Đức
Giêsu: con người và hành động
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh
Liêm)
Với Kitô hữu,
Đức Giêsu là Đấng rất đặc biệt,
Ngài là trung gian giữa con người và Thiên Chúa, Ngài là
đường dẫn con người tới với Thiên
Chúa, và Ngài cũng chính là sự sống. Trong cuộc
sống bình thường của Ngài, hàm chứa sự
sống vĩnh cửu mà mỗi Kitô hữu được
mời gọi để nhận ra mầm sống vĩnh
cửu nơi cuộc đời mình.
1) Đức Giêsu
giảng dạy nơi hội đường Do Thái
Đức Giêsu
giảng dạy ở bất cứ đâu: ở hội
đường (Mc. 1, 21), tại tư gia (Mc. 2, 2), ngoài
bờ biển (Mc.2, 13). Đức Giêsu rao giảng ở bất
cứ chỗ nào Ngài có thể rao giảng được.
Có thể nói, nghề của Đức Giêsu là rao giảng
(Mc. 1, 38).
Đức Giêsu
giảng gì? Đâu là nội dung điều Đức Giêsu
rao giảng? Đức Giêsu rao giảng cho người ta
biết Thiên Chúa là ai. Ngài là Đấng yêu thương mọi
người, và mời gọi người ta tin
tưởng phó thác cuộc đời họ cho Thiên Chúa
tình yêu (Mt. 6, 25tt). Thiên Chúa là Đấng yêu thương, nên
mọi người hãy yêu thương nhau (Mt. 5, 43-48). Hãy
trở nên trọn lành như Thiên Chúa là Đấng trọn
lành (Mt. 5, 48).
Nếu chỉ
căn cứ vào Tin Mừng, chúng ta thấy những
điều Đức Giêsu rao giảng không nhiều
lắm. Có thể vì các tông đồ không có tài nhớ, nên
không kể lại được nhiều; nhưng cũng
có thể chỉ vì nội dung Đức Giêsu rao giảng
cũng đơn sơ, vì điều quan trọng thì không
nhiều. Biết là điều rất quan trọng,
nhưng quan trọng hơn lại là sống điều
mình biết. Một khi người ta biết Thiên Chúa là ai
một cách chân thực, người ta sẽ sống trong
an bình và hạnh phúc hơn.
2) Người ta tuôn
tới với Đức Giêsu để được
chữa lành
Tin Mừng hôm nay cho
thấy dân chúng tuốn tới với Đức Giêsu
để được Ngài chữa lành mọi thứ
bệnh tật. Có lẽ với dân chúng, nghe rao giảng
cũng là một điều quan trọng, nhưng quan
trọng hơn là những gì thật cụ thể và liên
hệ đến chính bản thân con người. Đức
Giêsu cũng hành xử một cách rất “người”. Làm
được gì, Ngài làm cho con người. Một cách
cụ thể, Ngài thương cảm và chữa lành
tật bệnh của những người tin vào Ngài,
đến với Ngài.
Bệnh tật, là
cái gì rất tự nhiên và tuân theo luật lệ thiên nhiên.
Những gì thuộc vật chất hữu hình đều
biến đổi với thời gian, có trẻ có già, có
sinh có tử. Đây là ý định của Thiên Chúa. Khi
Đức Giêsu chữa lành bệnh tật, là Ngài diễn
tả lòng thương cảm của Ngài đối
với con người. Hơn nữa, khi chữa lành
bệnh tật, Ngài mặc khải cho con người chân
tướng của Ngài. Một thầy thuốc chữa
lành người khác, là người biết vận dụng
những dược chất nơi những cây cỏ
để chữa trị bệnh tật; còn Đức
Giêsu Ngài chỉ dùng lời, nghĩa là, Ngài dùng quyền
năng được ban cho Ngài hoặc chính Ngài có.
Bệnh tật
cũng là yếu tố giúp con người tới gần
Thiên Chúa hơn; bệnh tật cũng là cơ hội
để giúp con người nhận ra Thiên Chúa luôn quan tâm
và săn sóc con người. Trong nhãn quan của những
người thuộc về Thiên Chúa, bệnh tật hay
sức khỏe không có giá trị tuyệt đối, nên
mỗi người hãy bình tâm với bệnh tật.
Điều quan trọng là, qua sức khỏe hay bệnh
tật, con người vẫn nhận ra sự hiện
diện và tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi
người.
