Thập giá, tình yêu cứu độ
(Suy niệm của Lm.
Giuse Nguyễn Văn Nam)
Phụng
vụ Chúa nhật Lễ Lá hôm nay được mở
đầu với bầu khí hân hoan phấn khởi qua nghi
thức rước lá nhằm tưởng nhớ lại
việc Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem.
Đám đông dân chúng tung hô Chúa Giêsu
“Hosana, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.
Nhưng liền sau đó, phụng vụ Lời Chúa
lại trình bày cho chúng ta con đường thập giá và
cuộc tử nạn của Chúa Giêsu qua bài thương
khó. Giáo hội muốn làm nổi bật Mầu nhiệm
Thập giá trong suốt Tuần thánh để người
Kitô hữu xác tín: Thập giá, tình yêu cứu độ. Thập giá, con đường vinh quang phục
sinh.
Sau đây,
chúng ta chiêm ngắm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu
qua Tin mừng thánh Marcô vào dịp lễ Vượt Qua
năm 30; lễ vượt qua cuối cùng trong cuộc
đời của Chúa Giêsu. Hôm đó, người ta
đổ về Giêrusalem để mừng lễ,
nhiều người ngoại quốc cũng đến
để chung vui với người Do
Thái vào dịp đại lễ này. Họ chứng kiến
một vị ngôn sứ là Chúa Giêsu bị kết án tử hình đóng đinh thập giá.
Người ta tố cáo Ngài với hai tội danh là
phạm thượng “tự xưng mình là Thiên Chúa” và
tội phản động chống lại hoàng đế
Rôma “Người này nói dân nổi loạn”. Nhưng
trước mắt toàn dân, quan án Philatô
xét xử và xác nhận: Ông Giêsu không có tội, ta truyền
đánh đòn và tha ông.
Các
thượng tế, luật sĩ, biệt phái nhất
định giết Đức Giêsu. Họ sách
động dân chúng lên án Chúa Giêsu “đóng
đinh nó vào thập giá”. Sau cùng Philatô đã viết bản
án “đóng đinh ông Giêsu” và tha cho tên
trộm cướp giết người là Baraba.
Để cứu
độ nhân loại, Đức Giêsu đã chấp
nhận án tử hình thập giá, chấp
nhận chết để cứu sống nhân loại
tội lỗi. Con đường Đức Giêsu đã
đi là con đường thập giá, con đường
tử nạn để cứu nhân loại khỏi tội
và đưa con người vào cõi sống muôn đời như
lời thánh Phêrô đã nói: “Tội lỗi của chúng ta,
chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây
thập giá, để một khi đã chết với
tội lỗi, chúng ta sống cuộc đời công chính”
(1Pr 2, 24). Vì thế Giáo hội đã hướng nhìn
thập giá với niềm tin:
“Ôi Thập giá, phước lành thế giới,
Nguồn cậy trông cứu rỗi tràn lan”
(Thánh thi kinh trưa
Thứ sáu tuần thánh)
Thập giá là đỉnh
cao của con đường yêu thương mà Thiên Chúa
đã dành cho nhân loại được thể hiện qua
cái chết của Đức Giêsu Kitô: “Không có tình yêu nào cao
cả cho bằng tình yêu dám chết cho người mình
thương. Đức Giêsu đã chết vì
chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân, đó là bằng
chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).
Chúa Giêsu chết trên
thập giá: một cái chết yêu thương, tự
nguyện, tha thứ để con người
được cứu sống: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì
chúng lầm không biết”. Chỉ khi Chúa
chết mới giải quyết được mọi
vấn đề liên quan tới sự kiện Đức
Giêsu Kitô “Ngài là ai”? Người Do Thái thời Chúa Giêsu
không thể chấp nhận Ngài là Đấng Messia, bởi
người ta chỉ trông chờ một Đấng Messia
có tính cách chính trị để giải phóng dân Do Thái
khỏi đế quốc Rôma. Họ không thể hiểu
được “Đấng Cứu Thế phải chết
thay cho muôn người”, “Đấng Messia cứu
độ”.
Qua cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta tìm được
lời giải đáp về căn tính của Đức
Giêsu.
Chính khi Đức Giêsu
tắt thở trên thập giá, là lúc Chúa Giêsu trở nên
Đấng cứu độ duy nhất của nhân
loại như lời Ngài đã nói trước: “Phần
Tôi, một khi được giương cao lên khỏi
mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên
với Tôi”. Chính lúc Chúa chết là lúc Chúa Giêsu toàn thắng ma
quỷ, tội lỗi và sự chết, vì Ngài đã chu toàn
sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa Cha. Chính giờ phút Chúa chết là lúc Chúa
được Thiên Chúa Cha tôn vinh.
Chứng kiến Chúa
chết trên thập giá, viên sĩ quan Rôma đâm cạnh
sườn Chúa đã phải thốt lên với niềm tin
vào Đức Giêsu: “Ông này quả thật là con Thiên Chúa”.
Người trộm bên hữu cùng chịu đóng đinh
đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi!
Khi Ông vào nước của Ông, xin nhớ đến tôi… Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ
được ở với Tôi trên thiên đàng” (Lc 23,
42-43).
Dưới
chân thập giá nhiều người đã đấm
ngực và tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu “Ông này
quả thật là Con Thiên Chúa”.
Cái chết đầy yêu
thương và tha thứ của Chúa Giêsu đã tìm ra lời
giải đáp cho câu hỏi: Đức Giêsu là ai? Đức Giêsu là Đấng cứu độ
nhân loại và là Thiên Chúa thật.
Bước
vào Tuần thánh là bước vào cuộc khổ nạn
của Đức Kitô và cũng là hành trình tiếp cận
tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa.
Bước
vào Tuần thánh là đi vào cuộc hành trình tiến lên
đỉnh cao phục sinh với Đức Giêsu. Nhưng sẽ chẳng có Đức Giêsu phục
sinh nếu không có Đức Giêsu chịu khổ nạn và
chịu chết. Sẽ chẳng có chiến thắng
vinh quang, nếu không có chiến đấu gian nan và đau khổ tột cùng trên thập
giá. Thật đúng như tục ngữ Hoa Kỳ: “Không có
thập giá, không có triều thiên, không có đau khổ, không
có thắng lợi. (No cross, no crown, no pain, no gain).
Đón nhận khổ giá
với sức mạnh của tình yêu là đồng hành
với Đức Kitô trên con đường cứu thoát
chính mình và tha nhân. Như thế, thập giá,
tình yêu cứu độ; Thập giá, con đường
vinh quang phục sinh.
|