MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: gương chứng nhân
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp Và Cuộc Tử Đạo Các Tu Sĩ Xứ Đạo Cà Mau ( Tập 1)
Chủ Nhật, Ngày 7 tháng 12-2014

CHA PHANXICÔ TRƯƠNG BỬU DIỆP VÀ CUỘC TỬ ĐẠO CÁC TU SĨ XỨ ĐẠO CÀ MAU (TẬP 1)       
                 
SƠ LƯỢC CUỘC THẢM SÁT CÁC LINH MỤC VÀ NỮ TU XỨ ĐẠO CÀ MAU

Tháng 3 năm 1946, Thực dân Pháp đã trở lại và hiện diện khắp miền nam Việt Nam. Riêng tại Cà Mau, trước đó không bao lâu, đến ngày 02 tháng 02 mới có một đơn vị quân đội Pháp di chuyển bằng đường thủy đến, nhưng chỉ trấn đóng tại thị xã. Đến ngày 30 tháng 04 năm 1946, thực dân Pháp tăng cường thêm quân và kéo về thị trấn Cà Mau rất đông. Các cơ sở hành chánh kể từ đó bắt đầu hoạt động. Sau đó chúng dần dần lấn chiếm lan rộng ra. Những vùng khác trong toàn tỉnh vẫn do Việt Minh cai quản.

Năm đó Giáo Hội Công Giáo xứ đạo Cà Mau có 5 cha, 4 dì phước và 2 nữ tu. Trong 5 cha có 2 cha ngưòi Pháp, Cha bề trên và cha phó mà tôi vì thời gian đã không còn nhớ tên, trông coi nhà thờ chánh Cà Mau, và 3 cha người Việt. Cha Diệp trông coi họ đạo Tắc Sậy. Cha Công trông coi họ đạo Cái Rắn, cha Tứ trông coi họ đạo Hòa Thành và trên hai mươi họ đạo nhỏ.

Sáng ngày 05 tháng 03, tất cả 5 vị họp tại nhà thờ chánh Cà Mau vì nghe tin có thể bị Việt Minh Cộng Sản bắt hoặc bị sát hại. Các vị là những giáo sĩ luôn chuyên tâm vào công việc truyền giáo, nhưng vì không chấp nhận sự trở lại của thực dân Pháp nên đã không cần nhờ vã tới sự che chở của người Pháp, dù đơn vị quân sự Pháp đang đồn trú chỉ cách nhà thờ chánh 3 cây số. Tất cả đồng ý lẫn trốn đến nhà xứ của cha Tứ tại Hòa Thành cách đó 13 cây số mà lánh tạm.

Ngày 06 tháng 03 tất cả bốn dì phước và hai nữ tu đã bị Việt Minh bắt giải đi. Sáng ngày 09 tháng 03, một nhóm Việt Minh đến nhà thờ Tắc Sậy tìm cha Diệp. Họ tra hỏi 6 ông qưới chức, và giam giữ các ông sau khi không dò hỏi được gì. Hai giờ sau họ tập trung tất cả người nhà của các ông lại. Lúc đó, các ông qưới chức mới phát hiện trong số đó còn có 4 bà phước và 2 nữ tu, tổng cộng trên 40 người.Tất cả bị giam giữ tại nhà cha Diệp. Họ nhắn tin cho cha Diệp biết khi nào cha về trình diện, họ sẽ thả người.

Khoảng 6 giờ chiều ngày 09 tháng 03 có người đến Hòa Thành báo tin cho cha Diệp biết tin như vậy. Đến 9 giờ tối ngày 09 tháng 03 ba tôi, thường được mọi người gọi là Thầy Hai Ngô Thiên Cẩn, đến rước 5 cha về Bào Sen lánh nạn. Tất cả các cha đều đồng ý chỉ trừ cha Diệp xin được ở lại, để sáng hôm sau Ngài trở về Tắc Sậy mà cứu giáo dân của mình đang trong tình trạng bị giam cầm.

Sáng ngày 10 tháng 03 trên đường từ Hòa Thành về Tắc Sậy, đến ngã ba Cà Mau nếu đi thẳng chỉ 20 phút sẽ tới thị xã Cà Mau, nơi có quân đội Pháp đang trú đóng. Nếu muốn, cha Diệp có thể cho Pháp biết 6 nữ tu và nhiều giáo dân bị giam giữ và nhờ họ đi giải cứu. Việc đó quá dễ dàng, nhưng ngài không chấp nhận sự cứu giúp của Thực Dân Pháp xâm lăng, mà chọn lấy giải pháp hy sinh, đích thân cứu lấy giáo dân của mình. Có lẽ vì không muốn Giáo Hội mang tiếng nhờ vào người Pháp nên ngài rẽ phải mà xuôi đường về Tắc Sậy.

Đến 6 giờ chiều ngày 10 tháng 03, Cha Diệp về tới Tắc Sậy, và ra trình diện. Họ hạch hỏi Cha về tung tích của bốn cha còn lại, nhưng Cha nhất mực không khai. Họ không những đã không giữ lời hứa mà phóng thích một giáo dân nào, còn tống giam cha vào nhà xứ nhốt luôn. Nửa đêm họ gọi Cha lên hạch hỏi một lần nữa, Cha vẫn kiên quyết không khai.

Sáng sớm ngày 11 tháng 3 từ hướng đất thánh cách nhà thờ trên dưới một cây số, có khoảng hơn 60 đồng bào, đa số là người ngoại đạo, dù đang ở trong nhà hay đi ngoài đường, bị họ áp giải đến nhà thờ. Cùng với những người bị bắt giữ đợt trước, tính tới thời điểm này, đã có hơn trăm người, gồm đủ già trẻ gái trai, bị họ giam cầm. Sau đó, họ áp giải tất cả những người bị giam giữ về Cây Gừa cách đó 4 cây số đường chim bay. Cuộc hành trình của đoàn người đến năm giờ chiều mới đến nơi. Họ tống giam tất cả mọi người vào hai lẫm lúa của ông giáo Sự và khóa lại chốt bên ngoài.

Đến 8 giờ sáng ngày 12 tháng 3 họ giải cha Diệp qua nhà ông Giáo Sự để hỏi cung thêm một lần nữa. Cha vẫn nhất định không khai. Thất vọng trước tinh thần kiên quyết của cha, họ cho giải Cha về lẳm lúa giam giữ, rồi cho dân quân và du kích lấy rất nhiều rơm phủ kín chung quanh hai lẫm lúa.

Hai tiếng sau họ giải Cha lên thẩm cung thêm một lần nữa. Lần nầy họ đánh đập và tra tấn Cha rất nhiều. Cha vẫn trước sau như một, kiên quyết không khai. Trước khi giải Cha về họ cho biết sẽ gọi Cha lần nữa, và đe dọa rằng nếu Cha vẫn ngoan cố không khai báo nơi 4 Cha đang lẫn trốn, thì họ sẽ đốt rơm mà thiêu sống tất cả mọi người bị giam giữ bên trong.

Không thể để liên lụy đến tính mạng của bốn cha, Cha khuyên mọi người nên xét mình ăn năn tội và Cha tiến hành giải tội tập thể. Tất cả những người ngoại đạo muốn xin vào đạo, cha cũng rửa tội cho. Nước Cha có được để rửa tội cho tất cả mọi người là nhờ các em nhỏ hoặc những bé trai chăn trâu chăn bò quá khát nước, kêu khát để xin nước uống, nhưng các em đã không uống, mà nhường lại để Cha có đủ nước làm phép rửa tội cho mọi người.

