Chân tướng của Đức
Giêsu
(Suy niệm của Lm.
Giuse Phạm Thanh Liêm)
Người
đồng thời với Đức Giêsu chưa biết
Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể. Sở dĩ
vậy vì Đức Giêsu là một người như
bất cứ ai khác, Ngài là người hoàn toàn đến
độ một người bình thường như
thế nào thì Ngài cũng như vậy. Ngài nghèo như
bất cứ người nghèo nào. Không ai biết Ngài, Ngài
vô danh như bất cứ ai khác. Lời tựa trong tin
mừng theo thánh Yoan gọi Ngài là Lời Thiên Chúa, Lời
đã thành xác phàm.
1) Đức Giêsu là
một ngôn sứ đối với người
đương thời
Ngôn sứ là
người Thiên Chúa dùng để nói với dân về ý
định của Ngài, chuyển thông cho dân những gì Thiên
Chúa muốn. Một vị ngôn sứ không nhất thiết
phải là người biết trước những
biến cố sẽ xảy ra ở tương lai. Dân Do
Thái tin rằng Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một
vị ngôn sứ “lớn” như Môsê. Vì thế nên khi
Đức Giêsu làm những dấu lạ cả thể, thì
người đương thời đã coi Ngài là một
ngôn sứ.
Khi một ký lục
giảng dạy, ông ta tựa vào Lời Chúa để
dạy dân chúng. Uy quyền của lời giảng dạy
của ký lục, không đến từ họ nhưng
đến từ uy quyền Lời Chúa. Đức Giêsu giảng
dạy không giống như các ký lục, Ngài giảng
dạy như người có uy quyền. Không chỉ là
người có uy quyền qua giảng dạy, Đức
Giêsu còn đuổi được quỷ qua lời
truyền phán của Ngài. Đức Giêsu là ai mà có thể
làm những điều này. Hành vi của Đức Giêsu làm
dân chúng đặt câu hỏi về chân tính của Ngài.
Một ngôn sứ
xuất hiện, là dấu chỉ Thiên Chúa đang ở
với dân. Thiên Chúa đang thực hiện việc kỳ
diệu qua vị ngôn sứ. Khi dân chúng nhận ra
Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, là một
ngôn sứ, thì họ nhận ra Thiên Chúa đang hiện
diện với họ. Thiên Chúa đang quan tâm và yêu
thương họ.
2) Hơn một vị
ngôn sứ
Đức Giêsu không
chỉ là một ngôn sứ (tiên tri), nhưng Ngài còn là
Đấng Kitô, nghĩa là Đấng Thiên Chúa sai
đến để cứu dân Ngài. Dân chúng thời
Đức Giêsu đang ao ước thoát ách đô hộ
của người Roma, nên họ mong chờ Thiên Chúa sai
đến một vị cứu tinh giải thoát họ
khỏi cảnh áp bức chính trị này. Đức Giêsu ý
thức Ngài không phải là vị Kitô chính trị, nên Ngài
đã cấm các tông đồ nói cho người ta biết
Ngài là Kitô (Mt.16, 20).
Cái chết trên thập
giá của Đức Giêsu làm cho dân chúng và các tông đồ
như bừng tỉnh. Đức Giêsu không là Đấng
Kitô như họ nghĩ. Các tư tế, kỳ lão và
biệt phái nghĩ rằng Đức Giêsu cũng như
bất kỳ ai khác, nên khi Ngài chết là họ
tưởng rằng họ đã giải quyết
được một bận tâm tranh chấp ảnh
hưởng. Đức Giêsu sống lại, là một
điều gì hoàn toàn mới. Không ai có thể nghĩ
rằng Ngài sẽ sống lại. Ngay cả các tông
đồ cũng không dám tin Ngài sống lại, cho dù Ngài
đã báo trước vài lần, vì thế nên các ngài mới
hoảng loạn sợ hãi, và hai môn đệ trên đường
Emmau là hai người đã bỏ cuộc về quê vì
thất vọng.
