Đức
Giêsu Đấng chữa lành mọi bệnh tật
(Suy
niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Một khi đã tin vào Đức Giêsu
nhờ lời rao giảng, các tín hữu tiên khởi
tiếp tục tìm hiểu về Đức Giêsu qua
những gì các tông đồ kể lại, và phần
lớn những điều này được ghi lại
nơi các sách Tin Mừng. Niềm tin vào Đức Giêsu làm
thay đổi cuộc đời tín hữu, khi họ
nhận ra Thiên Chúa hằng yêu thương họ, một
cách rất đặc biệt qua Đức Giêsu.
1) Tội còn khủng khiếp hơn
bệnh phong cùi nhiều
Ngày nay với tiến
bộ của y khoa, người ta đã chế ngự
được bệnh phong. Bệnh phong ngày nay cũng chỉ là
một bệnh như bao bệnh khác. Ngày nay
người ta hay có thái độ xa cách đối với
những người mắc bệnh hư miễn
nhiễm (HIV, AIDS) như ngày xưa người ta đã có
đối với những người mắc bệnh
phong cùi. Kitô hữu tuy phải khôn ngoan để không
bị lây nhiễm, nhưng không được có thái độ
thiếu bác ái trong cách cư xử đối với
những người anh chị em bị mắc những
bệnh này.
Ngày xưa khi chưa
khắc phục được bệnh phong cùi, thì bệnh
này là một nỗi kinh hoàng cho những người bị
nhiễm và cho cả những thân nhân của người
bệnh nữa. Vì là
bệnh truyền nhiễm nên người ta đã phải
có biện pháp để bảo vệ những
người khác cho khỏi bị lây nhiễm, nghĩa là,
bảo vệ xã hội khỏi bị tiêu diệt, vì
thế thậm chí đôi khi người ta áp dụng
những biện pháp rất khắc nghiệt. Người
bệnh phải sống tách biệt với người
khác, kể cả những người thân thuộc như
vợ chồng con cái. Dù rất yêu nhau, họ cũng
phải sống xa cách, và không được phép lại
gần nhau; điều này áp dụng không chỉ với hai
người nam nữ yêu nhau, nhưng cả đối
với người mẹ và người con còn thơ
dại.
Mọi tật bệnh và đặc
biệt bệnh phong cùi, theo quan
điểm của người Do Thái, là hậu quả
của tội. Qua cái gì cụ thể hữu hình là
bệnh, người ta thấy nơi tội một cái gì
tương tự như bệnh phong cùi gây cho con
người. Tội là thái độ hận thù ghen ghét anh
chị em mình và không sống như con Thiên Chúa. Tội làm người ta xa nhau, làm người ta
bị cô lập với cộng đoàn, làm người ta
mất bình an mất vui và không được hạnh phúc.
2) Đức Giêsu- dấu chỉ Thiên
Chúa hiện diện
Nếu đặt mình vào
trường hợp và tâm trạng của anh bị
bệnh phong được Đức Giêsu chữa lành hôm
nay, người ta sẽ thấy anh ta mong ước
được khỏi bệnh “khủng khiếp” này
đến độ nào.
Ao ước này đặc biệt rất mãnh liệt
nếu anh ta có vợ và con thơ yêu dấu. Ai
có thể giúp anh ta được? Đức
Giêsu xuất hiện như niềm hy vọng của anh ta.
Anh ta đã qùy xuống nài xin Đức Giêsu! “Nếu
Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi!”
