Thuốc
bất tử – Lm. Trịnh Ngọc Danh
Thời
Chiến quốc, có một người đem dâng cho vua
nước Sở một vị thuốc bất tử.
Người ấy bưng vị thuốc vào, đi ngang qua
một viên quan canh cửa. Viên quan này hỏi:
- Vị thuốc này có ăn được không?
Người
kia đáp:
- Ăn
được.
Tức
thì, viên quan giật lấy vị thuốc mà ăn.
Chuyện đến tai vua. Vua truyền bắt viên quan đem giết.
Viên quan
kêu:
- Thần đã hỏi
người đem dâng thuốc là có ăn
được không. Người ấy bảo: “ăn được”, nên thần mới dám
ăn. Như thế là thần vô tội mà
lỗi là ở người dâng thuốc. Hơn
nữa, người đem dâng thuốc nói là thuốc “
bất tử”, nghĩa là thuốc ăn vào thì không chết
nữa. Thế mà thần mới vừa ăn xong, lại
sắp phải chết; vậy là thuốc “tử” chứ
đâu phải thuốc “bất tử”? Nhà vua
giết thần, thực là oan uổng cho một
người vô tội; điều đó có nghĩa là thiên
hạ dối lừa nhà vua mà nhà vua vẫn tin.
Nghe nói có
lý, nhà vua bèn tha chết cho viên quan.
Một
khát vọng
Chẳng ai muốn chết, và ai cũng
muốn sống lâu, sống trường thọ; nhưng
oái ăm thay! chết lại là số
kiếp của con người, ai cũng phải một
lần đi qua kết cuộc ấy.
Sống được trên trăm
tuổi đã là tuổi hiếm thấy trên thế gian; vì
thế người ta mới ghi vào sổ kỷ lục
những ai sống trên trăm tuổi: cụ già sống
được 110 tuổi một tháng, đạt kỷ lục
trường thọ hơn cụ già sống 110 tuổi 20
ngày! Càng về cuối đời,
người ta không tính sống được bao nhiêu
năm, bao nhiêu tháng nhưng tính hơn nhau từng ngày.
Sống lâu trường thọ đến
thế là một điều khâm phục, một niềm
tự hào. Thọ là một trong ba nguyện
ước con người thường cầu chúc cho nhau:
Phúc- Lộc- Thọ.
Những mỹ phẩm mà người
ta rao bán: làm trẻ mãi không già, thực ra chỉ có thể
che lấp đi được những nếp nhăn nheo
cằn cỗi trên thân xác, nhưng không thể níu kéo hay xoá
đi tuổi già của thời gian. Và giả như ai
đó phát minh ra được một thứ thuốc kéo
dài tuổi thọ đến 100 hay 200 năm, chắc
chắn người ấy sẽ trở thành nhà tỷ
tỷ phú, và nếu chế được một thứ
thuốc trường sinh bất tử thì chắc
người ấy sẽ là người giàu nhất
thế giới.
Thế mới biết: làm sao cho
được “trẻ mãi không già”, được
“sống lâu, bất tử” là khát vọng, nhưng
đồng thời cũng là tuyệt vọng của con
người.
Muốn
sống, phải chết
Người đời bảo: chết
là hết; thế mà có một người dám quả
quyết: muốn sống, phải chết đi để
được sống mà không phải sống
trường thọ 2,3 trăm năm mà
sống bất tử, sống đời đời:
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không
thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình,
nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông
hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ
mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì
sẽ giữ được nó cho sự sống
đời đời”. Người
ấy là Chúa Giêsu.
Nhưng chết bằng
cách nào? Là
tự tử? Là hủy hại thân
thể? Không. Chết
là “thối đi”, là “ghét sự sống ở đời
này”; đó là cái chết cho những tiêu cực nơi tâm
hồn. Như thế, chết là hãm mình trước
những cám dỗ của dục vọng, của ý riêng, là
vượt thắng 7 mối tội đầu, là hy sinh vì
10 điều răn Chúa dạy, là từ bỏ những gì
không thuộc ý muốn của Thiên Chúa; vì “Tính xác thịt
thì ước muốn những điều trái nghịch
với Thần Khí; còn Thần Khí lại ước
muốn những điều trái nghịch với xác
thịt… Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai
cũng rõ; đó là dâm bôn, ô uế, phóng đảng, thờ
quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng
giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say
sưa, chè chén, và những việc khác giống như
vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: bác
ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ
tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. ( Gl 5, 17.19-20.22-23)
-
Chết
là canh tân đổi mới, là cải thiện tâm hồn,
là thay đổi não trạng, thay đổi cách suy nghĩ
sao cho hợp với thánh ý của Thiên Chúa: “Anh em
đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải
biến con người anh em bằng các đổi mới
tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa:
cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” ( Rm.
