Chúa Giêsu và Người Cùi, Linh Mục Điền Trần
(Mc 1: 40-45, CN 6 TN Năm B)
Một trong những tai hại do hậu quả của tội nguyên tổ để lại chính là bệnh tật. Trong số những bệnh tật thì không có bệnh nào kinh khủng và huỷ hoại con người như bệnh cùi. Bệnh cùi đã khổ nhưng người Dothái bị bệnh cùi lại càng đau khổ gấp bội. Họ sống như đã chết bởi vì tất cả ba mối liên hệ với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa đều bị phá đổ. Với chính mình, người cùi phải chịu nỗi đau thể xác khinh hoàng khi phải ngửi những mùi hôi tanh từ xác thịt của mình toát ra và phải chứng kiến từng phần thân thể của mình biến dạng và từ từ rơi rụng trước mặt mình. Đối với tha nhân, họ bị tách rời khỏi cộng đoàn. Họ phải sống ngoài trại, phải mặc áo rách, xoã tóc che râu và hô to ô uế, ô uế. Đối với Thiên Chúa, họ bị xem như những người tội lỗi bị Thiên Chúa giáng phạt. Họ không được phép bước chân vào đền thờ.
Một trong những cái nhìn méo mó về Thiên Chúa của người Dothái là họ tin vào một Thiên Chúa yêu thương số đông nhưng không dám tin vào một Thiên Chúa yêu thương từng con người cá biệt. Ông Giacaria, cha của Gioan Tẩy Giả cũng từng nghĩ như vậy. Ông tin vào Thiên Chúa quyền năng có thể làm được mọi sự tốt lành cho những người khác, nhưng ông không tin rằng Thiên Chúa để ý đến ông và luôn tìm cách thoả mãn những khát vọng sâu kín của ông, và cũng chính vì vậy mà ông đã bị câm. Nếu chúng ta đọc kỹ Bài đọc I, bài trích sách Lêvi về những chỉ dẫn của Thiên Chúa dành cho những người cùi thì chúng ta cũng có thể dễ dàng kết luận như người Dothái: Thiên Chúa đưa ra chỉ thị cô lập những người cùi bởi vì Ngài chỉ lưu tâm đến số đông những người thanh sạch. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy rằng những suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Ngài thực sự yêu thương từng con người cá biệt.
Trong Bài Phúc âm, một người cùi đã tìm đến với Đức Giêsu. Người cùi này hành động rất táo bạo. Anh đã phá luật. Anh không hô lên ô uế, ô uế nhưng đã đến quỳ trước mặt Chúa Giêsu và xin Ngài chữa bệnh: nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho tôi được sạch. Hành động của anh diễn tả một niềm tin mạnh mẽ, can đảm, một thái độ khiêm nhường sẵn sàng vâng phục ý Chúa. Khác hẳn với Giacaria và những người Dothái khác, người cùi này mặc dù cảm thấy bị Thiên Chúa ruồng bỏ, như sâu thẳm cõi lòng anh vẫn không thể tin rằng một Thiên Chúa yêu thương có thể bỏ rơi chính mình. Cũng như người cùi này, Chúa Giêsu đã hành động khác hẳn với những người Dothái thanh sạch đương thời. Ngài không xua đuổi người cùi, nhưng Ngài đã chạnh lòng thương, đã đụng vào anh và đã chữa lành anh. Chúa Giêsu đã phá luật thanh sạch để diễn tả tình thương cá biệt dành cho người cùi này. Điều đẹp nhất trong Bài Phúc âm này không phải là việc Chúa Giêsu chữa bệnh, nhưng là cách thức Ngài đối xử với người cùi. Bằng việc đụng chạm đến anh, một hành động chưa từng có ai dám làm, người cùi đã được chữa lành khỏi những mặc cảm bị xa lánh và tội lỗi. Có thể nói, trước khi chữa bệnh phần xác, Ngài đã chữa phần hồn cho anh. Với việc chữa lành của Đức Giêsu, người cùi đã được giải thoát khỏi ba mối liên hệ: với chính mình, xác thịt anh được lành lặn; với tha nhân, anh được trở lại cộng đoàn; với Thiên Chúa, anh cảm nghiệm được tình yêu cá biệt của Ngài nơi Đức Giêsu.
Chúa Giêsu đã có thể chạnh lòng thương và chữa lành cho người cùi bởi vì Ngài đã mang chính bệnh hoạn của chúng ta vào thân thể của Ngài. Tiên tri Isaia đã ví Đức Kitô, người tôi tớ đau khổ như người cùi bị mọi người xa lánh, và thật sự trên thánh giá, Chúa Giêsu đã cảm nghiệm được nỗi đau thực sự của người cùi. Cũng như người cùi, thân thể của Ngài bị rách nát. Cũng như người cùi, Ngài bị cả nhân loại xua đuổi nhục mạ, và cũng như người cùi, ngài cảm nhận bị Thiên Chúa ruồng bỏ: lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi nhân sao Ngài bỏ tôi. Thế nhưng trước những nỗi đau đó Ngài vẫn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa Cha.
Tội lỗi chính là bệnh cùi của linh hồn, và tội lỗi còn kinh hoàng hơn cả bệnh cùi thể xác bởi vì nó thực sự huỷ hoại mối liên hệ với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Cái kinh khủng của tội lỗi là chúng ta giết chết Thiên Chúa trong linh hồn chúng ta. Bệnh cùi này cũng chỉ có một mình Chúa Giêsu mới có thể chữa lành. Và Ngài chữa lành chúng ta nơi toà giải tội. Hình ảnh Chúa nói với người cùi trong bài Phúc âm: ta muốn và Ngài đụng chạm vào anh ta là hình ảnh của bí tích. Thế nhưng để được Chúa chữa lành, chúng ta cần phải tin vào tình yêu cá biệt Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta phải tin rằng cho dẫu chỉ có một mình chúng ta trên thế gian này, ngài cũng xuống thế để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta phải tin rằng Ngài có thể làm cho chúng ta được sạch.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta tin tưởng vào tình yêu cá biệt của Chúa, khiêm hạ tìm đến với Chúa trong bí tích hoà giải để Chúa chữa lành bệnh cùi tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta trở thành những người thanh sạch thật sự trước mặt Thiên Chúa.
Linh Mục Điền Trần
|