Làm sao anh ta có thể tin Đức Giêsu
như vậy? Qua cách sống, lời giảng dạy, và
những dấu lạ Đức Giêsu làm, người ta
tin vào Đức Giêsu hơn. Xưa tiên tri Elisa cũng
đã chữa viên quan Naaman của Syria, một người
bị bệnh cùi chỉ bằng lời truyền cho ông
đi tắm bảy lần ở sông Yordan (2V.5, 1-27); bây
giờ, nếu Thiên Chúa muốn, nếu vị tiên tri Giêsu
này muốn, thì Ngài cũng có thể làm như tiên tri Elisa
đã làm chứ. Đức tin của người bệnh
phong cùi này phản ảnh đức tin của con
người thời đó đối với Đức
Giêsu; hơn nữa, qua anh ta người ta nhận ra Thiên
Chúa đang tác động nơi anh ta, làm anh ta tin
tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã xúc
động và thương anh ta thật sự. Ngài đọc
được nỗi khổ của người bị
bệnh phong cùi này. Ngài thấy được khao khát
của anh ta qua việc anh qùy gối trước Ngài
để nài xin ân huệ được
khỏi bệnh. Đức Giêsu đã đưa tay ra, chạm vào anh và nói: “dĩ nhiên là tôi
muốn, anh hãy lành đi.” Đức Giêsu thương anh
ta, và qua anh ta, thương tất cả con người
đang đau khổ bệnh tật. Đức Giêsu
thương con người, Thiên Chúa yêu thương con
người. Thiên Chúa không muốn con người khổ
não, Ngài muốn con người bình an và
hạnh phúc. Đức Giêsu là dấu chỉ
Thiên Chúa hiện diện để yêu thương,
để chữa lành và nối kết con người
lại với nhau và với Thiên Chúa.
3) Đức Giêsu không chỉ là một
con người
Tại sao Đức Giêsu
không chữa tất cả những người bị
bệnh phong cùi thời đó? Tại sao Đức Giêsu không chữa lành tất
cả mọi bệnh tật của con người?
Tại sao Đức Giêsu không biến đổi tất
cả để làm con người đừng thù ghét nhau
nữa nhưng luôn yêu thương và giúp đỡ nhau? Đức Giêsu là một người như
tất cả mọi người, nên Ngài không thể làm
được điều đó. Nếu Ngài làm
được điều đó, người ta sẽ nói
Ngài không là người thật vì Ngài không chia sẻ nỗi
bất lực trước nỗi khổ của con người.
Ngài là người, Ngài bất lực và
thậm chỉ không biết cả tương lai nữa.
Những gì con người không biết và không làm
được, mà Ngài biết và làm được, thì
đó là ơn huệ và là dấu chỉ Thiên Chúa ban
để giúp con người nhận biết chân
tướng của Ngài mà thôi.
Đức Giêsu chữa người
bị bệnh phong cùi không bằng cách như tiên tri Elisa
đã làm đối với Naaman, viên quan của Syria, nhưng bằng một lời: “tôi
muốn chứ, anh khỏi đi.” Cách
chữa bệnh bằng lời của Đức Giêsu, cho
người ta biết hơn về chân tính của Ngài.
Ngài có uy quyền, trổi vượt hơn
cả các tiên tri trước, kể cả Môsê.
Thời Môsê, mấy người chống đối ông
bị phạt mắc bệnh phong cùi; những
người này đã hoảng sợ và xin ông Môsê cầu
khẩn Thiên Chúa tha thứ cho họ; ông Môsê đã xin Chúa, và
Chúa đã cho họ được khỏi. Đức
Giêsu đã không chữa người bị bệnh này
như vậy; Ngài làm như thể Ngài có quyền chữa
bệnh vậy, và cách nói của Ngài làm người ta
hiểu như thể quyền đó từ Ngài mà ra.
Qua cách trình bày của Tin
Mừng hôm nay, Đức Giêsu là người rất
đặc biệt. Ngài
thương yêu con người, rung động
trước nỗi khổ của con người, Ngài yêu
thương và chữa lành con người, giúp họ
trở lại với cộng đoàn con người,
trở lại với người thân yêu và nhận ra Thiên
Chúa vẫn luôn yêu thương họ. Đức
Giêsu còn là một người trổi vượt hơn
những người khác, hơn các tiên tri nổi tiếng
ngày xưa là Elisa và Môsê. Như thể
tự Ngài, Ngài có quyền chữa lành bệnh tật.
Ngài là người, và hơn là một con
người. Ngài là Đấng “từ
trên.”
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Với cách hành xử của Đức
Giêsu hôm nay, bạn được đánh động ở
điểm nào? Xin chia sẻ?
2. Thánh Phaolô viết: “vậy dù ăn, dù
uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất
cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr. 10, 31). Bạn có
thể làm được điều này không? bằng cách nào?
|