MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Trời Của Người Việt Nam Qua Ca Dao
Thứ Ba, Ngày 3 tháng 2-2015

Trời của Người Việt Nam Qua Ca Dao
 
            Trời đã ghi dấu vạn năng trên không trung cao vút và trong vực thẳm khôn dò, trong cỏ cây hoa lá cũng như trong sóng nước đại dương.  Đồng ruộng mênh mông và biển khơi bát ngát trải rộng trước tầm mắt chúng ta.  Dấu chân của Trời là ở đó.  Ngài còn được ghi khắc trong tận thâm tâm của lòng người.  Người Do Thái gọi Ngài là Yahweh, người Ấnđộ gọi Ngài là Bhram, người Trung Hoa gọi là Thượng đế, người La mã gọi là Jupiter, còn người Việt Nam gọi là Trời, Ông Trời.
            Trời của người Việt Nam vượt trên mọi thần minh.  Dù ông theo đạo Khổng hay đạo Lão, dù bà theo đạo Phật hay Cao Đài, dù anh chị chỉ thờ cúng ông bà tổ tiên… thì ông, bà, hay anh chị vẫn nhận trên Đức Khổng, Đức Lão, Đức Phật, Đấng Cao Đài, hay trên ông bà tổ tiên vẫn còn một Đấng Tối Cao mà người mình quen gọi là ông Trời.
            Trời quyền năng tác tạo vạn vật, Trời can thiệp vào cuộc sống dân gian, Trời ban phúc, Trời giáng họa…
            Nói rằng Trời quyền phép là nêu lên một ý niệm rất hợp tâm tình người Việt Nam.  Quyền uy của Trờt bao trùm vạn vật, mắt Trời hằng dõi theo công việc của loài người, lòng Trời hằng ấp ủ con người:  Trời là đối tượng của van xin.  Van xin cho bản thân, cho gia đình, cho nghề nghiệp.
            Qua dòng chảy ca dao dân Việt, Trời làm chủ vạn vật, ban mưa nắng phải thì. Người dân tin ở lòng thương của Trời mà lợi dụng tất cả, nắng cũng được mà mưa cũng tốt.
            Trời nắng tốt dưa
            Trời mưa tốt lúa
Và dù khi Trời mưa ngay vào lúc người ta không mong thì cũng chẳng sao, miễn là xin Trời đừng làm thiệt hại:
            Trời mưa thì mặc trời mưa
            Tôi không có nón Trời chừa tôi ra.
Người dân Việt phần lớn làm nghề nông, nên việc mưa nắng "phải thì" là điều cần thiết cho đất đai hoa mầu.  Hạn hán là một nỗi khổ ghê gớm: khí trời oi ả, mạ cháy ruộng khô, người vật mệt nhọc uể oải, chỉ còn nước chắp tay vái Trời.
            Lạy Trời mưa xuống
            Lấy nước tôi uống
            Lấy ruộng tôi cầy
            Lấy đầy bát cơm
            Lấy rơm đun bếp
            Và một khi có nắng mưa phải thì, người ta sẽ vui vẻ cần cù làm lụng, không quản đầu tắt mặt tối dãi nắng dầm mưa:
            Nhờ Trời mưa gió thuận hòa
            Nào cầy nào cấy trẻ già đua nhau.
            Người ta rất biết ơn, kể lể:
            Nhờ Trời Hạ kế sang Đông
            Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi
            Vụ năm cho đến vụ mười.
            Van xin cho Trời đổ mưa cho đồng ruộng tốt tươi mà bố mẹ chết để chịu cảnh mồ côi thì giầu có cũng chẳng có vui gì nên người ta xin:
            Đêm đêm ra thắp đèn Trời
            Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Đó là tình hiếu thảo giữa con cái với cha mẹ.  Người ta không quản phiền hà phụng dưỡng mẹ cha già yếu.  Cầu cho cha mẹ sống báo ơn sinh thành, đó là điểm son trong nền đạo đức gia đình của người Việt cần được duy trì.
            Trên gia đình là quốc gia, quốc gia cũng cần được Trời phù hộ.  Vào thời Nguyễn Ánh kéo quân từ Nam ra Trung đánh nhà Tây-sơn, người ta cầu Trời cho xuôi buồm thuận gió để đỡ công chèo chống và mau tới Phú Xuân để còn bách chiến bách thắng.
            Lạy Trời cho thuận gió nồm
            Cho thuyền chúa Nguyễn căng buồm ra khơi.
Lòng biết ơn dâng cao, khi nhờ ơn Trời người ta được công thành danh toại như trường hợp của thí sinh đỗ đạt thăng quan tiến chức.  Đây lời người vợ khuyên nhủ chồng:
            Xin chàng kinh sử học hành
            Để em cầy cấy cửi canh kịp người
            Mai sau xiêm áo thảnh thơi
            Ơn Trời lộc nước đời đời hiển vinh.
            Và khi Trời ban phúc lộc chan hòa như ý, người ta trở nên dễ tính, thôi thì phó mặc Khôn thiêng, làm sao cũng được:
            Trời nắng tốt dưa
            Trời mưa tốt lúa
            Người dân Việt tin ở Trời độ lượng dù nhà cửa túng bấn, không ai nghĩ tới việc hạn chế sinh sản, ngừa thai hay phá thai vì:
            Trời sinh, Trời dưỡng
Hoặc:
            Trời sinh voi, Trời sinh cỏ
Ăn ở cho đàng hoàng, tránh những điều thất đức, "Trời nào phụ kẻ có nhân" và "Trời xanh có mắt".
Đôi khi gặp những đứa con cứng đầu cứng cổ, bố không giống, mẹ thì không, tính tình khác lạ, người ta cũng nói được:
"Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính".
            Nếu Trời là đối tượng của van xin, thì Trời cũng là đối tượng của ca thán, cũng phải chịu nghe những tiếng than phiền, ra như Trời có của mà ban phát không công bằng, người giàu "nứt đố đổ vách", người nghèo "rớt cục mùng tơi".
Đây lời than của người túng cực:
