Suy niệm
của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1.
Tại sao Tin Mừng Maccô lại
bắt đầu bằng câu chuyện của Gioan Tẩy
giả, mà không bắt đầu bằng chuyện
Đức Giêsu giáng sinh? Việc dọn đường
của Gioan có ý nghĩa gì đặc biệt đối
với người Rô-ma?
2.
Dựa theo tinh
thần bài Tin Mừng, để dọn đường
đón Chúa đến, chúng ta cần làm gì một cách cụ
thể? Những hình ảnh “dọn sẵn con
đường của Đức Chúa”, “sửa lối cho
thẳng để Người đi” có ý nghĩa gì?
3.
Việc dọn đường Chúa
đến có liên hệ gì với những quan hệ
của ta với tha nhân không?
Suy tư gợi ý:
1. Gioan Tẩy
Giả, người dọn đường để
Đức Giêsu đến
Khởi đầu
Tin Mừng Maccô là chuyện Gioan Tẩy Giả loan báo và
dọn đường cho Đức Giêsu đến, khác
với Matthêu và Lu-ca khởi đầu bằng chuyện
Đức Giêsu giáng sinh. Tại sao? Vì Tin Mừng Maccô được viết cho
người Rôma. Theo quan niệm và thông tục của
người Rôma, các nhân vật quan trọng đi
đến đâu đều phải có người dùng loa
thông báo cho dân chúng biết trước mấy ngày, vừa
để làm nổi bật sự quan trọng của nhân
vật đó, vừa để dân chúng sửa sang những
con đường trong vùng cho ngay thẳng, bằng
phẳng, sạch sẽ, vừa để dân chúng đón
tiếp hai bên đường cho long trọng nếu
vấn đề an ninh cho phép. Vì thế, để
giới thiệu Đức Giêsu cho các Kitô hữu Rôma mà
khởi đầu Tin Mừng bằng câu chuyện của
Gioan Tẩy Giả thì sẽ hiệu quả và lôi cuốn
sự chú ý hơn. Ngoài ra, để nói lên tính cách
đặc biệt thần thiêng của việc dọn
đường ấy, thánh sử còn trích dẫn lời
của 2 ngôn sứ Isaia và Malakia đã loan báo trước
đó khoảng 450-550 năm (tương đương
với thời của các vị giáo chủ các tôn giáo châu
Á): “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn
đường trước mặt Ta” (Ml 3,1), “Có tiếng
người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con
đường của Đức Chúa, sửa lối cho
thẳng để Người đi” (x. Is 40,3).
Phần chúng ta,
khởi đầu năm phụng vụ mới, chúng ta
cũng cần chuẩn bị đón mừng kỷ
niệm Đức Giêsu đến trong nhân loại,
đồng thời đón mừng Ngài đến trong tâm
hồn mỗi người. Vì thế, thiết
tưởng bản thân mỗi người cũng như
toàn Giáo Hội hãy dọn đường đón mừng Ngài.
Dọn đường thế nào thì Isaia và
Gioan Tẩy Giả đã chỉ cho chúng ta.
2. Dọn
đường đón mừng Chúa đến
Ngôn sứ Isaia
viết: “Trong sa mạc, hãy mở một con
đường cho Đức Chúa, giữa đồng
hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên
Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được
lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải
bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành
đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất
phẳng phiu” (Is 40,3-4). Như vậy, theo ngôn sứ Isaia, để đón Chúa
đến, việc đầu tiên là phải mở một
con đường. Muốn thế, phải
bạt núi, san đồi, lấp thung lũng, đổ
đầy các hố rãnh. Đó là nói theo
ngôn ngữ hình tượng. Còn trong thực
tế thì phải làm gì?
a) Phải mở một con đường =
muốn và quyết gặp gỡ Chúa
Chúa đến
để gặp gỡ và đem lại cho chúng ta sự
cứu độ, không chỉ ở đời sau mà còn
ở ngay đời này: một sự bình an và hạnh phúc
siêu nhiên, tuyệt vời, không phải thứ bình an
hạnh phúc kiểu thế gian vốn bị lệ
thuộc vào những điều kiện trần tục (x.
Ga 14,27). Nhưng để
việc gặp gỡ đó thành hiện thực, chính chúng
ta cũng phải mong muốn và quyết tâm gặp gỡ
Ngài. Ngài không thể đến với ta
nếu chính ta không tích cực muốn điều đó.
Do đó, trở ngại lớn nhất khiến chúng ta
không thể gặp gỡ Ngài chính là chúng ta không thật
sự muốn gặp gỡ Ngài. Vì khi gặp
gỡ Ngài, Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta phải
đối diện với sự thật của chính
bản thân chúng ta. Nhưng chúng ta thường
muốn trốn tránh sự thật, tránh việc phải
đối diện với lương tâm mình... Vì
điều này đòi buộc ta phải chỉnh đốn
lại cách sống của mình, phải từ bỏ
những đam mê, những thói xấu, những bất công
vốn đem lại cho ta vui thú, lợi lộc, quyền
lực, danh vọng là những thứ ta rất ham thích.
Như vậy muốn Chúa đến với ta, ta phải
khai phá một con đường, con đường
ấy chính là tâm trạng sẵn sàng đón Chúa đến,
sẵn sàng đến với Ngài, gặp gỡ Ngài với
bất cứ giá nào.
b)Con đường
thẳng ngay, bằng phẳng = tâm hồn chính trực
Với những ai
muốn đón Chúa đến, Gioan Tẩy Giả yêu
cầu: “Hãy dọn sẵn con đường của
Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để
Người đi”. Khi đón một nhân
vật quan trọng đến một vùng nào, người
vùng đó phải dọn dẹp đường cho ngay
thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp.