3) Đức Giêsu
cầu nguyện
Cuộc sống
của Đức Giêsu dường như bị chi
phối đặc biệt bởi tình yêu đối
với con người. Vì lợi ích của con
người, Ngài rao giảng về Thiên Chúa cho dân chúng.
Đứng trước nỗi khổ của dân, Ngài
chữa lành bệnh tật cho họ, như một dấu
chỉ Thiên Chúa yêu thương dân Người. Nhưng
chỉ như vậy thôi chưa đủ, Ngài đi
tới nơi hoang vắng cầu nguyện từ sáng
sớm (Mc.1, 35).
Hội Thánh dạy
Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là
Thiên Chúa nhập thể, là Thiên Chúa; thế nhưng, chúng ta
phải hiểu đúng giáo huấn của Hội Thánh.
Ở đây, chúng ta thấy Đức Giêsu là một
Đấng khác với Thiên Chúa qua việc Ngài cầu
nguyện với Thiên Chúa. Đức Giêsu là một với
Thiên Chúa, nhưng lại là Đấng khác với Thiên Chúa.
Cái khác ở đây các nhà thần học dùng từ ngữ
“ngôi vị” để diễn tả. Đức Giêsu không
bao giờ LÀ Chúa Cha. Đức Giêsu là Ngôi Hai, hay Ngôi Lời
Thiên Chúa, nhưng ở đây chữ ngôi vị khác với
chữ “ngôi vị, bản vị” (person) được
dùng cho con người. Tôi và bạn, chúng ta là hai ngôi vị
độc lập và tách biệt tuy dù chúng ta cùng một
bản tính con người; nhưng điều này không
đúng khi nói về Đức Giêsu- “ngôi hai” Thiên Chúa và Thiên
Chúa Ngôi Cha. Nếu chúng ta hiểu Đức Giêsu và Chúa Cha
là hai ngôi vị, tương tự như tôi và bạn là hai
ngôi vị độc lập nhưng cùng một bản tính
(một đàng là bản tính người, và một đàng
là bản tính Thiên Chúa) thì lúc đó chúng ta hiểu
Đức Giêsu và Chúa Cha là hai chúa khác nhau; điều này
không đúng giáo huấn của Giáo Hội. Đức Giêsu
và Thiên Chúa Cha là hai ngôi vị, nhưng cả hai không chỉ
là cùng bản tính Thiên Chúa mà Đức Giêsu còn tùy thuộc
Thiên Chúa đến độ không thể nói là hai Chúa, mà
phải nói là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, chỉ
có một hiện hữu Thiên Chúa duy nhất. Điều này
Giáo Hội diễn tả bằng từ ngữ “không có ngôi
nào có trước ngôi nào tuy dù Chúa Cha sinh Chúa Con, không có ngôi
nào hơn kém ngôi nào.” Đây là những từ ngữ
để diễn tả về mầu nhiệm Giêsu, con
người vô cùng đặc biệt mà dường như
không từ ngữ nào diễn tả hoàn toàn
được. Hội Thánh cũng cố gắng diễn
tả hết sức mình, để các tín hữu hiểu
hơn về Đức Giêsu Kitô thôi.
Đức Giêsu
cần cầu nguyện, vì dường như cầu
nguyện làm Ngài là Ngài hơn, giúp Ngài kết hợp với
Thiên Chúa hơn, làm Ngài triển nở và trọn vẹn hơn.
Cầu nguyện diễn tả Ngài là một với Thiên
Chúa tuy dù lúc nào Ngài cũng kết hợp với Thiên Chúa.
Cầu nguyện diễn tả Ngài tùy thuộc hoàn toàn Thiên
Chúa là Cha. Thiên Chúa muốn gì Ngài sẽ thực hiện
như vậy. Qua cầu nguyện, Ngài là Ngài, Ngài triển
nở và hạnh phúc. Chính khi Đức Giêsu tùy thuộc
Thiên Chúa hoàn toàn, cho thấy Ngài là một với Thiên Chúa.
Mỗi người chúng ta khi cầu nguyện, chúng ta
được được nên giống Đức Giêsu
hơn, làm một với Thiên Chúa hơn, trở nên con
của Thiên Chúa hơn.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1.
Theo bạn, cầu nguyện có
được lợi ích gì không? Xin bạn chia sẻ kinh
nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa hoặc những lợi ích
bạn được qua việc cầu nguyện.
2.
Có điểm nào cuộc sống của
bạn giống cuộc sống của Đức Giêsu?
Đức Giêsu và bạn, giống nhau và khác nhau ở
những điểm nào?
|