Đến 2 giờ trưa họ giải Cha lên tra hỏi lần cuối. Lần nầy chúng chém Cha hai nhác, một nhác làm mất đi một phần sọ trên đầu, và một nhác khiến đầu Cha gần như đứt lìa khỏi cổ. Giết cha xong họ lột áo quần và ném xác Cha xuống ao. Sau đó họ gấp rút giải 4 dì phước cùng 2 nữ tu xuống Bào Sen gấp. Họ ra lệnh cho dân quân và du kích đến tối mới được thả dân ra, và bắt buộc mọi người phải rời bỏ họ đạo.

Khoản 2 giờ trưa ngày hôm sau, ngày 13 tháng 03, họ hành quyết bằng phương thức dã man. Họ  đâm và chém 4 dì phước và hai nữ tu tại điền Giáo Oai. Nơi đó đối diện cách nhà thờ Bào Sen và nhà tôi chừng 100 thước, trước sự chứng kiến của dân chúng các điền Giáo Oai, Ngô Tà Dương, và Trương Đình Huy, cùng dân chúng các xóm đạo Bào Sen và Cao Đài. Tất cả những người dân nầy đều bị dân quân ép buộc đến xem. Hai cha già người Pháp, cha Công, cha Tứ và thầy Hai cũng quan sát được tình hình rõ ràng qua khe vách.

Sợ Việt Minh đến xét nhà, lúc 10 giờ tối ngày 13 tháng 3 Thầy Hai đưa 4 cha đi trốn chạy. Đúng giờ đó phép lạ đầu tiên của cha Diệp đã xảy ra. Đêm trăng sáng tỏ trở nên mù tối vì sương mù bỗng sa xuống dầy đặc, che kín cả một bầu không gian để hỗ trợ cho cuộc đào thoát của các cha. Trong tình trạng cách nhau 1 thước cũng không nhìn thấy được gì, mọi người phải buộc dây vào tay nhau mà lần mò từng bước trong đêm đen mù mịt. Cha Diệp đã soi sáng và đưa đường dẫn lối cho Thầy Hai lần mò đúng phương hướng mà đưa các cha đi tìm lối cầu sinh trong muôn một. Sau mười hai ngày Thầy Hai đã thành công đưa được các Cha đến tòa tổng giám mục Cần Thơ bình an.

Dân chúng Bào Sen (cho đến bây giờ) ai ai cũng biết Năm Quyền và Bảy Dinh hai tên du kích đã lùa tất cả dân xóm Đạo Cao Đài. Còn Ông Chín Đê đảng viên thì tập họp tất cả dân chúng họ Đạo Bào Sen đến xem Việt Minh Cộng Sản hành huyết bốn bà phước và hai nữ tu. Sau khi giết hai bà phước người Pháp xong. Năm Quyền, Bảy Dinh cởi lấy hai sâu chuổi của hai Bà và lại đeo vào cổ mình. Chúng đi nghên ngan từ xóm Bào Sen đến xóm Cao Đài đi thị uy như thế hai ba ngày sau mới trả hai sâu chuổi lại cho cán bộ địa phương. Ông Chín Đê thì sau đó quá bất mãn hành động dã mang và gian ác của Cộng Sản, nên Ông thức tĩnh không còn hăng sai hoạt động cho Cộng Sản nữa. Năm 1954 ông không đưa gia đình tập kết ra Bắc mà ở lại Bào Sen và từ bỏ đảng Cộng Sản luôn, Ông trở lại Đạo. Năm 1955 Cha Đầy ngồi Tòa và ban phép giải tội cho ông sau hằng chục năm Ông bỏ Đạo.

Riêng tôi sau khi được nghe cha Tứ, cha Công cùng Ba tôi thuật tường tận về cuộc khổ nạn của cha Diệp nên tôi hiểu nếu đêm đó cha Phanxicô Trương Bửu Diệp không ra tay cứu giúp thì tất cả 4 Cha và Ba tôi sẽ cùng chung số phận thảm khốc giống như Ngài và sáu vị nữ tu. Sau phép lạ đầu tiên này, Cha Diệp còn đuợc truyền tụng với nhiều phép lạ khác mà Ngài đã ra tay cứu giúp dân chúng. Nhớ đến công ơn Ngài, tôi không biết làm gì hơn là viết lên hết sự thật. Xin mời quí vị theo dõi tiếp cuộc đời khổ hạnh của một vị Thánh tử vì Đạo trong 4 tập hồi ký tôi đã viết để kính dâng Ngài.

Vancouver, ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2012
Ngô Thiên Hiệp

NHÀ THỜ BÀO SEN, NHÀ THỜ TẮC SẬY VÀ CHA TRƯƠNG BỬU DIỆP TRONG TÂM TRÍ TÔI, TẬP  1

Nhà thờ họ đạo Bào Sen năm 1991 Cha sở và các em thiếu nhi

PHẦN I  

NHỮNG NGÔI NHÀ THỜ TRONG TÂM TRÍ TÔI

Mùa hè năm 1955, trên đường về quê, về làng Bào Sen, quận Đầm Dơi tỉnh Cà Mau, quê hương mà gia đình tôi đã rời bỏ mà đi lánh nạn từ năm 1946. Đến năm 1954, đất nước hoà bình, gia đình tôi trở về Bào Sen sinh sống. Chỉ còn tôi và hai anh ở lại Sài gòn tiếp tục học. Năm ấy, tôi vừa học song lớp nhì, hôm bãi trường, Tôi quá nhớ ba má, nhớ các em, nhất là mong mỏi được về quê, nên tôi xin hai anh cho tôi về quê ngay.

Đường sá Sài Gòn-Cà Mau mới khai thông, mà đoạn đường từ Bạc Liêu đến Cà Mau, là đường đất , đang sửa chửa, mới rải đá. Trời thì mưa từ sáng tới giờ nên đường xá lầy lội xe chạy chậm chạp vất vả làm tôi mệt mỏi lắm.

Khi xe chạy qua khỏi Bạc Liêu khoảng một tiếng, chừng 30 cây số, tình cờ tôi trông thấy một ngôi nhà thờ bên đường. Hình ảnh ngôi nhà thờ đó làm tâm hồn tôi tan nát, đau đớn, thất vọng vô cùng, cho dù ngôi nhà thờ ấy chỉ hiện hữu trong tầm mắt tôi vài ba phút trong khi xe chạy ngang qua, và tôi cũng không biết địa danh đó là đâu. Tại sao lại có ngôi nhà thờ như vậy. Một ngôi nhà thờ sắp sụp đổ, rong rêu bám đầy đến không thể phân biệt được màu sắc nguyên thủy của ngày xưa. Điểm duy nhất để cho tôi nhận biết đó là ngôi nhà thờ vì trên nóc chót vót có cây thánh giá.

Giữa chiều mưa gió, sau một ngày ngồi xe quá mệt nhọc, nhìn ngôi nhà thờ hoang phế điêu tàn như sắp sụp đổ làm lòng tôi se lại.Tôi tự hỏi, lại có một ngôi nhà thờ điêu tàn đến như thế trên quê hương của mình sao?

Tôi 11 tuổi đã được gặp, được thấy rất nhiều nhà thờ. Năm lên 5,  tôi theo gia đình đi lễ nhà thờ Thạnh Phú. Năm sau, 1950, gia đình chạy giặc qua Ba Tri. Năm ấy nhà thờ Ba Tri vừa xây cất xong nhưng chưa có bàn ghế. Khi dự lễ, giáo dân phải ngồi quỳ trên chiếu. Năm 1951, gia đình tôi lên Sài Gòn. Chúng tôi thuộc họ đạo nhà thờ Ngã Sáu.Tôi được học xưng tội và rước lễ lần đầu tại đó. Khi gia đình tôi về quê, tôi qua ở với nội tôi tại ngã tư Phan đình Phùng và Duy Tân vì lúc đó tôi đang học trường La San Đức Minh Tân Định .

