Chuẩn bị
đón Chúa đến
(Suy
niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)
Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 1,1-8)
kể lại công việc của ông Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu chưa xuất hiện. Nhưng thực ra, từ đầu cho
đến cuối bài, mọi chi tiết đều có liên
quan đến Người và đều chỉ mang một
ý hướng chính yếu là cung cấp những chỉ
dẫn về vị thế và nhiệm vụ của
Người.
1. Mở đầu là lời
công bố Tin Mừng của Hội Thánh: “Khởi đầu Tin Mừng
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (c.1). Hạn từ “khởi đầu” (arkhè) có
thể được hiểu theo
nghĩa thời gian hoặc theo nghĩa nguyên nhân. Hiểu theo nghĩa thời gian, nó chỉ
điểm khởi đầu của một chuỗi các
biến cố và thực tại. Hiều theo
nghĩa nguyên nhân, nó chỉ tính chất nguồn khởi
của thực tại được đề cập. Trong c.1 này, arkhè vừa mang nghĩa thời gian
vừa mang nghĩa nguyên nhân. Điều
được đề cập sẽ vừa là khởi
điểm vừa là nguồn khởi của Tin Mừng mà
Hội Thánh loan báo.
Nhưng điều được
đề cập ở đây là gì? Nói cách khác, hạn từ arkhè ở c.1 quy chiếu
về thực tại nào? Cái gì là arkhè của Tin Mừng mà
Hội Thánh đang sống và công bố? Ở đây,
hạn từ này có thể quy chiếu về phần
dẫn nhập của sách Mc, tức là phần kể
về giai đoạn chuẩn bị cho sứ vụ
của Đức Giêsu (1,2-13); hoặc
quy chiếu về toàn bộ cuốn sách. Có lẽ nên ưu
tiên hiểu theo cách thứ hai: công trình
của Đức Giêsu (mà đỉnh điểm là cái
chết và sự phục sinh) chính là khởi đầu,
nguồn mạch và nền tảng của Tin Mừng mà
Hội Thánh đang sống và công bố.
Tin Mừng được diễn
đạt trong hình thức trọn vẹn: Đức Giêsu
Nadarét là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Ở trung tâm của
sứ điệp, như vậy, không phải là một
giới luật hay một lời hứa hẹn, mà là
một sự kiện thực tế, rằng con
người lịch sử – cụ thể Giêsu chính là
Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Lời loan báo này liên quan
đến căn tính của Đức Giêsu và cho chúng ta
biết Ngài là ai, vừa xét trong vị thế của Ngài
đối với nhân loại (“Đấng Kitô”), vừa
xét trong tương quan của Ngài với Thiên Chúa (“Con Thiên
Chúa”). Đối với nhân loại, Ngài là
Đấng Mêsia. Hạn từ này cho thấy một
cách rõ ràng công trình cứu độ của Đức Giêsu
không bị giới hạn vào cảnh vực cá nhân, mà tác
động trực tiếp đến cảnh vực xã
hội – cộng đồng, vì Vua Mêsia là vua và là
Đấng cứu độ không chỉ của một cá
nhân. Đối với Thiên Chúa, Đức Giêsu ở trong
tương quan rất đặc biệt: tương quan
con thảo. Tất cả những kẻ đến
trước đều chỉ là các đầy tớ (x.12,2-5), còn Đức Giêsu là Con yêu dấu
của Ngài (x.1,1; 9,7). Mối tương quan này là thực
tại riêng biệt của Đức Giêsu, làm cho
Người khác hẳn tất cả mọi con
người khác trong nhân loại. Mối
tương quan này cũng là nền tảng của vị
thế và nhiệm vụ của Người đối
với thế gian.
Chuẩn bị Lễ Giáng Sinh không
phải là chuẩn bị cho một lễ hội vào
dịp cuối năm, mà chính yếu và thực chất là
chuẩn bị để đón Đấng ấy:
Người là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa. Chúng ta
phải đọc lời công bố Tin Mừng của
Hội Thánh ở câu đề tựa Mc 1,1 trong khung
cảnh Mùa Vọng với ý thức đó.
