Nghịch cảnh và đau khổ trong
gia đình có thể là phương tiện thánh hóa của
Thiên Chúa --- Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Việc
Đức Giêsu bị bách hại khiến Thánh Gia phải
trốn sang Ai Cập là do lòng độc ác của vua
Hêrôđê, nhưng có phải cũng nằm trong kế
hoạch của Thiên Chúa không? – Những hoạn nạn
của ta do lòng độc ác của người khác có
tương tự như thế không?
2. Thiên Chúa
muốn Đức Giêsu và Thánh Gia Thất bị hoạn
nạn đau khổ như thế để làm gì? do Ngài
thương yêu hay ghét bỏ Thánh Gia Thất? Nếu do yêu
thương, thì phải giải thích thế nào?
3. Khi gia
đình ta gặp đau khổ thử thách, thì cách khôn ngoan
nhất để gia đình vẫn có thể bình an và
hạnh phúc là gì?
Suy tư gợi ý:
1.
Đau khổ mà Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu và Thánh Gia
Bài Tin
Mừng cho thấy ngay khi vừa sinh ra, Đức Giêsu
đã trở thành đối tượng bị bách
hại, là nạn nhân thoát chết của sự độc
ác nơi con người. Thật vậy, vừa sinh ra, Ngài
đã bị vua Hêrôđê tìm giết, chỉ vì ông
tưởng rằng trong tương lai Ngài sẽ chiếm
mất ngai vàng của ông. Thánh Gia cũng gặp biết bao
thử thách ngay khi vừa mới thành lập, do sự vô
tình, hiểu lầm và vô lương tâm của con
người. Thật vậy, khi Giuse và Maria vừa thành gia
thất, hai người đã phải chịu búa rìu
của dư luận về việc Maria mang thai khi chưa
chính thức làm đám cưới; và việc Giuse chấp
nhận lấy Maria làm vợ dù con trong bụng nàng không
phải là của mình. Rồi vừa mang thai
được mấy tháng thì phải về tận Bêlem
để đăng ký hộ khẩu, và do nghèo mà không
được ai giúp đỡ, Maria đã phải sinh con
trong chuồng súc vật. Thật nhục nhã và đau lòng!
Chưa hết, vừa sinh con ra, hai ông bà đã phải
vượt biên trốn sang Ai Cập, chịu bao
đắng cay và khổ nhục! Những khổ nhục
ấy không chỉ do con người gây ra, mà còn do sự
sắp đặt của chính Thiên Chúa trong kế hoạch
của Ngài nữa. Phải nói rằng con người mà Thiên
Chúa Cha yêu thương nhất chính là Đức Giêsu!
Nhưng chính Ngài lại là con người bị Thiên Chúa
đày đọa nhiều nhất: «Dầu là Con Thiên Chúa,
Người đã phải trải qua nhiều đau
khổ» (Dt 5,8). Cũng vậy, gia đình mà Thiên Chúa lưu
tâm nhất chính là Thánh Gia Nadarét. Nhưng đó cũng là gia
đình mà Thiên Chúa thử thách và làm cho đau khổ
nhiều nhất! Thật kỳ diệu, khó hiểu và
đầy mâu thuẫn! Nhưng đó chính là thánh ý của
Ngài! Thiên Chúa có điên chăng? Không, Ngài rất khôn ngoan,
nếu chúng ta không hiểu được chính vì sự khôn
ngoan ấy vượt quá khả năng suy nghĩ và
hiểu biết của chúng ta!
2.
Nhưng đau khổ lại là nguồn hạnh phúc và vinh
quang
Nhìn lại
kết quả của những thử thách ấy, ta
thấy: Đức Giêsu và Thánh Gia hiện nay đang
được tôn sùng nhất, cao sang nhất, vinh quang
nhất không chỉ ở dưới đất mà còn
cả trên trời nữa! Nhìn thế ta mới thấy rõ
sự ưu ái mà Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu và gia
đình của Ngài. Một sự ưu ái đầy công
bằng khiến cho không ai trên trần lẫn trên trời
có thể ganh tị được! Sự công bằng
của Thiên Chúa đòi hỏi phải có sự tỷ
lệ thuận giữa đau khổ và hạnh phúc,
giữa nhục nhã và vinh quang, giữa tự hạ và
được nâng lên… Thiên Chúa luôn luôn dùng đau khổ
để thánh hóa và tinh luyện tình yêu của con
người, dùng nhục nhã để đưa con
người đến vinh quang. Tuy nhiên, những đau
khổ chịu ở đời này quả là quá nhỏ bé
so với hạnh phúc và vinh quang mà Thiên Chúa ban thưởng
vì những đau khổ ấy: «Những đau khổ
chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh
quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta» (Rm 8,18).
Vấn đề quan trọng và tùy thuộc nơi con
người là: con người có chấp nhận luật
công bằng đó hay không, có chấp nhận để Thiên
Chúa thánh hóa và tinh luyện tình yêu của mình không. Nghĩa là
khi chịu đau khổ, con người có nhận ra
đó là thánh ý Thiên Chúa để vui lòng chấp nhận
không? Thiếu sự vui lòng chấp nhận này, thì hạnh
phúc và vinh quang không thể thành tựu được. Thánh
Phaolô viết: «Nếu ta cùng chết với Người, ta
sẽ sống với Người; nếu ta cùng đau
khổ với Người, ta sẽ thống trị
với Người» (2Tm 2,11-12a), nhưng ngài cũng thêm:
«Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng
sẽ chối bỏ ta» (2Tm 2,12b).
3.