Từ lúc nhỏ, ở Bến Tre tôi đã biết các nhà thờ Thạnh Phú, Ba Tri và Bến Tre. Khi lên Sài Gòn thì đi dự lễ nhà thờ Ngã Sáu. Nhiều lần cha Nho dẫn chúng tôi đi dự lễ nhà dòng Chúa Cứu Thế.

Trong khi học ở La San Đức Minh, đôi khi lễ lớn, tôi được nhà trường đưa qua nhà thờ Tân Định để dự lễ. Còn hàng tuần tôi đi lễ nhà thờ Đức Bà một mình. Tôi cũng có đi qua nhà thờ Huyện Sĩ và còn biết nhà thờ Cầu Kho nữa.

Trong tâm trí tôi, đã là nhà thờ thì phải to lớn và bề thế như vậy. Tôi không thể nào chấp nhận cũng không thể nào hình dung ra được một ngôi nhà thờ quá nghèo nàn, củ kỹ, hoang tàn đến độ có thể đổ ngã trong một chiều mưa gió như thế này. Hình ảnh đó có lẽ sẽ không bao giờ phai nhòa được trong tâm trí tôi.

Mãi nghĩ về ngôi nhà thờ này, và những ngôi nhà thờ tôi vừa mới nhớ qua, tôi không tránh khỏi liên tưởng đến ngôi nhà thờ Bào Sen ở quê tôi. Ngôi nhà thờ mà bao năm nay Má tôi vẫn thường nhắc tới. Ngôi nhà thờ được Ông Le Coir tạo dựng. Ông là người Pháp có vợ Việt tên Nguyễn Thị Mai. Hai ông bà không có con. Khi Ông về hưu Ông có khẩn miếng đất trăm mẫu tại Bào Sen, cất một nhà nguyện nhỏ, rồi gom dân về ở và truyền đạo. Khi xưa nhận ba tôi làm con nuôi. Khi nhà thờ cũng như xóm Đạo mới thành lập, ông bà trực tiếp trông coi. Không bao lâu ông bà già yếu, trở về Sài Gòn sống và giao lại nhà thờ cho ba má tôi trông nom. Ba tôi vì vừa là xã trưởng vừa là đại điền chủ, mà hai miếng đất của gia đình tôi nằm cách nhau trên năm cây số, phải tới lui quá bận, nên nhà thờ cũng như xóm đạo, má tôi gần gũi hơn.

Má tôi thường kể cho chúng tôi nghe rằng tất cả người và thú vật cho dù trước kia sống ngang tàng gian ác thế nào đi chăng nữa, khi về sống gần gủi với nhà thờ một thời gian ngắn thôi cũng chuyển hoá trở nên hiền lành. Thí dụ như một chúa sơn lâm oanh liệt, từng làm chúa tể cả rừng đước Dầm Dơi. Khi Ông về ở gần nhà thờ Bào Sen bỗng trở nên hiền lành. Mỗi chiều khi nghe trống nhà nguyện đánh lên hồi nhất là Ông ra ngồi ngoài ranh đất nhà thờ, để xem mọi người đi đọc kinh chiều, hay ngồi đó mà hiệp thông với mọi người mà cầu lễ. Trước khi chết, Ông cũng cố bò lê về gần đến sân sau nhà thờ mới trút hơi thở sau cùng.

Rồi còn bác Mười Ngộ nữa. Lúc còn trẻ, bác từng cầm đầu một đảng cướp ở Cần Thơ. Khi bị chánh quyền tầm nã gắt gao, Bác lẫn xuống, trốn tránh trong rừng đước Đầm Dơi. Sau một thời gian, Bác nhận thấy chỉ có trốn trong những cúp khai phá rừng là an toàn thôi. Bác cho người thân mang gia đình bác xuống. Nhưng vì gia đình bác không phải thuộc thành phần nghèo đói, nên không quen thuộc được với cuộc sống trong lều trại che tạm bợ gần những cúp khai phá rừng. Bác tìm về xóm Đạo xin cất nhà cho gia đình bác ở. Nhà cửa cất xong, gia đình bác ở lại. Bác vào rừng, vừa hòa nhập vào những cúp vừa khai phá rừng, vừa trốn tránh tiếp. Còn gia đình bác thì mỗi chiều theo dân xóm Đạo đi đọc kinh, rồi học đạo, về sau cả nhà vào đạo luôn.

Theo má tôi nói,  nên tôi nghĩ chỉ có ngôi nhà thờ Bào Sen là nghèo nàn và thấp kém thôi, vì họ đạo mới thành lập,  nhà thờ được cất bằng cây lá, kế tiếp lại đến việc chiến tranh xảy đến.

Trước khi trở về Bào Sen Má tôi có nhắc qua rằng, nhà thờ Bào Sen rồi sẽ được xây cất lại bằng gạch ngói một ngày gần đây thôi. Khi nhớ tới lời Má tôi nói, tôi bỗng nghĩ rằng biết đâu ngôi nhà thờ tôi vừa trông thấy đã dời đi và được xây cất lại nơi khác, và nhà thờ này không cần dùng tới nữa nên mới hoang vắng điêu tàn như thế này chăng? Nghĩ đến đó, lòng tôi bỗng vui lại và mong đợi đến ngày mai. Ngày mai tôi sẽ đươc gặp và được thấy tất cả .

Xóm Bào Sen ngày nay không khác gì má tôi kể trước đây. Dãy phố đầu dàm, ba căn đầu là tiệm tạp hoá của ông chệt Ngô Tiến. Tiếp theo là hai căn tiệm thuốc bắc của ông chệt Thầy. Tiếp nữa là căn nhà của thiếm Ba Chuộng. Kế đến là nhà thiếm Năm Răng. Chỉ gia đình ông thợ may là không còn. Căn phố đó gia đình tôi sửa sang lại và ngụ tại đó. Còn ngôi nhà lầu khi xưa gia đình tôi ở đã bị chánh quyền Việt Minh đốt cháy rụi.

Tôi đi lần đến nhà thờ Bào Sen. Cho dù đã chuấn bị trước, tôi cũng không thể nào cầm lòng được khi nhìn thấy những gì trong tầm mắt của tôi. Hình như lâu lắm rồi ngôi nhà thờ này không có bàn tay người tu bổ, chăm nom. Tôi có cảm tưởng như ngôi nhà thờ mà tôi yêu quý sẽ đổ ngã bất cứ lúc nào. Lòng tôi buồn lắm.            .

Rồi tôi lại vòng ra phía sau nhà thờ, hướng về kinh Cái. Tôi tìm về bờ kinh Cái là muốn tìm lại hình ảnh của ngày xưa. Hình ảnh của “con cọp già”, mà mọi người thường trân trọng gọi bằng “Ông Thầy” mỗi khi nhắc đến, cố lê lết về sân sau nhà thờ để trút hơi thở sau cùng. Nhưng chưa ra đến nơi thì tôi đã nhìn thấy từ vách sau nhà thờ đến bờ hậu giáp đầu kinh Cái có sáu ngôi mộ vừa mới đấp. Sáu ngôi mộ được xếp thành hai hàng ngay ngắn. Sáu ngôi mộ được bao quanh bởi một giồng bờ nhỏ như những giồng khoai lang.Trên giồng bờ đó là những luống bông bụp mới đâm chồi, nhành lá non cao chưa khỏi gối, tạo cho tôi cảm giác là những luống bông này mới được trồng lúc sa mưa, tức vào giữa tháng Tư. Và đất trên những ngôi mộ thì còn quá mới, cỏ cây hoàn toàn không có. Nên tôi nghĩ những ngôi mộ này mới được chôn vào mùa khô thôi. Có một điều rất lạ là tại cổng vào khu mộ có một tấm bảng nhỏ ghi một dòng chữ ba tôi viết “KHU MÃ THÁNH”.

