MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: gương chứng nhân
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
24-11: Thánh Anrê Dũng-lạc Và Các Bạn Tử-đạo Việt-nam
Thứ Ba, Ngày 25 tháng 11-2014

24-11: THÁNH ANRÊ DŨNG-LẠC VÀ CÁC BẠN TỬ-ĐẠO VIỆT-NAM (CHỦNG SINH PHAOLÔ BỘT VÀ CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ-YÊN)

Tài liệu về cuộc đời, nhân đức và cái chết vinh quang của Chủng Sinh Phaolô Bột (1841-1858) phần lớn trích từ tác phẩm của Linh Mục Gustave Monteuuis: ”Anh hùng trong thống hối. Phaolô Bột, vị Tử Đạo trẻ Đàng Ngoài”. Tác phẩm trúng giải Hàn Lâm Viện Pháp và được hai nhà xuất bản Thánh-Phaolô ở thủ đô Paris (nước Pháp) và Hội Thánh-Charles ở Grammont (vương quốc Bỉ) đồng phát hành năm 1905.

Cha Gustave Monteuuis viết lời tựa:

”Tiểu sử vị tử đạo Phaolô Bột lần lượt tỏ lộ cho chúng ta thấy: trước tiên, nỗi đau đớn và những dày vò của một người trẻ trong phút chốc bị sa ngã vì yếu đuối; tiếp đến, lòng nhiệt thành thánh thiện và tình yêu anh dũng của người môn đệ quảng đại, khóc lóc thảm thiết về lỗi lầm của mình và sau cùng, lòng cương quyết dùng chính máu đào xóa tẩy điều sỉ nhục xúc phạm đến Vị Thầy Chí Thánh dấu yêu.

”Hoàn cảnh sống và lộ trình Chủng Sinh Phaolô Bột trải qua thật đáng chú ý. Chúng ta cảm thông nỗi đau đớn và lòng thống hối, đồng thời nồng nhiệt tán thưởng cuộc hoán cải và cái chết vinh quang của Chủng Sinh Phaolô Bột. Một thi sĩ viết:
Không bao giờ lỗi bổn phận là điều đẹp nhất,
Nhưng thống hối trở về với bổn phận còn đẹp hơn.

”Nói thế, chúng ta không chối bỏ vẻ đẹp nguyên tuyền của lòng thanh sạch vô tội. Nhưng chúng ta cũng không thể không ca tụng cố gắng của một tâm hồn, sau khi nhận ra lầm lỗi, đã quyết định thoát khỏi vực sâu tội lỗi và vươn cao trên đường thánh thiện bằng trọn tình yêu thống hối của mình.

I. CUỘC ĐỜI THƠ TRẺ

Phaolô Bột chào đời năm 1841 tại thôn Kẻ-Lựa thuộc giáo xứ Sơn-Miêng. Kẻ-Lựa nay thuộc giáo xứ Canh-Hoạch. Sơn-Miêng ngày nay là Sơn-Lãng thuộc xã Hoa-Sơn, huyện Ứng-Hòa tỉnh Hà Tây, Tổng Giáo Phận Hà Nội. Trước kia Sơn-Miêng thuộc huyện Thanh-Oai, cách tỉnh Hà Nội 35 cây số về hướng Nam. Vào thời kỳ đó, Sơn-Miêng là một trong những giáo xứ rộng lớn nhất của giáo đoàn Đông Đàng Ngoài.

Phaolô Bột được diễm phúc là đồng hương với thánh Phanxicô Nguyễn Cần (1803-1837), Thầy Giảng. Thầy Giảng Phanxicô Nguyễn Cần tử vì đạo ngày 20-11-1837, dưới thời vua Minh Mạng. 150 năm sau, Chúa Nhật 19-6-1988, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) tôn phong Thầy Giảng Phanxicô Nguyễn Cần lên hàng hiển thánh cùng với 116 vị Tử Đạo Việt Nam.

Khi bản án châu phê từ Kinh Đô ra tới Hà Nội, quan tổng trấn khuyên Thầy Cần nhắm mắt bước đại qua Thánh Giá. Thầy Cần nói:
- Mắt thì nhắm được chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm!

Tại pháp trường, viên quan cố thuyết phục lần chót:
- Anh có thể cứu mạng mình. Anh không trộm cướp, cũng không làm loạn. Bản án của anh còn có thể rút lại, chỉ cần anh bước một bước qua Thập Tự.

Thầy Giảng Phanxicô Nguyễn Cần trả lời:
- Tôi trung không thờ hai chủ, xin quan cứ án mà thi hành!

Thi hài vị tử vì đạo Cần được an táng tại Châu-Sơn, sau cải táng về nhà thờ xứ Sơn-Miêng.
Thời thơ ấu, khi theo mẹ đến nhà thờ Sơn-Miêng, cậu bé Phaolô Bột thường có dịp kính viếng di hài thánh Phanxicô Cần. Hẳn đây là một trong những lý do nuôi dưỡng ơn gọi sau này. Vào thời kỳ ấy, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam trải qua cuộc bách hại dữ dội. 5 Linh Mục Thừa Sai người Pháp bị bắt và bị kết án tử hình.

Về phía Phaolô Bột, cậu bé không nếm hưởng nhiều niềm vui gia đình. Em trai Bột đột ngột qua đời lúc chưa tròn một tuổi. Sau đó đến lượt thân phụ - ông Phêrô Bính - từ trần năm 1845, khi Bột mới lên 4. Phaolô Bột trở thành quí tử duy nhất sống với mẹ góa, bà Maria Mận.

