Bỏ nghề
chài lưới mà theo Chúa Giêsu
(Suy
niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi)
Jean-Christopher phó tế đã viết: “…
Bốn người trên bờ hồ hôm đó cũng
như chúng ta bây giờ, luôn tất bật sửa sang
lại chài lưới, đến nỗi hầu như
chúng ta biến thành những tên tù sai tình nguyện. Chúa Giêsu
đến và giải thoát bốn người khỏi
những chài lưới của họ. Tóm lại, chỉ
bằng một lời, Người mời họ nhắm
vào điều cốt yếu: Nước Trời đang
đến gần”. Mở đầu sứ vụ công khai,
Chúa Giêsu đã rao giảng: “Hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng”. Đây là lời kêu gọi khẩn thiết và quan
trọng của Chúa Giêsu đối với mọi
người. Bởi vì, sám hối và lòng tin đi đôi
với nhau. Người sám hối trở nên bé nhỏ,
khiêm tốn, để đặt tất cả niềm tin
của mình vào bàn tay nhân từ của Thiên Chúa, vào sự
thánh thiện của Ngài, vào hạnh phúc nước
trời, vào sự cứu rỗi do Tin Mừng mang
đến. Do đó, Chúa Giêsu mời gọi con người
sám hối và tin vào Tin mừng Ngài mang đến.Liền sau
lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu
gọi bốn môn đệ đầu tiên: Phêrô và Anrê,Giacôbê
và Gioan.
Để mở đầu cho sứ
vụ công khai rao giảng nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu
đã xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình trong dòng
sông Giođan. Ngài làm thế để nêu gương khiêm
nhượng cho mọi người. Ngài rao giảng: “Hãy
sám hối và tin vào Tin Mừng”. Bước đầu
để có lòng tin thực phải sám hối. Lòng tin
khởi đầu bằng sự sám hối. Sám hối và
lòng tin như cặp song sinh. Sám hối là điều
kiện cần thiết để trở nên tốt
hơn. Như thế, sám hối có hai khía cạnh tiêu
cực và tích cực. Khía cạnh tiêu cực, sám hối là
quay trở về con đường xưa mình đã
đi, quay về với chính lòng mình để xem thử
những điều gì là đúng, những điều gì là
sai, những điều gì là không phù hợp. Khía cạnh
tích cực là hướng tới tương lai, quyết
tâm đổi mới, sống tốt hơn, đẹp
hơn, hoàn thiện hơn, chính vì thế, người sám
hối trở nên khiêm tốn: “Người nâng cao những
người phận nhỏ và để những người
giàu có trở về tay không” (Lc 1, 52-53). Người sám
hối khi đó sẽ đặt hết lòng tin
tưởng phó thác vào Chúa, vào hạnh phúc nước
trời, vào sự công chính, vào ơn cứu độ Tin
Mừng Chúa mang đến. Nên, khi tin vào Thiên Chúa, tin vào
ơn cứu độ của Ngài, người ta sẵn
sàng sám hối và như thế lòng tin càng được
nâng cao, niềm tin trở nên vững mạnh hơn. Chúa
mời gọi con người, loài người sám hối
và tin vào Tin Mừng Ngài mang đến cho nhân loại, mang
đến cho mỗi người.
Cái lạ lùng vẫn là Chúa kêu gọi các
môn đệ đi theo Ngài. Chúa kêu gọi sám hối và tin
vào Tin Mừng. Chương trình cứu chuộc của Chúa
không chỉ nguyên Chúa là đủ, nhưng Ngài còn nhờ vào
bàn tay nối dài của nhiều người, nhiều môn
đệ, nhiều tông đồ. Do đó, nỗi ưu
tư hàng đầu của Ngài là tuyển chọn các môn
đệ: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở
thành những kẻ chài lưới người” (Mc 1, 17).
