể,
một cổ tích. Làm sao chúng ta có thể
lại bước đi trên Đường Thương
Khó với Chúa Giêsu nữa?!? Thật
mơ hồ.
Tôi đồng ý với
bạn rằng: chúng ta không tận mắt thấy Chúa Giêsu
đổ mồ hôi máu trong đêm Vườn Dầu. Nhưng thiết tưởng, chúng ta có thể
thấy rất cụ thể từng nếp nhăn
cằn cỗi trên khuôn mặt của những Chủ Chiên
ngày qua ngày phải đối phó với bầy quân dữ
của Satan đang rình mò cắn xé Giáo Hội là Thân Thể
Chúa Giêsu Kitô. Xin đừng nghĩ là các Chủ Chiên
đang vô tư, vô tình, vô cảm trước những
bức bách mang tính chủ trương và toàn diện
đang xảy ra trong và cho Giáo Hội địa
phương của mình. Nhưng nên nghĩ là các Ngài đang
đổ mồ hôi máu mà thưa với Chúa Cha rằng:
“Lạy Cha nếu có thể được, thì xin cho con
khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi”.
Những chủ chiên
ấy, không chỉ là những Giám Mục, Linh Mục, mà
cụ thể hơn là bạn, là tôi, là tất cả
những người làm ông bà, cha mẹ, anh chị đang
mang trong mình trọng trách bảo vệ Đức Tin cho
những thành viên non trẻ của mình trước
những trận cuồng phong duy vật, vô thần, vô
cảm, vô nhân đạo, vô lương tâm, vô luân lý.
Một người bạn tôi, đã từng là
Đại Chủng Sinh Giáo Hoàng Học Viện Đà
Lạt, từng Giáo Lý Viên dự tòng và hôn nhân nhiều
năm liền tại Giáo Xứ của mình, hôm nay, thầy
lại đành bó tay, đành cắn răng chờ xem
người con rể tương lai vốn con nhà Cộng
Sản kia định liệu thế nào cho số phận
con gái mình khi đã trót “ăn cơm trước kẻng”:
có thể là nó chịu theo Đạo để cưới
vợ, cũng có thể là nó bảo Đạo ai nấy
giữ, rồi cũng có thể là nó xúi dại con gái mình
phá cái thai ấy đi. Thật là đau khổ! Thế
rồi, đúng là nhà ông sui của
thầy đã ép thằng nhỏ phải bắt con gái thầy
phá thai. Hai vợ chồng thầy đau
khổ lắm. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu
thầm thĩ kêu van xin Chúa sáng soi cho con gái mình biết
đường mà tuân giữ lề luật của Chúa.
Tôi vẫn nghĩ là
sự chọn lựa để bảo vệ Đức
Tin, để trung thành với lề luật Chúa,
để tuân hành thánh ý Chúa cũng làm cho người yêu
mến Chúa đến phải đổ mồ hôi máu
như Chúa vậy.
Một cha giải tội cho một hối nhân
thường xuyên, lần nào xưng tội cũng bấy
nhiêu tội tày trời ấy, có khi còn nặng nề
hơn. Cha vừa nghe tội vừa khẩn khoản tha
thiết kêu xin lòng thương xót Chúa đến độ
vã cả mồ hôi, lạnh ớn người ngay trong Tòa
Giải Tội.
Những người
đau đầu nhất, đang đổ mồ hôi máu
nhất hiện nay có phải là những Giám Mục, Linh
Mục, những chủ chiên đang “lựa chiều bẻ
lái” cho con chiên của mình một cách ứng xử Công Giáo
nhất trước tình trạng thế quyền quá
lộng quyền đối với Sự Sống con
người hiện nay. Nếu con người thời bây
giờ biết rằng: vài chục năm trước
đã có chủ trương phá thai cách
toàn diện, cấp quốc gia như thế, thì hẳn
đã không thể còn có chính họ hiện diện trên
đời ngày hôm nay để chủ trương phá thai
nữa. Là những người bảo vệ Đức
Tin Công Giáo, làm chứng cho Chân Lý của Thiên Chúa, nối
tiếp công cuộc Sáng Tạo và Cứu Rỗi của
Thiên Chúa, không đổ mồ hôi máu được sao?
Cũng vậy, chúng ta
không thấy cảnh Chúa Giêsu bị bắt bớ, không tham
dự phiên tòa xét xử Chúa Giêsu, không thấy những
vết bầm tím trên thân mình Chúa Giêsu khi bị quân dữ
đánh đòn, không thấy Chúa Giêsu vác thập giá, ngã lên ngã
xuống trên đường lên đồi cao chịu
chết, hoặc nếu có thấy, thì thiết tưởng,
cũng chỉ là thấy qua những bản vẽ do các
họa sĩ.
