Tin
Mừng Của Thiên Chúa (1,14-15)
Hai câu này khác nào
một “bản tóm lược”: một cái nhìn bao quát về
sứ vụ của Chúa Giêsu như sẽ diễn ra trong
các trình thuật tiếp theo. Maccô đặt Chúa Giêsu trong
khuôn khổ những sinh hoạt chính yếu của Ngài tóm
lược sứ vụ của Ngài cách thật cô
đọng.
Mọi từ
trong đoạn văn đều đáng quan tâm (c. 14a). Chúng
được cân nhắc cẩn thận. Trước
hết ta được cho hay rằng Chúa Giêsu chỉ
khởi đầu sứ vụ khi Gioan chấm dứt
sứ vụ của ông và bị bắt giam. Như vậy
là có một mối tương quan giữa sứ vụ
của hai người. Maccô không nói Chúa Giêsu từ hoang
địa Giuđêa trở về (1,12). Không một
chuyển tiếp nào cả, ông cho thấy ngay Chúa Giêsu
đi tới Galilê. Đó là tỉnh miền bắc xứ
Palestin, nơi Chúa Giêsu sinh trưởng (x. Lc 4,14-16). Nhưng
nhất là vì danh xưng Do Thái của nó, “Galilê” là “miền
đất ngoại bang” (Is 8,23). Từ nhiều thế
kỷ đây là ngã ba đường của các dân tộc. Vì
những đoàn quân ngoại quốc và các thương gia
đều phải qua nơi này, nên Galilê là vùng đất
chung đụng từ xưa giữa những người
Do Thái và dân ngoại. Trong Tin Mừng Maccô, Chúa Giêsu sẽ coi
vùng đất này như một trung tâm “truyền giáo”
tuyệt hảo. Vì ranh giới của miền này không rõ
ràng nên người Israel dễ có liên hệ với
những vùng đất dân ngoại bao quanh: phía bắc có
Tia và Siđon, Syrô-Phênêci (bây giờ là Libăng), phía nam có
miền Thập tỉnh (bây giờ là Gioocđani). Khi coi
Galilê là địa bàn hoạt động chính của Chúa
Giêsu, Maccô muốn nhấn mạnh rằng lời ngôn
sứ mang tính phổ quát về Đấng Mêsia trong Isaia
đã ứng nghiệm: “Dân đi trong bóng tối đã
nhận thấy ánh sáng rạng ngời, trên dân cư
của xứ sở một luồng sáng đã bừng lên”
(Is 8,23-9,1).
Trong miền
đất Galilê này, Chúa Giêsu khởi sự “rao giảng Tin
Mừng của Thiên Chúa” (c. 14b). Đó là lời loan báo
ơn cứu độ “đến” từ Thiên Chúa. Chúa
Giêsu mang theo với Ngài “Tin Mừng” này (1,1). Các độc
giả của Maccô hiểu rất rõ diễn ngữ “rao
giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”. Đó là nhiệm
vụ các Tông đồ đã lãnh nhận sau khi Chúa Giêsu
Phục Sinh (1Tx 2,8). Nhiệm vụ này là làm cho mọi
người biết rằng Chúa Giêsu đã tỏ mình ra là
Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa được các ngôn
sứ loan báo. Chính Ngài là “Đấng Cứu độ
trần gian” (Ga 4,42).
Tiếp theo, Maccô
tóm lược trong hai câu đề tài căn bản trong
lời công bố của Chúa Giêsu. Trước hết loan
báo rằng giờ thi hành sứ vụ đã đến (c.
