Giảng dạy như có thẩm
quyền
(Suy niệm của Lm.
Gioan Nguyễn Văn Ty)
Tác giả Mác-cô giới
thiệu sứ vụ của Đức Giêsu tại Ga-li-lê
gồm hai phần: giảng dạy và chữa lành. Tuy nhiên
đặc biệt là ở chỗ ông không tách hai
điều này riêng ra mà đã liên kết chúng lại thành
một cách rất tài tình. Chữa lành chính là để
lời rao giảng trở nên thuyết phục.
Mác-cô trước
hết giới thiệu Đức Giêsu như một nhân
vật xuất hiện hầu công bố một sứ
điệp trọng đại: “Thời đại đã
mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (c.15). Ông không
những xác địch công việc chính của Đức
Giêsu là công bố sứ điệp, nhưng còn nói thêm Ngài
đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên dân chúng.
‘Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um.
Ngay ngày Sa-bát, Người vào hội đường
giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời
giảng dạy của Người, vì Người
giảng dạy như một Đấng có thẩm
quyền, chứ không như các kinh sư’. Tác giả hình
như quan tâm tới thái độ dân chúng tiếp nhận
sứ điệp nhiều hơn là chính nội dung
thuyết phục hay sự phong phú của sứ
điệp Tin Mừng được rao giảng.
Rõ ràng là như thế
khi Mác-cô lập tức tường thuật các công việc
đầy từ tâm Đức Giêsu thực hiện như
chữa người bị quỉ nhập, chữa
nhạc mẫu ông Si-mon, chiều đến chữa
mọi kẻ ốm đau bệnh tật mà cả thành
đem đến cho Người…, hầu như để
cho thấy tại sao dân chúng có phản ứng tích cực
như vậy trước sứ điệp, hay đúng
hơn, với con người công bố sứ điệp
đó. So với tác giả các cuốn Tin Mừng khác, tác
giả cuốn thứ hai này hầu như không chú trọng
tới nội dung sứ điệp nhiều cho lắm.
Ông dành nhiều giấy mực hơn cho việc
tường thuật các hành động chữa lành và yêu
thương Đức Giêsu thực hiện. Và tất
cả chỉ để minh chứng cho điều mà ông
muốn khảng định ngay từ đầu: ‘Thiên
hạ sửng sốt về lời giảng dạy
của Người, vì Người giảng dạy như
một Đấng có thẩm quyền, chứ không như
các kinh sư’.
Thật ra thì dân chúng
bình dân thời nào và ở đâu cũng vậy thôi, với
trình độ hiểu biết hạn chế họ ‘nghe’
thì ít mà muốn ‘thấy’ nhiều hơn. Đúng hơn,
họ là các thính giả có tầm hiểu biết bằng
con tim nhiều hơn là bằng trí óc, nhất là trên con
đường đi tìm chân lý; trong khi đó các bậc mô
phạm hay hiền triết lại có khuynh hướng
sử dụng khối óc nhiều hơn con tim. Các hành
động chữa lành đầy từ tâm của
Đức Giêsu đánh thẳng vào con tim của thính
giả bình dân và chinh phục họ; trong khi các thính giả
tri thức như các luật sĩ, biệt phái và kinh sư
lại chỉ tìm đến để nghe thuyết pháp,
để tìm lý luận, rồi sau đó thi nhau đem ra
phân tích mổ xẻ, và tìm lỗi bắt bẻ, chính vì
vậy mà các tranh luận căng thẳng giữa họ
với Đức Giêsu đã không ngừng nổ ra.
Đối với dân chúng, sứ điệp của
Đức Giêsu quả là một Tin Mừng, vì nó làm cho con
tim của họ được an bình no thỏa,
trước khi làm trí óc họ được say mê. Trong
thẳm sâu cõi lòng, họ hằng khao khát tìm thấy một
Đấng Mét-si-a nhân ái, đầy từ tâm và xót
thương, gần gũi với nỗi thống khổ
yếu hèn của con người hơn. Đó chính là lý do
để mà, trong tất cả sự chân thành mộc
mạc họ chân nhận cách thẳng thắn và đơn
sơ: ‘Người giảng dạy như một
Đấng có thẩm quyền’ hơn hẳn các kinh sư
và Biệt Phái.
Suy niệm trên đây,
tuy đơn giản thật nhưng lại có tầm quan
trọng lớn đối với hết thảy mọi
người chúng ta, nhất là đối với các linh
mục của Đức Ki-tô.
- Quan trọng đối
với đời sống thiêng liêng, vì là một tu
sĩ linh mục, tôi luôn có nguy cơ xa rời sự
nhạy cảm thiêng liêng của người bình dân. Không
biết từ khi nào suy luận triết thần đã hoàn
toàn chiếm lĩnh đầu óc và suy nghĩ của linh
mục. Tôi quan tâm tới hiểu biết và lý luận
nhiều tới độ không còn thời giờ
để lắng nghe khát vọng thầm kín của chính
con tim mình cũng như của người bình dân; kết
quả là Tin Mừng đối với tôi phải là chân lý
hơn là lòng nhân ái. Và quả thực rất ít khi trong
đời sống thiêng liêng tôi dành thời giờ và
nỗ lực để nhận ra cái ‘thẩm quyền’ này
của Tin Mừng phải tác động trên chính tôi
trước hết!
- Quan trọng đối
với việc mục vụ: suy niệm trên
đưa tôi tới nhận thức sau đây:
trước một cộng đoàn phụng vụ, các
bải giảng của tôi có được ‘thẩm
quyền’ Tin Mừng chỉ khi nào chúng quảng diễn
được lòng xót thương cứu độ
của Thiên Chúa. Trong thực tế nó đã bị chi phối
quá nhiều bởi các kiến thức thần học - luân
lý, hay các dẫn chứng mang tính biện giáo. Ngay khuôn
mặt Hội Thánh hoặc nội dung Tin Mừng mà tôi trình
bày cũng thường khi còn quá mô phạm và nghiêm khắc.
Biết bao giờ dung mạo từ nhân tha thứ của
Đức Ki-tô mới được sáng tỏ để
các tín hữu có thể chiêm ngắm tỏ tường cách
mãn nguyện?
Lạy Chúa, đúng là những kẻ bé mọn
nhận biết Chúa rõ ràng hơn các bậc khôn ngoan thông
thái. Xin đừng để học vấn và hiểu
biết làm cho con, linh mục của Chúa, không nhận ra
nổi ‘thẩm quyền’ đích thực của Tin
Mừng Chúa. Cũng xin làm cho lời rao giảng của
Hội Thánh được nhiều người lắng
nghe bằng con tim và qua đó nhận ra Chúa thật gần
gũi và xót thương hết thảy mọi
người. Amen.
|