Thế
nhưng chúng ta có thể thấy được tận
mắt các tín hữu của Chúa đang bị bắt
bớ giam cầm tra tấn khắp nơi nơi
đấy chứ? Nhất là, trong thời đại
truyền thông nầy, thì tin tức về những
chuyện bắt oan các tín hữu, bỏ tù gian, ném đá
giấu tay, hay mượn tay người gây thương
tích cho các Linh Mục trên đường Mục Vụ
đều có thể truyền đi nhanh như chớp, làm
sao mà lấy “thúng úp voi được”? Ấy vậy,
những chuyện “quả tang”, “công khai” tra tấn
những người theo Chúa Kitô trong Giáo
Hội Chúa Kitô đang diễn ra hàng ngày khắp nơi và
cả trên đất nước chúng ta, mà chúng ta nói
rằng chúng ta không tham dự được với
Thập Giá Chúa Kitô sao?
Tại
nơi chúng ta đang sống, Chúa Giêsu vẫn đang bị
bán đứng với giá 30 đồng bạc, có khi ít
hơn chỉ vài đồng, hoặc chỉ cần là
sự đổi chác một chỗ ngồi, chỗ
đứng cho vinh thân phì gia. Chúa Giêsu
vẫn đang chịu bao lời phỉ báng, bôi nhọ,
hạ nhục. Chúa Giêsu vẫn đang
bị bắt bớ giam cầm, đánh đập tra
tấn, đổ máu và cả mất mạng nữa.
Vâng cuộc Thương Khó Chúa Giêsu đang
hiển hiện nơi các tín hữu Chúa.
Như vậy, tín hữu
Công Giáo Việt Nam vào cuộc Thương Khó với Chúa
Giêsu không chỉ là những giờ ngắm rằng,
ngắm đứng, ngắm quì sốt sắng đến
rơi lệ, không chỉ là những vành khăn tang
trắng xóa quấn trên đầu suốt Tuần Thánh,
không chỉ là những cử hành Phụng Vụ long
trọng trong Thánh Đường, không chỉ là những
việc chay tịnh sám hối chỉ với Chúa, mà
thiết tưởng còn phải cụ thể hơn là:
khẩn cấp nhận ra và tham dự vào nỗi lo,
niềm đau của các chủ chiên, của các tín hữu
khắp nơi trên đất nước.
Là con cái trong nhà, xin dâng
những hy sinh và vác đỡ Thánh Giá cho cha mẹ mình trong
việc lo cái ăn, cái mặc, cái học và nhất là trong
việc bảo vệ đời sống Đức Tin
trước những nguy cơ. Là con chiên trong một
đoàn chiên Giáo Hội, xin dâng những hy sinh và vác
đỡ Thánh Giá cho những Chủ Chiên, những tín
hữu đang gặp bức bách, giam cầm, tra tấn. Là
tín hữu Công Giáo trong xã hội, xin dâng những hy sinh và
chia sẻ niềm đau thương của mọi
người, niềm đau do gian ác, bất công, đàn áp,
niềm đau của bệnh hoạn tật nguyền,
niềm đau của những mảnh đời
nghiệt ngã không ai giống ai…
Đang viết bài này, tôi nhận được cú
điện thoại của chị H, có người
chồng 15 năm bại liệt, mọi sinh hoạt
tại chỗ, con trai lớn cột sống dính khớp 9
năm nay cũng nằm luôn một chỗ cho chị H. lo
lắng, con trai thứ có vợ tận Cà Mau, con gái út
vừa đi học đi làm ở Sàigòn, nhà mái tôn rách nát.
Mùa mưa tới rồi, chẳng biết tính sao? Tôi có
thể trả lời rằng trong cuộc Thương Khó
của Chúa Giêsu đâu thấy có cảnh bại liệt hay
dính khớp cột sống để từ chối
một cảm thông được không?
Tôi bỗng nghe tiếng
lòng nhắc bảo: xin đừng vừa sốt sắng
tham dự Phụng Vụ cuộc Thương Khó của
Chúa Giêsu lại vừa dửng dưng vô tâm trước
cảnh thương khó của biết bao người.
Lạy Chúa, Thánh Phanxicô đã thưa: “Xin cho con
biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi
người”. Xin cho chúng con cũng nhận ra Chúa Giêsu
đang đau buồn, thương tích, bị nhục mạ,
bắt bớ, giam cầm, đánh đập nơi
những anh chị em chúng con, và cho chúng con nhiệt tình vác
đỡ Thánh Giá của anh em, như vác đỡ Thánh Giá
Chúa Giêsu vậy. Amen.
|