Đơn giản là như thế – G.
Nguyễn Cao Luật
Tôi chẳng phải là ai cả
Câu chuyện xảy ra tại
một địa điểm ở phía Bắc Biển
Chết, có lẽ cũng là nơi xưa kia
dân Do-thái đã vượt qua sông Gio-đan để
tiến vào Đất Hứa. Ông Gioan Tẩy
Giả đang có mặt tại đó và làm phép rửa
bằng nước. Chỉ một nghi
thức sám hối này cũng đủ để phân
biệt phép rửa của ông với những cách thức
thanh tẩy khác nhau vốn đang thịnh hành trong các nhóm thời
bấy giờ. Con người này là ai vậy mà
biết bao người đang ùn ùn kéo đến với
ông để lãnh nhận phép rửa ? Con
người này có sứ mạng gì mà lời rao giảng
của ông có âm giọng như tiếng kêu của các vị
ngôn sứ, tính cho đến lúc này, đã im vắng
được ba thế kỷ ?
Người Do-thái, hay chính xác hơn,
một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đã
muốn xác định xem ông là ai. Họ
đặt câu hỏi và muốn xếp ông vào một trong
số những hiểu biết của mình. Họ muốn kiểm chứng, họ muốn tin
chắc vào hiểu biết của mình.
Trước hết,
họ muốn biết có phải là Đấng Mê-si-a không. Trong giai đoạn
căng thẳng lúc bấy giờ, có rất nhiều
người mong chờ vị sứ giả của Thiên
Chúa đến. Họ đã mường tượng
ra dung mạo của vị sứ giả, nhưng là
một thứ hình ảnh cứng ngắc. Trong thực
tế, họ đã có nhiều hình ảnh mẫu, tuỳ theo thái độ chờ đợi, tuỳ theo
khát vọng của mỗi người. Trong
khi đó, các vị lãnh đạo dân đang cố gắng
kiểm chứng danh tính của những người
đang có ảnh hưởng trên dân chúng. Chính họ
cũng có quan niệm về dung mạo của con
người phải đến. Do đó, họ đã nêu
vấn đề với ông Gioan khi thấy đám đông
kéo đến với ông để nghe giảng và đón
nhận phép rửa.
Ông có phải là ngôn sứ Ê-li-a không ? Một nhân vật khác
được nêu lên sau khi ông Gioan đã tuyên bố ông không
phải là Đấng Mê-si-a. Từ trước
đến nay, người Do-thái vẫn công nhận ngôn
sứ Ê-li-a là một chứng nhân vĩ
đại về lòng tin. Ông đã
được cất lên trời cách lạ lùng (2 V 2), và
ông sẽ trở lại để dọn đường
cho Đấng Mê-si-a đích thực. Lúc
sinh thời, ngôn sứ Ê-li-a đã bị mọi
người loại bỏ. Nhưng
giờ đây, người ta đã biết ông là ai.
Con người xưa kia bị bách
hại, nhưng giờ đây lại được tôn
phong.
Người ta
vẫn dựa trên những hình ảnh quá khứ để
nhận định về hiện tại. Nhưng mỗi
người có vai trò riêng của mình, và ông Gioan Tẩy
Giả là một trường hợp rất đặc
biệt.
Đơn giản là một
chứng nhân
Câu trả lời của
ông Gioan cho thấy một thái độ khiêm tốn cần
ngạc nhiên.
Ông tuyên bố ông
không phải là Đấng Mê-si-a, không phải là Ánh Sáng. Ông không phải là ngôn sứ Ê-li-a
trở lại, cũng không phải là vị Ngôn Sứ vĩ đại như người ta
vẫn chờ đợi.
Ông chỉ là vị
tiền hô, đơn giản là một chứng nhân, có vai
trò hoàn toàn tuỳ thuộc vào Đấng ông loan báo. Ông là ngọn đèn do Thiên Chúa
thắp lên để soi đường cho Đức Ki-tô
đến, là tiếng nói của Thiên Chúa. Đơn
giản chỉ có thế. Tất cả
chỉ có thế. Ngọn đèn để soi sáng,
tiếng nói để cung cấp lời.
Cách trả lời
của ông Gioan Tẩy Giả cho thấy ông không để
cho người ta xác định về mình. Ông không lặp
lại quá khứ, nhưng mở ra tương lai. Vì vậy, ông là người của bất
ngờ. Người ta không thể
đóng khung vào một loại nào. Ông
khước từ quan niệm coi ông là điểm
dừng, ông chỉ muốn mình là điểm cần đi
qua. Ông làm chứng về ánh sáng, một loại ánh
sáng luôn vuột khỏi tầm với con người,
nhưng lại soi chiếu cho họ trên con
đường của mình. Ông Gioan chỉ
muốn mình là người chỉ đường và không
muốn người ta chăm chú vào mình. Một thái độ tuyệt vời và chính
điều này làm ông trở nên cao cả. Đây cũng là đặc tính của mọi ngôn
sứ Ít-ra-en.
Đàng khác, câu trả lời
của Gioan là một thứ tuyên bố về lý lịch cá
nhân, nhưng hoàn toàn tiêu cực, làm cho những người
chất vấn chưng hửng, thêm
thắc mắc. Người ta không thể xác định
về ông, nhưng ông vẫn rất cần thiết và quý
giá để chỉ cho mọi người thấy
rằng: có một vị đang ở giữa các ông mà các
ông không biết".