Từ khi chồng qua đời, bà Mận một mình tần tảo nuôi con. Bà hết lòng yêu thương và giáo dục con nên người. Bà là người mẹ Công Giáo đạo đức, giống như bao bà mẹ gương mẫu khác. Sơn-Miêng lúc ấy nổi tiếng về nghề chằm nón. Bà Maria Mận học nghề và không bao lâu có thể tự tay chằm những chiếc nón lá xinh xắn. Cậu bé Phaolô Bột ngoan ngoãn giúp mẹ. Khi đến tuổi có thể tự di chuyển, chính Phaolô Bột mang nón mẹ làm ra chợ Sơn-Miêng bán. Nét kháu khỉnh, khuôn mặt trong sáng và tính tình dễ thương của cậu thiếu niên bán nón lôi kéo sự chú ý của khách hàng. Nhiều người đến mua nón của cậu. Thế là mỗi buổi chiều, Phaolô Bột hân hoan mang về cho mẹ cái túi đầy tiền. Bà Maria Mận cũng vui mừng không kém. Nhờ tiền bán nón, hai mẹ con có thể sống hàng ngày dùng đủ và nhất là, bà có ít tài chánh dưỡng dục con thành tín hữu Công Giáo tốt.

Phaolô Bột là niềm vui và là niềm an ủi rộng lớn nhất của bà Maria Mận trong cảnh góa bụa. Tuy nhiên, bà không đơn độc trong việc giáo dục con. Em gái bà cũng hết lòng yêu thương cháu. Nhờ sự chăm sóc của Mẹ và Dì, cậu Phaolô Bột tuy mới 10 tuổi, đã trổi vượt nhóm trẻ trong làng về nét ngây thơ và lòng đạo đức.

Phaolô Bột cảm thấy lớn lên trong tâm hồn xuân trẻ và trong trắng của mình ước muốn học hỏi và tiến xa trên đường thánh thiện. Cậu muốn trở thành môn đệ đích thật của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cậu bày tỏ cùng mẹ tất cả ước vọng. Bà Maria Mận cảm động khi thấy con trai duy nhất có những ý tưởng cao đẹp. Bà biết THIÊN CHÚA Nhân Lành đã gieo vào lòng con hạt giống ơn gọi. Bà không so đo tính toán. Bà không ngần ngại chần chờ. Bà nhất định dâng cho Chúa kho tàng đáng giá nhất: Phaolô Bột, quí tử của bà.

Dịp may đến. Năm 1850, Linh Mục Khương, Cha Sở Sơn-Miêng đến xứ Kẻ-Lựa ban các Bí Tích cho giáo dân trong xứ. Năm 1850 cũng là Năm Thánh do Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Pio IX (1846-1878) công bố cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Giáo Đoàn Đàng Ngoài tại Việt Nam hiệp ý với Đức Thánh Cha, cử hành Năm Thánh với lòng sốt sắng đặc biệt. Cảm thấy ơn thánh Chúa tràn ngập tâm hồn, Phaolô Bột nài nỉ mẹ đưa đến gặp Cha Khương, xin Cha nhận cậu vào Nhà Đức Chúa Trời với hy vọng ngày kia trở thành Thầy Giảng và Linh Mục.

Dĩ nhiên bà Maria Mận không từ chối lời con xin. Bà mau mắn đưa con đến gặp Cha Sở. Sau khi lắng nghe lời tỏ bày của cả hai mẹ con, Cha Khương ngần ngại không chấp nhận lời thỉnh cầu. Phaolô Bột đành theo mẹ trở về, chuyên cần giúp mẹ việc nhà và đem nón mẹ chằm ra chợ bán.

Hai năm sau, 1852, Cha Khương có dịp trở lại Kẻ-Lựa. Phaolô Bột nài nỉ mẹ đưa đến gặp Cha, lập lại lời xin. Lần này Cha Khương động lòng thương xót. Cha chấp nhận cậu vào Nhà Đức Chúa Trời. Phaolô Bột được nhận với tư cách là chú giúp trường xứ Sơn-Miêng. Phaolô Bột để tâm ngay vào việc học và bắt đầu thực thi các nhân đức. Trong số các bạn đồng sinh, Phaolô Bột nổi bật về tính tình hiền dịu, khả ái và vui tươi. Ngoài ra, thân hình cao ráo trắng trẻo cũng khiến Phaolô Bột dễ dàng thu hút cảm tình của những người sống chung quanh. Tuy nhiên, Phaolô Bột không chú ý đến các chi tiết này, cũng không tỏ ra tự mãn kiêu căng. Trái lại, cậu chỉ chuyên chăm học hành và thực thi nhân đức.

Trong ba năm học tập tại nhà xứ Sơn-Miêng, Phaolô Bột không bao giờ xin phép về Kẻ-Lựa thăm mẹ. Phần bà Maria Mận, mỗi lần có dịp ra Sơn-Miêng, bà đều ghé thăm con trai. Chi phí học tập thường rất cao, bà Maria Mận không thể một mình gánh hết. May mắn thay, một phụ nữ đạo đức khá giả thuộc xứ Phúc-Lâm tên Marta Lịch nhận phần giúp đỡ. Để tỏ lòng biết ơn mẹ nuôi, thỉnh thoảng chú Bột đến thăm bà Marta Lịch. Tuy nhiên, mặc dù bà Marta Lịch nài nỉ, Phaolô Bột chỉ nhận những gì tối thiểu cần thiết. Chú lễ phép thưa với mẹ nuôi:
- Xin mẹ cầu cho con được ơn trung tín đến hơi thở cuối cùng trong Nhà Đức Chúa Trời.

Thời gian Phaolô Bột học tập tại nhà xứ Sơn-Miêng cũng là thời kỳ Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam bị bách hại dữ dội. Ngày 1-5-1851, Cha thánh Augustin Schoeffler Đông (1822-1851), thuộc Hội Linh Mục Thừa Sai Paris, bị hành quyết vì Đạo tại Sơn-Tây. Cùng ngày tháng đó một năm sau, 1852, Cha thánh Jean-Louis Bonnard Hương (1824-1852) cũng thuộc Hội Thừa Sai Paris, bị giết vì Đức Tin tại Nam-Định. Tất cả những chứng nhân anh dũng ấy ghi khắc vào con tim thơ trẻ của các chú giúp nhà xứ Sơn-Miêng lòng nhiệt thành khát khao ơn được dùng chính mạng sống tuyên xưng Đức Tin vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ con người.

