Luôn
tỉnh thức – Lm Nguyễn Hữu An
Từ thuở
tiểu học chúng ta đã thuộc lòng 2 câu ca dao:
"Đồng
Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh".
Nàng Tô
Thị ôm con chờ chồng, mỏi mòn đợi chờ,
mịt mù xa thẳm để rồi hóa đá. Hòn vọng phu là một di tích văn hóa của dân
tộc. Hòn Vọng Phu như là một biểu
tượng lòng thủy chung của
người vợ đợi chờ chồng. Linh Mục
Thiện Cẩm, Dòng Đaminh, đã ví von: "Đối
với tôi, Hòn Vọng Phu có một ý nghĩa biểu
tượng khác. Nó như là biểu tượng Giáo
Hội đang ôm ấp cả nhân loại trong lòng và đứng
thẳng trên cao, nhìn vào chân trời xa thẳm, đợi
chờ Đức Giêsu - vị Hôn Phu của mình đang
ngự đến, như lời sách Khải Huyền
đã viết: Thần Khí và Tân nương nói: "Xin Ngài
ngự đến... Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài
ngự đến" (Kh 22, 17-20).
Toàn bộ cuốn
Thánh Kinh kết thúc như vậy. Hình
ảnh Hôn Thê chờ Hôn Phu. Kinh Thánh là
một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và nhân loại mà
phần lớn được diễn tả bằng ngôn
ngữ tình yêu nam nữ, vợ chồng. Xin nhắc
lại vài câu Thánh Kinh cũng đủ nói lên điều
ấy:
"Ngươi sẽ được
Thiên Chúa đem lòng sủng ái
Và Chúa lập hôn ước cùng xứ
sở ngươi
Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ
Đấng tác tạo ngươi
sẽ cưới ngươi về
Như cô dâu là niềm vui cho chú rể
Ngươi cũng
là niềm vui cho thiên Chúa ngươi thờ". (Is 66, 4-5)
Thánh Phaolô trong 2 Cr 11,
2; Ep 5, 26-27 đã diễn tả Giáo Hội là Hiền thê, là
bạn trăm năm của Đức Kitô. Hình
ảnh Hôn Thê chờ Hôn Phu là một hình ảnh đẹp
biểu trưng lòng tín trung của Giáo Hội đối
với Chúa Kitô.
Phụng Vụ Giáo
Hội đã bước vào năm mới với khởi
đầu là Mùa Vọng. Mẹ Giáo Hội đang ôm ấp
tất cả con cái nhân loại đợi chờ Đức
Kitô đến trong hai lần Người ngự
đến. Ngự đến trong thời
gian là Nhập Thể và kết thúc thời gian là Quang Lâm.
Từ Chúa Nhật I
Mùa Vọng đến ngày 16.12, Phụng Vụ nói lên sự
mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời
gian; tám ngày cuối cùng trực tiếp nói đến Sinh
Nhật của Đức Giêsu.
Theo tinh thần canh
tân Phụng Vụ, Mùa Vọng không còn là mùa thống hối
nữa mà là mùa hân hoan mong đợi. Các Chúa Nhật trong
Mùa Vọng không đọc Kinh Vinh Danh không phải vì
đặc tính đền tội của Mùa Chay, nhưng là
để bài ca của các Thiên Thần được xem như
là một tiếng hát mới mẻ trong đêm Giáng Sinh.
Mùa Vọng cũng là
mùa của những lời loan báo. Loan báo việc Chúa
Giêsu sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày
trở lại của Chúa Kitô. Những lời loan báo này
được công bố rõ ràng trong các bài đọc Chúa
Nhật.
-
Bài đọc 1 trích trong sách I-sai-a,
đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu
Thế mà đỉnh cao là Chúa nhật IV, loan báo một
trinh nữ sẽ sinh hạ tại Bê-lem một Hài Nhi thuộc chi tộc Đa-vít và sẽ
được gọi là Em-ma-nu-en.
