Hãy cải thiện và hãy tin - Lm. Mark Link
Chủ đề: "Chúng ta phải nhìn nhận
tội lỗi mình, và xin Đức Giêsu cứu giúp
để từ bỏ tội lỗi đó"
Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan
đề “Trong Những Con Đường Xấu Xa” (Down
These Mean Streets). Tác phẩm mô tả
việc ông cải tà qui chánh từ một người
bị kết án tù, một người nghiện ma tuý, và
cố tình giết người để rồi trở
thành một Kitô hữu gương mẫu.
Một đêm kia, Piri
đang nằm trên giường trong phòng giam của mình.
Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng hỗn
loạn mà anh đã gây ra trong đời anh. Anh
cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt là
cầu nguyện. Nhưng anh đang
nằm cùng giường với một tù nhân khác mà người
ta gọi là “thằng ròm”. Vì thế anh
chờ đợi. Sau khi đoán chắc rằng
“thằng ròm” đã ngủ, anh leo ra
khỏi giường và quì xuống nền bê tông lạnh
ngắt để cầu nguyện. Anh kể lại: “Tôi
bầy tỏ với Chúa những gì có trong trái tim tôi… Tôi nói với Ngài những lời mộc
mạc… chứ không phải những lời hoa mỹ… Tôi
nói với Ngài những điều tôi muốn, những
thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất
vọng của tôi,… Tôi cảm thấy
dường như tôi có thể khóc được… Đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi
không thể làm”.
Sau khi Piri cầu nguyện xong, một
tiếng nói nho nhỏ đáp: “Amen”. Đó là
tiếng của “thằng ròm”. Piri nói: “Thế là
hắn nằm sấp xuống, đầu úp trên đôi tay
khoanh lại, còn tôi vẫn quì yên lặng. Một
lúc thật lâu không ai nói với ai. Rồi “Thằng
Ròm” nói nhỏ: “Tôi cũng tin Chúa!”. Hai người bạn trẻ nói chuyện với
nhau một lúc lâu. Rồi Piri leo lên
giường ngủ. Anh nói: “chúc Chico ngủ ngon nhé. Tôi nghĩ
rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng
ta là không ở với Ngài thôi”.
***
Câu chuyện này là
một hình ảnh rất đẹp, minh hoạ những
gì Đức Giêsu muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay khi
Ngài bảo: “Hãy cải thiện đời sống và hãy tin
vào Phúc Âm”. Giáo huấn của Đức Giêsu gồm hai
điều: trước hết là “cải thiện”
đời sống của chúng ta. Sau đó là “tin vào Phúc Âm”,
chúng ta hãy bắt đầu với điểm thứ
nhất: cải thiện
đời sống.
“Cải thiện” hay
“cải tà qui chánh” nghĩa là nhìn nhận những gì
xấu, không tốt đẹp trong đời sống
của chúng ta, và sau đó là từ bỏ chúng, quay lưng lại
với chúng, nói khác đi là thẳng thắn đối
diện với tội lỗi trong đời sống
của ta, rồi cương quyết không tái phạm
nữa. Như thế có nghĩa là bắt
chước Piri Thomas nhìn nhận tình trạng hỗn
loạn mà anh đã gây ra trong đời sống của anh
và quyết định làm một điều gì tốt
đẹp để sửa lại chuyện đó.
Tất cả chúng ta
đều có thể có những kinh nghiệm tương
tự như Piri Thomas. Chúng ta cũng ý thức
về những khuynh hướng xấu thỉnh thoảng
làm hỗn loạn đời sống chúng ta. Chẳng hạn chúng ta ý thức về tính ích
kỷ khiến chúng ta đặt quyền lợi của
mình lên trên nhu cầu của tha nhân. Chúng
ta ý thức về tính cao ngạo khiến chúng ta không
muốn nhìn nhận những sai trái của mình. Chúng ta ý thức về tính lười biếng
khiến chúng ta ngại giúp đỡ tha nhân. “Cải thiện” nghĩa là đối diện
với những khuynh hướng xấu trong đời
sống chúng ta và làm một cái gì để sửa
đổi những khuynh hướng đó.
