Đón chờ Chúa
đến
(Trích
trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Khi màn đêm buông xuống, có những
người vẫn thức. Thức vì không ngủ
được. Thức để xem nốt một
cuốn truyện hay một bộ phim vidéo nhiều
tập… Nhưng cũng có người thức để
làm việc. Họ trực ở phòng cấp cứu, ở
trạm cứu hoả, ở cơ quan an ninh, ở bưu
điện. Họ là những công nhân làm ca ba, những tài
xế tàu hoả chạy suốt đêm đến sáng,
những chuyến bay ban đêm.
Và còn có những người khác cũng
thức. Thức không phải vì mất ngủ, không
phải để đọc truyện hay xem phim, mà
thức để cầu nguyện. Trong các đan viện,
các đan sĩ nam nữ là những người không
ngủ, với cái nghĩa là họ ca tụng Chúa 24 giờ
một ngày luân phiên nhau. Nhiều cộng đoàn tu sĩ nam
nữ chầu Mình Thánh Chúa ngày đêm, từ năm này qua
năm khác. Họ tỉnh thức và cầu nguyện thay
cho chúng ta, trong khi chúng ta ngủ.
Trên trái đất này, không lúc nào mà không có
người thức: Đang khi chúng ta lên giường
ngủ thì ở bán cầu bên kia, một nửa nhân
loại đang vươn vai thức dậy, ăn
uống, làm việc, vui chơi, để rồi lại
ngủ khi chúng ta ở đây thức dậy.
Như thế, trên thế giới, Thánh
lễ được hiến dâng liên tục ngày đêm.
Nếu chỉ 2/3 trong số linh mục trên thế giới
cử hành Thánh lễ mỗi ngày, thì mỗi giờ ít
nhất có hai ngàn linh mục cử hành Thánh lễ, và
mỗi phút, ngày cũng như đêm, đều có một
số linh mục đang dâng lễ cầu nguyện cho
chúng ta.
Tuy nhiên, thức
đêm không phải là điều tự nhiên và dễ dàng.
Ba môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã từng có kinh
nghiệm về điều đó: Trong Vườn Cây Dầu,
mặc cho Chúa Giêsu hai lần gọi: Hãy tỉnh thức!
Họ vẫn ngủ li bì. Có lẽ lúc đầu, Chúa Giêsu
tưởng họ sẽ thức cả đêm với mình
để chia sẻ nỗi khổ đau, nhưng cuối
cùng, Ngài đau lòng khi thấy họ không thức nổi
được một giờ với Ngài (Mc 14,34-37).
Một trong những
căn bệnh của thời đại là căn bệnh
mất ngủ. Người ta phải dùng thuốc an
thần để tìm một giấc ngủ không tự
nhiên. Hoặc chán đời, người ta dùng thuốc
ngủ quá liều lượng để tìm giấc
ngủ ngàn thu!
Thế nhưng, hôm
nay, Chúa Giêsu lại kêu gọi: Anh em phải canh thức,
kẻo bất thần ông chủ về bắt gặp anh
em đang ngủ. Phải chăng Chúa Giêsu muốn các Kitô
hữu phải thức suốt đêm để chờ
Ngài? Chắc là không! Vậy thì thế nào là thái độ
tỉnh thức mà Chúa đòi hỏi nơi chúng ta?
Tỉnh thức không
phải là không ngủ: Năm cô trinh nữ khôn ngoan cũng
ngủ như năm cô khờ dại (Mt 25,1-13).
Điểm khác biệt là vào lúc nửa đêm, khi chàng
rể đến, các cô khôn ngoan có thể ra đón với
đèn sáng trong tay, vì các cô có mang theo dầu dự trữ.
Còn đèn của các cô khờ dại thì đã tắt ngúm mà
lại không đem dầu theo. Lúc đó mới chạy
đi mua, nên không kịp. Vậy tỉnh thức là ở
trong tư thế sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc
nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ.