2. Sau câu đề tựa (c.1) là ba
đoạn văn nhằm làm sáng tỏ dung mạo của Đức Giêsu trong giai
đoạn lịch sử đầu tiên của
Người. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ
gồm đoạn thứ nhất (cc.2-8), nói về
hoạt động của ông Gioan Tẩy Giả.
Trước tiên là một lời ngôn
sứ được trích dẫn: “Trong sách ngôn sứ Isaia
có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi
trước mặt Con, người sẽ dọn
đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang
địa: Hãy dọn sẵn con đường của
Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để
Người đi” (cc.2-3). Với lời trích dẫn này,
tác giả Mc muốn làm nổi bật mối liên hệ
với sứ điệp của Cựu Ước. Có
một sự tương ứng trực tiếp giữa
tiếng hô trong oang địa (Is 40,3) với sự
xuất hiện của ông Gioan Tẩy Giả trong hoang
địa (Mc 1,4). Sự xuất hiện và các công việc
của ông Gioan đã được ngôn sứ Isaia loan báo
trước, và nơi ông Gioan, chương trình của Thiên
Chúa bắt đầu đi vào giai đoạn thực
hiện.
Thực ra, dưới danh nghĩa ngôn
sứ Isaia, tác giả Mc gộp vào hai bản văn khác
nhau: bản thứ nhất (c.2) trích từ Xh 23,20 và Ml 3,1; bản thứ hai (c.3) trích từ
Is 40,3. Nhưng trong Mc 1,2 Thiên Chúa ngỏ
lời trực tiếp với Đấng đang
đến, tức là với Đức Giêsu, chứ không
phải với dân Israel. Biến cố Đức Giêsu
đến là một biến cố có ý nghĩa đặc
biệt; tính chất đặc biệt ngoại
thường này được thể hiện trong sự
kiện nó được chuẩn bị như là biến
cố chính Thiên Chúa đến (Ml 3,1),
bởi một sứ giả. Đó là
điều hoàn toàn khác biệt, vì không bao giờ có ngôn
sứ nào được chuẩn bị như thế.
Con đường phải được chuẩn bị
ở đây là con đường của Đức Chúa.
Rõ ràng tác giả Mc muốn khẳng
định ngay từ khởi đầu rằng nơi
Đức Giêsu, chính Đức Chúa đến với dân
Người. Một lần nữa, chúng ta
được nhắc nhở rằng sự chuẩn
bị của chúng ta trong Mùa Vọng này chính là sự
chuẩn bị để đón Đức Chúa. Đấng đang đến là Đức Chúa,
chứ không phải là một lễ hội, cho dù là lễ
hội của Đạo Chúa.
3. Đúng theo lời
Kinh Thánh được trích dẫn ở cc.2-3, “Ông Gioan Tẩy Giả đã
xuất hiện trong hoang địa” (c.4a). Ông có
nhiệm vụ kép: kêu gọi dân chuẩn bị (cc.4-5) và
rao giảng về Đấng đang đến (cc.7-8).
Những mô tả về cách trang phục và ăn
uống của ông Gioan (c.6) giúp cho người ta hiểu rõ
hơn về ông và nhiệm vụ của ông.