Ba năm học hoàn tất, năm 1855 Phaolô Bột được Cha Sở Sơn-Miêng giao phó cho các Linh Mục thuộc Chủng Viện Vĩnh-Trị. Từ nay Phaolô Bột chính thức trở thành chủng sinh.

II. CUỘC SỐNG NƠI CHỦNG VIỆN VĨNH-TRỊ

Năm 1848, vua Tự Đức (1830-1883) lên ngôi, tiếp tục các cuộc bách hại chống lại Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đặc biệt là các Linh Mục người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris.

Năm 1855 Phaolô Bột gia nhập chủng viện Vĩnh-Trị.

Vĩnh-Trị nằm trên bờ sông Nam-Định cách không xa Ninh-Bình bao nhiêu. Trong vòng 100 năm liền, Vĩnh-Trị là cứ điểm truyền giáo của địa phận Đông Đàng Ngoài. Hồi ấy, toàn thể dân cư Vĩnh-Trị đều là tín hữu Công Giáo. Nơi đây còn có chỗ cư trú của Đức Cha Retord Liêu (1840-1858), Đại Diện Tông Tòa. Và bên cạnh ngôi nhà của Đức Cha Liêu là chủng viện. Trong một xứ truyền giáo vào thời kỳ Giáo Hội bị bách hại, chủng viện Vĩnh-Trị lúc ấy là một cơ sở thô sơ. Nhưng chương trình huấn luyện không sơ sài. Các chủng sinh học La-ngữ, chữ Tàu, chữ Nho, tiếng Việt, sử học và bình ca. Ngoài ra, kể từ khi Cha thánh Phêrô-Phanxicô Néron Bắc (1818-1860), Linh Mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, được chỉ định làm Bề Trên chủng viện Vĩnh-Trị, các chủng sinh có thêm chương trình học về toán pháp như hình học, đại số, số học và thiên văn, vv ..

Chủng sinh Phaolô Bột được diễm phúc thụ huấn với các tôn sư nổi bật về các khoa học đời cũng như đạo. Nhưng nhất là, các vị nêu cao gương sáng cho các môn sinh và cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam lòng trung thành cho đến chết.

Đây là thời kỳ Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh (1793-1857) được chỉ định làm Giám Đốc chủng viện Vĩnh-Trị, kiêm giáo sư La-ngữ lớp chủng sinh lớn nhất sắp ra trường. Khi Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được một thời gian tạm bằng an, Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh lo tổ chức đời sống thiêng liêng cho các chủng sinh. Ngài dạy cho họ biết học hỏi Lời Chúa trong Phúc-Âm, trong Thánh-Kinh, sùng kính Đức Mẹ MARIA bằng việc lần hạt Mân Côi, ăn chay các ngày trước lễ Đức Mẹ, mang Áo Đức Mẹ trên mình, thương mến các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục và cầu nguyện cho các Linh Hồn. Nhất là rút kinh nghiệm bản thân trong thời kỳ chịu bách hại và lao tù, Cha thánh Tịnh nhấn mạnh với chủng sinh lòng tôn thờ Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Ngài dựng tượng Thánh Giá ở giữa con đường chính xuyên qua chủng viện và 4 tượng Thánh Giá khác ở 4 góc giáo xứ Vĩnh-Trị. Ngài làm phép long trọng các tượng Thánh Giá và mỗi ngày thứ sáu, Cha thánh Tịnh thường đưa một số chủng sinh tới đó đọc kinh. Tượng Thánh Giá thứ sáu được dựng trong Trại Phong Cùi gần Vĩnh-Trị. Hôm đó chính ngài vác cây Thánh Giá trên vai, theo sau là toàn thể chủng viện. Tất cả mọi người hát bài Vexilla Regis - Cờ Vua Chiến Thắng. Bên chân tượng Thánh Giá này, Cha thánh Tịnh xây một nhà nguyện nhỏ và năm nào cũng thế, ngài đến đây bốn lần để dâng Thánh Lễ.

Một thời gian ngắn sau khi Phaolô Bột gia nhập chủng viện, ngày 18-9-1855, vua Tự Đức ban hành sắc chỉ cấm đạo nghiêm ngặt. Tất cả các Linh Mục đều bị kết án tử hình. Các quan viên Công Giáo có thời hạn 1 tháng để chối Đạo. Binh lính và tín hữu thường được triển hạn 6 tháng. Dĩ nhiên các Thầy Giảng Nhà Đức Chúa Trời và các chủng sinh cũng bị kết án nặng nề, sau các Linh Mục.

Cùng thời gian này có Thầy giảng Augustino Điểm làm giáo sư chủng viện Vĩnh-Trị. Thầy có người em trai Marcô Hào là chủng sinh. Cả hai anh em đều được diễm phúc đổ máu làm chứng cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Thầy Augustino Điểm chịu chết vì Đạo năm 1860 tại Nam Định. Năm kế tiếp, ngày 1-1-1861, chủng sinh Marcô Hào nối gót bào huynh tuyên xưng Đức Tin cũng tại Nam Định, hưởng dương 19 tuổi.

Chi tiết trên đây cho thấy chủng sinh Phaolô Bột trải qua thời kỳ thụ huấn và thực tập nhân đức trong một bầu khí bất an, phập phồng lo sợ vì cơn bắt Đạo nỗi lên khắp nơi, từ Nam chí Bắc. Mặc dầu thế, trong năm 1856, Đức Cha Retord Liêu vẫn quyết định tổ chức tuần tĩnh tâm cho giáo hữu Vĩnh-Trị. Dĩ nhiên các chủng sinh chủng viện Vĩnh-Trị là những thành phần đầu tiên tham dự tích cực vào tuần tĩnh tâm này. Đức Cha Liêu được sự hỗ trợ đắc lực của hàng giáo sĩ trong giáo phận. Mỗi ngày có 4 bài giảng, không kể những bài đọc Sách Thánh và bài suy niệm. Tín hữu tham dự đông đảo nên phải lập đến 14 tòa giải tội. Tuần tĩnh tâm được kết thúc với lễ truyền chức Linh Mục.