Tuy vậy, phải
nói rằng chính ông Gioan Tẩy Giả cũng không biết
rõ về Đức Giêsu. Đang khi ông dìm người khác trong nước
để thức tỉnh và thanh tẩy họ, thì chính ông
lại sống trong nghi nan. Ông biết rằng ông có sứ mạng dọn
đường cho Đấng Mê-si-a đến. Ông
cũng biết rằng Đấng Mê-si-a cao cả hơn
ông nhiều: "Người đến sau tôi và tôi không
đáng cởi quai dép cho Người" ; "có
người đến sau tôi nhưng trỗi hơn tôi, vì
có trước tôi" ; ông cũng cảm thấy một
sự đứt đoạn, nhưng ông chưa thấy
Người đến. Ông cũng không biết rằng
Vị Sứ giả của Thiên Chúa, mà ông là người
dọn đường, lại chẳng là ai khác hơn là
người bà con của ông tại làng Na-da-rét, là ông Giêsu
người thợ mộc.
Ông chỉ biết
rằng chính ông không phải là Đấng Mê-si-a, và chỉ
là kẻ dọn đường. Ông biết
điều này rất rõ và ông sống đến tận
cùng. Ông dấn thân trọn vẹn
để thi hành sứ mạng ngôn sứ, giới
thiệu Đức Ki-tô khi tới thời gian đã
được ấn định. Ông biết rằng
ông không phải là ánh sáng, nhưng ông có mặt để làm
chứng về Ánh Sáng. Rồi đây, ông sẽ đưa tay ra để chỉ vào Đấng
phải đến. Người là Đức Giêsu,
Người đến và đem lại cho Thiên Chúa vô hình,
Thiên Chúa không thể đụng chạm tới
được một dung mạo, một thân thể.
Về một Thiên Chúa đã
biết và chưa biết
Không ai thấy Thiên
Chúa, không ai nghe được Thiên Chúa, và cũng không ai
đụng chạm được Thiên Chúa.
Làm thế nào bây giờ
trước một Thiên Chúa được gọi là Ánh
Sáng nhưng không ai nhìn thấy được
? Đấng tự nhận mình là Chân Lý tinh tuyền
nhưng lại xuất hiện dưới khuôn mặt
không thực, Người là ai ?
Đấng hiện diện ở khắp nơi nhưng
dường như lại vắng mặt, Người là ai ?
Các nhà thần học luôn tìm ra
những lý luận rất hay, nào là Thiên Chúa ẩn mình
để tôn trọng sự tự do của chúng ta, hay
để tạo cho chúng ta nỗi ngạc nhiên khi chúng ta
chết, v.v... Tuy vậy, chúng ta cảm thấy không
thoả mãn với những giải thích như thế, và
chúng ta có cảm tưởng rằng những giải thích
này cũng chẳng làm cho những người đã
đề ra chúng được thoả mãn.
Thiên Chúa là Đấng không thể
hiểu thấu: chúng ta phải chấp nhận sự
kiện đó, một sự kiện không thể khác
được. Chấp nhận không phải
để buông xuôi, nhưng là để nhìn rõ chỗ
đứng của chúng ta và nhất là để
đặt Thiên Chúa vào đúng chỗ của Người,
tức là Người có mặt ở khắp nơi, ở
bất cứ nơi nào chúng ta đang chờ đợi
Người.
Như vậy, nếu Thiên Chúa
không để cho cảm giác và lý luận của chúng ta
đụng chạm tới Người, nếu Thiên Chúa
không để cho chính lòng tin của chúng ta nắm bắt
được Người, thế thì phải chăng
chúng ta bị kết án phải tìm đến Người
trong bóng đêm mịt mù ? Phải
chăng chúng ta đang có nguy cơ đi lạc
đường hay là chỉ chạy theo một ảo ảnh ?
Những câu hỏi
như thế vẫn được đặt ra cho chúng
ta và có lẽ không bao giờ chúng ta có được câu
trả lời đầy đủ. Thiên Chúa vẫn luôn
ở phía trước và mở ra những chân trời
rộng lớn hơn. Người
mời gọi chúng ta bước vào và trở thành nhân
chứng cho Người.
Như ông Gioan Tẩy Giả,
mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở
thành người loan báo về một Thiên Chúa đang
ẩn mình nhưng vẫn đang đến. Mỗi chúng ta
đang được mời gọi đóng vai trò rất
khiêm tốn nhưng không thể thiếu: giới thiệu
về Thiên Chúa đang đến. Nói một
cách khác, chúng ta được trao phó trách nhiệm lôi kéo
thêm nhiều người cùng gia nhập vào cộng đoàn
những người tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Chân Lý
và Ánh Sáng, đang khi chính chúng ta phải trở thành ngọn
đèn, thành tiếng nói. Đơn giản là như
thế. Tất cả chỉ có thế.
* * *
Thiên
Chúa của tôi vượt hẳn mọi thứ suy luận
và mọi thứ đo lường.
Thiên
Chúa của tôi là thế này: kỳ diệu, độc
đáo và gây sững sờ.
Người
là hữu thể, nhưng lại là chuyển biến,
Người
là những gì đã có, hiện có và sẽ có,
Người
là tất cả, nhưng không có gì là Người,
Chúa
tôi gây sững sờ
là Đấng người ta tin
nhưng không thấy,
người ta yêu mến nhưng không sờ
được,
người ta trông chờ nhưng không nghe
theo,
người ta chiếm hữu, nhưng không
đáng được như thế.
(Juan Arias - Thiên Chúa mà tôi không tin, trang 32)
|