Lừa con chưa ai cưỡi bao
giờ.
(Suy niệm của Lm.
Gioan Nguyễn Văn Ty)
Trong trình thuật
Đức Giêsu vào Giê-ru-sa-lem với tư cách đấng
Mê-si-a, cả bốn Phúc Âm đều ghi nhận chi
tiết mượn lừa và cỡi lừa; thậm chí có
tác giả như Mác-cô và Luca còn xác định chi tiết
hơn: Người cỡi lên ‘con lừa con chưa ai
cỡi bao giờ’. Hình ảnh Đức Giêsu khải hoàn
tiến vào thành thánh ngồi trên lưng lừa thật
ấn tượng; ấn tượng không phải vì
vẻ uy nghi bề ngoài (điển hình như bức tranh
Na-pô-nê-ôn oai phong trên lưng ngựa chiến vượt qua
rặng núi Alpes của Jacques-Louis David), nhưng vì một
một nét gì đó êm đềm và sâu sắc đến khó
tả.
Tác giả Mát-thêu đã
hé cho thấy ý nghĩa của cảnh tượng đó,
khi trích dẫn lời ngôn sứ Da-ca-ri-a: “Nào thiếu
nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!...
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến
với ngươi; Người là Đấng Chính
Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên
lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr
9:9). Các nhà chú giải Kinh Thánh đưa ra
những giải thích quen thuộc, như “Các ngôn sứ
đã loan báo một vị vua hiền hòa, đến
viếng thăm dân, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
như người dân đơn sơ hiền hòa, thay vì
ngồi trên lưng ngựa như vị tướng quân”
(Christian Community Bible). Thực ra nói như thế ta
vẫn chưa giải thích được gì, hoặc có
nếu có thì cũng mới chỉ cho thấy hình tượng
bên ngoài như một lối trình bày trước quần
chúng (theo kiểu thường thấy
nơi các diễn viên).
Tra cứu
Cựu Ước, tôi được biết đối
với người Do Thái, trong đời thường
việc cỡi lừa chẳng có một ý nghĩa gì
lớn. Cho tới thời Sa-lô-mom, các tổ phụ,
các vua, các quan án hay mọi người giầu có, vị
vọng cũng đều cỡi lừa cả (Tl 10,3; 1,14; 1Sm 25,23). Lừa
đồng thời cũng từng là phương tiện
chuyên chở phổ thông của cả vùng Pa-lét-tin thời
đó. Phải đến thời
hậu Sa-lô-môn sau khi ngựa chiến được du
nhập, lừa mới trở thành biểu tượng
của thời bình, cũng như ngựa là biểu
tượng của thời chiến. “Kìa đức
Vua đến với ngươi, hiền hòa trên lưng
lừa!”. Đức Giêsu tự giới
thiệu mình với đám quần chúng Do Thái như vị
Con Người của đời thường, của hòa
bình, khác xa với quan niệm chính trị về một
đấng Mê-si-a chinh chiến đánh đuổi ngoại
xâm được các thượng tế và luật sĩ
truyền bá. Sau này, trước mặt tổng trấn
Phi-la-tô của chính quyền Rô-ma, Người cũng
sẽ thẳng thừng tuyên bố cùng một nội dung
đó (Ga 18,36-38).
Đối với
những ai am tường Cựu Ước hơn, khi
nhắc tới chi tiết ‘Vua ngươi hiền hậu
ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của
một con vật chở đồ’ chắc hẳn sẽ
gợi nhớ hai giai thoại; A-bra-ham sát tế I-xa-ác, và
con lừa cái của ông Bi-lơ-am. Câu chuyện sách Sáng
thế chương 22 thuật: “Ông Áp-ra-ham dậy sớm,
thắng lừa, đem theo hai
đầy tớ và con ông là I-xa-ác. Ông bổ củi dùng
để đốt của lễ toàn thiêu… rồi lên
đường tới nơi Thiên Chúa bảo… Sang ngày
thứ ba, ngước mắt lên, Áp-ra-ham thấy nơi
đó ở đàng xa, ông bảo đầy tớ: “Các anh
ở lại đây với con lừa, còn cha con tôi đi lên
tận đàng kia làm việc thờ phượng, rồi
sẽ trở lại với các anh”… Ông
Áp-ra-ham lấy củi dùng để đốt của
lễ toàn thiêu đặt lên vai I-xa-ác, con ông. Ông
cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi…”
I-xa-ác trước khi bị cha mình sát tế, đã vác
củi thay con lừa mang nặng. Còn sách Dân số
chương 22 thì kể câu chuyện Bi-lơ-am, thầy
sấm của dân Ma-đi-an, cỡi con lừa cái của
mình chạy trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
Ba lần con lừa ‘thấy thần sứ của
Đức Chúa đứng trên đường, gươm
trần trong tay…’ và nó đã tìm cách tránh đường. Sau
cùng thần sứ nói với Bi-lơ-am: “Con lừa cái
thấy Ta, thì nó đã tránh mặt ta tới ba lần.
Giả thử nó không tránh mặt Ta, thì chắc chắn Ta
đã giết chết ngươi, còn nó thì Ta đã
để cho sống…” Một con lừa gợi nhớ hy
tế vâng phục, con kia nhắc nhở
tha thứ khỏi cơn thịnh nộ!
Như vậy cảnh
tượng Đức Giêsu khải hoàn tiến vào
Giê-ru-sa-lem cỡi trên lưng lừa không đơn
thuần chỉ là một hình ảnh gây ấn
tượng. Nếu Hy tế Thập giá là cả một
mạc khải vĩ đại về Thiên Chúa tình yêu và
cứu độ, thì hình ảnh ‘cỡi lừa’ này chính là
một phần của mạc khải đó (cũng như
hình ảnh con rắn đồng trong Ga 3,14-18). Nó nói lên một
Thiên Chúa hiền hòa, không kết án, không luận phạt; nó
là hình ảnh rất Do Thái về một đấng Mê-si-a
hiền hòa và xót thương, cứu vớt và tha thứ;
một đấng Mê-si-a, ‘Đấng ngự đến
nhân danh Chúa’ phải là như thế, không thể nào khác
được!
Lạy Đấng Mê-si-a hiền hòa cỡi trên
lưng lừa con, ai có thể mở miệng tung hô và đón nhận Người cách
nhiệt tình nhất nếu không phải là những
người tội lỗi thấp hèn? Nếu con không
biết tung hô lòng từ bi nhân hậu
Chúa, biểu lộ cách rực rỡ nơi mầu
nhiệm Thập Giá, thì y như Chúa nói: “sỏi đá
cũng sẽ kêu lên!” Xin cho tâm hồn con không bị trai cứng
còn hơn cả sỏi đá tới độ không
biết mở miệng lớn tiếng ca tụng tình
thương cứu độ Người đã thực
hiện trên thập giá vì yêu con! Amen.
|