Đền thờ Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm
Anphong Trần Đức Phương)
Đền Thờ Giêrusalem hùng vĩ
đã được xây cất thời vua Salomon từ
năm 967-964 trước Chúa Giáng Sinh (BC) trong thành Giêrusalem
Cổ, trên đồi Moriah (nơi được coi
như Abraham đem con trai duy nhất là Isaac đến
hiến tế cho Thiên Chúa theo lệnh Chúa truyền (Stk 22,
1-18). Đền thờ này bị người
Babylon thời vua Nabuchodonosor II phá
hủy vào năm 586 (BC), khi họ đến chiếm
đóng Giêrusalem và bắt người Do Thái đi lưu
đày ở Babylon. Đến năm 536 (BC),
người Do Thái được hồi hương; sau
đó, họ lại tái thiết Đền Thờ hùng vĩ như trước. Đến năm
19 (BC), Hêrôđê Đại Đế cho xây cất lại
hùng vĩ hơn. Đến năm 70 sau
Chúa Giáng Sinh, khi người Do Thái vùng lên chống lại
sự cai trị của người Rôma, Đại
Tướng Titus đã dẫn đoàn quân Rôma đến
dẹp tan cuộc vùng dậy, phá hủy hoàn toàn Đền
Thờ Giêrusalem (đúng như Chúa Giêsu đã nói
trước vào khoảng năm 30: “Sẽ không còn hòn đá
nào trên hòn đá nào…” (Mt. 24, 2; Mc. 13,2; Lc.
21,6), và bắt tất cả người Do Thái đi
lưu đày khắp nơi trong Đế Quốc Rôma, và
từ đó dân Do Thái lại phải rời bỏ quê
hương. Sau gần 2 ngàn năm mất
nước, người Do Thái lại tìm cách trở về
và khôi phục lại quê hương là nước Israel ngày nay từ năm
1948.
Đền Thờ Giêrusalem luôn luôn
là trung tâm thờ phượng của người Do Thái. Vào dịp Đại lễ,
người Do Thái ở các nơi trở về thờ
phượng Chúa tại Đền Thờ Giêrusalem
thường phải đổi tiền và mua các con vật
như chiên, bò, bồ câu để dâng làm lễ vật theo
nghi thức Do Thái Giáo thời đó. Vì
thế, người ta lợi dụng dịp này, biến
Đền Thờ thành chỗ buôn bán, đổi chác
để kiếm lời.
Trong bài Phúc Âm Thánh lễ hôm nay (Ga 2, 13-25), Chúa Giêsu
đã phải tỏ thái độ mạnh mẽ
để tìm cách thanh tẩy Đền Thờ cho xứng
đáng nơi thờ phượng: “Mang tất cả
những thứ này đi nơi khác! Đừng
biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán!” Trước
phản ứng của người Do Thái, Chúa Giêsu cũng
dùng dịp này để nói về việc chính Chúa Giêsu
sẽ bị họ giết đi, nhưng sau 3 ngày, Ngài
sẽ sống lại.
Đền Thánh Giêrusalem đã bị phá hủy hoàn
toàn để chấm dứt thời gian Cựu
Ước và bước sang thời Tân Ước, và
việc thờ phượng Thiên Chúa không phải chỉ
lệ thuộc vào ‘Đền Thờ’, nhưng quan
trọng là thờ phượng Chúa trong ‘tinh thần và chân
lý’ (Gioan 4,23-24), bằng tâm hồn và lương tâm ngay
thẳng của chúng ta do việc giữ đầy
đủ các giới răn của Chúa đã
được ghi rõ trong sách Xuất Hành (Bài Đọc I:
Xh. 20, 1-17): Chu toàn các bổn phận thờ phượng
Chúa, phụng dưỡng cha mẹ già yếu, thương
yêu nhau, giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh
tật, giữ phép công bằng và xa tránh các tội lỗi
theo ham muốn xác thịt. Đó cũng là
điều chúng ta đều phải suy nghĩ nhiều
trong Mùa Chay Thánh để sửa đổi các lầm
lỗi trong quá khứ và canh tân cuộc sống.
Vào Thánh Đường nào chúng ta
cũng nhìn thấy Thánh Giá là ảnh tượng chính,
để nhắc nhở chúng ta về những hy sinh
đau khổ Chúa Giêsu đã phải chịu để
đền thay tội lỗi chúng ta, để chúng ta
thấy rõ hậu quả của tội lỗi mà chừa
bỏ và xa lánh dịp tội. Vì thế, Thánh Phaolô trong Bài Đọc II (1Cr 1, 22-25)
nhấn mạnh: Ngài không rao giảng sự khôn ngoan thế
gian, nhưng rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên
Thánh Giá, dù có những kẻ cho là điên rồ.
Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc
nhở chúng ta phải nhắc bảo nhau, cha mẹ có
bổn phận phải nhắc nhở con cái phải
giữ thái độ xứng đáng khi đến các
nơi Thờ Phượng, đặc biệt vào các Thánh
lễ cuối tuần. Ăn mặc nghiêm trang, kín đáo,
nhất là các người có nhiệm vụ lên đọc
Sách Thánh, và các Thừa Tác Viên Thánh Thể… Tất cả
mọi người khi vào Thánh Đường phải
giữ cử chỉ cung kính, nhất là khi lên Rước
Lễ, rước Chúa Trời Đất cao cả, thánh
thiện vào lòng chúng ta. Nói chung, Thánh
Đường là nơi thờ phượng chứ không
phải nơi để trò chuyện, không phải nơi
để khoe tài, khoe sắc, khoe quần, khoe áo!
Thánh Đường giáo xứ
cũng là trung tâm thờ phượng của mỗi giáo
xứ. Bổn
phận mọi giáo hữu chúng ta là chung tay
xây dựng và gìn giữ Thánh Đường luôn xứng
đáng là nơi thờ phượng Thiên Chúa là Cha chúng ta,
là trung tâm tinh thần của giáo xứ, là gia đình thiêng
liêng của chúng ta. Hơn nữa, khi đến Thánh
Đường, chúng ta cùng dâng lễ thờ phượng
Chúa chung với cả Cộng Đoàn Đức Tin,
chứ không phải chỉ là việc cá nhân hay riêng cho
mỗi gia đình. Chúng ta cùng đọc kinh,
cùng hát thánh ca, cùng hiệp nhất với nhau trong việc
thờ phượng Chúa trong một gia đình Giáo xứ
đầm ấm.
Sau hết, tâm hồn mỗi tín
hữu cũng là một Đền Thờ, nơi Ba Ngôi
thiên Chúa ngự trị. Luôn luôn chúng ta phải thanh tẩy Đền Thờ
tâm hồn chúng ta để xứng đáng là Đền
Thờ Thiên Chúa, qua việc giữ mình sạch tội: xét
mình, ăn năn sám hối lỗi
lầm, chừa bỏ tội lỗi hàng ngày; đặc
biệt qua việc lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Xin Chúa thương
thanh tẩy, thánh hóa chúng ta trong Mùa Chay Thánh này.