Chúa biến hình
Tại sao ba môn
đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lại
được diễm phúc chứng kiến cảnh
tượng Chúa biến hình trên đỉnh Taborê. Nhiều
nhà chú giải cho rằng vì Chúa muốn củng cố
niềm tin còn non yếu nơi các ông.
Thực vậy,
mới mấy ngày trước đây khi Ngài loan báo về
những đau khổ và cái chết Ngài phải chịu,
thì Phêrô đã lên tiếng can ngăn: Lạy Thầy, không
thể như thế được. Và Chúa Giêsu đã
quở trách Phêrô: Hỡi Satan, hãy cút đi, con chỉ làm
cản trở đường đi nước
bước của Thầy, vì những tư tưởng
của con không xuất phát từ Thiên Chúa, mà chỉ
xuất phát từ con người.
Sau lời quở
trách ấy, thì có lẽ giờ đây các ông đang cần
một liều thuốc bồi bổ tinh thần. Từ đó chúng ta
đi vào phạm vi đức tin và chúng
ta có thể xác quyết: hành trình của đức tin
giống như hành trình của một chiếc tàu đi
biển. Có lúc được nâng lên cao, có lúc
lại bị hạ xuống. Thường
nó có những điểm cao và những điểm thấp
của nó. Có lúc lên núi thì cũng phải
có lúc xuống đồi. Có những lúc bùng sáng, thì
cũng có lúc như muốn tàn lụi. Hãy nhìn
vào ba vị tông đồ thân tín nhất của Đức
Kitô và chúng ta sẽ thấy được như vậy.
Thực thế,
đức tin của các ông hôm nay rực sáng như một
ánh đuốc trong đêm tối, nhưng có những lúc
ngọn lửa ấy như muốn tàn lụi. Đúng thế,
chỉ một vài tháng sau, tại vườn cây dầu
tại dinh thượng tế, tại đỉnh cao
đồi Canvê, các ông người thì chối Chúa, kẻ
thì bỏ Chúa mà chạy trốn. Đức tin của chúng
ta cũng vậy, có những lúc lên cao và có những lúc
xuống thấp… Khi lên cao, chúng ta cảm thấy gần gũi Chúa đến độ chúng ta
tưởng rằng mình có thể đụng chạm
tới Ngài, chúng ta thấy rằng ơn thánh của Ngài
luôn ấp ủ bao bọc và nâng đỡ chúng ta. Trái lại khi xuống thấp, chúng ta cảm
thấy như Chúa xa lìa chúng ta, không còn đón nhận
những lời chúng ta kêu xin. Chúa không còn gần gũi chúng ta, mà chỉ là một nhân vật
xa lạ, một ý niệm trừu tượng, chẳng
ăn nhập gì với cuộc sống chúng ta. Vậy thì trong những lúc bị xuống thấp
như thế chúng ta phải làm gì?
Tôi xin thưa, hãy noi
gương bắt chước tổ phụ Abraham. Niềm tin của
ông có phần yếu ớt và bị lu mờ khi Thiên Chúa
đòi hỏi ông phải hy sinh đứa con duy nhất là
Isaac, đem nó lên núi mà sát tế để dâng kính Ngài. Điều đó làm cho ông đau khổ và bối
rối. Thế nhưng ông vẫn
một lòng cậy trông và phó thác vào Chúa. Cuối
cùng, Chúa đã không để cho ông phải thất
vọng. Ngài đã chúc phúc và ban cho ông nhiều hồng
ân hơn cả lòng ông mơ ước.
Đôi khi Thiên Chúa cũng thử thách đức tin của
chúng ta. Tâm hồn chúng ta thì chất
đầy những đắng cay, bản thân chúng ta thì
khổ đau buồn phiền, thế nhưng hãy tin
tưởng và cậy trông vào Chúa như Abraham ngày xưa,
bởi vì Ngài sẽ nâng đỡ và phù trợ chúng ta.
Để kết
thúc, chúng ta hãy ghi nhớ tư tưởng sau đây
của thánh Giacôbê tông đồ: Phúc cho ai bị thử
thách mà vẫn trung thành, bởi vì người đó sẽ
được Thiên Chúa ân thưởng
bằng sự sống mà Ngài đã hứa ban cho những
kẻ yêu mến Ngài.
|