            Trời sao Trời ở chẳng cân
            Người ăn không hết người lần không ra.
Lại có người quen thói bài bạc đỏ đen,  không muốn làm lụng vất vả, chỉ muốn làm giàu trong chốc lát,  Nhưng cờ bạc thì vụng về, tiền của nướng sạch cũng dám cất tiếng trách Trời:
            Trời sinh ra kiếp ăn chơi
            Sao Trời lại ghép vào nơi không tiền.
            Lời than trách còn ở một phương diện khác, cảnh "duyên nợ vợ chồng":
            Trời sao Trời ở chẳng công
            Người ba bốn vợ người không vợ nào.
            Có người bảo câu đó không đúng, đàn ông vơ tay trái cũng đầy, vạ gì phải than với trách, quyền xe tơ kết tóc là ở phía các ông.  Bạn khác lại bảo "đừng tưởng bở" nhiều cô nàng đặt điều kiện khá gắt gao, họ muốn có được một tấm chồng lý tưởng:
            Lấy chồng cho đáng tấm chồng
            Bõ công trang điểm má hồng, răng đen.
Và bạn đó đề nghị, giá các cụ nhà ta đổi lại câu đó thế này có lẽ đúng hơn:
            Trời sao Trời ở chẳng công
            Người ba bốn chồng người vẫn cô đơn.
            Lại có người đa thê, rước về những năm bảy bà, lợi dụng người ta làm công cụ sản xuất, rồi chăm sóc không xuể, đã thế còn đổ lỗi cho Trời:
            Trên trời có vảy tê tê
            Một ông bảy vợ không chê vợ nào
            Một vợ tát nước bờ ao
            Phải trận mưa rào đứng nép bụi tre
            Một vợ thì đi buôn bè
            Con sông con gió nó đè xuống sông
            Một vợ thì đi buôn bông
            Chẳng may cơn táp nó vong lên Trời
            Một vợ thì đi buôn vôi
            Khi vôi phải nước nó sôi ầm ầm
            Một vợ thì đi buôn mâm
            Không may mâm thủng lại nằm ăn toi
            Một vợ thì đi buôn nồi
            Không may nồi méo một nồi hai vung
            Một vợ thì đi buôn hồng
            Không may hồng giập một đồng ba đôi.
            Than rằng đất hỡi Trời ơi!
            Trời cho bẩy vợ như tôi làm gì?
            Nhiều khi không phải là than trách nhưng là than thở.  Than thở trước cuộc chia ly đau đớn, kẻ ở người đi và không biết số phận của người đi có an toàn hay nguy hiểm:
            Trời ơi sinh giặc làm chi
            Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường!
            Những lời than thở "Trời ơi" hay mạnh hơn nữa như "Trời đất quỉ thần ơi" đã trở thành những tán thán tự quen thuộc nơi cửa miệng nhiều người.
            Có khi người ta kêu tới Trời như để chứng giám cho một nỗi đau lòng:
            Trời ơi có thấu tình chăng
            Con người nhân nghĩa lai căng mất rồi!
            Cũng có khi người ta than thở chỉ để thở than, không dám trách móc gì, nhưng trong lòng thật cơ cực:
            Bây giờ gặp phải hội này
            Khi Trời hạn hán, khi hay mưa dầm
            Khi Trời gió bão ầm ầm
            Đồng điền lúa thóc mười phần được ba
            Lấy gì đăng nạp nữa mà
            Lấy gì công việc nước nhà cho đang
            Lấy gì sưu thuế phép thường
            Lấy gì bổ chợ đong lường làm ăn
            Trời làm khổ cực hại dân!
            Trong khi nóng nảy, con người quả có những lỗi lầm, trách móc đất Trời, hoặc ít ra thở dài ngao ngán, nhưng người ta vẫn sợ quyền phép Trời:
            Trời làm một trận nắng chang
            Ông hóa ra thằng thằng hóa ra ông.
            Trong đời sống, cảnh này đã xảy ra nhiều lắm. Người ta vẫn cảm thấy sự lớn lao của Trời và sự nhỏ bé của mình:
            Đèn Trời Trời sáng bốn phương
            Đèn tôi sáng tỏ đầu giường nhà tôi.
            Người ta vẫn sợ cái gọi là "Trời đánh, thánh vật" hay có người gọi là quả báo.  Quả báo vô cùng tai hại:
            Trời quả báo ăn cháo gẫy răng
            Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chày.
            Qua những câu ca dao vắn gọn trên, ta thấy Trời của người Việt Nam rất gần con người, vừa quyền phép, vừa nhân hậu, lại vừa công bằng.  Trời ở trên vạn vật, bao trùm vạn vật, nhưng không phải chỉ để rình mò sát phạt con người, ghen tức với con người như có thi sĩ viết: "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Trời còn thiếu gì giầu sang phú quí mà phải đánh ghen, nếu còn đánh ghen với người trần thế, đâu còn phải là Trời?.  Trời tạo dựng con người, nuôi dưỡng và chở che cho con người qua kiếp sống khổ đau, và Trời sẽ ân thưởng kẻ lành nơi thiên giới.
            Người dân thành tâm kêu cầu Trời từ cái may đến cái rủi.  Và dẫu rằng nhận định nhiều khi có khác nhau, nhưng rồi người ra vẫn đi tới một quan điểm thực tế hơn, xây dựng hơn và lạc quan hơn.  Quan điểm phát sinh từ niềm tin vào lòng Trời nhân hậu.  Quan điểm đó là quan điểm khích lệ tinh thần cầu tiến:
            Trời nào có phụ ai đâu
            Hay làm thì giầu, có chí thì nên.
 