Quả là biến cố linh thiêng và trọng đại trong thời kỳ bách hại. Đây là biến cố phi thường đưa các tân Linh Mục cũng như tín hữu vào đời sống hầm trú nơi các hang toại đạo. Chủng sinh Phaolô Bột cảm thấy lòng dâng lên những tâm tình quảng đại cao đẹp. Cậu ước ao được bước theo các bậc thầy và đàn anh trên con đường tông đồ và tử đạo.

Và chuyện phải đến đã đến. Ngày 27-2-1857 quan phủ Nghĩa Hưng đem quân vây kín làng Vĩnh-Trị, nơi có nhà Đức Cha và chủng viện. Đức Cha Retord Liêu và hai Linh Mục thừa sai người Pháp là Cha Charbonnier và Cha thánh Jean-Théophane Vénard Ven (1829-1861) kịp thời trốn thoát. Nhưng vị Giám Đốc chủng viện, Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh bị bắt cùng với hai ông Chánh-Phó Xã-Ủy làng Vĩnh-Trị và chủng sinh Lương. Cả bốn vị bị giải ra tỉnh Nam Định. Sau 38 ngày bị giam cầm, Cha Tịnh bị kết án tử vì cương quyết không chối bỏ đạo thánh Chúa. Cha nói với quan tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng:

- Tôi xin chân thành cám ơn quan, vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý, tôi rất vui lòng, không oán than gì. Nó chết đi nhưng mai ngày sẽ sống lại vinh quang. Còn linh hồn tôi là của THIÊN CHÚA, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể lay chuyển lòng tin tưởng của tôi. Đạo THIÊN CHÚA là chính Đạo, là Đạo thật, tôi yêu mến và giữ Đạo ấy từ thưở bé, và dù có chết tôi cũng chẳng bỏ được.

Lời khẳng khái phát sinh từ quyết định can đảm và sáng suốt. Ngày 6-4-1857 tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định, Cha Phaolô Lê Bảo Tịnh nói lời từ biệt cuối cùng gởi tới mọi người:
- Anh em ở lại bình an, chịu khó giữ Đạo và can đản bền vững, đừng sợ chết!

Vài ngày sau khi Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh bị giết, ba vị đồng tù với ngài bị phân tán mỗi người một nơi. Ông Chánh Xã-ủy Vĩnh-Trị bị lưu đày ở Thái-Nguyên, ông Phó Xã-ủy ở Lạng-Sơn và chủng sinh Lương ở Cao-Bằng. Cả ba vị đều trung thành với Đức Tin Công Giáo cho đến hơi thở cuối cùng. Riêng chủng sinh Lương, chú đã viết thư gởi đến quí Bề Trên và các chủng sinh cùng trường. Thư kể lại cuộc sống lưu đày như sau:

”Người dân hai tỉnh Cao-Bằng và Lạng-Sơn không toàn tòng là người Việt nhưng có thêm các sắc dân thiểu số và người Tàu. Ngôn ngữ bất đồng khiến cho việc giao thiệp trở nên khó khăn. Tại Lạng-Sơn hiện có 6 tân tòng bị lưu đày. Họ có thể an ủi và khích lệ lẫn nhau. Cha Sở tìm cách viếng thăm và ban các bí tích cho họ. Nhưng không mấy dễ dàng. Thường ngài chỉ có thể gặp các tân tòng một hay hai lần trong năm. Trong khi đó, tại Cao-Bằng này, con hoàn toàn cô thế cô thân. Con là người duy nhất được biết Đạo thánh Chúa, Đạo chân thật. Vì thế, con không rõ đến khi nào con mới được diễm phúc gặp một Linh Mục để xưng tội. Với sức khoẻ yếu kém cộng thêm khí hậu độc địa, con có thể chết bất kỳ lúc nào, chết mà không nhận được sự trợ giúp thiêng liêng nào. Do đó, con khẩn khoản xin mọi người thương cầu cho phần rỗi linh hồn con, hầu con được can đảm thực thi thánh ý THIÊN CHÚA đến cùng.

”Ngày con mới đặt chân đến đây, quan Án tỉnh Cao-Bằng truyền con đạp chân lên Thánh Giá. Thấy con cương quyết từ chối, quan nổi giận buông lời nguyền rủa. Con thưa với quan:
- Nếu trước đây vua đòi đầu cháu, hẳn cháu đã sẵn sàng dâng đầu đến một trăm lần, chẳng thà chối bỏ Đạo Chúa. Giờ đây, cháu đã chịu xét xử, bị tuyên án và cháu đã chấp nhận bản án lưu đày, đến một miền khỉ ho cò gáy, sau khi băng rừng lội suối đi qua một chặng đường dài gian lao khốn khó, làm sao quan có thể nghĩ là cháu sẽ chối bỏ Đạo Chúa, để trong phút chốc, mất hết mọi công phúc mà cháu cố gắng thu đạt, khi bằng lòng chịu đau khổ vì Đạo?..

”Một lần khác, cũng vị quan Án ấy gọi con đến nhà quan. Sau một hồi khuyên con bỏ Đạo không hiệu quả, quan nói với con: ”Đạo Vua Trời Đất là Đạo gì và đâu là những lý do khiến chú gắn bó đến độ không bỏ Đạo được?” Con liền trình bày cho quan nghe một số giáo lý Đạo Công Giáo. Con cũng dùng nhiều lý lẽ minh chứng Đạo Công Giáo là Đạo thật. Quan Án tỏ ra lắng nghe lời con nói. Sau khi thỏa mãn tính tò mò, quan Án cho con về và nói: ”Nếu quả thật như thế, chú hãy ra về bằng an”. Kể từ ngày ấy, quan Án tỉnh Cao-Bằng để con yên, không hạch hỏi cũng không truyền con phải bỏ Đạo nữa”.

Ký tên: Lương, người bị lưu đày vì Đức Tin.