Cũng vậy, để đón Chúa đến, ta cũng
phải sửa lại những con đường trong tâm
hồn ta cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch
đẹp. Nghĩa là tâm hồn ta phải luôn ngay
thẳng, chính trực, không quanh co, gian dối, giả
tạo...
Ngay thẳng là
một trong những yếu tố chính yếu của
sự công chính, thánh thiện. Thiết tưởng người Kitô
hữu cần phải tạo cho mình một tư cách ngay
thẳng, chính trực, nói gì hay làm gì cũng phải “công
minh chính đại”, “đường đường chính
chính”, không lén lút, giấu giếm, không làm ai phải nghi
ngờ điều gì. Tư cách của người Kitô
hữu phải là tư cách của một người quân
tử, tôn trọng sự thật, nghĩ thế nào nói
thế nấy, và nói thế nào làm thế nấy: “Hễ
"có" thì phải nói "có", "không" thì
phải nói "không", thêm thắt điều gì là do ác
quỷ” (Mt 5,37). Nghĩ một đằng nói một
nẻo, hay nói một đằng làm một nẻo là tư
cách của tiểu nhân, của phường gian ác, không
thể là tư cách của người Kitô hữu: “Đường
lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động
của người trong sạch thì ngay thẳng” (Cn 21,28); “Thiên
Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác”
(Dt 1,9); “Ngài ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20).
Nguyên nhân biến con
người thành quanh co, giả hình, mưu mô... chính là tâm
địa ích kỷ, lắm tham vọng, muốn phình to
bản ngã. Tâm địa này khiến người ta cố
gắng đạt được những điều mình
ham muốn - danh vọng, quyền lực, tiền bạc -
với bất cứ phương tiện nào, kể cả
phương tiện xấu, và bằng bất cứ giá
nào, kể cả tội ác. Từ đó con người
bị tham vọng và đam mê của mình thu
hút, mê hoặc, dẫn đưa mình vào con đường
cong queo của tội ác. Do đó, “sửa lối cho
thẳng để Người đi” một cách căn
bản là dần dần diệt bỏ khuynh hướng
ích kỷ, thích đặt nặng “cái tôi” của mình. Khuynh hướng này gây nên tất cả mọi
lồi lõm, mọi cản trở khiến Chúa khó
đến với ta, và ta khó đến với Chúa.
Hãy noi gương Gioan Tẩy giả, sống thanh
đạm: “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng
bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”; không
tham vọng, không ham đề cao “cái tôi” của mình,
sẵn sàng nhìn nhận sự thật hèn kém của mình: “Có
Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau
tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho
Người”.
c)Đường đến với Chúa cũng là con
đường đến với tha nhân
Thiên Chúa của chúng
ta là một Thiên Chúa luôn luôn tự đồng hóa với tha
nhân của ta. Do đó, người Kitô hữu không thể
quan niệm Thiên Chúa độc lập với tha nhân
của mình, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu tha nhân,
không thể đến với Thiên Chúa
bằng một con đường khác với con
đường đến với tha nhân. Ngược
lại, con người không thể yêu thương tha nhân
mà không yêu mến Thiên Chúa, không thể đến với tha
nhân bằng con đường khác với con
đường đến với Thiên Chúa. Chủ
trương chỉ yêu tha nhân không cần đếm
xỉa gì đến Thiên Chúa, hay ngược lại,
chỉ yêu Thiên Chúa mà không đếm xỉa gì đến
tha nhân đều là những tình yêu giả tạo, không
thực tế. Do đó, muốn đến và gặp
gỡ với Thiên Chúa không gì tốt đẹp và chắc
chắn bằng đến hay gặp gỡ Ngài nơi tha
nhân của ta. Và muốn đến và gặp
gỡ tha nhân không gì bảo đảm và tạo hạnh
phúc cho họ bằng đến và gặp gỡ họ
trong Thiên Chúa. Đối với người
Kitô hữu, không thể tách rời Thiên Chúa khỏi tha nhân,
và tách rời tha nhân khỏi Thiên Chúa.
Vậy, đón Chúa
đến, không gì làm Chúa hài lòng bằng sửa sang lại
mọi quan hệ của ta với tha nhân cho tốt
đẹp hơn, tình nghĩa hơn: làm sao để cha mẹ
ta cảm thấy ta thật sự là con hiếu thảo,
con cái ta thấy ta thật sự là cha mẹ tốt, anh
chị ta thấy ta là người em tốt, các em ta
thấy ta là người anh tốt, bạn bè ta thấy ta
là người bạn tốt, những nhà chung quanh ta
thấy ta là hàng xóm tốt... Hãy sống làm sao
để không mấy ai có thể chê trách ta
được, ai cũng cảm nhận được
tình thương của ta.
Cầu nguyện
Lạy Cha, Cha là
một Thiên Chúa luôn luôn đồng hóa với tha nhân của
con. Nhờ đó, con có thể gặp gỡ Cha trong
những người sống chung quanh
con, con có thể yêu thương và phục vụ Cha
bằng việc yêu thương phục vụ họ. Vì thế, chuẩn bị đón Cha đến
trần gian, không gì tốt đẹp hơn làm cho môi
trường con đang sống biến thành một môi
trường yêu thương. Xin giúp con thực
hiện điều Cha mong muốn nhất ấy.
|