Từ nhỏ tôi nghe Má tôi thường kể rằng miếng đất nhà chung được chia đôi bởi con kinh Cái. Xóm nhà thờ được năm mươi mẫu. Nhưng Đất Thánh có diện tích mười mẫu nên xóm Rẫy chỉ còn bốn chục mẫu thôi. Trước mặt tôi là khu Đất Thánh. Tôi nhìn thấy rõ những cây thánh giá gỗ dựng trước những ngôi mộ ẩn hiện trong đám lau sậy. Tôi quá đỗi ngạc nhiên tự hỏi tại sao trong xóm Đạo đã có khu đất Thánh chia đôi xóm Đạo và xóm Rẫy, mà lại còn có Khu Mả Thánh đặc biệt này? Ngoài thắc mắc về Khu Mả Thánh tôi còn thắc mắc nữa là dường như ngôi nhà thờ này đã có một thời gian không dùng đến.

Trước khi trở lên Sài Gòn để học lớp Nhất, tôi hỏi ba tôi:

“Ba ơi, ở đây cây lá nhiều quá tại sao ba không kêu dân cất lại nhà thờ như ngày xưa vậy ba?”

Ba tôi trả lời:

“Cất lại nhà thờ bằng lá như ngày xưa thì dễ thôi con. Nhưng ba có nghe cha Đầy nói đơn xin tiền cũng như vật liệu để xây cất lại nhà thờ đã được trên Quận chấp thuận. Tiền và vật liệu hình như do Mỹ viện trợ.”

Cha Đầy hiện là cha sở họ Hòa Thành và đồng thời cũng cha sở của họ Bào Sen.

Tôi rất an tâm sau khi nghe ba tôi nói. Như vậy nhà thờ sẽ được xây cất lại trong một ngày gần đây thôi.

Năm 1957 Nhà thờ họ đạo Bào Sen được xây cất lại bằng tol rất khang trang và to lớn hơn trước nhiều. Mùa hè năm đó “KHU MĂ THÁNH” đã được dời đi đâu tôi không còn trông thấy nữa .

Cũng trong năm đó tôi có dịp đi ngang qua Hộ Phòng. Tôi thấy ngôi nhà thờ sắp đổ ngã ngày xưa được xây cất mới, Củng bằng tol khang trang và to lớn như nhà thờ Bào Sen có lẻ tiền và vật liệu xây cất nhà thờ do chánh quyền giúp đở.Tôi nghĩ vậy vì tôi thấy giáo dân ở gần nhà thờ Tắt Sậy quá nghèo, cũng như giao dân Bào Sen, thì lấy tiền đâu mà xây cất lại nhà thờ.

Rồi thời gian dần trôi. Đến năm 1963 tôi thi Tú Tài. Tôi phải lên Cần Thơ để thi. Ba tôi có quen với cha sở nhà thờ Tham Tướng. Ba tôi viết một lá thư cho tôi cầm lên trình cha. Cha cho tôi ở lại phòng khách của nhà xứ trong những ngày thi.

Nhà thờ Tham Tướng nhỏ nhưng kiến trúc rất đẹp. Cạnh nhà thờ có ao nuôi cá. Giữa ao có tượng Đức Mẹ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy một loại bông Súng rất lớn và đẹp màu tím, bao bọc chung quanh bởi một đàn cá đủ màu. Sau này tôi được cha Tứ, cha sở, cho biết đó là bông súng Đà Lạt và đàn cá cha nuôi là cá chép.

Sau những giờ thi, tôi về tham dự lễ chiều, rồi thường ra vườn đi dạo với cha trước khi ăn cơm tối. Ngoài vườn sau nhà thờ, cha có trồng một đám cà phê chừng vài ba công đất. Lúc đó gốc cây cà phê cỡ bắp tay chưa có trái và cao ngang đầu tôi. Cha nói giống cà phê này là cà phê ổi, nhỏ, không to lớn như cà phê mít. Cha trồng để thí nghiệm. Có thể năm tới cà phê sẽ có trái. Sau này tôi có đi ngang qua Cần Thơ nhiều lần mà không có dịp ghé qua, nên cũng không biết cà phê đó có kết trái hay không. Nhưng khi hỏi thăm nhiều người từng ở Cần Thơ về giống cà phê này, tôi không nghe ai trồng hoặc nhắc đến nó. Có lẽ cho dù đất Cần Thơ rất tốt do phù sa bồi dưỡng nhưng không thích hợp cho giống cà phê này. Cũng có lẽ, chúng chỉ thích hợp với những vùng cao nguyên đất đỏ mà thôi.

Được dip gần gủi cha mỗi ngày, có lần trong buổi dùng cơm tối chung với cha, tôi nhớ đến thắc mắc về KHU MẢTHÁNH ngày xưa nên tôi hỏi cha:

“Thưa cha, năm 1955 khi con mới về Bào Sen, con có ra sân sau nhà thờ, thấy một khu mộ sáu cái chôn cất cẩn thận lắm, và được rào bằng bông bụp chung quanh. Cổng vô trong khu mộ có một tấm bảng nhỏ với chữ ba con viết ‘KHU MẢ THÁNH’. Thưa cha, nhà thờ Bào Sen đã có khu đất thánh lâu rồi sao lại còn có KHU MẢ THÁNH đó nữa? Mà thưa cha, hè năm 1957 khi về thăm nhà con có đi dự lễ mà không biết KHU MẢ THÁNH đó đã dời đi đâu không còn thấy nữa?”

Cha trả lời:

“Con không biết gì về KHU MẢ THÁNH đó sao? Chắc con không biết trước khi đến đây Cha đã từng trông coi họ đạo nào?”

“Dạ thưa Cha, con không biết gì hết. Vì lúc đó con còn quá nhỏ, với lại từ đó đến giờ con đi học xa, hè mới được về thăm nhà. Sau này nhà con dời qua Hiệp Hoà, còn nhà ở Bào Sen chỉ để tối Thứ Bảy qua ngủ, sáng Chúa Nhật đi đọc kinh cho gần thôi.”

“Thôi được rồi, ăn cơm xong, mình ra ngoài sân ngồi, cha kể cho con nghe.”

Tối đó ông từ mang ra ngoài sân một cái ghế bố xếp cho Cha ngồi dựa, một cái bàn nhỏ để kề bên. Trên bàn đặt sẵn một bình trà và hai chiếc ly. Tôi cũng mang ra một chiếc ghế để ngồi gần cha. Sau một lúc trầm ngâm để hồi tưởng lại những kỷ niệm xa xưa, cha bắt đầu kể:
         
PHẦN II

CUỘC TỬ ĐẠO CỦA CÁC NỮ TU

“Đầu năm 1946 trại giáo huấn Cây Gừa đã xét xử xong vấn đề “TRÍ PHÚ ĐỊA HÀO.” Thật ra đa số chỉ là địa chủ, Trong đó có ba con nữa.Trong số trên 300 tù nhân của trại tù, đã có trên 200 người được phóng thích trong những ngày toà án nhân dân xét xử. Một số ít điền chủ, bị tá điền đấu tố là quá ác ôn và phản động thì bị đem ra xử tử hình tại chỗ ngay lập tức. Một số bị kêu án vài ba tháng hoặc vài ba năm thì họ giam giữ lại, rồi giải đi nơi khác. Ba con cũng được thả trong đợt đó.

