Bệnh “hùa theo đám đông”
(Suy niệm của Lm.
Giuse Tạ Duy Tuyền)
Khi làm sai một
điều gì đó, người ta thường biện
minh rằng: "Người ta làm sao, tôi làm vậy.
Người ta làm bậy, tôi làm theo".
Câu nói này không hẳn là
lời nói cho vui mà dường như là căn bệnh
của xã hội qua mọi thời đại. Một cách
đơn giản, mỗi khi dừng trước đèn
đỏ mà có một người vượt lên
trước, thì y như rằng sẽ có rất nhiều
người vượt lên theo. Lúc này
người ta không để ý đến đèn chỉ
dẫn mà chạy theo đám đông.
Đám đông làm bậy, tôi làm theo.
Người ta kể rằng: có một cậu bé
đang đi trên lề đường bỗng dừng
lại, ngửa mặt lên trời. Có vị giáo sư
đi tới, thấy thế cũng ngạc nhiên dừng
lại, ngước mắt nhìn theo.
Rồi một bà đứng tuổi đi ngang qua cũng
làm y như vậy; một người, rồi một
người nữa… Lúc cậu bé cúi xuống, quay qua quay
lại, ngạc nhiên khi thấy cả chục người
đứng chung quanh mình đều
ngửa mặt nhìn trời. Cậu thành thực hỏi: "Ủa!
Các ông các bà cũng bị chảy máu cam như cháu sao?".
Đây là căn bệnh
"hùa theo đám đông". Đám đông làm mình cũng làm. Sự làm theo đám đông đôi khi bất chấp
lề luật, bất chấp tội lỗi. Dường như người ta nghĩ rằng
nhờ đám đông mà dảm bớt tội, hay giảm
bớt trách nhiệm. Những bệnh "hùa theo
đám đông này", ta có thể thấy nhan nhản qua
các tội: nam nữ sống "góp gạo thổi cơm
chung" nơi khá đông tầng lớp công nhân và sinh viên
xa nhà; chuyện phá thai nơi những bà mẹ mang con ngoài ý
muốn; chuyện buôn gian bán lận để có
đồng lời trong thời buổi cạnh tranh mà
nhiều người nói rằng "không gian làm sao có
lời"; chuyện hối lộ và tham nhũng
để được việc và giữ được
ghế lâu dài ...; Lợi dụng đám đông để
người ta phạm tội mà không e ngại, không xấu
hổ và nhất là không còn ý thức đâu là tội.
Đám đông làm bậy đã khiến cho tội trở
thành điều bình thường như: nói tục,
chửi bậy, nói dối, nói sai sự thật của
người Việt nam hôm nay. Đám đông làm bậy
đã làm cho nhiều trẻ nhỏ và những người
kém hiểu biết mất ý thức về sự việc
là tội hay không tội. Họ đã làm theo
đám đông mà không còn ý thức về căn tính sự
việc.
Lần
giở lại lịch sử cách đây hơn hai ngàn
năm, Chúa Giêsu được hoan nghênh và kết án,
được tôn vinh, và tẩy chảy cũng chỉ
một đám đông. Đó chính là
đám đông dân thành Giê-ru-sa-lem. Họ đã từng tung hô Chúa Giêsu. Họ đã
từng lấy áo lót đường cho Chúa Giêsu đi qua.
Họ cầm ngành lá vạn tuế để cùng nhau tung hô Chúa là Đấng nhân danh Thiên Chúa mà
đến. Thế nhưng, cũng đám đông đó,
chỉ nghe nhóm biệt phái và thượng tế
định tội Chúa Giêsu, họ đã mau chóng quay lưng
lại với người mà họ đã từng tung hô. Những bàn tay
cầm cành lá vạn tuế lại được giơ
lên trong tư thế nắm đấm đòi triệt
hạ Chúa Giêsu. Những lời tung hô
đầy niềm vui được thay bằng những
lời hằn học đầy căm phẫn. Có lẽ có rất nhiều người trong
đám đông đó không hề thù ghét Chúa Giêsu. Có
lẽ trong đám đông đó còn có rất nhiều
người đã từng nhận ân
nghĩa của Chúa Giêsu. Thế nhưng,
họ đã bị đám đông lôi cuốn vào chuyện
gian ác để đòi đóng đinh người vô
tội trên thập tự giá.
Dòng đời hôm nay
vẫn còn đó những người công chính bị hạ
bệ, bị lấy mất thanh danh bởi đám đông
đang rỉ tai nhau bỏ vạ, cáo gian, nói hành, nói xấu ...
Dòng đòi
hôm nay vẫn còn đó những người bị
tước mất tất cả danh dự, lẫn vật
chất vì đám đông hãm hại mà không biết thanh minh
từ đâu.
Dòng
đời hôm nay vẫn còn đó những bất công khi
đám đông cuồng tín bất chấp lề luật toa
rập với nhau hãm hại người công chính.
Dòng đời hôm nay
vẫn còn đó những người công chính dám bảo
vệ chân lý lại bị đám đông tẩy chay theo chủ nghĩa đồng cảm
chứ không đồng thuận.
Dòng đời hôm nay
tội lỗi vẫn lan tràn, khi mà
đám đông đã không đủ tỉnh thức
để hồi tâm, để dừng lại. Nhưng
lại hùa theo nhau để làm bậy
đến mức độ mất ý thức về
tội.
Đám
đông dân thành Giê-ru-sa-lem đã toa rập với nhau
giết hại người công chính. Có
lẽ, họ đã hối hận sau cái chết của
Chúa Giêsu. Có lẽ, họ đã hoảng
sợ khi nghe tin Ngài đã từ cõi chết sống
lại. Nhưng đã muộn. Giu-đa đã tự vẫn. Phê-rô
xấu hổ. Viên đội
trưởng chỉ thở não nề mà nói
"Người này thật là Con Thiên Chúa". Đám đông xôn xao lo lắng. Tất
cả đã muộn khi sự ác chiến thắng.
Người công chính đã bị kết án
tử hình.
Là người ky-tô hữu chúng ta phải sống yêu
thương. Tình yêu thương đòi
buộc chúng ta đừng làm điều gì có lỗi
với lương tâm. Tình yêu đòi buộc chúng ta
vượt trên đám đông, trên dư luận để
đừng hùa theo đám đông mà
phải can đảm bảo vệ chân lý, bảo vệ
lẽ phải. Tình yêu đòi buộc chúng ta phải
sống trung thực với chính mình, biết tôn trọng sự
thật và can đảm bảo vệ sự thật.
Đừng vì sợ hãi mà im lặng để bất công lan tràn, sự dữ ngự trị.
Xin cho mỗi người chúng ta luôn tỉnh thức
trước sự dữ, luôn có lập trường
vững chắc trong cuộc sống. Xin đừng vì nhát
đảm mà làm ngơ trước bất công nhưng luôn
can trường bảo vệ chân lý và sự thật. Amen.
|