12,2)
-
Chết
là chấp nhận hy sinh, chịu “thối đi” nơi con
người thể xác để cho hạt giống
đức tin và Tin Mừng có điều kiện nẩy
sinh và mang lại nhiều hoa trái cho người và cho
đời.
Người không chịu “thối
đi”, không dám “ghét sự sống của mình ờ
đời này”, là người gạt bỏ sự siêu nhiên
ra khỏi cuộc đời của người Kitô
hữu, không còn tìm thánh ý Chúa, không còn hành động cho sáng
danh Chúa; là cho rằng hy sinh, khiêm nhường, nhịn
nhục là dại dột, chỉ vâng phục khi nào mình
thấy hợp lý, có lợi cho bản thân.
Người không chịu “thối
đi”, không dám “ghét sự sống của mình ở
đời này” là người chỉ xem hạnh phúc
trần thế là cứu cánh của cuộc sống; là
người vẫn dự lễ, đọc kinh tối
sáng, vẫn làm những công việc bác ái, nhưng cuộc
sống của họ lại xa lạ với Tin Mừng.
Trọng tâm của cuộc đời của họ là
quyền hành, lạc thú, tiền của. Bạn hữu
của họ là những người giàu sang quyền
thế, ngay cả những kẻ bóc lột, tham nhũng… Họ không nghĩ đến đời sau, bình thản
như thể họ sẽ sống muôn đời trên cõi
đời này và thiên đàng đối với họ là
trần gian. Đó là những hạt giống không
chịu “thối đi”, không chịu mục nát, những
hạt giống “sống trơ trọi một mình”, nên
không “sinh nhiều bông trái” cho đời, cho người,
không manh ích lợi gì cho ai và như thế, cuộc sống
của họ “sẽ mất”.
Thuốc
bất tử
Phương thuốc bất tử mà
Chúa Giêsu muốn mang đến cho con người là: sám
hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).
-
Trước
tiên, phải sám hối, chịu “thối đi”, chịu
“mất mạng sống mình” mới chỉ là những
thứ chúng ta phải kiêng khem, phải hy sinh, phải hãm
mình như người mắc bệnh tiểu
đường phải kiêng ăn
ngọt, người cao máu phải kiêng ăn mặn.
-
Kế
tiếp, là tin vào Tin Mừng như lời Chúa đã phán: “Ai
nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì
được từ cõi chết mà qua cõi sống”. (Ga. 5,24); hay “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta,
thì có sự sống đời đời”. (Ga. 6,55)
Tóm lại, bài thuốc bất tử mà
Chúa muốn ban cho chúng ta là Thập gía. Chúa
Giêsu đã chấp nhận chết đi để trở
thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại
được nhìn lên Ngài và được sống. Hạt
lúa phải chịu nghiền nát để trở thành
cơm bánh nuôi sống con người, thì Chúa Giêsu cũng
vậy, Ngài chấp nhận bị nghiền nát trong
cuộc tư nạn đau thương để trở
thành bánh thánh dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ, đồng
thời trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.
Thập giá đã trở thành ngai Chúa
ngự để phán xét và ban sự sống. Ngài chết
để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành
Đấng ban sự sống đời đời cho chúng
ta. Cách thức để đi đến
chiến thắng vinh quang lại là cách thức đau thương
nhất, khốn cực nhất của trần gian.
Đáp lời kêu gọi của Thầy
Chí Thánh: “Hãy đến mà xem”, “Hãy theo Ta”,
chúng ta đã “đến mà xem”, đã “theo Thầy”, nhưng
còn một điều kiện nữa để
được sống bất tử là “vác thánh gía mình mà
theo Thầy”, không biết chúng ta đã thực hiện
điều kiện ấy chưa! đã
chịu “thối đi” , đã “ghét mạng sống mình”
được bao nhiêu!
|