“Cà Mau lúc đó có năm cha, hai cha cố già người Pháp gần bảy mươi tuổi nhưng còn khoẻ mạnh, (cha có kể tên nhưng tôi đã quên ngay sau đó,) Trong coi nhà thờ chánh Cà Mau và ba cha Việt. Cha Tứ là cha, trông coi họ Hòa Thành có chi nhánh là họ Bào Sen. Cha Diệp trong coi họTắc Sậy, và cha Công, cha sở họ Cái Rắn. Các cha biết được sẽ bị bắt hay bị sat hai trước khi thưc dân Pháp trở lại .

Lúc đó thì thưc dân Pháp đã trở lại Bạc Liêu và đang thành lập chánh quyền. Còn tại Cà Mau ngày 02 tháng 02 đã có một đơn vị nhỏ quân đội Pháp duy chuyễn bằng đường thuỷ đến đóng quân tại thị xã mà thôi. Tất cả các cha rất ghét thực dân Pháp cho vù đã đến lúc cực kỳ nguy hiểm cũng không cần tới sự che chở của quân đội Pháp. Năm cha lén gom về trốn trong nhà xứ của Cha tức là nhà xứ họ Hòa Thành .

“Trốn được bốn ngày thì đêm tối đó có ba con lên tìm cha. Cha nói thêm, trước khi ba con đến chừng vài tiếng, cũng có một người từ họ nhà thờ Tắc Sậy đến tìm cha Diệp. Người này đã cho các cha biết Việt Minh đã bắt tất cả bốn dì phước và nhiều nữ tu, và sáng hôm đó, họ còn lùa rất nhiều giáo dân trong họ đạo gôm về nhà sứ nữa. Họ còn nói ai mà biết Cha trốn ở đâu kêu cha về trình diện, họ sẻ thả giáo dân ra hết. Người đó nghe vậy lén đến tìm cha Diệp để cho cha rõ.

“Khi gặp cha, ba con vắn tắt nói ngay:

“‘Thưa cha, con có chuyện rất quan trọng cần gặp quý cha. Xin cha cho con được gặp quý cha ngay bây giờ kẻo trễ.’

“Cha không biết tại sao ba con biết có quý cha gom về trốn tránh ở đây. Nhưng thấy cử chỉ và lời nói quá khẩn trương của ba con nên cha lén dẫn ba con đến trình quý cha.

“‘Thưa quý cha, đây là Thầy Hai Ngô thiên Cẩn. Thầy thay con trông coi họ Bào Sen chắc quý cha cũng biết. Thầy muốn gặp quý cha. Thầy nói có việc quan trọng muốn xin trình quý cha. Giờ có quý cha rồi, xin Thầy Hai cho quý cha biết đi.’

“Ba con nói:


“‘Thưa quý cha con nghĩ quý cha đã bị lộ rồi. Vì con còn đoán được quý cha gom về đây thì trước sau gì họ cũng tìm tới đây nay mai thôi. Có điều rất may, Chúa đã gom năm cha về đây hết. Nước ròng này, quý cha theo con trốn về Bào Sen gấp. Chớ để họ bắt được thì khó mà sống sót lắm. Con đã bị bắt mới vừa được thả ra nên con biết.’

“Ba con nói xong những lời này, nhưng rất lâu, trong phòng tối, không ai trả lời hoặc lên tiếng.

“Một lúc lâu, lâu lắm, cha cố già Pháp mới lên tiếng, có lẽ vì Ông là bề trên nên ông thấy có trách nhiệm phải có ý kiến:

“‘Thầy Hai đã có lòng như vậy, âu Chúa đã sắp đặt cho Thầy đến cứu chúng ta. Vậy quý cha nên nghe theo Thầy Hai đi thôi. Chúng ta phải rời khỏi nơi đây đi gấp, càng sớm càng tốt.’

“Gian phòng tối lại im lặng một lúc lâu. Tưởng mọi người đều đồng ý nên cha lên tiếng, nói tiếp:

“‘Vậy quý cha theoThầy Hai ra xuồng liền đi vì nước sấp ròng rồi.’

“Lúc đó, cha Diệp bỗng lên tiếng, giọng của cha rất nhỏ nhưng quả quyết cứng rắn vô cùng, tất cả mọi người đều nghe được:

“‘Quý cha nên đi gấp theo Thầy Hai đi. Riêng con, con xin được ở lại, rồi sáng mai, con sẽ trở về Tắc Sậy để gặp họ. Hồi chiều, có người trong họ Đạo đến gặp con như quý cha đã biết. Con sẽ về trình diện họ, để giáo dân con được thả. Còn họ xét xử thế nào là tùy họ. Mình đã theo Chúa thì cũng như mình vát thánh giá mà đi trên con đường Chúa đã đi ngày xưa thôi. Con xin chúc quý cha lên đường, được bình an trong tay Chúa.’

“Các cha nghe mà tan nát cả lòng. Các cha biết cha Diệp đã cương quyết như vậy thì có khuyên cha như thế nào đi nữa cũng không lay chuyển được. Nên bốn cha lần lượt giả biệt Cha rồi theo ba con lên đường.

“Các cha đến nhà con thì trời vẫn chưa sáng. Ba con cho biết đã cho gia đình con về Bến Tre rồi, còn người làm thì ba con cho vào điền trong không còn ai ở đây hết. Đến nhà con là để lánh tạm, rồi sẽ phải chuyển đi nữa nhưng chưa biết phải đi đâu.

“Cha là cha sở họ Hòa Thành cũng là cha sở của họ Bào Sen nữa, vậy mà Chúa Nhật đó có bốn cha mà nhà thờ Bào Sen không có cha nào ra làm lễ hết, chỉ trốn trên lầu nhà con mà đọc kinh cầu nguyện thôi.

“Đến sáng ngày thứ ba, khi quý cha vừa thức thì nhe tiếng loa tiếng trống vang dội bên kia sông. Tiếng loa réo gọi dân chúng tụ tập lại, để xem Tây và Việt gian bị xử tử. Tiếng loa cứ vang lên: ‘Việt Minh, Việt Minh.’ Tiếp theo, tiếng dân chúng càng hô lớn hơn: ‘Muôn năm, Muôn năm’. Tiếng loa lại hô: ‘Hồ Chí Minh’, và dân chúng lại tiếp tục: ‘Muôn năm, Muôn năm’. Tiếng loa lại hô: ‘Tây cướp nước’ và tiếng dân chúng lại tiếp theo: ‘Giết, Giết’. Tiếng loa lại rền vang: ‘Việt gian bán nước’ và dân chúng càng cố la to hơn: ‘Giết, giết’. Điệp khúc đó cứ lặp đi lặp lại đến cả trăm lần. Bên pháp trường đối diện nhà thờ và nhà con chỉ cách xa khoảng trăm thước, họ đang đào một cái hố.