15a), nơi các Kitô hữu tiên khởi, thành ngữ “thời
kỳ đã mãn” đã trở thành cổ điển. Nó có
nghĩa là khi Chúa Giêsu đến là “thời gian đã
đầy đủ” (Gl 4,4). Ý muốn cứu độ
của Thiên Chúa đã hoàn thành nơi Chúa Giêsu: Ngài là
Đấng Mêsia đã đến để đưa
lịch sử tới hồi chung cuộc “Nước Thiên
Chúa đã đến gần” cũng là một xác tín của
Thánh Kinh. Từ ngày thoát khỏi cảnh lưu đày ở
Babilon, Israel đặt tất cả hy vọng vào việc
Thiên Chúa đích thân ngự đến và việc thiết
lập Vương Quốc Ngài trên mọi dân tộc. Nơi
các ngôn sứ lòng mong đợi này càng khẩn thiết
hơn (Mi 4,7; So 3,15b; Za 14,9 v.v…). Với Chúa Giêsu, Thiên Chúa
hiện diện đang đích thân hoạt động. Vương
Quốc Ngài đã gần kề (Mt 12,28b).
Và Maccô kết thúc
bản tóm tắt sứ điệp của Chúa Giêsu
bằng cách đặt nơi miệng Ngài một lời
kêu gọi cấp bách phải hoán cải để đón
nhận trong đức tin biến cố hân hoan này (c.15b). Hoán
cải –theo sát tiếng Hy Lạp- có nghĩa là “thay
đổi não trạng”. Việc biến đổi này,
một biến đổi cốt yếu nơi con
người để trở lại với Thiên Chúa,
cũng chính là nền tảng trong lời giảng dạy
của các ngôn sứ (Am 4,6-12). Ở đây, Chúa Giêsu lặp
lại một điểm nòng cốt trong sứ
điệp của Gioan Tẩy Giả (1,4). Nhưng cùng
với sự hoán cải cần phải có “niềm tin” vào
Tin Mừng. Đó cũng là lời mời gọi của
các Tông đồ khi lần đầu tiên các ngài công bố
sự kiện Chúa Giêsu Phục Sinh. Phaolô đã làm thế
ở Ephêsô: “Tôi kêu nài những người Do Thái và Hy
Lạp trở lại với Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu” (Cv
21,21).
Không phải là
ngẫu nhiên, nếu ở đây Maccô nhấn mạnh
tới mối liên tục giữa sứ vụ của Giáo
Hội và sứ vụ của Chúa Giêsu. Giữa hai sứ
vụ này là cuộc sống, cái chết và sự Phục
Sinh của Chúa Giêsu. Người loan báo Tin Mừng của
Thiên Chúa lại trở nên chính đối tượng
của lời loan báo. Điều này không thể không gây
ấn tượng nơi độc giả.
Gọi Các Môn Đệ Đầu Tiên
(1,16-20)
Maccô vẽ nên
bức họa huy hoàng này vào đầu sứ vụ
của Chúa Giêsu. Mấy tiếng đầu tiên gợi lên
một lời mời gọi hướng về biển
khơi (c. 16a). Chúa Giêsu đang lên đường. Sứ
vụ Ngài thật cấp bách. Biển hồ Galilê
–được biết đến nhiều hơn qua cái
tên hồ Tibêria là một biển nước mênh mông
với 21 km chiều dài và 12 km chiều rộng. Bờ
hồ hướng về một chân trời rộng lớn
mãi tới những miền đất dân ngoại bên kia
sông Giođan. Bờ hồ này thường được
Maccô nói tới như một chốn phát sinh lời mời
gọi (trong đoạn văn này và ở 2, 13-14), và
lời loan báo Tin Mừng cho đám đông dân chúng (2,13;
3,7-12; 5,21). Nhưng hoạt động của Chúa Giêsu
ở đây lúc này chẳng khác nào như đặt nền
cho một công trình xây dựng.
