Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất Kitô giáo
Năm nay (2015), ngày khởi đầu “tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất Kitô giáo”
là Chúa Nhật II Thường Niên (năm B), và đặc biệt là dịp chúng ta cùng với hàng
triệu Kitô hữu trên thế giới vui mừng kỷ niệm lần thứ 100 của Tuần Hiệp Nhất.
Ước muốn hiệp nhất Kitô giáo là sự
thật về phong trào đại kết, sự hiệp nhất bắt nguồn từ Đức Kitô. Ngài đã bày tỏ
rõ ràng trong lời cầu nguyện tại Bữa Tiệc Ly, trước khi Ngài chịu khổ nạn: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những
người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và
con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha
đã sai con” (Ga 17:20-21).
Cầu nguyện là điều cần thiết trước
khi làm bất cứ việc gì, như tác giả Thánh Vịnh xác định: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia
mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm. Bạn có thức khuya
hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dầu có
ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Tv 127:1-2). Việc xây “Nhà Hiệp Nhất
Kitô Giáo” là việc chung, nhưng nếu không được Chúa Giêsu giúp đỡ thì cũng
luống công vô ích. Thật vậy, chính Ngài đã nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).
Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất Kitô
giáo hàng năm từ ngày 18 tới 25 thánh Một, do các Tu sĩ Dòng Phanxicô Hoa Kỳ
khởi xướng, họ thuộc Tân giáo (Episcopalian Communion) hoặc Anh giáo (Anglican
Communion). Họ là Lm Paul Wattson và Nt Lurana White, Dòng Phanxicô Đền Tội (Franciscan
Friars and Sisters of the Atonement). Nhóm này mau chóng trở thành Công giáo
Rôma.
Thánh 1-1908, tuần lễ cầu cho sự
hiệp nhất Kitô giáo được cử hành tại nhà nguyện của nữ tu viện Phanxicô Tân
giáo, trên ngọn đồi cách TP New York 50 dặm về phía Bắc. Lm Wattson và các tu
sĩ nam nữ Phanxicô cảm thấy rằng Anh giáo nên phục hồi tính Công giáo bằng cách
tìm kiếm một dạng “hiệp nhất” nào đó với Đức giáo hoàng ở Rôma. Các tu sĩ này thấy
có sự đáp lại từ phía Rôma bằng cách hiệp thông hoàn toàn từ năm 1909.
Từ đầu, ngày 18 được chọn là ngày
mở đầu Tuần Hiệp Nhất vì hồi đó ngày này là lễ Tông Tòa Thánh Phêrô tại Rôma.
Thập niên 1930, Lm Paul Couturier, người Pháp, cổ vũ sự hiệp nhất Kitô giáo nên
khuyên cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo như Chúa Giêsu mong muốn.
Năm 1964, Công đồng Vatican II đã
ban hành sắc lệnh về đại kết, khuyến khích người Công giáo “cầu nguyện
cùng với các anh em ly khai” và nhận biết các cộng đồng Kitô giáo khác. Năm 1968,
Tuần Hiệp Nhất chính thức được gọi là “Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô
giáo”. Tuần lễ này là “tám ngày suy nghĩ về sự thay đổi của chúng ta trong Đức
Giêsu Kitô”.
Ngày thứ nhất: Thay đổi nhờ Người Tôi Trung là Đức Kitô.
Ngày thứ nhì: Thay đổi trong sự kiên nhẫn chờ đợi Chúa
Giêsu.
Ngày thứ ba: Thay đổi nhờ Người Tôi Tớ Đau Khổ.
Ngày thứ tư: Thay đổi nhờ Đức Kitô chiến thắng ma quỷ.
Ngày thứ năm: Thay đổi nhờ ơn bình an của Chúa Giêsu phục
sinh.
Ngày thứ sáu: Thay đổi nhờ tình yêu của Thiên Chúa.
Ngày thứ bảy: Thay đổi nhờ Chúa Chiên Lành.
Ngày thứ tám: Kết hiệp trong quyền cai trị của Đức Giêsu
Kitô.
Chúng ta cùng nhớ lại điều mong ước
của Chúa Giêsu:
Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ
không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không
xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không
thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật
mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con
cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự
thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này,
nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở
trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã
ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để
họ được hoàn toàn nên một; như vậy,
thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu
thương con. Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho
con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha
đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy
Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha,
và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh
Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và
con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17:14-26).
TRẦM THIÊN THU
|