Lá thư của chủng sinh Lương là một khích lệ lớn lao cho các bạn đồng trường tại Vĩnh-Trị. Lá thư cũng mang lại nhiệt huyết trung thành cho những môn đệ Đức Chúa GIÊSU KITÔ, đặc biệt trong thời kỳ cấm cách.

Trong lúc đó, chủng viện Vĩnh-Trị phải đóng cửa. Các chủng sinh phải phân tán từng nhóm ra các giáo xứ. Chú Phaolô Bột và một nhóm chủng sinh đồng lớp di tản về xứ Kẻ-Báng, cũng thuộc tỉnh Nam Định.

III. BỊ BẮT VÀ CHỐI ĐẠO

Ngày 21-5-1857, nhằm lễ Đức Chúa GIÊSU Thăng Thiên, Đức Cha thánh Giuse Diaz Sanjurjo An (1818-1857), Giám Mục thừa sai người Tây Ban Nha, Đại Diện Tông Tòa Trung Đàng Ngoài, bị bắt tại Bùi Chu và bị giải về Nam Định. Hồi ấy, ông Nguyễn Đình Hưng, Tổng Đốc Nam Định, vô cùng ghét Đạo Công Giáo. Ông cho dùng đủ mọi cực hình để làm khổ các tù nhân Công Giáo, vô phúc rơi vào tay ông. Gông cùm ngăn cản nghỉ ngơi ngày đêm, xiềng xích ăn mòn xương thịt, roi mây hằn lên những lằn đau, nhức buốt tận tim gan, kềm nung để lại những vết thương khó lành, và quì gối trên những tấm phản có đinh sắt nhọn, đau đớn vô cùng. Đó là những cực hình khủng khiếp mà lòng độc ác con người có thể nghĩ ra.

Năm 1857 báo hiệu nhiều tang thương thử thách cho Giáo Đoàn Đàng Ngoài. Tổng Đốc Nam Định biết rõ Kẻ-Báng là nơi trú ẩn của nhiều vị Linh Mục thừa sai và chủng sinh. Đêm 22 rạng ngày 23-1-1858, tổng đốc Nam Định sai quan tướng mang 700 binh lính về vây làng Kẻ-Báng. Cuộc tấn công chuẩn bị chu đáo đến nỗi dân làng không mảy may hay biết gì. Dầu vậy, một số Linh Mục và chủng sinh cũng may mắn thoát được, ngoại trừ chủng sinh Phaolô Bột, 17 tuổi và ba bạn đồng lớp: Gioan Pháp, Phaolô Tuấn và Hương. 4 chủng sinh bị bắt cùng với 17 bô lão, trong đó có ông Trùm xứ đạo Kẻ-Báng. Ngày hôm sau, tất cả bị giải về Nam Định và bị tống ngục. Nhờ được giam chung, các tù nhân vì Đức Tin đã an ủi khích lệ lẫn nhau hãy cương quyết trung thành với Đạo Công Giáo cho đến chết.

Ngày 25-1-1858, Tổng Đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng truyền mang Phaolô Bột cùng ba bạn chủng sinh và các vị bô lão Kẻ-Báng ra công đường. Ông truyền đặt Cây Thánh Giá dưới đất. Tất cả các tín hữu Công Giáo đoán biết thử thách nào sẽ diễn ra. Vừa xuất hiện, ông tổng đốc nói ngay:
- Hãy đạp lên Thánh Giá rồi tôi sẽ trả tự do cho mọi người.

Lệnh truyền ngầm hiểu rằng:
- Nếu bất tuân, sẽ bị lưu đày hoặc kết án tử hình.

Ông trùm Kẻ-Báng, trong tư cách là niên trưởng, trả lời thay cho tất cả:
- Thưa quan, tôi được hân hạnh trình với quan rằng, chúng tôi là tín hữu Công Giáo nên chúng tôi không đạp chân lên Thánh Giá.

Vừa nghe câu trả lời khẳng khái dõng dạc của ông trùm, quan tổng đốc nỗi giận đùng đùng. Ông truyền cho lính đánh đòn tức khắc các chiến sĩ Đức Tin.

Các người lính liền bắt các tù nhân nằm sấp mặt xuống đất, trói hai tay hai chân các tù nhân vào trụ và dùng roi mây thẳng tay đánh túi bụi vào thân mình các tù nhân. Thật là cực hình khủng khiếp. Bởi lẽ quan tổng đốc truyền cứ mỗi tù nhân bị hai người lính đánh đòn hai bên. Các roi đòn làm máu chảy thấm áo rồi nhuộm đỏ đất. Nhưng quan tổng đốc vẫn chưa nguôi giận. Ông còn truyền phải nung các kềm sắt và dí lên người các tù nhân.

Và quan tổng đốc đã thành công. Các cực hình đau đớn đến nỗi các cụ già yếu sức phải đầu hàng. Các bô lão Kẻ-Báng chấp nhận bước qua Thánh Giá để đánh đổi tự do, trở về đoàn tụ với gia đình. Nhìn các bô lão lần lượt bước qua Thánh Giá, 4 chủng sinh: Bột, Pháp, Hương và Tuấn cảm thấy lòng đau nhói. Các chú cay đắng tự nhủ:
- Làm sao các vị bô lão lại có thể phản bội Đức Chúa GIÊSU KITÔ, công khai chối bỏ Kitô Giáo là Đạo chân thật?

May mắn thay, ông trùm Kẻ-Báng, sau khi bước qua Thánh Giá đã hối hận tức khắc. Ông đền bù ngay tội lỗi tày trời vừa mới phạm và nhất là gương mù gương xấu ông gây ra cho các chủng sinh non trẻ. Ông quay trở lại nói với quan tổng đốc:
- Đức Tin nằm sâu trong lòng chúng tôi, và lòng chúng tôi không hề chối Đạo.

Vừa nghe, ông tổng đốc lên cơn thịnh nộ. Ông quát lớn:
- Người này chỉ chối Đạo bề ngoài, nhưng thật ra trong lòng vẫn trung tín với Đạo!