Trước hết, ông Gioan “rao
giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa
tỏ lòng sám hối để được ơn tha
tội. Mọi
người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem
kéo đến với ông. Họ thú
tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan”
(cc.4b-5). Chuẩn bị đón Đức Chúa, có
bốn điều phải làm: sám hối, thú tội,
chịu phép rửa và được ơn tha tội. Hai yếu tố đầu nhấn mạnh
sự thanh tẩy khỏi tội lỗi; hai yếu tố
sau nhấn mạnh sự giao hòa với Thiên Chúa. (Đó cũng phải là hai yếu tố quan
trọng trong việc chúng ta chuẩn bị đón Chúa trong
Mùa Vọng này và trong suốt cuộc đời). Ông
Gioan thành công rực rỡ trong nhiệm vụ: “Mọi
người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem
kéo đến với ông” (c.5). Thực ra,
hoạt động của ông Gioan có phần “lập
dị”. Thứ nhất, ông không
đến với người ta như các ngôn sứ đã
làm và như chính Chúa Giêsu cũng sẽ làm. Ông ở yên trong hoang địa và mọi
người kéo đến gặp ông ở đó. Thứ hai, ông Gioan làm phép rửa trong nước
sông Giorđan. Bình thường, nước sông không
thể được sử dụng để cử hành
việc thanh tẩy theo nghi thức. Vì thế, hàng lãnh đạo tôn giáo giữ
khoảng cách với công việc của ông Gioan, và dân chúng
đến với ông là đang làm một hành động
đặc biệt, vượt khỏi khung cảnh
của những thực hành tôn giáo bình thường.
“Ông Gioan mặc áo lông lạc đà,
thắt lưng bằng dây da, ăn châu
chấu và mật ong rừng” (c.6). Cách trang
phục này chứng tỏ ông Gioan chỉ sống cho
một mình Thiên Chúa thôi. Thức ăn
của ông hoàn toàn lấy từ hoang địa, và như
thế, cắt đứt liên hệ với những
sản phẩm của đất Palestina. Về
thắt lưng, Gioan và Êlia là các nhân vật duy nhất trong
Kinh Thánh mang thắt lưng bằng dây da, và đó là một
nét khu biệt của ông Êlia. Ông Gioan được
đồng hóa với ông Êlia và vì thế, mang một tầm
quan trọng đặc biệt trong việc loan báo về
căn tính của Đức Giêsu, Đấng đang
đến. Ông Êlia là ngôn sứ chỉ hoàn toàn
phục vụ Thiên Chúa, hướng trọn con
người và sinh mệnh của mình về Thiên Chúa, và
mọi điều ông làm chỉ là để dẫn
dắt dân về với Thiên Chúa. Sự hoàn toàn
tập trung vào Thiên Chúa đã là yếu tố đặc
trưng làm nên dung mạo của Êlia và làm cho ông trở thành
mẫu mực của các ngôn sứ. Thế mà ông Gioan lại
được đồng hóa với ông! Điều đó
có nghĩa là Đấng mà ông Gioan chuẩn bị dân chúng
đón Người, phải là Đấng có một căn
tính thật sự đặc biệt. Giống
như Êlia, ông Gioan chỉ phục vụ một mình Thiên
Chúa. Hành động của ông, vì thế, ngầm cho
thấy phẩm giá cao cả của Đức Giêsu và
chứng tỏ rằng nơi Đức Giêsu – Con Thiên Chúa,
chính Thiên Chúa đang đến với dân Người.
Ông Gioan còn có sứ mạng rao giảng
minh nhiên về Đấng đang đến. “Ông rao giảng rằng: “Có Đấng
quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không
đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước,
còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em
trong Thánh Thần” (cc.7-8). Rõ ràng là xét cả về
quyền năng, cả về vị thế, cả về
hành động, Đấng đang đến đều
hơn hẳn ông Gioan, cho dù ông được Thiên Chúa sai
đến và ông được đồng hóa với ngôn
sứ Êlia.
Như vậy, bằng việc kêu
gọi dân chuẩn bị, bằng cách trang phục và ăn
uống của mình, và bằng lời rao giảng minh nhiên
của mình, ông Gioan đã cho ta thấy Đấng đang
đến là ai. Đó là chính Đức Chúa.
Trong Mùa Vọng, chúng ta chuẩn bị
để đón chính Đức Chúa đến viếng
thăm dân Người. Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa; nơi
Ngài, chính Thiên Chúa đang đến và đón nhận
tất cả nhân loại vào trong sự sống thần
linh của Người.
|