(NSTTDM số 4 - tháng 4 năm 1978-- Đoàn Quang)
 
 

 

 

 

 

 

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chuyện "lạ Thường" Ở Một Quán Cơm Chay Sài Gòn (2/5/2015)
Triệu Chứng Ly Hôn (2/5/2015)
Hình Tượng Con Dê Trong Văn Hóa (2/5/2015)
Cuối Năm (2/4/2015)
Rằm Tháng Chạp (2/4/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Chuyến Hành Hương Lịch Sử Xuyên Việt, Do Các Linh Mục Dòng Tên Tổ Chức Từ Ngày 6/1-18/1/2015 (2/3/2015)
Xây Dựng Lòng Can Đảm (2/3/2015)
Giải Quyết Các Xung Khắc Gia Đình (2/3/2015)
Đi Tìm Mô Thức Giải Quyết Những Bất Đồng (2/3/2015)
An Tâm Trong Việc Dạy Con (2/3/2015)
Tin/Bài khác
Mùa Đời (2/2/2015)
Gieo Gió Thì Gặt Bão (2/2/2015)
Hai Giám Mục Việt Nam Tham Dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Thứ 14 (2/2/2015)
Câu Đối Tết (2/2/2015)
Sức Mạnh Của Sự Lạc Quan (2/2/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768