Ông kết án lưu đày ông trùm Kẻ-Báng lên Lạng Sơn. Nơi đây ngày 20-10-1858, ông trùm trút hơi thở cuối cùng, lòng vẫn một mực kiên trung với Đức Tin KITÔ. Ông được mọi người kính trọng tưởng nhớ như một vị anh hùng tử đạo.

Thành công với 16 bô lão Kẻ-Báng, bây giờ quan tổng đốc Nam Định dồn mọi chiến thuật tàn nhẫn tấn công 4 chủng sinh: Bột, Pháp, Hương và Tuấn. Quan biết rõ không dễ dầu gì lay chuyển Đức Tin của các thiếu niên, với tư cách là chủng sinh Nhà Đức Chúa Trời. Các lý hình cũng biết rõ như vậy. Và sự thật là như thế. Mặc bao lời đe dọa cũng như ngon ngọt dỗ dành, cả 4 chủng sinh đều đứng vững, cương quyết không bước chân qua Thánh Giá. Sau cùng, để đạt mục đích, các binh lính nghĩ ra diệu kế. Họ dùng vũ lực khiêng các chủng sinh ngang qua Thánh Giá, như thế, họ có thể rêu rao rằng, các thiếu niên Nhà Đức Chúa Trời đã nhát đảm công khai chối bỏ Đạo thánh!

Họ bắt đầu thi hành thủ đoạn với Gioan Pháp, chủng sinh nhỏ tuổi nhất. Năm ấy Gioan Pháp 14 tuổi và là bào đệ của Cha Triêm, giáo sư chủng viện Vĩnh-Trị. Mặc dầu đã kiệt lực và đau đớn vì trận đòn chí tử vừa chịu, chú Gioan Pháp vẫn giữ nguyên chí khí anh hùng ban đầu. Chú cương quyết và sáng suốt kháng cự. Khi bị quân lính lôi qua Thánh Giá, Gioan Pháp dùng trọn sức còn lại, uống cong mình và giữ cho đôi chân không hề chạm đến Thánh Giá. Tức giận và xấu hổ trước sức kháng cự vừa anh dũng vừa khéo léo của một thiếu niên, quan tổng đốc ra lệnh cho lý hình hãy dùng kềm nung nóng, kẹp vào người Gioan Pháp. Chú chủng sinh đau đớn ngất lịm đi. Nhưng khi vừa tỉnh lại, chú không ngừng lập đi lập lại:
- Thưa quan, điều quan vừa làm, quan chịu trách nhiệm. Phần con, con nhất định không chấp nhận đạp chân lên Thánh Giá.

Nếu chủng sinh Gioan Pháp cương quyết không tuân lệnh quan tổng đốc, đối lại, quan tổng đốc cũng đâu dễ dàng buông tha một thiếu niên 14 tuổi, dám cả gan bất tuân lệnh quan! Ông truyền lý hình đưa Pháp đến quì trên tấn ván có đầy đầu đinh nhọn. Thật là hình phạt khủng khiếp! Dầu vậy, Gioan Pháp vẫn trước sau như một. Cứ sau một hình khổ mới, chú Pháp lại cương quyết khẳng định:
- Con sẽ không bao giờ đạp chân lên Thánh Giá!

Thất bại trước sức kháng cự anh hùng của một học sinh Nhà Đức Chúa Trời, quan tổng đốc Nam Định tuyên bố kết án lưu đày chủng sinh Gioan Pháp lên Lạng Sơn, cùng với ông trùm Kẻ-Báng. Tại Lạng Sơn, Chúa Nhân Lành đã để cho Gioan Pháp được niềm an ủi lớn lao: đó là được trút hơi thở cuối cùng trong tay bào huynh: Linh Mục Triêm.

Gương anh dũng trung thành với Đạo Công Giáo của chủng sinh Gioan Pháp hẳn có sức mạnh vô biên củng cố Đức Tin của các bạn đi sau: Phaolô Bột, Phaolô Tuấn và Hương. Tất cả đã cùng trải qua các hình khổ dữ dằn như: bị cột tay chân vào trụ, bị đánh đòn bằng roi mây, bị kềm nung đỏ kẹp vào da thịt, vv.. Tổng đốc Nam Định hẳn cũng chờ đợi sức kháng cự tương tự nơi ba thiếu niên kia. Tuy nhiên, ông khéo léo bố trí để đưa các chủng sinh vào tròng. Ông truyền binh lính khiêng cả ba chú Bột, Tuấn và Hương qua Thánh Giá. Và hỡi ôi, lần này ông tổng đốc đã thành công! Cả ba chủng sinh một phần bị lừa dối, một phần quá yếu nhược và một phần có lẽ bị kinh hãi khi chứng kiến hình khổ dữ dằn của Gioan Pháp, nên cả ba đã để yên cho lý hình khiêng qua Thánh Giá mà không hề kháng cự!

Cử chỉ đó ngầm minh chứng rằng: cả ba chủng sinh đã đồng ý công khai chối bỏ Đạo thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ! Và ông tổng đốc Nam Định chỉ chờ đợi có thế! Ông hoan hỉ truyền ghi tên tức khắc ba thiếu niên vào danh sách các tín hữu Công Giáo đã đạp chân lên Thánh Giá, nghĩa là đã chối bỏ Đạo. Rồi ông trả tự do ngay cho ba chủng sinh. Hương lên đường về quê quán. Còn Phaolô Bột và Phaolô Tuấn lủi thủi trở lại Kẻ-Báng, nơi có Thầy giảng Augustino Điểm cùng với một số chủng sinh Vĩnh Trị đang trú ẩn ..

IV. THỐNG HỐI VÀ CƯƠNG QUYẾT DÙNG CHÍNH MẠNG SỐNG GỘT RỬA TỘI PHẢN ĐẠO

Ai có thể nói cho hết, diễn tả cho cùng nỗi lòng của hai thiếu niên, từ đây mang danh bội giáo, phản Đạo và chối Chúa??? Chính lúc này, Phaolô Bột hiểu thấm thía ý nghĩa cay đắng thế nào là bội giáo. Chú đau đớn nhủ thầm:
- Con đã bất trung cùng Thầy Chí Thánh con, Thầy Nhân Lành con! Sao con lại hèn nhát đến độ không dám kháng cự khi quân lính khiêng con qua Thánh Giá? Sao con không có được chí khí anh hùng của Gioan Pháp, một mực bày tỏ lòng trung tín với Đạo thánh?

