Hãy sám hối
Trong Mùa vọng, các
bài Tin Mừng nhiều lần nói đến Gioan Tẩy
giả, bởi vì đời sống và sứ mạng
của ngài gắn liền với Đấng Cứu Thế.
Ngài là vị ngôn sứ cuối cùng được Thiên Chúa
chọn làm sứ giả đi trước mở
đường và dọn đường cho Chúa Kitô. Cho
nên, danh hiệu “Tiền hô” và sự nghiệp của Gioan
gắn liền với chương trình cứu chuộc
của Chúa Giêsu, thậm chí không thể nào nói đến
Chúa Giêsu mà không nhắc tới vị tiền hô của
Người. Chính vì thế phụng vụ Mùa vọng
đã dành nhiều ngày nói đến Gioan. Cụ thể bài
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay và Chúa nhật tuần sau,
đặc biệt đề cập đến ngài.
Ngài là con duy nhất
của ông Giacaria và bà Êlisabéth, sinh sống ở làng Ain Karim,
gần thủ đô Giêrusalem. Có thể ngài đã đi tu
từ nhỏ trong hoang địa với những
người phái Qumran, sống rất khổ hạnh: Y
phục chỉ có một áo choàng bằng da lạc đà,
một kiểu áo hãm mình mà các ngôn sứ xưa
thường dùng. Ngang lưng thắt một dây da cho
gọn ghẽ. Còn của ăn là châu chấu độn
với mật ong rừng. Ngài sống như vậy cho
đến mùa thu năm 27, dưới thời hoàng
đế Tibêriô thì xuất hiện công khai giảng dậy
dân chúng ở miền nam Do thái, chung quanh lưu vực sông
Giorđan.
Nội dung lời
giảng dạy của ngài được thánh Matthêu
diễn tả rõ ràng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước
Trời đã đến gần”. Các sách Tin Mừng khác
cũng cho thấy nội dung ấy một cách gián tiếp
khi kể lại những lời kêu gọi và hoạt
động “làm phép rửa sám hối” của ngài, chẳng
hạn như Tin Mừng Maccô của Chúa nhật hôm nay.
Sám hối, theo
tiếng Hy lạp có nghĩa là thay đổi não trạng.
Theo tiếng Do thái là quay trở về, trở lại,
tức là trở về với Chúa, với giao ước
của Chúa. Gioan rao giảng kêu gọi mọi người
sám hối. Ai nghe lời ngài giảng mà sám hối thì
được ngài làm phép rửa, nhưng phép rửa
của ngài chỉ có tính cách giúp người ta thống
hối, sửa soạn cho việc tha tội, chứ không
phải là một bí tích như phép rửa Chúa Giêsu sẽ
thiết lập sau này.
Như vậy, Gioan
đã đối chiếu sứ mạng của ngài với
sứ mạng của Đấng đến sau ngài, và ngài
khiêm nhường tự nhận là không đáng cởi quai
dép cho Đấng đó. Tóm lại Gioan làm phép rửa
bằng nước để giục lòng người ta
sám hối. Còn Đấng đến sau làm phép rửa trong
Chúa Thánh Thần để tha tội cho người ta. Cho
nên, rõ ràng Gioan chỉ là một vị tiền hô, một
người đi trước, có bổn phận dọn
đường cho Đấng Cứu thế.
Đối với
chúng ta hôm nay, nhắc đến Gioan Tiền hô cũng có
nghĩa là nhắc lại lời ngài đã giảng
dạy, và cũng là nhắc nhở chúng ta: Hãy sám hối,
hãy thay đổi đời sống. Chúng ta đều
đã biết sám hối là nhận ra những giới
hạn thiếu sót và lầm lỗi của mình; là nhận
ra những thiệt hại mình đã gây ra cho người
khác; là nhận ra và quyết tâm dứt bỏ tình trạng
cũ để bắt đầu một cuộc canh tân.
Nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải
hiểu sám hối là quay về với Chúa, tuyên xưng tình
yêu thương và lòng nhân từ tha thứ của Chúa.
Đây là điều Thiên Chúa mong muốn nơi chúng ta.
Về điều
này, chúng ta hãy nhớ câu chuyện thánh Giêrônimô: Vào một đêm lễ Giáng Sinh
kia. Giêrônimô đang cầu nguyện trong một hang đá
ở rừng vắng, ngài suy niệm về mầu
nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người.
Đột nhiên Chúa Giêsu hiện ra hỏi ngài: “Giêrônimô, con
có gì làm quà cho Ta trong ngày sinh nhật của Ta không?”. Ngài
thưa: “Lạy Chúa, con xin dâng Chúa trái tim của con”. Chúa
nói: “Còn gì khác nữa không?”. Ngài thưa: “Lạy Chúa, con xin
dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả
những gì con có thể”. Chúa lại hỏi: “Còn
điều gì khác nữa không?”. Ngài thưa: “Lạy Chúa, con
mới dịch sách Thánh xong, con xin dâng Chúa bản dịch
công lao vất vả của con”. Chúa nói: “Tốt lắm, con
còn điều gì nữa không?”. Ngài thưa: “Lạy Chúa, con
còn gì nữa đâu?”. Chúa bảo: “Còn sự yếu
đuối và tội lỗi của con, con hãy dâng những
thứ ấy cho Ta”. Giêrônimô hốt hoảng thưa:
“Lạy Chúa, làm sao con dám dâng những cái ấy?”. Chúa nói:
“Được chứ, Ta muốn con dâng những cái đó
cho Ta để Ta tha thứ cho con. Đó là điều Ta
mong đợi”.
Câu chuyện trên
nhắc nhở: Chúng ta phải có tâm hồn sám hối
để được Chúa tha thứ. Lòng nhân từ tha
thứ của Thiên Chúa được biểu lộ
tới tột đỉnh bằng việc ban tặng chính
Con Một của Ngài. Chúa Giêsu chính là hiện thân của
lòng tha thứ. Ngài đến trần gian để
nhận lấy tất cả tội lỗi của loài
người. Bởi vậy, chẳng có gì quá đáng khi nói:
Món quà Thiên Chúa mong đợi nhất nơi con người
là tội lỗi của họ. Vì Thiên Chúa chẳng muốn
gì hơn là được thỏa mãn lòng nhân từ yêu
thương của Ngài bằng việc tha thứ cho con
người.
|