Điều này
dẫn chúng ta đến điểm thứ hai trong giáo
huấn của Đức Giêsu. Ngòai việc cải thiện
đời sống ra, Đức Giêsu còn yêu cầu chúng ta “tin vào Phúc Âm”. Nghĩa là tin
rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và Ngài đến
để cứu chúng ta. Nghĩa là tìm
kiếm Đức Giêsu đặc biệt trong Bí Tích Hoà
Giải, và nhận nơi Ngài sự tha thứ và chữa
lành. Nghĩa là làm những gì Piri đã
làm sau khi nhìn ra những gì xấu xa trong cuộc sống
của anh. Anh đã quay về với
Thiên Chúa để cầu cứu. Anh tin
vào “Tin Mừng” cho biết rằng Thiên Chúa đã sai
Đức Giêsu đến thế giới này để
cứu chuộc những người tội lỗi như
anh. Chính vì thế, câu chuyện của
Piri Thomas là hình ảnh rất đẹp minh hoạ hai
điểm trong giáo huấn của Đức Giêsu trong bài
Tin Mừng hôm nay. Điểm thứ
nhất là “cải thiện” đời sống.
Điểm thứ hai là “Tin vào Tin Mừng” tin rằng
Đức Giêsu đến để cứu giúp chúng ta.
Cách đây ít lâu, tác
giả Kilian Mc Donnell đã thực hiện một cuộc
thăm dò sâu sắc về những cuộc trở lại. Cuộc thăm dò
ấy đã đáp ứng câu hỏi này: Tại sao có
một vài nhà rao giảng Tin Mừng lại rất thành công
trong việc làm cho thính giả hối cải như
thế? Theo Mc Donnell, có một điều là họ theo giáo huấn của Đức Giêsu trong
bài Tin Mừng hôm nay.
Họ làm cho quần
chúng nhìn nhận rằng mình là những kẻ tội
lỗi, và họ giúp quần chúng quay về với
Đức Kitô để được cứu độ. Ông nói: “Nhiều
người không nhìn nhận Đức Kitô vì họ không
nhìn nhận rằng chính họ là những kẻ tội
lỗi. Nếu tôi không phải là người tội lỗi
thì tôi đâu cần đến Đức Kitô”
Mc. Donnell kết
luận: “Không ai mừng kính những mầu nhiệm
của Đức Kitô một cách vui mừng, nếu
trước tiên người đó không buồn rầu nhìn
nhận rằng mình là kẻ có tội”. Bài Tin
Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta thực hiện hai
điểm quan trọng ấy. Nó
mời gọi chúng ta nhìn nhận mình là những kẻ có
tội, và quay về với Đức Giêsu để
được cứu độ.
Điều đó
khiến chúng ta đi đến một nhận xét
quyết định. Bài Tin Mừng hôm nay mời
gọi chúng ta như thể dẫn chúng ta vào mùa chay một
cách tốt đẹp. Qua các thế kỷ, các Kitô
hữu đều nhận thấy mùa chay là thời gian
Thiên Chúa ban ân sủng cách đặc biệt, nhất là
để giúp ta cải thiện đời sống
Nếu chúng ta
muốn tìm một phương thế đặc biệt
để sống tinh thần mùa chay năm nay, thì không có
phương thế nào tốt hơn là coi mùa chay như một
cơ hội thuận tiện để tái khám phá ra
quyền năng của Bí tích hoà giải và sự bình an này,
chúng ta thực hiện những gì mà Đức Giêsu trong bài
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta làm, chúng ta hãy
nhận thức được tình trạng tội lỗi
của mình và nhận Ngài làm cứu Chúa của ta.
Để kết
thúc, chúng ta hãy suy nghĩ về một đoạn như thư của thánh Phaolô nhận thức
được tình trạng tội lỗi của mình và
nhận Đức Giêsu làm Cứu Chúa của mình. Thánh Phaolô
viết: “Tôi không hiểu những gì tôi làm, vì tôi không làm
những gì tôi muốn làm, mà lại làm những gì tôi không
muốn làm,…vì ngay cả khi tôi muốn
làm điều tốt thì tôi cũng không làm được.
Tôi không làm điều tốt tôi muốn làm mà lại làm
điều xấu tôi không muốn làm… Thật
tôi là người vô phúc biết bao. Ai sẽ cứu
tôi khỏi cái thân xác đang dẫn tôi tới cái chết
này?….. Tạ ơn Thiên Chúa…
người đó là Đức Giêsu Kitô!” (Rm 7: 15-25)
|