Vì hết lòng ăn năn thống hối như thế, nên Phaolô Bột không ngừng nói với Phaolô Tuấn: - Bạn à, chúng ta đã yếu đuối phạm tội chối Chúa, chúng ta phải tìm ngay một Linh Mục để xưng thú tội lỗi.

Ý tưởng đầu tiên của hai chủng sinh thất trận là tìm về với Thầy giảng Augustino Điểm, giáo sư chủng viện Vĩnh-Trị đang coi sóc một nhóm chủng sinh trú ẩn tại Kẻ-Báng. Với thân mình bầm dập rách nát và áo quần tả tơi vì roi đòn, hai chủng sinh trông thật đáng thương. Hai chú hy vọng sẽ được mọi người thông cảm, đặc biệt là Cha Sở và Thầy giảng Điểm, giang rộng cánh tay như người Cha nhân từ, tiếp đón hai đứa con hoang trở về. Hai chú sẽ sụp lạy và thưa với Cha và với Thầy giảng rằng:
- Ôi lạy Cha, lạy thầy, chúng con đã phạm tội với Trời và với hai ngài. Chúng con không xứng đáng được nhận vào sổ những thiếu niên con Nhà Đức Chúa Trời. Nhưng ít ra xin nhận chúng con vào số những người làm công trong nhà và cho phép chúng con được giúp việc cùng ăn chay hãm mình để đền bù tội lỗi chúng con đã phạm!

Khi Phaolô Bột và Phaolô Tuấn về đến Kẻ-Báng thì mọi người đã rõ đầu đuôi ngọn nguồn, không cần đợi hai chú kể lể dài dòng. Hẳn Cha Sở và thầy giảng thông cảm thảm trạng của hai thiếu niên, trong giây phút yếu đuối, đã trở thành kẻ bội giáo! Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, cần có những chứng nhân anh dũng, nêu cao gương sáng cho mọi tín hữu, đặc biệt các chủng sinh. Bởi vì, vào bất cứ lúc nào, quan quân cũng có thể bất ngờ xuất hiện để truy bắt các tín hữu Công Giáo. Vì lý do đó, Cha Sở Kẻ-Báng đành từ chối, không tái chấp nhận hai chú Phaolô Bột và Phaolô Tuấn vào số các chủng sinh Vĩnh-Trị. Cửa chủng viện khép kín trước hai kẻ bội giáo!

Phaolô Bột vô cùng đau đớn trước quyết định này. Tia hy vọng cuối cùng vừa bị dập tắt. Cùng với lời từ chối của Bề Trên, Phaolô Bột như nghe rõ tiếng kết án của chính lương tâm:
- Ngươi đã phản bội Thầy Chí Thánh. Ngươi là một tên bội giáo!

Mặc dầu thất bại ê chề, Phaolô Bột không tuyệt vọng. Chú quay trở lại nơi đã chứng kiến ơn gọi nẩy sinh thưở ban đầu. Đó là nhà xứ Sơn-Miêng, có Cha Sở Khương. Chính Cha đã tập luyện và giới thiệu chú vào chủng viện Vĩnh-Trị. Hẳn Cha còn nhớ hình ảnh bà Maria Mận, người mẹ hiền đức, và nhớ rõ những tháng ngày ngây thơ trong trắng của mình, Cha sẽ cảm thông và tha thứ cho tội phản giáo của mình. Nhưng chú đã lầm to. Vì sợ gây ảnh hưởng xấu nơi các thiếu niên khác, Cha Khương nghiêm khắc khiển trách:
- Con sống bao lâu tùy ý, nhưng đối với Cha, xem như thể con đã chết!

Nói xong, Cha cho chú Bột ít tiền đi đường và cấm Phaolô Bột không được lưu lại nhà xứ.

Bị xua đuổi tại hai nơi dấu yêu nhất của cuộc đời chủng sinh, khơi lên niềm đau khôn tả trong tâm hồn chú Phaolô Bột. Chú cay đắng dằn vặt với ý tưởng:
- Tại sao mình lại phản bội THIÊN CHÚA, Đấng đầy tình thương và an bình? Tại sao mình lại yếu đuối, lại dại dột phản bội Ngài?

Chính từ niềm đau khôn lường này, bắt đầu nẩy sinh nơi Phaolô Bột ước muốn đền bù tội lỗi, xóa bỏ gương xấu bội giáo, phản THIÊN CHÚA của mình.

Phaolô Bột nói với Gioan Pháp:
- Chúng ta hãy dốc lòng trở lại Nam-Định tái tuyên xưng Đức Tin!

Rồi thấy bạn do dự, Phaolô Bột khẳng khái nói:
- Chết hay sống, tôi đều trở lại Nam Định để rút lại hành vi phản giáo của tôi trước mặt các quan.

Khi nghe bạn nói thế, Gioan Pháp quá kinh hãi nên tự ý tách rời bạn, trở về quê Yên-Khoái.

Còn lại một mình, Phaolô Bột không dám trở về ngay với mẹ. Chú biết rõ người mẹ hiền đức sẽ phản ứng ra sao, trước tội chối Đạo tày trời của con trai. Thêm vào đó, chú còn nhen nhúm chút hy vọng tìm được một vị Linh Mục biết thương cảm, nhận chú vào lại Nhà Đức Chúa Trời. Do đó, Phaolô Bột lần lượt đến gõ cửa nhiều chủng viện và nhà xứ khác nhau, nhưng ở đâu chú cũng bị xua đuổi cách phũ phàng. Chỉ lúc này đây, chú mới nghĩ đến mái ấm gia đình, nơi có người mẹ góa thân yêu sống. Chú hy vọng tấm lòng mẫu tử bao la của mẹ sẽ rộng tay đón tiếp đứa con hoang trở về.