Đến gần trưa thì tiếng loa thông báo ghe chở tội phạm sắp đến. Qua kẻ vách, các cha cố nhìn ra sông, hướng từ Đầm Dơi đổ xuống. Các cha thấy năm chiếc xuồng đang tiến tới, càng lúc càng gần hơn. Hai chiếc đi đầu ngang nhau mỗi chiếc cách nhau chừng hai mươi thước. Một chiếc đi giữa và hai chiếc đi cuối cũng ngang nhau. Mỗi chiếc cũng cách nhau khoảng chừng ấy thước. Vì tất cả cách các cha sáu bảy chục thước thôi nên các cha thấy rất rõ. Hai chiếc đi đầu toàn là cán bộ, mỗi chiếc bốn năm người cả nam lẫn nữ. Chiếc đi giữa có lẽ chở tội phạm, vì ngoài người chèo mũi và chèo lái cha thấy có năm sáu người bị trói. Khi xuồng chở tội phạm đi ngang qua trước mặt cha, cha thấy rõ ràng mọi thứ. Nhưng cha không thể nào dám tin hết những gì đích mắt mình trông thấy. Đợi cho tất cả các xuồng đi qua hết, cha liền hỏi ba con cũng như quý cha:

"‘Quý cha có thấy gì không? Có phải đúng là  Bà bề trên, Bà phó, cùng hai dì phước với hai nữ tu đang bị trói và sắp bị đem đi giết không quý cha?’

“Tất cả mọi người trong phòng đều im lặng. Im lặng trong đau đớn, khổ sở khôn cùng. Một lúc lâu sau, cha cố già Pháp gật đầu, nhưng không nói được nên lời. Quý cha đã không khóc lên thành tiếng, nhưng trên mắt mọi người, nước mắt đã rưng rưng.

“Khi xuồng đến nơi, họ kéo tất cả quý dì lên bờ và đến ngồi trước pháp trường. Lúc đó dân quân, cũng như dân chúng bị dân quân lùa đến đều ngỡ ngàng. Họ những tưởng đến đây để xem Việt Minh xử tử Tây cướp nước, hoặc Việt Gian bán nước. Họ cứ đinh ninh trong đầu là sẽ được thấy những thằng Tây mà Việt Minh vừa bắt được sau khi vừa đánh úp đồn bót, hay vừa phục kích một toán quân nào đó. Và còn bọn Việt gian nữa. Chắc hẳn là những tên tay sai, bán nước làm việc choTây, đi ngược lại lợi ích của đồng bào dân tộc. Nhưng ngờ đâu, giờ đây, chỉ có hai bà phước người Pháp đã quá già, cùng hai dì phước người Việt với hai nữ tu. Khác với hai nữ tu, bốn bà phước lớn tuổi hơn, mặc áo chùng đen dài quá gối. còn hai nữ tu thì còn rất trẻ, có lẽ chưa đến hai mươi, cũng vận đồ đen nhưng ngắn. Bốn bà còn  đeo chuỗi nữa. Riêng hai bà phước người Pháp thì đeo hai xâu chuỗi rất lớn và dài.

“Tiếng trống vẫn dồn dập. Tiếng loa tay vẫn gào thét lồng lộng: ‘Tây cướp nước’. Nhưng tiếng: ‘Giết, Giết’ của dân chúng thì đã yếu đi nhiều. Và nối tiếp theo sau tiếng: ‘Việt gian bán nước’ chỉ còn là những tiếng: ‘Giết, Giết’ rời rạc của một số ít người, dễ dàng tan loãng đi trong những dòng âm thanh hỗn độn của đám đông. Có lẽ trong tâm trí của những người dân, dù chất phát đến đâu đi nữa, cũng không khỏi chớm lên nỗi thắc mắc là những bà phước Tây này có thể cướp nước được hay sao? Còn hai dì và hai nữ tu đang ngồi bất động kia có thể bán nước được bằng cách nào?

“Họ lôi từng người đến hố đã đào sẵn. Họ chém. Họ đâm cho đến khi ngã gục. Rồi họ khiên thây quăng xuống hố. Các cha không nghe một tiếng rên la hoặc than khóc nào của quý dì. Các cha chỉ nghe tiếng trống vang lên inh ỏi, tiếng loa hô lên: ‘Giết, Giết’ mà thôi. Họ chôn các dì tập thể. Chôn chung một huyệt.

“Chỉ có sáu người im lặng chờ chết, vậy mà cuộc hành huyết và chôn vùi thân xác cũng kéo dài đến khi trời sắp tối. Ngày đó quý cha quên ăn uống, chỉ biết đọc kinh hiệp thông chia sẻ nỗi đau đớn cùng quý dì.

“Khi đem cơm lên, các cha ngồi lại với nhau, ba con nói:

“ ‘Quý cha ơi, mình phải trốn đi ngay đêm nay. Có thể họ đã biết quý cha đang ở đây rồi. Có thể họ đem bốn dì về đây giết trước mặt quý cha là cảnh cáo, rồi sẽ đến phiên quý cha đó thôi.’

“Lúc đó cha có trả lời:

“‘Nếu họ đã biết chúng ta ở đây thì đêm nay, thể nào họ cũng sẽ cho người canh gác mọi ngõ đường để chúng ta không thể thoát khỏi nơi này. Vậy, làm sao chúng ta trốn được?’

“Ba con trả lời cha:

“‘Nếu Thiên Chúa muốn quý cha thoát khỏi tay quân dữ, thì Ngài sẽ tìm cách che chở quý cha và sẽ soi sáng cho con tìm được cách mà đưa quý cha thoát nơi này.’

“Lúc đó Cha cố già Pháp lại lên tiếng:

“‘Vậy tuỳ Thầy Hai đi. Giờ các cha chỉ trông cậy vào Chúa và nghe theo lời củaThầy Hai thôi.’

“Trời giữa Tháng Ba nóng bức vô cùng. Mặt trời đã lặn từ lâu nhưng bầu trời bên ngoài vẫn còn sáng tỏ. Đêm ấy, bầu trời đầy trăng sao. Tất cả các cha đều trông cho bên ngoài trời mau đen tối, nhưng bên ngoài càng lúc càng thấy sáng hơn, vì trong nhà không có thắp đèn.

“Khoảng 10 giờ, ba con lên lầu gặp các cha và ra dấu cho mọi người chuẩn bị lên đường. Ba con đã cột ngang thắt lưng một sợ dây dài trên mười sải. Ba con chia cứ ba sải tay một cha cầm cho chắc. Ba con đi trước còn các cha theo sau. Ba con còn dặn dò các cha thỉnh thoảng nên giật sợi dây phía sau mình để dò xem cha đi sau mình có bị thất lạc hay không.

“Thời tiết Cà Mau thì chắc hẳn ba con đã biết trước. Nhưng đối với các cha đêm hôm đó thì quả thật là mầu nhiệm. Khi các cha vừa ra khỏi nhà thì sương mù chụp đổ xuống không còn trông thấy trời đất gì nữa hết. Nếu đưa bàn tay mình ra trước mặt, cũng không thấy rõ năm ngón. Ba con không dẫn các cha đi dọc theo bờ kinh cái hây trên các lói đi mà dò dẫm lần mò trong Đất Thánh. Rồi qua đất gia đình con, băng đồng, băng ruộng mà đi, trong mù mờ đen tối. Đi chừng hai tiếng ba con cùng các cha ngồi lại nghỉ. Ba con nói với các cha:

“‘Đây là đất của con.’

“Rồi ba con chỉ một hướng gần như ngược lại và nói tiếp:

“‘Cách đây năm trăm thước là nhà giữ ruộng và chuồng trâu của con.’

