Đức
Giêsu trong hoang địa
(Suy
niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)
Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 1,12-15)
gồm hai phần: Đức Giêsu ở trong hoang
địa (cc.12-13) và Đức Giêsu khai mạc công
việc rao giảng (cc.14-15). Vì chúng ta mới
suy niệm cc.14-15 trong Chúa Nhật III Thường Niên, nên
hôm nay, bài suy niệm này sẽ chỉ tập trung vào
phần nói về sự kiện Đức Giêsu ở trong
hoang địa. Và những gì sắp được
trình bày trong bài suy niệm này sẽ chỉ là một trong
những cách hiểu có thể có về sự kiện
ấy theo cách diễn tả của tác
giả Mc.
Câu chuyện xảy ra ngay sau khi
Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan:
“Thần Khí liền đẩy Người vào hoang
địa. Người ở trong hoang
địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ,
sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ
Người” (cc.12-13).
Thần Khí, sức mạnh của Thiên
Chúa, “đẩy” Đức Giêsu vào hoang địa. “Đẩy” ở đây là một ẩn dụ
chỉ sự thúc đẩy thần linh mà Đức Giêsu
trải nghiệm; đó là sự thúc đẩy bên trong,
mạnh mẽ, không thể cưỡng lại
được. Sức mạnh của
Thần Khí tràn ngập nơi Đức Giêsu và đặt
Người, một cách chắc chắn, vào trong “hoang
địa”. Và vì là tác động
thần linh của chính Thiên Chúa, sự thúc đẩy và đặt
để đó hẳn nhiên sẽ phù hợp với
chương trình của Thiên Chúa về Đức Giêsu.
Chương trình đó đã từng được tác
giả Mc trình bày ngay từ những dòng đầu tiên
của cuốn sách như một con đường (1,2). “Hoang địa” mà Thần
Khí đẩy Đức Giêsu vào, vì thế, là nơi
chốn mà ở đó Người phải thực hiện
cuộc hành trình của Người.
Về bản chất,
hoang địa này khác hẳn hoang địa của ông
Gioan Tẩy Giả. Trong
trường hợp của ông Gioan, đó là một nơi
chốn địa dư, gần sông Giorđan, không dân
cư và tách biệt hẳn xã hội con người;
nhưng khi ông Gioan ở đó thì xảy đến hàng
loạt những hoạt động do sự xuất
hiện của các thành phần xã hội từ bên ngoài kéo
đến: ông giảng dạy, ông làm phép rửa và
người ta lãnh ơn tha thứ… Còn hoang địa mà
Thần Khí đẩy Đức Giêsu vào thì không
được xác định rõ ràng. Đức Giêsu đi
vào trong hoang địa này bởi tác động của
Thần Khí, ở lại đó trong một giai đoạn
dài và thuần nhất (40 ngày), chịu cám dỗ, sống
giữa các loài dã thú và được các thiên sứ
phục vụ. Tác giả không kể bất cứ hoạt
động nào của Người, kể cả việc cầu
nguyện và ăn chay. Trong hoang
địa này, bên cạnh Đức Giêsu, có sự hiện
diện của ba loại “cư dân”: Satan, các loài dã thú và các
thiên sứ. Tính chất và sự hiện diện đồng
thời của ba loại “cư dân” này quanh Đức Giêsu
khiến cho hoang địa này không còn mang tính chất
địa dư – lịch sử nữa, mà là một hình
ảnh ẩn dụ mang tính biểu tượng – thần
học.
Đức Giêsu, theo chương trình
của Thiên Chúa, đang thực hiện cuộc hành trình
của Người, đang đi trên con đường
của Người (x.1,2). Đỉnh
điểm của cuộc xuất hành của Người
sẽ là biến cố tử nạn – phục sinh. Xưa, hoang địa là nơi chốn của
cuộc xuất hành của dân Israel đi về đất
hứa. Nay,
“hoang địa” cũng là nơi chốn diễn ra
cuộc hành trình hướng đến biến cố
tử nạn – phục sinh của Đức Giêsu. Sự kiện Người sẽ ở trong hoang địa
bốn mươi ngày (c.13) củng cố cho cách hiểu
này. Mà nếu thế thì “hoang địa” nói đây
chính là cái xã hội – tôn giáo Do Thái, trong đó Đức
Giêsu sống và hoạt động cho đến khi
Người bước vào cuộc tử nạn – phục
sinh của Người. Chính Thần Khí
đẩy Người đi vào trong cái xã hội – tôn giáo
đó.
Nhưng hoang địa,
tự bản chất, là hình ảnh của một nơi
chốn tách biệt khỏi xã hội. Trong trường hợp của
Đức Giêsu, sự tách biệt này, vì thế, phải
được hiểu theo nghĩa
của sự tách biệt về các nguyên tắc và giá
trị. Đức Giêsu ở trong “hoang địa”, tức
là Người tuyệt đối không chia sẻ các giá
trị giả dối và sai lầm của cái xã hội – tôn
giáo Do Thái và không chấp nhận những nguyên tắc và giá
trị đó. Có một sự cắt
đứt, một sự đoạn tục, một
sự tách lìa giữa Đức Giêsu với các nguyên
tắc và giá trị đó. Tính chất
của ẩn dụ “hoang địa” cho phép chúng ta hiểu
như thế.