-
Bài Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng
nói lên niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại
với lời nhắn nhủ: Hãy tỉnh thức. Chúa
nhật II, III dành cho Gioan tiền Hô với lời mời
gọi: Dọn đường cho Chúa. Chúa nhật IV là Chúa
Nhật Truyền Tin cho Đức Mẹ và Thánh Giuse.
-
Các bài đọc 2 là các bài Thánh Thư
của các Thánh Phaolô, Giacôbê, Phêrô, đặc biệt làm cho
Mùa Vọng trở thành một mùa loan báo việc Chúa Kitô
trở lại lần thứ hai.
Lời Chúa Chúa
Nhật I Mùa Vọng dặn dò mỗi người Kitô
hữu là hãy tỉnh thức, tỉnh thức để
để đón chờ ngày tái ngộ với Chúa Kitô. Cuộc tái ngộ có thể xảy đến
bất ngờ đối với mỗi người và
đối với cả nhân loại. Tỉnh
thức là thái độ của một gia nhân trung thành.
Tỉnh thức vì đó là ý muốn, là
mệnh lệnh của Chúa. Tỉnh
thức và đợi chờ là lời mời gọi
của Chúa đối với mỗi ngày sống của
mỗi người.
Kitô giáo là tôn giáo
của hy vọng vì dựa trên lời hứa của Thiên
Chúa. Thiên Chúa hứa và Ngài sẽ thành tín thực
hiện lời hứa. Thiên Chúa thực
hiện từng giai đoạn và ngày càng trọn vẹn
hơn. Vì thế người Kitô hữu
luôn hướng về tương lai chờ đợi
Lời Hứa Cứu Độ đã được
thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau
lịch sử.
Chờ đợi
hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy
vọng luôn gắn liền với lòng tin. Không có đức tin hy vọng chỉ là ảo
tưởng. Không có hy vọng
đức tin sẽ chết khô. Nhờ đức tin
chúng ta chọn đúng hướng. Nhưng
chỉ có hy vọng mới làm cho ta đi tới cùng
đường. Niềm hy vọng cánh chung
không cản trở công cuộc xây dựng trần thế
và mưu tìm hạnh phúc hiện tại. Trái
lại, đó là một động lực thúc đẩy
mỗi người góp phần kiến tạo gia đình,
làng xóm, xã hội sống công bình, huynh đệ và hạnh
phúc hơn. Ai thấy rõ đường
đi thì càng vững tâm mà đi.
Chỉ có một
Đức Kitô, chỉ có một Giáo Hội là bạn
trăm năm của Người. Giáo Hội
không chỉ là Trinh Nữ, là Hiền Thê mà còn phải là
Mẹ. Do đó hình ảnh người Mẹ bồng
con là hình ảnh thích hợp để biểu tượng
cho Giáo Hội. Hình ảnh Hòn Vọng Phu
tượng trưng cho Mẹ Giáo Hội đứng trên
đỉnh núi giữa trời mây sông nước, ẵm
chặt vào lòng đứa con của sự sống là
tương lai và hạnh phúc của mình hướng về
trời cao với niềm hy vọng là Đức Kitô.
Mẹ Giáo Hội cưu mang các thực
tại của mọi dân tộc là sự sống, là
tương lai, là hạnh phúc để nuôi dưỡng và
ấp ủ cho đến ngày hoàn toàn viên mãn, ngày
Đức Kitô ngự đến.
Mùa Vọng
được khai mở với lời mời gọi
của Đức Giêsu: Hãy tỉnh thức.
Bước
đầu là bước quyết định cho cả
một cuộc đời, một chương trình kế
tiếp như sách Nho có câu: nhất nhật chi kế
tại ư thần, nhất niên chi kế tại ư xuân
(Kế hoạch một ngày hệ tại giờ ban mai,
kế hoạch một năm hệ tại mùa xuân).
Tỉnh thức là
thái độ sống của người tín hữu
suốt Năm Phụng Vụ.
Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn
chầu trong Nhà Thờ, thức luôn và sáng luôn trước
nhan Chúa.
|