Ngài “thấy ông
Simon với người anh là Anrê đang quăng chài
xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá” (c. 16b). phía
bắc hồ Tibêria nơi hai ông đang thả lưới
là nơi nước ấm hơn và có rất nhiều cá. Gần
bờ có nhiều ngư dân sinh sống, họ đánh
bắt, ướp mặn và buôn bán cá. Chúa Giêsu hướng
nhìn tới hai ngư phủ đang thả lưới. Ngài
gọi các ông: “Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành
những kẻ lưới người như lưới
cá” (c. 17). Ta không biết những lời mời gọi
kiểu này đã gây ấn tượng gì nơi các ngư
phủ ấy. Ở đây Chúa Giêsu không ngại chơi
chữ. Ngài dùng thứ ngôn ngữ của nghề đánh cá
để thôi thúc họ dấn thân vào sứ vụ
tương lai: “lưới người như lưới
cá”, kiểu nói thật kỳ cục! Theo quan niệm
của người “sémites”, trong lòng biển chất
chứa quyền lực đáng sợ của sự Dữ
và Tử thần mà chỉ có một mình Thiên Chúa mới
chế ngự nổi (4,35-41). Khi gọi những ngư
phủ này để họ trở nên “kẻ lưới
bắt” Chúa Giêsu mời họ theo Ngài đi vào trần gian
giải thoát con người khỏi mọi điều
dữ. Ta phải ngạc nhiên khi thấy Simon và Anrê mau
lẹ đáp lại lời Chúa Giêsu kêu gọi (c. 18). Câu nói
“bỏ chài lưới” nêu bật sự kiện những
ngư phủ này từ bỏ công việc họ đang
theo đuổi, và các ông bỏ dụng cụ hành nghề
lại đó thật đột ngột khiến ta
phải ngạc nhiên. Chẳng có trao đổi gì giữa họ với Chúa Giêsu
cả. Chỉ mình Ngài nói, còn các ông thì thực hiện
lời Ngài, chẳng khác gì những người máy.
Còn phải
ngạc nhiên hơn nữa khi đọc tới
đoạn văn thứ hai vắn gọn và hoàn toàn song #
đối với đoạn trên (c. 19-20). Lần này Chúa
Giêsu không hề nói cho Giacôbê và Gioan biết họ sẽ làm
gì. Thế mà chẳng những các ông bỏ dụng cụ
hành nghề mà còn bỏ cả những người cùng
chung sống nữa (cha già và những người làm công).
Các chi tiết
của hai trình thuật trên đây diễn ra theo một
trật tự giống hệt nhau:
-
Chúa Giêsu đi
ngang qua.
-
Ngài thấy hai
người là anh em với nhau.
-
Ngài gọi họ.
-
Lập tức họ bỏ
tất cả mà đi theo Ngài.
Không chắc chắn lắm là
biến cố đã xảy ra như vậy và một cách
tự động như thế. Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan
sẽ trở nên những cộng tác viên chính với Chúa
Giêsu trong sứ vụ của Ngài (3,16-17).
Phải chăng tình cờ mà
họ được gọi và họ cũng chẳng
kịp tự do quyết định nữa? Chẳng ai
lại dấn thân vào một cuộc sống “khác” chỉ
bằng một cái gật đầu rồi đi theo
một kẻ xa lạ, dù kẻ ấy có sức lôi
cuốn tới đâu chăng nữa! Trình thuật về
các môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan hẳn
phải gắn với thực tế hơn (Ga 1,35-51). Trong
đó ta thấy Chúa Giêsu mở cuộc đối thoại
với những kẻ Ngài gọi và cho họ có thì giờ
để quyết định cách chín chắn, sau một
thời gian họ quen biết Ngài và đã ở với
Ngài.
Maccô không quan tâm gì đến
mặt tâm lý của sự kiện. Thế thì Maccô muốn
cho trình thuật của ông có ý nghĩa gì? Câu trả lời
sẽ dễ dàng nếu ta biết rằng Maccô đã
cảm hứng từ một trình thuật mẫu về
ơn gọi trong Thánh Kinh. Đó là câu truyện Elia gọi
Elisê đi làm môn đệ ông (IV 19,19-21). Trong trình thuật
này ta thấy người được gọi đã
từ bỏ ngay mọi việc để đi theo
thầy. Người ấy cũng chẳng
được vị ngôn sứ cho phép về từ
biệt cha mẹ nữa. Ngay tức thời, ông từ
bỏ gia đình và nghề nghiệp: “Ông chỗi dậy và
đi làm môn đệ Elia”.