Bắt đầu Mùa Chay
thánh, chúng ta cũng đang được Thần Khí
đẩy vào “hoang địa” để thực hiện
cuộc xuất hành của chính mình và của cộng
đoàn mình. Đối
với tuyệt đại đa số chúng ta, đây
sẽ không phải là một hoang địa theo
nghĩa nơi chốn địa dư, mà là theo nghĩa
biểu tượng – thần học. Đó
là nơi chúng ta thực hiện cuộc hành trình đời
mình như dân Israel xưa thực hiện
cuộc hành trình đi từ cõi nô lệ Ai Cập về
miền đất hứa “chảy tràn sữa và mật”. Đó là nơi xảy
đến cuộc xuất hành của chúng ta, cuộc
xuất hành đưa chúng ta vào trong đất hứa là
Nước Thiên Chúa. Hoang địa, theo
nghĩa đó, là chính môi trường sống và làm việc
cụ thể của chúng ta trong hiện tại.
Nhưng “hoang địa”
mà Thần Khí đang đẩy chúng ta vào cũng có nghĩa
là một chốn tách biệt, như xưa đã xảy ra
với Đức Giêsu.
Trong ý nghĩa sự “đi vào hoang địa” là biểu
tượng cho một sự tách biệt, một sự
giữ khoảng cách đối với những nguyên lý và
giá trị sai lầm đang chi phối xã hội, thì
việc Đức Giêsu vào hoang địa, như chúng ta
đã nói, là việc Người không chấp nhận hành
xử theo các nguyên lý và giá trị sai lầm của xã
hội và tôn giáo Do Thái đương thời. Đối với chúng ta cũng vậy.
Thần Khí đang đẩy chúng ta vào hoang địa, cách
riêng là trong Mùa Chay thánh này, tức là Thần Khí thúc
đẩy chúng ta không thỏa hiệp và không sống theo
những nguyên lý và giá trị tầm thường thế
gian, ngay trong những môi trường xã hội và môi
trường làm việc hiện tại của chúng ta:
những ý thức hệ sai lạc, những giá trị
ảo của chủ nghĩa hưởng thụ, hay
những não trạng duy vật và duy khoái lạc…
Đức Giêsu đã làm theo
sự thúc đẩy của Thần Khí. “Người
ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu
Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ
hầu hạ Người” (c.13).
Trong
Cựu Ước, con số “bốn mươi”
thường được dùng để chỉ một
giai đoạn trong đó diễn ra một tình trạng
thuần nhất nào đó như thời hòa bình hay thời
của một triều đại… Thí dụ trong Tl 3,11; 5,31; 8,28; 13,1; 2V 8,17; 12,2 chẳng hạn.
Một điều chắc chắn là con số bốn
mươi luôn ám chỉ đến bốn mươi
năm con cái Israel đi trong hoang địa, tức là giai
đoạn họ đi từ chốn nô lệ Ai Cập về
đất hứa (x. Ds 14,33.34; 33,38; Đnl 1,3; 2,7; 29,4; Gs
14,17; Tv 95,10; Am 2,10; 5,25…). Vì thế, chi tiết “Đức
Giêsu ở trong hoang địa bốn mươi ngày” rõ ràng
mang giá trị biểu tượng, chỉ về cuộc
xuất hành của Người, tức là cuộc hành trình
đưa Người đi đến đỉnh
điểm là cuộc tử nạn và phục sinh của
Người.
Trong “hoang địa”,
Đức Giêsu chịu Satan cám dỗ suốt
bốn mươi ngày. “Satan” là một hạn từ Hípri. Thoạt
kỳ thủy, hạn từ này về căn bản có
nghĩa là một kẻ chống đối hay một
đối thủ chuyên cáo tội trong các vụ án (x. Tv 109,6; 1Mcb 1,36). Từ đó nó có nghĩa chỉ
về một thành viên của triều đình thiên thai,
chuyên cáo tội con người trước mặt Thiên Chúa
(x. G 1,6-12; 2,1-7). Vào thời Đức
Giêsu, người ta không còn nghĩ Satan là một thành viên
của triều đình thiên thai nữa,
nhưng có thể hiểu như là một tinh thần thù
nghịch của con người, luôn tìm cách đẩy con
người đến chỗ sai lạc và luôn muốn tàn
phá công trình của Thiên Chúa. Trong cái xã hội Do Thái
được ẩn dụ trong bài Tin Mừng bằng hình
ảnh “hoang địa”, thì Satan, trong vai kẻ cám dỗ
Đức Giêsu, chính là những thế lực/nhân vật
liên tục tìm cách làm cho Đức Giêsu phản bội
lại chương trình của Thiên Chúa về
Người. Trong Mc 8,33 Đức Giêsu
sẽ gọi Phêrô là Satan vì ông ta ngăn cản Đức
Giêsu thực hiện chương trình của Thiên Chúa và
muốn Người đi theo “tư tưởng của loài
người”. Trong cuộc đời hoạt động
công khai của Người trước khi đi vào
cuộc tử nạn – phục sinh, giữa “hoang
địa” là xã hội và tôn giáo Do Thái, Đức Giêsu
sẽ phải liên tục đối diện với
những thế lực/nhân vật như thế. Bài Tin Mừng
hôm nay gọi là “Người chịu Satan cám dỗ”.