Tỉnh thức là
chu toàn bổn phận: Người quản gia được
giao trách nhiệm phân phát lương thực cho các gia nhân
(Mt 24,45-51). Nếu chủ về mà gặp thấy anh
đang làm công việc được giao, thì đúng là anh
đã có thái độ tỉnh thức. Mê ngủ là bỏ
bê trách nhiệm, lạm dụng quyền hành và say sưa chè
chén (Mt 24,49).
Tỉnh thức là
làm cho những nén vàng, nén bạc Chúa trao được sinh
lợi (Mt 25,31-46). Số nén vàng có thể nhiều hay ít tùy
người, và mỗi người cũng chỉ phải
sinh lợi tùy theo số vốn đã nhận. Mê ngủ là
đào lỗ chôn giấu nén bạc của mình, không dám
đầu tư vì sợ mất vốn, nhưng cũng có
thể vì lười biếng, thụ động.
Người tỉnh thức là người được
chủ khen là đã trung tín trong việc nhỏ, nghĩa là
trung tín với ơn Chúa ban trong hiện tại.
Tỉnh thức là
tỉnh táo để nhận ra Chúa bất ngờ
đến với mình và nài xin mình trợ giúp. Ngài xuất hiện
dưới dáng dấp của một người đói
khát, rách rưới, một người yếu đau,
lỡ đường, thậm chí một phạm nhân trong
nhà giam (Mt 25,31-46). Mê ngủ là để cho Chúa Giêsu ngửa
tay đi qua đời mình mà không nhận được
chút gì làm quà tặng.
Cuối cùng, tỉnh
thức là để cầu nguyện. Tỉnh thức
luôn đi đôi với cầu nguyện: Hãy tỉnh
thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ (Mc
14,38). Chúng ta đã làm nhiều việc cho Chúa, nhưng có
thể vẫn chưa phải là con người tỉnh
thức và cầu nguyện. Lúc nào chúng ta cũng có nguy
cơ ngủ quên trong thành công tông đồ, trong tiện
nghi dễ dãi.
Tin Mừng hôm nay
đưa chúng ta vào bầu khí Mùa Vọng, mùa tỉnh thức
để chờ đợi Chúa đến. Trong cuộc
sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta phải chờ
đợi. Có sự chờ đợi làm ta sốt
ruột, khó chịu, nhưng cũng có sự chờ
đợi làm cho cuộc sống hiện tại trở nên
đầy ý nghĩa. Dân Do Thái từ hơn 2000 năm
trước đây cho đến nay vẫn sống nhờ
vẫn còn chờ đợi Đấng Mêsia, Đấng
Thiên Sai Cứu Thế. Sự chờ đợi như
tăng thêm sức mạnh để con người can
đảm sống cái hiện tại hơn. Biết
sống là biết chờ đợi. Chờ đợi làm
nên cuộc sống. Sống mà không còn gì để chờ
đợi, kể như đã chết!
Mùa Vọng là
thời gian chờ Chúa đến. Cả lịch sử
của nhân loại được đánh dấu bằng
những lần Chúa đến. Lần nào Ngài cũng
đến bất ngờ. Ngài đã đến bất
ngờ ở Bêlem, mang hình hài trẻ thơ yếu
đuối. Cả cuộc sống, cái chết và sự
phục sinh của Ngài cũng là bất ngờ, khiến
cho các môn đệ phải ngỡ ngàng. Kitô hữu là
người đang chờ, chờ ngày Chúa Giêsu trở
lại trong vinh quang. Đây cũng là một bất
ngờ, vì không ai biết được ngày giờ Ngài
trở lại. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra
Ngài đến bất thần, bắt gặp anh em đang
mê ngủ(Mc 13,33-37).
Chúa đã
đến, sẽ đến, nhưng Ngài vẫn đang
đến trong thế giới, trong đời từng
người, trong đời từng tập thể.
Nếu chúng ta tập lắng nghe, chúng ta sẽ nhận ra
được tiếng bước chân của Ngài. Chúa
đến với ta qua mọi biến cố của
cuộc sống, kể cả những biến cố
đau buồn. Bước vào Mùa Vọng, cùng với Giáo
hội sống một Mùa Vọng mới, chúng ta hãy mở
tâm hồn ra tiếp đón Chúa: Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy
đến! (Kh 22,20).
|