“Hai miếng đất của gia đình con thì cha biết rõ. Nếu như đi ban ngày thì cha còn biết được đâu là đâu, chứ đi trong đêm tối sương mù dầy đặc như vầy thì cha không phân biệt được. Và lúc đó, cha cũng không dám tin rằng ba con có thể dẫn mọi người đi đúng đường. Nghỉ một chốc, mọi người lại theo ba con lên đường. Đi được thêm khoảng một giờ nữa, ba con căn dặn mọi người ngồi lại, rồi một mình đi dọ đường. Rồi ba con trở lại, đưa các cha đến một cây cầu khỉ dài chừng mươi thước. Cây cầu khỉ này thì cha biết, ở giữa xóm Hiệp Hoà, được bắt ngang sông cho dân hai bên qua lại. Từ lúc đó, cha mới hoàn toàn tin tưởng ở ba con. Qua sông, đi thêm chừng hai tiếng ba con và các cha lại nghỉ thêm lần nữa. Ba con chỉ về một hướng, nói:

“‘Đó là nhà và khu lẫm lúa của con.’

“Nghe giọng bùi ngùi của ba con, các cha biết ba con buồn lắm, buồn vì từ đây phải rời bỏ và mất đi tất cả.

“Rồi các cha cùng ba con lên đường đi tiếp. Lần này đi lâu lắm mới dừng lại. Ba con dặn các cha ngồi lại chờ, để ba con đến nhà người quen mượn xuồng về rước mọi người đi tiếp. Lúc đó cha nghe tiếng gà gáy thì mới biết là trời đã gần sáng. Lại nghe ba con nói đi mượn xuồng thì biết đã đến kinh Ông Đơn rồi. Chừng nửa giờ sau, ba con đem xuồng đến. Đường lối từ đây trở đi thì cha biết hết dù trời vẫn còn phủ sương mù chưa thấy rõ cảnh vật. Cha biết vì đây là đường độc đạo. Ba con chở các cha đi trên kinh Ông Đơn, qua kinh 17, rồi thẳng xuống Tam Giang. Khi xuồng qua khỏi Tam Giang thì trời đã sáng tỏ. Sông cái rộng lớn mênh mông không còn trông thấy bờ bến gì nữa. Ba con vui mừng nói:

“‘Tạ ơn Thiên Chúa. Quý cha ơi! Mình đã thoát nạn, đã được Thiên Chúa cứu rồi. Mình đã qua khỏi Tam Giang gần tới cửa biển Bồ Đề. Một chốc nữa thôi con sẽ đưa quý cha đến nhà Tư Mẫm bổn đạo họ Bào Sen cha Tứ cũng biết. Rồi sau đó mình mượn ghe đi câu biển của Tư Mẫm, con đưa quý cha vòng xuống Rạch Gía, rồi sẽ ngược lại Cần Thơ. Từ Rạch Gía về Cần Thơ không ai biết mình. Mà nếu lỡ có biết cũng không sao. Vì ở những vùng đó thường do Bộ đội Hoà Hảo kiểm soát.’

“Sau này Cha  được biết khi cha Diệp đến trình diện, họ đánh đập rồi giết chết cha bằng hai nhát đao. Một nhát bay mất sọ cha Diệp, còn một nhát sau ót làm đầu gần đứt lìa khổi cổ. Thân xác cha bị ném xuống ao, sau khi bị lột trần truồng.Tối đêm đó, họ thả hết các giáo dân và biểu giáo dân phải rời bỏ họ đạo. Lúc đó, họ giữ bốn dì phước và hai nữ tu lại. Thật ra họ đâu cần giam giữ giáo dân thêm nữa làm gì. Lệnh trên chỉ thị cho họ phải tiêu diệt hết các giáo sĩ mà thôi, không cần biết là nam hay nữ.

“Khi biết các cha trốn về Bào Sen, họ đem các dì về để hành quyết trước mặt các cha. Nghe đâu, trong đêm đó, họ kéo tới nhà con tìm kiếm. Nhưng các cha đã được ba con đưa đi trốn rồi. Tìm không thấy gì, họ giận dữ, đốt cháy hết nhà con.

“Cha nghĩ nếu như chiều ngày hôm đó Họ tràn đến nhà con ngay, thì các cha và ba con làm sao tránh khỏi. Phải chịu cùng chung số phận với các dì và cha Diệp vậy. Cha Diệp, không những đã cứu tất cả những giáo dân bị họ giam giữ mà còn cứu mạng của các cha và ba con nữa.”

“Thưa cha, tại sao vậy cha?” Tôi ngạc nhiên hỏi.

“Con nghĩ đi. Nếu tất cả năm cha đêm đó theo ba con về Bào Sen hết. Sự thật, không phải họ chỉ muốn giết cha Diệp không thôi đâu, mà là tất cả. Họ đến nhà thờTắc Sậy không tìm được cha Diệp, thì sẽ đến nhà thờ Cái Rắn, rồi đến nhà thờ chánh Cà Mau. Nếu đến nhà thờ chánh Cà Mau mà không gặp nữa thì họ sẽ tìm đến Hòa Thành. Lần lượt sau hết sẽ tới Bào Sen thôi, vì nhà thờ Bào Sen là nhà thờ cuối cùng mà. Nếu khi gặp năm cha và ba con, họ có chịu để yên không? Hai bà phước người Pháp đã quá già rồi, và hai nữ tu thì quá trẻ mà họ còn không tha, thì làm sao các cha và ba con mà họ tha được .

“Tới Tháng Ba năm 1955 ba con cho lấy xương cốt các dì về an táng ở sáu ngôi mộ sau nhà thờ mà con thấy đó.

“Vì đi truyền bá phúc âm, rao giảng tin mừng nước Chúa mà các dì bị giết. Các dì đã tử vì đạo như các Thánh tông đồ ngày xưa, thà chịu chết để làm chứng nhân cho đức tin của mình. Ba con đã xem các dì như những đức thánh tử đạo cho nên ba con và giáo dân Bào Sen tôn vinh khu an nghỉ của quý dì là ‘KHU MẢ THÁNH’ đó con .

“Đến năm 1957 thì Toà Tổng Giám Mục Cần Thơ lại cải táng mộ các dì một lần nữa. Lần này thì hai dì phước và hai nữ tu Việt được an nghỉ tại đất thánh CầnThơ. Còn hai dì phước người Pháp thì được Toà Thánh giúp đỡ đem hài cốt các vị về quê hương mà an nghỉ.”

“Thưa cha, cho con hỏi thêm câu nữa.Tại sao họ lại quá tàn nhẩn vậy thưa cha?” Tôi hỏi.

“Câu này thì cha không thể nào trả lời con được. Nhưng cha có thể dùng lời nói của một người. Người đã tạo nên trận cuồng phong, bão tố này để làm câu trả lời thay cha.

“Khi Tạ thu Thâu bị giết, có một ký giả người Pháp đến hỏi Ông ta một câu bằng tiếng Pháp mà cha dịch như vầy: ‘Thưa ngài, Tạ thu Thâu là một nhà cách mạng, một người yêu nước mà lại bị giết chết. Khi nghe tin này ngài có cảm nghĩ như thế nào?’ Con biết ông ta trả lời sao không? Ông trả lời như vầy: ‘Khi nghe tin Tạ thu Thâu chết tôi cũng buồn lắm chứ, vì ông ấy cũng là một nhà cách mạng, một người yêu nước mà. Nhưng tất cả những ai mà đi sai con đường tôi vạch ra, đều phải bị tiêu diệt thôi.’ Thôi. Khuya rồi, đi ngủ đi con. Mai con còn phải đi thi nữa.”

Lần đó chia tay, cha có cho tôi cuốn sách mang tựa đề “KẺ NỘI THÙ” để làm kỷ niệm.

Năm 1964 tôi vào làm việc ở AIR Việt Nam. Năm 1968 tôi đi Xây Dựng Nông Thôn, Khoá 1 Huấn Luyện Viên Lưu Động. Tôi và Huỳnh Thanh Trà ở cùng phòng và ngủ cùng giường. Vì nhỏ người, tôi nằm tầng trên.