Hãy thực hiện thánh ý Chúa trong mọi tình huống
của gia đình
Trong
đời sống gia đình, ta cũng sẽ gặp
thử thách và đau khổ do sự thiếu tình
thương, vô tình, hiểu lầm, tính ích kỷ và
độc ác của người khác, thậm chí của
chính những người trong gia đình mình. Chính ta cũng
gây ra những thử thách và đau khổ tương
tự như thế cho tha nhân, và cho cả những
người trong gia đình mình. Nhưng những thử
thách đó đều nằm trong kế hoạch của
Thiên Chúa nhằm thánh hóa và tinh luyện tình yêu nơi bản
thân ta cũng như những người thân trong gia
đình ta. Điều quan trọng là ta phải nhận ra
thánh ý Thiên Chúa trong những thử thách đó, và luôn luôn
sẵn sàng làm theo thánh ý Ngài. Gia đình Nadarét xưa cũng
gặp rất nhiều đau khổ, nghịch cảnh
như gia đình chúng ta đã gặp. Có biết bao hoàn
cảnh khiến người trong gia đình hiểu
lầm nhau, tạo nên những xung đột, v.v… làm cho
nhau đau khổ, và đòi buộc mọi người
phải chịu đựng, tha thứ lẫn nhau. Chính
trong thử thách và đau khổ, con người mới
chứng tỏ được tình yêu của mình
đối với Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt
đối với những người trong gia đình mình.
Nếu
Thiên Chúa đã để cho Đức Giêsu, cũng như
Đức Maria và Thánh Giuse phải đau khổ để
thánh hóa, tinh luyện tình yêu các Ngài hầu ân thưởng
bội hậu các Ngài, thì Thiên Chúa cũng đang thực
hiện như vậy đối với ta và gia đình ta.
Nên nhớ rằng: «Vinh quang sẽ đến sau những
đau khổ đó» (1Pr 1,11). Thiên Chúa muốn dành cho ta
những hạnh phúc và vinh quang lớn lao. Nhưng sự
công bằng của Ngài đòi hỏi ta phải ít nhiều
xứng đáng với hạnh phúc và vinh quang ấy, nên Ngài
phải thử thách ta chút ít để ta chứng tỏ
được tình yêu của ta. Vì thế, hãy lấy làm vui
mừng khi được Ngài thử thách: «Được
chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao
nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang
Người tỏ hiện, anh em cùng được vui
mừng hoan hỷ» (1Pr 4,13).
Điều
quan trọng là chúng ta phải có tình yêu đích thực
đối với tất cả mọi người trong
gia đình ta. Và biểu hiện của tình yêu đích
thực – tức «hoa quả của Thần Khí» – là «bác ái,
hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm,
trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,22-23). Nếu
«yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhau nhìn về
một hướng» như Saint-Exupéry nói, thì trong gia
đình, hướng chung đó phải là cùng nhau xây
dựng hạnh phúc gia đình, hạnh phúc chung của
mọi thành viên trong đó. Muốn thực hiện
được hạnh phúc ấy thì điều cần
thiết là mọi người đều phải
đặt thánh ý Thiên Chúa là tối quan trọng, và luôn luôn
thi hành thánh ý Ngài. Mà thánh ý Ngài chính là mọi người
trong gia đình yêu thương và hy sinh cho nhau (x. (Ga
13,34)-35).
Hạnh
phúc gia đình phải được xây dựng trên
nền tảng là cùng nhau thực hiện thánh ý Thiên Chúa thì
mới vững bền. Cổ nhân nói: «Thuận Thiên giả
tồn, nghịch Thiên giả vong» (=thuận theo Trời thì
còn, thì hạnh phúc, nghịch với Trời thì mất, thì
đau khổ). Câu này đúng trong mọi trường
hợp, đặc biệt trong mọi tình huống của
gia đình. Nếu không quan tâm thực hiện thánh ý Ngài, con
người càng tìm hạnh phúc thì càng gặp đau
khổ. Nếu vì chính bản thân ta không hy sinh và nỗ
lực tạo hạnh phúc cho gia đình mình nên gia đình ta
không hạnh phúc, thì ta nên xét lại cách cầu nguyện và
cách sống đạo của ta. Rất có thể ta đã
cầu nguyện và sống đạo một cách sai
lạc, không đẹp lòng Thiên Chúa. Cần sám hối và
sửa sai. Đừng tưởng cứ cầu nguyện
cho nhiều là làm đẹp lòng Thiên Chúa! Cần cầu nguyện
cho có phẩm chất hơn là cầu nguyện cho
nhiều. Cầu nguyện có phẩm chất đòi hỏi
lòng chân thành và tình yêu thật sự, hay ít nhất là
hướng đến việc gia tăng tình yêu trong lòng
mình. Hiệu quả tất yếu của việc cầu
nguyện đích thực là tình yêu trong lòng mình ngày càng gia
tăng. Dựa vào đó, ta có thể biết mình có thật
sự cầu nguyện hay cầu nguyện đẹp lòng
Chúa hay không.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha,
đời sống gia đình có biết bao khó khăn,
thử thách và đau khổ, chẳng những đến
từ ngoại cảnh, từ xã hội, mà còn đến từ
chính những người trong gia đình. Xin cho con nhận
ra mọi đau khổ thử thách đều là những
phương tiện Cha dùng để thánh hóa, tinh luyện
tình yêu của bản thân con và gia đình con, để chúng
con có được những cơ hội quý giá chiếm
được những phần thưởng vô cùng lớn
lao mà Cha muốn dành cho chúng con. Xin ban cho con mọi
người trong gia đình con đủ tình yêu để
gia đình con trở thành một tổ ấm hạnh phúc,
thành một hình ảnh của thiên đàng mai sau.
|