Hạt lúa
mục nát đi mới trổ sinh bông trái
(Suy
niệm của Lm. Trần Bình Trọng)
Danh tiếng Đức
Giêsu lúc này đã phải vang dội như sóng bạc
đầu, nhất là việc Người vừa làm cho ông
Ladarô đã chết bốn ngày sống lại ở Bêtania
cách Giêrusalem có hai dậm.
Vì thế mà một số người hành
huơng Hy lạp xin ông Phi-líp-phê, có tên Hy-lạp cho yết
kiến Đức Giêsu, có lẽ với hi vọng
được sự thông cảm của người
cũng có tên Hy lạp. Ông Phi-líp-phê
lại hỏi ý kiến ông An-rê cũng mang tên Hy-lạp.
Nhóm người Hy lạp đây không phải là
người Do thái nói tiếng Hy lạp, nhưng là
người Hy lạp sống ở Do thái, đã phải
nghe đồn thổi về việc Ladarô được
Đức Giêsu cho sống lại (Ga 12,17). Trước khi
đế quốc La mã thống trị Do thái, thì đế
quốc Hy lạp đã đặt chân ở đây. Người Hy lạp được tiếng là
chuộng triết học, kiến trúc và nghệ thuật.
Có lẽ vì những lí do đó mà họ đến viếng
thăm Đền thờ Giêrusalem với kiến trúc
đồ sộ nguy nga và xin được gặp
Đức Giêsu.
Dịp này các thượng tế và nhóm
người Pharisêu đang tìm cách hạ sát Đức Giêsu
vì họ sợ ảnh hưởng của Người.
Phúc âm ghi lại, họ sợ thiên hạ theo ông ấy
hết (Ga 12,19). Còn Đức Giêsu thì
gián tiếp trả lời nhóm người Hy lạp khi
bảo các môn đệ rằng: Nếu hạt lúa gieo vào
lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ
trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh
được nhiều hạt khác (Ga 12,24).
Thoạt nghe, người ta cho rằng đó là lời phát
biểu có tính cách tầm thường, vì ai quan sát cũng
đều thấy và biết như vậy. Tuy
nhiên Đức Giêsu không chỉ nói đến tiến trình
biến đổi của thực vật, như cỏ cây
hoa lá mà thôi. Luật đó còn
được áp dụng cho cả loài người về
đời sống thể lý, tinh thần và thiêng liêng
nữa.
Phúc âm còn ghi lại, Đức Giêsu
cầu nguyện với tâm hồn xao xuyến: Lạy Cha,
xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này
mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha (Ga 12,27-28). Khi Giuđa phản đối việc
bà Maria xức dầu thơm cam tùng hảo hạng lên chân
Đức Giêsu, Người cũng đã ám chỉ về
cái chết của Người khi bảo cứ để
bà yên, hầu giữ lại dầu thơm cho ngày mai táng
Người (Ga 12,7). Đức Giêsu còn
ám chỉ Người sẽ phải chết cách bị treo
lên khỏi mặt đất (Ga 12,32),
nghĩa là trên thánh giá.
Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa
đã hứa với dân Người một giao ước
mới và vĩnh cửu, để thay thế giao
ước cũ trên núi Sinai, giao ước mà dân Chúa đã
không tuân giữ. Giao ước mới này không
được viết trên bia đá và
không phải bằng máu chiên cừu, mà Môsê đã dùng
để phê chuẩn giao ước cũ, nhưng
được phê chuẩn bằng máu con Thiên Chúa. Đó là
ý nghĩa của lời truyền phép mà linh mục chủ
tế tuyên xưng trong thánh lễ: Đây là máu Tân
Ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho nhiều
người được tha tội. Theo thư gửi
tín hữu Do thái, ta được biết vâng lời và
chấp nhận khổ giá là một phần của giao
ước mới (Dt 5,8-9).
Sứ điệp mà
Đức Giêsu đến để công bố trong giao
ước mới đưa tới sự chết. Và vì vâng lời, nên Thiên
Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết.
Xét theo bản tính Thiên Chúa, Đức
Giêsu không thể chịu đau khổ và chịu chết. Người chỉ chịu đau khổ và
chịu chết trong thân xác loài người của
Người mà thôi. Vì thế khi sống
lại, Đức Giêsu cũng sống lại trong thân xác
loài người của Người. Còn
xét về bản tính Thiên Chúa, thì trước sau, Ngôi Hai
Thiên Chúa vẫn là một, không hơn không kém, không thêm, không
bớt, không thể chết đi, cũng không thể
sống lại.
Theo định luật
đào thải của bộ máy tiêu hoá, thì cái gì vào, nó
phải ra. Nếu
không sẽ bị ứ đọng. Còn theo
định luật cung cầu của kinh tế, thì có
nhập cảng, phải có xuất cảng. Nếu
không, quốc gia sẽ không có ngoại tệ. Về đời sống tâm lý và đời
sống thiêng liêng cũng có định luật. Khi người ta chỉ sống cho mình, không cho
đi, thì mối liên hệ với người khác sẽ
bị cằn cỗi, và đời sống liêng liêng sẽ
không được vươn lên. Tất cả
những định luật đó: định luật
tự nhiên, định luật tâm lý, định luật
kinh tế, nguyên tắc làm giàu cho đới sống tinh thần
và đời sống thiêng liêng đã được Thiên
Chúa đặt để trong vũ trụ và trong tâm
khảm loài người.
Để chia sẻ sự sống
mới với Đức Kitô, ta phải đi theo tiến trình của kiếp sống con
người: sinh lão bệnh tử. Trường
hợp các vị tử đạo đã làm, là chấp
nhận cái chết vì đức tin vào Chúa để
được hưởng sự sống mới. Tuy nhiên rất ít người được phúc
tử vì đạo. Đa số loài
người trải qua cái chết tự nhiên. Ta
cũng có thể hiểu cái chết ở đây theo nghĩa bóng. Có những văn sĩ
cũng đã dùng quan niệm chết đi theo
nghĩa bóng như "chia ly là chết cho mình một
nửa" để nói lên sự mất mát về tình
cảm và tinh thần.
Như vậy theo nghĩa bóng của cái
chết thì người tín hữu phải sẵn sàng
chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê
nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ,
chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi
cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái
độ sống chết mặc bay để có thể
được tham dự vào đời sống mới
với Đức Kitô. Sẵn sàng chịu chê cười
nhạo báng và chịu bách hại vì tin yêu Chúa là chết
đi một phần. Sẵn sàng trả giá trong cách
sống, cách nói năng và hành động để làm môn
đệ Chúa, cũng là chết đi cho mình một
phần. Sẵn sàng chịu mất mát, mất bạn bè,
mất việc làm, mất địa vị xã hội,
nếu những sự việc trên làm cản trở cho
bước đường làm môn đệ, làm sứt
mẻ mối liên hệ với Chúa, cũng là chết
đi cho mình một phần. Nói tóm lại chỉ khi nào
người ta tham dự vào cuộc hi sinh khổ hình
của Chúa, ta mới có thể chia sẻ cuộc phục
sinh vinh hiển với Người (2 Tim 2,11).
Lời cầu nguyện xin cho
được chết đi cho tội lỗi:
Lạy Chúa Giêsu! Chúng xin
cảm tạ Chúa
đã
đến thế gian, chấp nhận hi sinh thánh giá
để cứu
chuộc tội lỗi loài người, gồm tội
riêng con.
Xin cho con được
sẵn sàng chết đi cho tội lỗi
và các
thứ tính mê nết xấu
để con
được sống lại trong ơn nghĩa với
Chúa. Amen.
|