Phong cùi
Như chúng ta đã
biết, bệnh phong cùi là
một chứng bệnh hiểm nghèo, rất khó chữa trị. Nó làm cho người mắc phải, bị đau đớn nhức nhối, và trở nên
hôi thối. Nó gậm nhấm các chi thể, làm cho các
chi thể bị băng hoại, chết dần chết mòn và sau cùng
bị rơi rụng.
Hơn thế
nữa, nó còn là một
chứng bệnh rất hay lây, vì thế người
ta thường cô lập những
kẻ mắc phải chứng bệnh này ở một nơi riêng rẽ, không cho tiếp
xúc với thế giới bên ngoài.
Hình ảnh của bệnh phong cùi cũng chính
là hình ảnh
tượng trưng
cho tội lỗi. Bởi vì tội lỗi làm cho
tâm hồn chúng ta trở
nên xấu xa và hôi
thối dưới mắt Thiên Chúa. Nó cũng làm cho
tâm hồn chúng ta bị
băng hoại và sau cùng
giết chết sự sống của Thiên Chúa, sự sống của ơn sủng trong chúng ta.
Đồng thời,
tội lỗi còn là như
một chứng bệnh truyền nhiễm, do gương mù gương xấu của chúng ta mà
nó sẽ lây lan
sang những người
chung quanh.
Thế nhưng
có một điều bi đát, đó là đối
với những kẻ mắc phải chứng bệnh phong cùi, thì như
tôi vừa nói, người ta thường để họ sống biệt lập tại một nơi hoang vắng, hay trong những trại riêng biệt, hầu giới hạn sự lây lan của nó.
Còn tội
lỗi thì khác, nó đang
ở giữa chúng ta, trà trộn
vào trong chúng ta, thế
lực và ảnh hưởng của nó mỗi
ngày một bành trướng, nó tràn ngập
khắp nơi, từ thôn quê
cho tới tỉnh thành, không chỗ nào mà không
có dấu vết của nó, để rồi con người thời nay đã đánh mất ý thức về nó. Họ coi
phạm tội là một chuyện
bình thường, như ăn
một chén cơm, uống một ly nước.
Riêng với chúng ta thì sao? Sau khi đã nhận biết sự nặng nề và xấu xa
của tội lỗi là như
thế, chúng ta hãy có
lấy một điều dốc quyết và kiên trì thực
hiện điều dốc quyết ấy, đó là thà chết
chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa.
Hẳn chúng ta còn
nhớ câu chuyện về vua thánh Louis, ngày kia
ngài cùng với một số quan chức
đi thăm một trại cùi. Ngài hỏi một
viên đại thần. Nếu ngươi được
phép chọn lựa: Một là phạm tội
trọng hai là mắc chứng
bệnh phong cùi thì ngươi
sẽ chọn đường nào.
Viên đại
thần trả lời: kẻ hạ thần thà phạm một trăm tội trọng chứ chẳng thà mắc phải
chứng bệnh ghê tởm ấy.
Thế nhưng nhà vua đã nói
với ông ta: Còn trẫm,
thà rằng trẫm mắc phải chứng bệnh ghê tởm gấp trăm lần chứ chẳng thà phạm một tội trọng mất lòng Chúa.
Cố gắng xa tránh
tội đã đành, còn khi trót phạm
tội, chúng ta phải làm
gì? Tôi xin
thưa, hãy giục lòng thống hối ăn năn, như vua thánh
Đavid ngày xưa: Lạy Chúa, xin thương
xót con, vì con đã vấp phạm đến Chúa, rồi sau đó thi
hành ngay phương thế mà Chúa Giêsu
đã chỉ cho người phong cùi.
Phương thế
ấy như thế nào: Con hãy đi trình
diện cùng tư tế. Phải chăng mỗi khi chúng
ta phạm tội, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta rằng:
Con hãy đi gặp linh mục nơi tòa giải tội.
Bởi vì như chúng
ta đã biết, bí tích Giải tội chính là bí tích
của lòng thương xót, nhờ đó mà chúng ta
sẽ được
Chúa tha thứ. Và tòa giải
tội chính là nơi để
chúng ta gặp gỡ và làm hòa
cùng Thiên Chúa.
Có một
người khô khan nguội lạnh, tới gặp một vị linh mục và nói: Thưa
cha con tội lỗi
nặng nề lắm, chỉ có một cách
là thắt cổ chết quách đi cho
rồi. Vị linh mục dẫn người đó tới chân tượng thánh giá và
hỏi:
Ai chịu chết
trên đó?
- Thưa,
Chúa Giêsu.
Tại sao Ngài
lại chịu chết?
- Thưa,
để cứu chuộc nhân loại.
Vậy trong nhân loại
có con hay không?
- Thưa, có.
Thế là người
đó thêm niềm cậy trông, giục lòng ăn năn,
xưng thú tội lỗi và tìm lại được
sự bình an cho tâm hồn.
Hãy xa
tránh tội lỗi để tâm hồn được bình
an, đồng thời hãy ăn năn sám hối để
lấy lại được tình nghĩa của Chúa.
|