Chúa gọi bốn môn đệ trong khi các người này
đang bận rộn với công việc thường ngày
là đánh bắt cá ở biển. Công việc của các ông
lúc đó là kiếm được nhiều cá để bán
lấy tiền nuôi sống bản thân, nuôi sống cha
mẹ, gia đình của mình. Nhưng từ đây theo Chúa:
Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan và sau này các môn đệ khác sẽ
chuyển đổi nghề: từ việc đang làm là
đánh bắt cá dưới biển, các ông sẽ trở
thành những ngư phủ đánh cá người khắp
thế giới. Nghe tiếng Chúa gọi, Tin Mừng nói rõ,
các ông bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Cuộc
đời của các môn đệ từ đây là vâng nghe
lời Chúa dạy, các ông đã hăng say đi khắp
mọi nơi rao giảng Tin Mừng, đưa nhiều
người về với Chúa và về với Giáo Hội.
Sở dĩ các ông đã làm được công việc
đó, vì các ông đã sống và chia sẻ niềm tin cho
những người khác. Tuy nhiên kết quả thế nào,
điều đó, do Chúa quyết định: “Lạy
Thầy, chúng con vất vả suốt đêm mà chẳng
được con cá nào, nhưng vâng lời Thầy, con xi
thả lưới” (Lc 5, 5). Và rồi kết quả
thế nào, mọi người đều biết: cũng
chiếc lưới đó, cũng ngư phủ đó,
nhưng lại kéo lên một mẻ cá ngoài sức
tưởng tượng của các ông.
Cái huyền diệu và hết sức
ấn tượng, lạ lùng vẫn là có nhiều tâm
hồn quảng đại dấn thân rao giảng
nước Thiên Chúa. Ngay từ thời các tông đồ,
Chúa gọi họ, nghe tiếng Chúa, họ sẵn sàng
bỏ mọi sự, bỏ cả cái nghề hái ra tiền
để theo Chúa Giêsu. Phải chẳng Đức Giêsu có
một lực hấp dẫn đến nỗi làm cho các
môn đệ say mê, bỏ mọi sự mà theo Ngài? Đúng
là Đức Giêsu đã cho các môn đệ thấy Tin
Mừng là Ngài đang ở giữa họ. Do đó, họ
không bám víu những gì sẵn có, đang có, nên bỏ mọi
sự mà theo Chúa Giêsu. Họ đã sống niềm tin: “Ngài
phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Họ
đã thực hiện như Gioan Tẩy Giả đã làm:
họ trở nên chứng nhân hữu hiệu cho
nước Thiên Chúa. Ngày nay, người môn đệ Chúa
phải sống cái cốt lõi của Tin Mừng là yêu
thương, chia sẻ. Do đó, người môn đệ
Chúa, tin và sống Tin Mừng hằng ngày và phải chia
sẻ, thực hiện Tin Mừng nơi đời
sống của mình bởi vì: “Đức tin không việc
làm là đức tin chết”. Jean-Christoper viết tiếp:
“Đã từ lâu rồi, chúng ta nghe Tin mừng? Chúng ta đã
làm gì với những chài lưới của chúng ta? Chúng ta
đã lấy những cớ nào để trói chân chúng ta vào
đó? Bốn người môn đệ đầu tiên
đã biết đứng dậy và đi theo Chúa Giêsu,
họ đã dám bỏ lại những gì đã xiềng xích
họ. Họ đã không sợ. Họ cũng không suy
nghĩ gì, họ để Chúa làm. Và nếu chúng ta cũng
để Chúa làm nơi chúng ta thì sao? Và nếu chúng ta
đặt lại những gì chúng ta cho là ưu tiên, và
để Chúa đúng vào vị trí của Chúa, vị trí hàng
đầu! Mà không quên rằng, để phục vụ
Chúa, để gặp được Người, chính là
phải phục vụ tha nhân… Chúa Giêsu đang ở trên
đường chúng ta đi, Người sáp nhập chúng
ta vào công việc của Người: Trở nên những
kẻ lưới người”.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
1. Ai đã giới thiệu Chúa Giêsu cho hai
môn đệ của Gioan Tẩy Giả?
2. Vai trò của Gioan Tẩy Giả?
3. Ai đã giới thiệu Simon cho Chúa
Giêsu?
|