Đức Giêsu sống
lại và truyền trao sứ mạng cho các tông đồ,
làm các tông đồ và những người tin vào lời
rao giảng của các tông đồ, suy nghĩ và hiểu
biết hơn về Đức Giêsu. Đức Giêsu
vẫn đang sống, cho dù bây giờ Ngài vượt
khỏi tầm kiểm soát của con người, của
những thế lực thù ghét Ngài cũng như cả
của những người yêu mến Ngài. Ngài là ai? Đây
là một câu hỏi luôn theo sát những người yêu
mến Ngài, và cả những kẻ không thích Ngài. Ngay khi
Ngài còn sống, Đức Giêsu đã biết người
ta nói Ngài là ai, và cũng chính Ngài đã hỏi các tông
đồ Ngài là ai, nhưng dường như những câu
trả lời đó chưa đủ (Mt.16, 13-16).
3) Đức Giêsu là Con
Thiên Chúa
Đức Giêsu là Con
Thiên Chúa. Nhưng cả với câu trả lời này,
người ta cũng có thể hiểu Đức Giêsu
chỉ là một người đặc biệt thôi, vì nhiều
người được gọi là con Thiên Chúa, chẳng
hạn như những người được Thiên Chúa
chọn, được Thiên Chúa yêu thương (Xh.4, 22;
Hs.2, 1; Tv.82, 6). Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một
nghĩa rất đặc biệt, theo nghĩa là Ngài Con
“đồng bản tính” với Thiên Chúa, được xác
định sau này bởi công đồng Nicea (325).
Đức Giêsu là ai?
Đối với các tông đồ, Ngài là người
rất đặc biệt, luôn kết hợp với Thiên
Chúa, đến độ lấy ý Thiên Chúa là lương
thực cho mình (Ga.4, 34), là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa
(Mt.17, 5). Ngài là Đấng “ngự bên hữu” Thiên Chúa
(Mc.16, 19). Nhưng tất cả những “từ ngữ” ấy
nghĩa là gì? Ngay cả từ ngữ “đồng bản
tính” với Thiên Chúa có nghĩa là gì khi đức tin Kitô giáo
dạy chúng ta Thiên Chúa là Đấng duy nhất (Dnl.6, 4).
Đức Giêsu là
một người như bất kỳ ai khác, Ngài bị
cám dỗ, Ngài biết đói biết khát, Ngài cũng bị
cám dỗ về danh lợi ở trong hoang địa, Ngài
cũng bị cám dỗ “mất lòng tin vào Thiên Chúa” khi ở
trên thập giá: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con;” nhưng
Đức Giêsu còn hơn là một con người nữa,
Ngài là một tiên tri, và hơn một tiên tri vì Yoan Tẩy
Giả không đáng cởi dây giầy cho Ngài; Ngài là
Đấng Kitô, Đấng Thiên Chúa sai đến
để cứu con người. Và còn hơn thế
nữa, Giáo Hội dạy rằng Ngài là Con Thiên Chúa, Con
đồng bản tính với Thiên Chúa. Ngài có trước
khi Ngài được sinh ra bởi Đức Maria. Ngài là
Lời Thiên Chúa nhập thể. Ngài khác biệt với Thiên
Chúa Cha, nhưng Ngài lại là một với Thiên Chúa Cha. Ngôi
Hai Thiên Chúa cũng là một từ ngữ các nhà thần
học dùng để diễn đạt chân tướng
của Ngài. Đức Giêsu là một người rất
đặc biệt, và người ta đã dùng nhiều
từ ngữ để diễn đạt về Ngài,
về chân tướng của Ngài, về mầu nhiệm
Giêsu.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn hiểu
thế nào về từ ngữ diễn tả Thiên Chúa
“Một Thiên Chúa Ba Ngôi”?
2. Đức Giêsu là ai
đối với bạn? Ngài ảnh hưởng trên
đời bạn như thế nào?
|