Loại “cư dân” thứ hai trong “hoang
địa” mà bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến, là các
loài dã thú: Đức Giêsu “sống giữa loài dã thú”.
Thông thường, các loài dã thú được hình dung trong
đặc điểm hung dữ của chúng: chúng tấn
công và thậm chí ăn thịt con
người. Vì thế, trong các sách ngôn sứ, ẩn dụ
dã thú thường được dùng để nói về tai
ương, ví dụ trong Is 18,6; 56,9; Gr 7,33; 12,9; 16,4; Ed 32,4;
34,5. Nhưng rõ ràng đó không phải là trường
hợp của Mc 1,13. Có một bản
văn ngôn sứ nói về tình trạng tốt lành của
việc sống chung với dã thú, là bản văn Is 11,6-9. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận
cách hiểu ẩn dụ “hoang địa” ở đây ám
chỉ xã hội Do Thái đương thời và “các loài dã
thú” là một thành phần trong đó, thì cũng rõ ràng là
không thể hiểu Mc 1,13 dựa theo Is 11,6-9
được.
Trong số các bản văn Cựu
Ước sử dụng ẩn dụ dã thú, đáng chú ý là
Đn 7. Trong đó, các dã thú
là ẩn dụ chỉ những quyền lực chính
trị kinh khủng của các đế quốc ngoại
giáo. Hiểu như là một thành phần trong khung
cảnh xã hội Do Thái (“hoang địa”), theo
nghĩa tương tự như trong Đn 7, các loài dã thú
ở đây là ẩn dụ của những thế lực
và ảnh hưởng chính trị khác nhau của các phong
trào và các ý thức hệ khác nhau. Đó là những thứ
quyền lực chính trị – xã hội – tôn giáo áp bức,
hay ít là gây sức ép, trên những con người đang
sống trong xã hội đó. Chúng tác
động trên con người, từ bên ngoài; và chúng
sẽ thi thố sức mạnh của mình, ít là về
mặt thể lý, để đẩy Đức Giêsu
đến cái chết thảm thương trên thập giá
sau này. Đức Giêsu “sống giữa
loài dã thú” tức là chấp nhận làm đối
tượng mà các thứ quyền lực ấy nhắm
đến và không ngừng tìm cách tác động, gây ảnh
hưởng.
Loại “cư dân” thứ ba trong “hoang
địa” mà Mc 1,13 nói đến là các
“thiên sứ” (aggelos). Trong Tin Mừng Mc, lần
đầu tiên “thiên sứ” được nói đến,
chính là ở 1,2. Và hình ảnh của
aggelos đó được thể hiện một cách
cụ thể – lịch sử nơi Gioan Tẩy Giả (1,4). Như thế, trong Mc,
“aggelos” vẫn có thể là con người chứ không
nhất thiết phải là hữu thể thiêng liêng.
Nếu chúng ta chấp nhận cách giải thích phía trên
về ba hình ảnh “hoang địa”, “Satan” và “dã thú”, thì
chúng ta cũng sẽ dễ dàng chấp nhận cách giải
thích, theo đó, ẩn dụ “các thiên sứ” ở đây ám
chỉ một nhóm người nào đó trong cuộc
đời hoạt động công khai của Đức
Giêsu. Nhóm này có chức năng cộng tác
với Đức Giêsu, kể cả việc phục
vụ Người. Vậy, có thể hiểu “các thiên
sứ” ở c.13 là hình ảnh ẩn dụ của
những con người gắn bó với Đức Giêsu,
giúp đỡ Người khi Người thi hành sứ
vụ và cộng tác với Người trong công cuộc
của Người. Đức Giêsu chấp
nhận sự phục vụ của các thiên sứ trong
hoang địa có nghĩa là người chấp nhận
sự phục vụ, giúp đỡ và cộng tác của
những con người đó trong khi Người thực
hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Tóm lại, trong phần
đầu bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Mc đã sử
dụng những hình ảnh ẩn dụ rất phong phú và
sâu sắc. Tất
nhiên, cách giải thích vừa được trình bày vẫn
chỉ là một trong những cách hiểu về những
hình ảnh được tác giả Mc sử dụng.
Nhưng dù sao, trong khung cảnh của
phụng vụ Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay, cách hiểu này
gợi ý cho chúng ta nhiều suy tư thiết nghĩ là
rất đáng chú ý, liên quan đến cuộc sống và
việc thi hành sứ mạng của các Kitô hữu chúng ta.
Chúng ta được mời gọi hãy
để cho chính Chúa Giêsu (như được khắc
họa trong bài Tin Mừng hôm nay) nói với chúng ta về
những gì chúng ta phải sống cách đặc biệt
trong Mùa Chay thánh này.
“Thần Khí đẩy
Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn
mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài
dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13).
|