Đức Giêsu chữa người bị phong cùi - JKN
Câu hỏi gợi ý:
1.
So với những người Do Thái
thường tình, cách đối xử của Đức
Giê-su đối với những người cùi hủi có
gì khác lạ? Ta có thể rút ra bài học gì về cách
xử sự với những người xấu số,
bị người đời khinh ghét, ghê tởm?
2.
Đức Giê-su có phân biệt
đối xử dựa trên giàu nghèo, sang hèn không? Sự
phân biệt đối xử như thế chứng tỏ
một tình trạng tâm linh thế nào?
3.
Tại sao Đức Giê-su lại yêu
cầu người cùi được Ngài chữa lành
đừng nói gì về việc Ngài đã làm cho anh ta?
4.
Làm được một việc lành mà
lại muốn khoe cho người khác biết thì ta
được lợi gì về mặt tâm linh? Thiên Chúa
đánh giá việc làm của con người dựa trên cái
gì?
Suy tư gợi ý:
1. Thái độ
của Đức Giê-su đối với những
người bệnh cùi: yêu thương và tôn trọng
người xấu số
Bệnh cùi là một
bệnh rất dễ lây truyền, mà ở vào thời
Đức Giê-su, lại là một bệnh nan y không có
thuốc chữa. Nếu không có biện pháp cách ly những
người bệnh cùi khỏi những người không
bệnh, thì thật là nguy hiểm cho xã hội. Vì thế,
luật Môsê (x. Lv 13,1-14,57) chủ trương buộc
những người lãnh đạo trong dân phải cô
lập họ ở một nơi nhất định,
thường là hẻo lánh, đồng thời tuyên bố
những người nhiễm bệnh này là người ô
uế, để mọi người tránh xa họ. Ai
tiếp xúc với họ thì cũng trở thành ô uế.
Nhưng người cùi nhiều khi lại không chịu
ở nơi qui định cho họ, mà lại hay đi
lang thang để xin ăn, hoặc tìm cách gặp thân nhân
của mình. Vì thế, để buộc họ phải
tránh xa mình, một số dân chúng đã ném đá họ khi
gặp họ trên đường đi. Do đó,
người bị bệnh cùi phải sống một
cuộc sống hết sức cô đơn, khốn
khổ, thiếu thốn, và đầy mặc cảm vì
bị mọi người ghê tởm, xa lánh.
Nhưng theo
Đức Giê-su, dù thân hình họ xấu xa gớm
ghiếc, họ vẫn là con cái Thiên Chúa, là con cháu của
Áp-ra-ham, là đồng bào ruột thịt, nên họ vẫn
là anh chị em với mình. Vì thế, mình cần phải yêu
thương họ, phải đối xử với
họ bằng tình thương. Vả lại, không vì hình
thể gớm ghiếc bên ngoài mà giá trị con người
của họ bị suy giảm trước mặt Thiên
Chúa. Đối với Đức Giê-su, người
biết nhìn vào chiều sâu của tâm hồn con
người, thì họ không đáng gớm ghiếc và xa lánh
cho bằng những người cùi hủi về mặt
tâm linh. Cùi hủi tâm linh là tình trạng của những con
người sống không biết đến tình nghĩa,
sống ích kỷ, chỉ nghĩ tới hạnh phúc hay
đau khổ của một mình mình hay của gia đình
mình, không hề nghĩ đến hạnh phúc hay đau
khổ của người khác, hay của những gia
đình khác. Họ sẵn sàng có những hành động
bỉ ổi để đè nén hay áp chế người
khác, và cách hành động của họ thường là «ném
đá dấu tay», «khẩu Phật tâm xà». Càng là người
trí thức, càng có địa vị cao trong tôn giáo và xã
hội, sự cùi hủi này càng được ngụy
trang một cách tinh vi, khéo léo bằng những lời nói,
hành động vị tha, bằng vẻ đạo
đức bên ngoài (x. Mt 23). Đức Giê-su càng tỏ ra an
ủi vỗ những người cùi hủi thể chất
bao nhiêu, Ngài càng không tiếc lời khiển trách những
người cùi hủi tâm linh bấy nhiêu, thậm chí
đến «cạn tàu ráo máng» (x. Mt 23).
