Trong đời.
Đoạn Tin Mừng hôm nay là một
trong nhiều trường hợp đề cập
đến thần dữ hay ác thần, tức là ma
quỷ. Ma quỷ thế nào? Ngày nay chúng còn hoạt động trên trần gian
không?
Trước hết, thiết
tưởng cần phân biệt ma và quỷ. Đây là hai loại khác
nhau chứ không phải là một mà người Việt Nam chúng ta thường
gọi chung với nhau là ma quỷ. Ma, theo lối
hiểu thông thường, là hồn người chết
hiện về để ám ảnh, đe dọa hoặc
liên hệ gì đó với người sống. Còn quỷ là loại thiên thần hư hỏng,
đã bị Thiên Chúa đày xuống hỏa ngục. Như vậy, ma có không? Nhiều
người tin mà cũng nhiều người không tin.
Nếu hiểu là một loài vô hình như ma
xó, ma trơi hay ma này ma nọ… thì không có. Còn nếu
hiểu là hồn người chết hiện về thì có,
nhưng cũng chỉ xảy ra trong một số
trường hợp rất họa hiếm, do sự cho
phép đặc biệt của Chúa, để
đương sự nhắn bảo một điều gì
đó với người sống, hay do ủy nhiệm
riêng Chúa trao phó cho đương sự, như thỉnh thoảng
nghe nói linh hồn này hay linh hồn kia trở về
dương gian trong một vài tích truyện. Còn
quỷ thì sao? Phải công nhận là có,
vì Kinh Thánh đã nói đến nguồn gốc của chúng.
Chúng được nhắc đến
nhiều lần trong Tin Mừng. Chính Chúa Giêsu cũng đã
bị chúng cám dỗ.
Như vậy, quỷ có thật, chúng
vẫn có mặt và hoạt động trên trần gian này. Nhưng sự xuất hiện của
chúng tinh vi, kín đáo, khéo léo, nên
người ta tưởng rằng dường như chúng
không có, hay có chăng thì cũng bị ánh sáng khoa học
đẩy lui và quật ngã rồi. Đây là
một thứ thái cực mới đi ngược lại
thái cực cũ. Nghĩa là trước kia, khi khoa
học chưa phát triển và tiến bộ, người
ta sợ hãi và thường nói đến ma quỷ như
những thế lực ghê gớm, gây “kinh hồn táng
đởm” cho nhiều người, thậm chí lại còn
nhìn thấy chúng ở khắp nơi nữa. Còn
bây giờ, khoa học tiến bộ vượt mức,
người ta lại cho ma quỷ là một chuyện hoang
đường, bịa đặt, không liên quan gì với
cuộc đời con người tại thế.
Phải công bình nhận định
rằng: khoa học đã có tác dụng lớn lao trong việc trừ ma đuổi quỷ
ra khỏi xã hội con người. Ở
đâu dân trí được nâng cao, đời sống
văn minh, ma quỷ xem ra rút lui có trật tự.
Chẳng hạn ở những chỗ ngã ba
đường tăm tối, quanh co, với bóng cây đa
cổ thụ mà người ta thường tin là nơi có
ma quỷ ngự trị, chỉ cần sửa sang lại
đường sá, dựng lên mấy cột điện là
đêm hôm người ta có thể ra đó tình tự hay
thẩn thơ hóng gió mà không sợ ma quỷ gì nữa. rõ rệt nhất là ở thành thị, ít ai
nghe nói chỗ này chỗ kia có ma có quỷ, trẻ con có
thể chạy chơi trên những đường phố
vắng về đêm. Nhưng ở thôn quê thì khác, chỉ
mới nhá nhem tối, không chỉ trẻ con mà cả
người lớn, không dám ra ngoài ngõ, nhất là nếu
gần đấy có nghĩa địa hay mồ mả nào
đó, thì người ta lại càng sợ hãi hơn
nữa.
Muốn nghĩ thế nào thì nghĩ,
đối với chúng ta, điều chắc chắn là
quỷ có thực và không chỉ coi thường hoạt
động cũng như sự phá hoại của chúng trên
đời sống con người ở trần gian này…
Dĩ nhiên cũng phải nói ngay: ảnh hưởng và
sức phá hoại của chúng nằm trong phạm vi
nội giác và vô hình nhiều hơn, nên chúng ta cũng
cần đương đầu với chúng trên mặt
trận ấy, nghĩa là trong cuộc chiến đấu
chống các cơn cám dỗ để giữ lòng trung thành
với Chúa và đẩy lui những tấn công nguy hại của
chúng.
Tuy nhiên, chúng ta chớ lầm và
đừng vội gán cho Satan, đổ lỗi cho quỷ
dữ tất cả những gì xấu xa trong cõi loài
người. Kinh thánh cho
biết: Satan là kẻ cám dỗ. Nhưng một
điều đáng suy nghĩ là đối với
Đức Kitô, tất cả những ai tìm cách ngăn
cản anh em mình thực hiện sứ mệnh Thiên Chúa,
người ấy cũng đáng gọi là Satan,
đối thủ hay là kẻ cám dỗ. Chứng
cớ là thánh Phêrô đã bị Chúa quở mắng, gọi
là Satan, khi ông tỏ ý ngăn cản Chúa đi chịu
nạn chịu chết để cứu chuộc loài
người.
Câu chuyện thánh Phêrô bị quở
mắng và bị coi là Satan làm chúng ta nghĩ đến
những câu chửi rủa mà người Việt Nam hay dùng như: “đồ quỷ”, “thằng
quỷ”. “con quỷ”, “quỷ sứ”, “nó ra ma ra quỷ”,
“đến quỷ cũng phải chịu mày”… Những câu chửi rủa đó thường
được áp dụng cho những kẻ nghịch
ngợm. Thì ra người Việt Nam cũng đã khám phá ra rằng: ngoài
thứ quỷ mà Kinh Thánh nói tới, còn có những thứ
“quỷ đen đầu: có thực, bằng xương
thịt, sống bên cạnh chúng ta hằng ngày, đó chính
là những người anh em nhân loại của chúng ta.
Như vậy, ngoài việc công nhận
sự hiện hữu của quỷ, chúng ta còn nhìn nhận
một thực tại khác không kém phần quan trọng,
đó là sự ác, sự xấu và tội lỗi, không
phải là những món hàng hoàn toàn do Satan và bè lũ lén lút
nhập cảng vào trần thế, nhưng chính là những
đồ “nội hóa”, được sản xuất ngay
từ nội tâm mỗi người. Chúng ta
không dè rằng Satan, kẻ cám dỗ, có thể là chính chúng
ta. Không ai muốn nhận mình là Satan, là
kẻ cám dỗ, nhưng rất có thể và đôi khi chúng
ta đã cám dỗ anh em mình hành động trái với chân
lý, công bằng và bác ái.
Bởi thế, vấn đề quan
trọng không phải là cái gì cũng đổ lỗi cho
quỷ, trái lại, mỗi người phải dứt khoát
chọn sự thiện, chọn con đường của
công lý và tình thương.
Chúng ta không nên quá sợ hãi quỷ hay những chước
cám dỗ của chúng. Nhưng trước
hết, tự mình đừng bao giờ xúi giục, cám
dỗ anh em làm điều xấu, điều ác,
điều tội lỗi; đồng thời cũng
phải tỉnh thức đề phòng những
chước cám dỗ mà anh em có thể đem đến
cho chúng ta.
|