Rồi Cộng Sản chiếm Miền Nam. Gia đình tôi không thể nào sống dưới chế độ độc tài đảng trị được, cho nên năm 1978, tôi được gia đình giao nhiệm vụ về Cà Mau mà tìm đường đưa đai gia đình trốn ra nước ngoài. Tôi lại về sống ở Bào Sen, nơi nền nhà xưa mà Việt Minh đã đốt cháy. Nhờ vậy mà tôi được biết thêm đôi chuyện.

Khi giết hai bà phước người Pháp xong, thì Năm Quyền và Bảy Dinh, con bác Bảy Xủng, lúc đó mới 17 và 19 tuổi, là du kích. Hai anh em lột lấy hai xâu chuỗi của hai bà phước. Mỗi người một xâu đeo trước cổ. Hai anh đi nghêng ngang hết xóm đạo Bào Sen đến xóm đạo Cao Đài. Họ đi thị uy như thế hai, ba ngày, sau mới trả hai xâu chuỗi lại cho cán bộ đia phương. Năm Quyền, Bảy Dinh và Hai Nghiệp, con Năm Quyền, lúc tôi về ở Bào Sen, cùng làm Công An xã .

Trong lúc lên xuống Cà Mau, lần nào tôi cũng ráng tìm đến để nhìn cho được nhà thờ Tắc Sậy. Nhà thờ đã quá cũ, xuống cấp quá nhiều. Củng như nhà thờ Bào Sen được xây cất bằng tol, mà làng Bào Sen và Tắc Sây là vùng nước mặn. Gần 25 năm nhà thờ không được tu bổ sửa chửa thì còn gì.

Cuối tháng ba năm 1982 tôi chở đại gia đình 25 người đi vượt biển. Thường thì người ta đi ra biển lúc nửa đêm, còn ghe tôi đi ngang trạm kiểm soát Tam Giang lúc 5 giờ sáng. Lúc 6 giờ thì đến cửa biển Bồ Đề. Đến 7 giờ thì ghe đã cách bờ gần mười cây số. Khi biết mình đã thoát khỏi tầm nhìn của đồn công an biên phòng, và khi không còn lo âu sợ hãi như lúc ra cửa biển nữa, lúc đó, tôi mới bình tỉnh nhìn lại bờ. Nhìn lại quê hương của mình một lần sau cuối.Tôi nhìn thấy những rặng rừng đước lờ mờ trong nắng sớm. Ôi! Những kỷ niệm thân thương của những ngày tháng sống ở Bào Sen bỗng dạt dào xâm chiếm hồn tôi, tạo thành một cảm giác thương cảm, lâng lâng, bùi ngùi khó tả. Tôi thấy tiếc nhớ những tháng ngày thân thương ấy thật nhiều. Những ngày chèo xuồng đi phá rừng, chặt cây, đốn củi. Có nhiều đêm, một mình tôi mò mẫm trong rừng đước dầy đặc tối om, soi đèn tìm bắt từng con ba khía, đem về muối làm mắm bán đổi gạo mà sống qua ngày.

Rồi tôi lại nhìn về cửa Bồ Đề. Hình ảnh ghe tôi trốn chạy khỏi miền đất Bào Sen thân yêu sao cũng giống như hình ảnh của chiếc ghe câu mà ngày xưa ba tôi chở các cha đi lánh nạn. Cũng một buổi sáng tốt trời Tháng Ba.Tháng Ba mà, ngày nào trời không tốt. Trời không tốt làm sao bà già đi biển Tháng Ba được. Nhưng tôi biết, khi ra khỏi cửa Bồ Đề thì ghe của ba tôi sẽ rẽ phải để xuôi hướng về Rạch Giá. Ba tôi, trong hoàn cảnh bắt buộc, phải rời bỏ Bào Sen, nhưng lòng ông vẫn hy vọng và biết chắc rằng, sẽ có ngày mình còn quay trở lại. Còn tôi, một khi đã ra đi rồi, thì sẽ đi mãi mãi, chẳng biết đi đâu và về đâu nữa.Tôi sẽ mất đi tất cả. Mất quê hương đã hơn hai phần đời gắn bó. Còn phần đời còn lại này, chắc phải sống trong hoài tưởng, nhớ thương thôi. Thân phận một kẻ lưu vong bỏ nước mà, có ai mà không như thế? Lúc đó, bỗng dưng tôi lại nhớ rất rõ ràng thông điệp của Đức Mẹ. Thông điệp Me rằng “Trái tim Mẹ sẽ thắng. Công sản Nga sẻ sụp đỗ và nước Nga sẻ trở lại đạo, trong ngày gần đây ”. Nhưng đến ngày đó sảy r
a. Ngày đó, ngôi nhà thờ Bào Sen thân yêu của tôi và ngôi nhà thờ Tắc Sậy đã gắn liền trong ký ức có còn hiện hữu,  có còn để lại được dấu vết gì trên mặt đất này không? Hay đã trở thành sân phơi lúa, kho dự trữ lương thực của hợp tác xã như nhiều ngôi nhà thờ ở miền Bắc mà tôi nghe biết được. Còn cha Diệp, bốn dì phước và hai nữ tu nữa thì sao? Những người đã bị giết chết một cách thảm khốc chỉ vì đã rao giảng Tin Mừng về Nước Chúa, chỉ vì muốn truyền bá những điều hay lẽ tốt đến với tất cả mọi người. Có ai còn nhớ tới họ không? Hay sẽ bị lãng quên, và cuối cùng theo thời gian mà chìm dần qua năm tháng.
 
Vancouver mùa Thu năm 2011

Đây là Tập I trong bốn tập hồi ký, mà gia đình tôi là nhân chứng sống. Tôi viết để con cháu tôi được rõ, cũng như muốn góp thêm chút ít thông tin cho những ai muốn tìm hiểu sự thật về cuộc Tử Đạo của cha Trương Bửu Diệp.
                                                                    
NGÔ THIÊN HIỆP

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thánh Giáo Hoàng Damasus I (305? - 384) (12/10/2014)
Chúa Vẫn Hiện Hữu, Và Giúp Con Người Bằng Các Thánh. (12/10/2014)
Chân Phước Honoratus Kosminski (1829 - 1916) (12/10/2014)
Thánh Ambrôsiô (12/9/2014)
Thánh Juan Diego (1474-1548) 9/12 (12/9/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Những Nhân Chứng Sống Về Cuộc Tữ Đạo Của Cha Phan Xi Cô Trương Bưu Diệp Tập 4 Tiếp (12/7/2014)
Những Nhân Chứng Sống Về Cuộc Tử Đạo Của Cha Phan Xi Cô Trương Bưu Diệp (tập 4) (12/7/2014)
Nguyên Nhân Dẫn Đến Cuộc Khổ Nạn Các Tu Sĩ Xứ Đạo Cà Mau (tập 3) (12/7/2014)
Cuộc Tử Đạo Của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp Và Phép Lạ Đầu Tiên Của Ngài (tập 2) (12/7/2014)
Tin/Bài khác
Về Chuyến Tông Du Thứ Vi Của Đtc Phanxicô Ở Phi Luật Tân Và Sri Lanka 12-19/1/2015 (12/6/2014)
Thánh Nicholas (c. 350?) (12/6/2014)
Thánh Sabas (s. 439) Ngày 5 Tháng 12 (12/5/2014)
Thánh Gioan Ở Damascus (676?-749) (12/4/2014)
Thánh Phanxicô Xaviê (1506-1552) (12/3/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768