Khi người cùi
hủi đến cầu cứu Đức Giê-su, Ngài không
hề tỏ ra ghê tởm hay xúc phạm đến anh. Trái
lại, Ngài «chạnh lòng thương và giơ tay đụng
vào» người anh và nói: «Tôi muốn anh được
sạch!» Ta đừng vội nghĩ rằng Ngài là Thiên
Chúa nên Ngài không sợ lây nhiễm, hay có lây nhiễm thì Ngài
sẽ dùng phép lạ để tự chữa. Tôi nghĩ
rằng Ngài là «người» thật sự, đúng nghĩa
một con người, nghĩa là có thể bị lây
nhiễm như bao người khác. Và nếu bị lây
nhiễm, không hẳn Ngài sẽ dùng quyền phép Thiên Chúa
để tự chữa cho mình, cũng như Ngài đã
không lạm dụng quyền năng Thiên Chúa để
biến đá thành bánh mà ăn khi đói (x. Mt 4,2-4), hay
để trốn thoát khi bị bắt (Mt 26,47-56), v.v...
Tốt hơn, nên nghĩ rằng Ngài đối xử
với anh ta bằng một tình yêu chân thành nhất,
bằng sự tôn trọng đúng nghĩa nhất của
một con người đối với một con
người, bất chấp phải trả giá đắt.
Và đó là điều ta nên noi gương Ngài khi
đối xử với mọi người, nhất là
với những người xấu số, bị xã
hội coi thường, khinh bỉ. Đạo đức
của ta có hay không, ít hay nhiều hệ tại
điều này. Sự phân biệt đối xử căn
cứ trên giàu nghèo, sang hèn chứng tỏ một tâm hồn
nghèo nàn về đạo đức và tâm linh.
2. Thái độ
của Đức Giê-su: không muốn ai biết về mình
Bài Tin Mừng cho
thấy, sau khi chữa lành căn bệnh nan y như
thế, Ngài nói với người được chữa
lành: «Đừng nói gì với ai cả». Đó là một thái
độ thường hằng của Ngài sau khi làm
được một điều gì đáng khen ngợi,
thậm chí đến kinh ngạc: Ngài không muốn
được người khác biết đến (x. Mt
8,4; 16,20; 17,9; Mc 1,34; 1,44; Lc 4,41), trì phi vì ích lợi cho
họ (chẳng hạn để họ được
cứu rỗi). Ngài đã áp dụng đúng điều Ngài
khuyên mọi người: «Khi làm việc lành phúc đức,
anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên
hạ thấy. Khi bố thí, đừng cho tay trái biết
việc tay phải làm» (Mt 6,1.3).
Thử đặt
mình vào địa vị của Ngài khi làm xong một
việc mà không ai làm được, ta sẽ cảm
thấy ta muốn được nổi tiếng,
được mọi người ca tụng hay khen
ngợi, hầu đi tới đâu ta cũng
được khâm phục, kính trọng và được
đối xử một cách đặc biệt. Ta cũng mong
có những đặc quyền đặc lợi vì
những việc phi thường đã làm được.
Khi viết được một bài báo hay, giảng
được một bài mà ta đoán được
nhiều người tâm đắc, làm được
một việc tốt, ta mong chờ những lời khen
ngợi. Nếu không được khen, ta cảm thấy
như bị hụt hẫng, lòng không thỏa mãn. Ta
muốn «cái tôi» của ta được phình to lên, to
hơn những người khác.
Xét trên bình diện
tự nhiên, đó là một khuynh hướng rất
thường tình, rất phổ quát, khá lành mạnh, nó
tạo nên động lực để ta cố gắng, nỗ
lực hết mình. Tuy nhiên, nếu để khuynh
hướng tự nhiên này ảnh hưởng quá đáng
trên tất cả mọi việc làm, đến nỗi nó
trở thành động lực duy nhất thúc đẩy ta
hành động tốt, thì ta trở nên một con
người rất tầm thường, dù ta có làm
được những việc phi thường. Lúc đó,
ta làm mọi sự chỉ là để được khen,
được nổi tiếng, một mục đích hoàn
toàn vị kỷ, chứ không còn vì yêu thương, vì ích
lợi cho người khác nữa.
