Lễ Hiển Linh
Khi ngôi sao chiếu sáng trên bầu
trời Bêlem, là lúc tình trạng dân Israel như thầy tư tế già Dacaria
phát biểu “ngồi trong nơi tối tăm và trong bóng
tử thần” (Lc 1,79). Tuyển dân của Chúa mà còn như
thế huống nữa là dân ngoại. Thánh Phaolô phác hoạ
tình trạng thuộc linh của dân ngoại: “Thuở
ấy anh em không có Đức Kitô, không được
hưởng đặc quyền của Israel, xa lạ
với các Giao Ước dựa trên lời hứa của
Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở
trần gian này” (Ep 2,12). Tóm lại, lúc Đấng Kitô giáng
thế là lúc thế gian suy đồi cùng cực, đang
đứng trên bờ vực thẳm, thì ngay khi ấy ngôi
sao xuất hiện ở Đông Phuơng đem theo lời
hứa vĩ đại Tin Mừng.
1. Ngôi sao
của hy vọng.
Trong quan niệm của người
Đông Phương, sự xuất hiện của một
vì sao trên trời có quan hệ tới một nhân vật
dưới trần, nhất là các vị đế
vương, người ta vẫn gọi đó là ngôi sao
chiếu mạng. Các nhà chiêm tinh Đông Phương
đều tin như vậy, vì thế nảy sinh hẳn
một môn học chiêm tinh với các khoa tử vi. Lịch
sử Trung quốc ghi lại truyện hoàng đế Quang
Vũ đời Đông Hán rất kính trọng ông Nghiêm
Tử Lăng, sai sứ đi nhiều lần mới
mời được ông vào triều, nhà vua tiếp đón
ông rất mực kính trọng và thân thiết, giữ ông
lại trong cung đến đêm và nằm chung một
giường. Nửa đêm, Tử Lăng gác một chân
lên bụng nhà vua, nhà vua không nỡ làm ông thức giấc,
cứ để yên cho ông làm như vậy. Sáng hôm sau
liền có quan thái sử tâu lên vua rằng hồi hôm xem
điềm trời, thấy sao của khách xâm phạm sao
nhà vua rất gấp, xin hoàng thượng nên để ý.
Vua Quang Vũ cả cười nói rằng: “Ta biết
rồi, việc này xảy ra chỉ vì ta và Tử Lăng
cùng nằm chung một giường, và chân của Tử
Lăng gác lên bụng ta mà thôi, các khanh chớ lo!”.
Đối với các nhà bác học Đông Phương,
sự xuất hiện của một ngôi sao như thế
là thực hiện một mong ước từ lâu, vì khi
nghiên cứu các tinh tú, họ nhận thức rằng ngôi
sao là đại biểu cho “ý muốn vĩnh cửu”. Quan
niệm của họ cũng tương hợp với
lời tiên tri của Kinh Thánh: “Một vì sao hiện ra
từ Giacóp, một vương trượng trỗi
dậy từ Israel” (Ds 24,17). Vì vậy khi họ thấy ngôi
sao xuất hiện, liền biết thời giờ đã
đến, nên chẳng ngần ngại lặn lội
đường xa rủ nhau đi tìm cho thấy “vì sao
xuất hiện từ Gia cóp” hầu tìm ra con
đường sáng cho mình trong một thế giới u
minh.
2. Ngôi sao
thần bí
Khi nghe được tin này Hêrôđê
hết hồn, với tầm óc hiểm độc và
quỷ quyệt nhà vua coi đây là một điều
rất dữ. Sự xuất hiện của ngôi sao cũng
như sự xuất hiện những chữ viết trên
bức tường của cung điện vua Benxatxa ngày
xưa, dự báo sự diệt vong của nhà vua.
Điều đó có nghĩa là sẽ có một vua Giuđa
thay cho mình ngồi trên ngai vàng. Do đó nhà vua phải sử
dụng đến mọi thủ đoạn ác độc
để diệt trừ hậu hoạ khi còn trong
trứng nước. Nhưng mưu độc của loài
người làm sao phá hỏng được kế
hoạch của Thiên Chúa. Con Trẻ mà Hêrôđê tìm giết
lại là Con Trẻ thoát khỏi tai hoạ.
Một điều lạ kỳ ấy
là ngôi sao một đàng là hy vọng, là niềm vui lớn
cho mọi người thiện tâm, lại nên điềm
dữ báo nguy cho hạng người tàn ác. Ý nghĩa cao
đẹp của nó được những tấm lòng ích
kỷ tham lam nhận ra. Sự xuất hiện của ngôi
sao báo hiệu ngày tàn của họ đã tới!
3. Ngôi sao
dẫn đường.
Ngôi sao trên bầu trời Bêlem đã
dẫn các đạo sĩ Đông Phương trải qua
cuộc lữ hành xa lạ, đầy khó khăn nguy
hiểm đã đem các ông tới nơi Con Trẻ mà các ông
muốn kiếm tìm. Chính ngôi sao đã bảo tồn cho
họ niềm hy vọng, ước nguyện, đức
tin mà Thiên Chúa đã mặc khải cho. Cũng chính ngôi sao
đã cho họ thấy Con Trẻ cũng là vua của
họ để họ chuẩn bị lễ vật
triều kính Ngài.
Ngôi sao trên bầu trời Bêlem vẫn
luôn là ngọn đuốc soi đường cho tất
cả những ai cần tìm chân lý, muốn được
cứu rỗi linh hồn, và mong nhận được
lòng yêu thương vĩ đại của Thiên Chúa.
4. Ngôi sao
của vui mừng.
“Khi thấy ngôi sao dừng lại
chỗ Con Trẻ, các hiền sĩ hết sức vui
mừng”. Vì đối tượng mà họ khổ công tìm
kiếm nay đã thấy rồi, lòng khao khát chân lý với
nếp sống quang minh chính trực nay đã
được hoàn toàn thoả mãn. Niềm vui của
họ là điềm báo ân phúc lớn lao sau này Chúa dành cho các
môn đệ: “Thầy nói điều đó với anh em
để niềm vui của Thầy ở cùng anh em và
niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 15,11).
Trong những năm sau khi Chúa Giêsu giáng
thế, sự vui mừng mà các hiền sĩ Đông
Phương đã được hưởng, thì bao nhiêu
người khác cũng được huởng nhờ ngôi
sao chỉ đường dẫn lối. Lòng khao khát chân lý
của họ cũng được đền đáp vì
họ nhận được lòng yêu thương vĩ
đại của Thiên Chúa dành cho mọi người
thiện tâm.
Và nếu ngôi sao trên bầu trời Bêlem
này như ngọn đuốc soi đường dẫn các
hiền sĩ tới mục tiêu, thì cái thế giới mà
chúng ta đang sống đây mới tìm ra được ý
nghĩa mới, vui mừng và hy vọng mới thay vì
tuyệt vọng và sầu thảm của những ngày
cũ.
|