Khi mô phỏng đoạn Thánh
Kinh này để diễn tả ơn gọi của các môn
đệ đầu tiên, Maccô muốn nêu bật
điều căn bản trong việc làm môn đệ
Đấng Mêsia. Ông nhấn mạnh hai điều:
Trước hết sáng kiến về lời mời
gọi đến hoàn toàn từ Chúa Giêsu. Sau đó là chính
lời mời gọi này: nó mang tính hiệu nghiệm
tuyệt đối của Lời Thiên Chúa: “Ngài phán…và
đã có” (x. St 1,3 v.v…). Hiệu quả của lời
mời gọi đó là việc từ bỏ hẳn gia
đình và nghề nghiệp. Chúng ta cần ghi nhận
rằng không phải mọi người đều
được yêu cầu cắt đứt những
mối dây liên hệ cốt yếu và chính đáng này.
Lời kêu mời chỉ được gửi tới
một số người có ơn gọi rất
đặc biệt. Simon (Phêrô) và Anrê, Giacôbê và Gioan là người
được gọi để trở thành “cộng tác
viên” gần gũi với Chúa Giêsu trong sứ vụ rao
giảng Tin Mừng (x. Thiết lập nhóm Mười Hai:
3,16-19).
Chắc chắn khi đặt
trình thuật này như một “khai mở” cho toàn bộ
cuốn Tin Mừng, Maccô đã có những ý định rõ
rệt. Ý thứ nhất là Chúa Giêsu thi hành một tác vụ
“nay đây mai đó”, đòi hỏi một cuộc sống
và một sinh hoạt hết sức tự do. Theo quan
điểm này, những ràng buộc với nghề
nghiệp và gia đình sẽ gây cản trở. Tiếp
đến, Maccô muốn hợp thức hóa sứ vụ
Tông đồ như được trình bày. Sau khi thành
lập nhóm Mười Hai, các môn đệ được
sai đi từng hai người một, theo cách thức
chính Chúa Giêsu đã dùng (x. Sai đi rao giảng: 6,7). Sau cùng, để
đi theo Chúa, Phêrô và nhóm Mười Hai đã nêu
gương từ bỏ tuyệt đối (x. 10,28). Có
lẽ Maccô cũng muốn gợi ý với Giáo Hội Rôma,
mà ông viết Tin Mừng cho, rằng trong cuộc bách
đạo các Kitô hữu tân tòng cũng có thể
được mời gọi từ bỏ những điều
quý giá nhất: vị trí trong xã hội và những liên
hệ gia đình.
Qua suốt dòng lịch sử
của mình, Giáo Hội đã đọc được
nơi những trang Tin Mừng này lời mời gọi
những ai muốn theo sát bước chân Chúa Giêsu từ
bỏ những của quý giá nhất.
Trình thuật vừa đọc
cho ta cảm tưởng rằng những sự kiện
ấy xảy ra cách dồn dập. Nó khác nào phần rút
gọn của cả một cuốn phim sẽ diễn ra
trong suốt Tin Mừng. Lời Chúa Kitô mời gọi
khiến các môn đệ “cất bước đi theo Ngài
và vận dụng hết nghị lực để phục
vụ Ngài. Cần ghi chú rằng, đối với
nhiều người, bút pháp của Maccô gây một cảm
giác mau lẹ thúc bách người đọc. Ông sử
dụng cả một lô trạng từ “lập tức”.
Hai lần trong đoạn văn trên đây (c. 18a và 20a) và
tới mười một lần chỉ nguyên trong
chương thứ nhất thôi. Rất thường
những tiếng “lập tức” này không hề có giá
trị thời gian. Chúng chỉ tương đương
với liên từ “và”.
|