Còn xét trên bình
diện siêu nhiên, khuynh hướng này có thể trở thành
một mầm nguy hại cho sự phát triển tâm linh,
đạo đức. Theo định luật của tâm
linh, muốn cho tâm linh lớn lên, phát triển, thì «cái tôi»
phải nhỏ đi, nghĩa là phải sống tinh
thần tự hủy, tự xóa mình, quên mình. Đời
sống tâm linh càng cao, thì động lực thúc đẩy
ta hành động càng phải vị tha, càng phải «vô
kỷ, vô công, vô danh » (=không làm vì mình, làm xong không cậy
công, không mong được người khác biết mình
đã làm).
3. Cách Thiên Chúa
đánh giá việc làm của con người
Sự thánh thiện
của một người được đánh giá theo
mức độ vị tha, quên mình khi hành động.
Động lực thúc đẩy hành động của
một người thánh thiện chính là tình yêu đối
với Thiên Chúa và tha nhân. Càng thánh thiện thì động
lực thúc đẩy càng phải thuần túy là tình yêu
hơn, và càng ít tính chất vị kỷ đi. Chính tình yêu
làm cho hành động - dù nhỏ hay lớn - trở nên có
giá trị trước mặt Thiên Chúa. Thánh Phao-lô viết:
«Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và
được biết hết mọi điều bí
nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất
cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà
không có tình yêu, thì tôi cũng chẳng là gì cả. Giả
như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố
thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu
đốt, mà không vì yêu thương, thì cũng chẳng ích
gì cho tôi» (1Cr 13,2-3). Như thế, những việc có
vẻ đầy tình thương như «đem hết gia
tài cơ nghiệp mà bố thí», nếu ta làm chỉ vì mong
được tiếng là đạo đức, là
thương người, hay để được
một lợi ích nào đó cho bản thân ta, chứ hoàn toàn
không vì yêu thương, thì chẳng có giá trị gì
trước mặt Thiên Chúa. Nó chẳng phải là một
việc đạo đức, mặc dù có vẻ rất
đạo đức.
Câu nói trên của thánh Phao-lô cho thấy:
một việc làm dù rất nhỏ như quét nhà, giặt
giũ, nấu bếp của một người vợ hay
người con trong nhà, nếu được làm với
tâm tình yêu mến Thiên Chúa, nhằm làm cho những
người thân yêu của mình tốt đẹp hơn,
hạnh phúc hơn, thì có thể có giá trị rất lớn
trước mặt Thiên Chúa. Những việc làm nhỏ bé
được làm với tình yêu ấy rất có thể giá
trị trước Thiên Chúa hơn cả những việc
làm hết sức lớn lao của những bậc vị
vọng trong xã hội cũng như Giáo Hội, nếu
những người này làm chỉ vì muốn được
danh tiếng, được thăng quan tiến chức,
chứ không phải vì yêu thương.
Cứ xem cách đánh
giá của Đức Giê-su khi quan sát những người
bỏ tiền vào thùng dâng cúng cho đền thờ thì
thấy rõ cách định giá trị của Thiên Chúa đối
với các việc làm của con người: «Bà goá nghèo này
đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết» (x. Mt 12,41-44).
Cách Ngài đánh giá khác hẳn với cách của con
người. Ngài dựa trên tấm lòng, động lực
thúc đẩy hành động, chứ không dựa trên
hiện vật hay kết quả của hành động.
Cùng một việc làm, nhưng động lực tình yêu
càng lớn, thì giá trị công việc càng cao. Chỉ có Thiên
Chúa mới có thể đánh giá chính xác giá trị của
một hành động, vì chỉ Ngài mới biết rõ
động lực thúc đẩy của hành động
ấy là gì.
Cầu nguyện
Lạy Cha,
Đức Giê-su luôn luôn tự đồng hóa Ngài với tha
nhân của con, nhất là với những người bé
mọn, đau khổ nhất (x. Mt 25,40.45; Lc 9,48). Xin cho con
biết yêu thương và cư xử với những
người bị thế gian coi thường ấy
như với chính Cha và Đức Giêsu vậy
|