Dĩ nhiên tin dữ Phaolô Bột chối Đạo đã đến tai bà Maria Mận. Vì thế, vừa khi Phaolô Bột bước vào nhà, bà Maria không dằn được nỗi đau đớn, bà lớn tiếng trách móc:
- Không bao giờ tao tiếp nhận một kẻ phản Đạo, dù kẻ đó là con tao .. Con ơi, nếu con chết, mẹ được diễm phúc khóc con như khóc một vị Tử Đạo. Nhưng hỡi ôi, ngày hôm nay mẹ khóc, không phải vì sung sướng, nhưng là vì xấu hổ đau đớn vì đã trót sinh ra một kẻ phản Đạo .. Chẳng thà bỏ thân vì Đức Tin tại Nam-Định còn hơn vác xác về đây sau khi đã phản bội THIÊN CHÚA, gây ô nhục cho Đạo của mẹ và của dòng họ nhà ta!

Chúa Nhân Lành đã để cho người mẹ hiền đức có những lời cứng rắn ấy, hầu các bậc sinh thành cũng như các nhà giáo dục, đều có cùng một ngôn ngữ như nhau. Điều này nhắc nhở mỗi tín hữu phải trở về với nghĩa vụ tuyên xưng Đức Tin, cho dẫu phải hy sinh cả tính mạng.

Phản ứng đầu tiên của một người mẹ Công Giáo gương mẫu là như thế, nhưng sau đó, bà Maria Mận đã sẵn sàng tiếp rước con, cho con ở chung cùng nhà và giúp đỡ bà trong những công việc thường ngày. Rồi chỉ một thời gian ngắn, bà hiểu rõ nỗi lòng đau đớn của con, cương quyết đền bù tội lỗi đã phản nghịch cùng THIÊN CHÚA.

Vài ngày sau khi trở lại quê Kẻ-Lựa, Phaolô Bột đến Phúc-Lâm thăm mẹ nuôi là bà Martha Lịch. Bà Lịch chưa nghe tin buồn về việc chú đã bội giáo. Vì thế Phaolô Bột tỏ ra vô cùng lúng túng khi tỏ lộ cho mẹ nuôi biết sự thật. Sau này chính bà Martha Lịch kể lại cuộc gặp gỡ như sau.

Hôm ấy là một ngày mùa đông. Trời lạnh như cắt. Ngồi trong bếp nhìn ra tôi trông thấy một người ăn mặc tơi tả, tay chống gậy, lưng khòm, đang đi thẳng vào cửa chính. Tôi đoán là một người hành khất đến xin của bố thí. Khi tới gần, tôi mới vỡ lẽ: người hành khất không ai khác là Phaolô Bột, con nuôi của tôi. Tôi vội vàng mời con vào nhà và trải chiếu đẹp mời con ngồi. Nhưng Phaolô Bột không ngớt từ chối, vừa khóc vừa nói:

- Con phạm một tội tày trời khiến con vô cùng xấu hổ. Con là kẻ khốn cùng nhất trong các tội nhân. Con không xứng đáng ngồi trên chiếu đẹp.

Tôi vội bảo người giúp việc dọn cơm cho chú dùng. Nhưng Phaolô Bột lại xua tay từ chối:
- Không! Không! Xin mẹ chỉ cho con chút cơm thừa ăn với muối hột. Bởi vì con là kẻ tội lỗi nhất trong số những người tội lỗi!

Nói xong, Phaolô Bột lại khóc như mưa.

Tôi vẫn ngỡ ngàng, không hiểu lý do nào đưa con nuôi tôi đến tình trạng thảm thương như thế này? Tôi phải nài nỉ lắm, Phaolô Bột mới kể đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe, từ lúc bị bắt tại Kẻ-Báng, bị đưa ra Nam-Định và bị hành hung như thế nào. Phaolô Bột cho tôi xem những vết thương nưng mủ, những lằn roi bầm đen, những dấu thịt rửa vì bị kềm sắt nung đỏ kẹp vào. Sau cùng, Phaolô Bột kể cho tôi nghe chú bước qua Thánh Giá như thế nào. Nghe đến đây, tôi hỏi con có kêu xin Chúa trợ giúp trong lúc bị hành hung không, Phaolô Bột trả lời:
- Thưa mẹ có. Con dùng hết sức lực nghiến chặt răng và tự đáy lòng, con kêu danh Thầy Chí Thánh.

Tôi lại hỏi:
- Thế thì tại sao con lại không kiên vững đến cùng?

Phaolô Bột giải thích:
- Con đâu có muốn chối Chúa! Chính những người lính lôi con qua Thánh Giá!

Phaolô Bột ở lại với tôi một đêm hai ngày, nhưng dành trọn ngày thứ hai cầu nguyện nơi nhà thờ xứ đạo .. Không những chỉ khóc lóc ăn năn, Phaolô Bột còn hãm mình phạt xác, cam chịu mọi sỉ nhục để đền bù tội lỗi.

Rồi một ngày, Cha Triêm, lúc bấy giờ đang ẩn trốn, được thông báo có một người trẻ tuổi tìm gặp Cha. Vừa trông thấy Cha, người thiếu niên òa lên khóc nức nở:
- Con muốn xin gặp Đức Giám Mục, bởi vì con đã hèn nhát đạp qua Thánh Giá, chối bỏ Đạo thánh!

Cha Triêm đau thắt lòng. Qua những lời nói đứt quãng, chen lẫn tiếng khóc ức nghẹn, Cha đoán được rằng, đây là Phaolô Bột, bạn của Gioan Pháp, bào đệ của Cha. Cả hai đã ra đấu trường, nhưng Pháp đã chiến thắng còn Bột thì bại trận. Cha Triêm nói:
- Con thật tội nghiệp, từ đó đến nay con đã làm gì?

Phaolô Bột lần lượt kể lại cho Cha Triêm nghe. Kể xong, chú nài nỉ xin Cha dẫn đến gặp Đức Cha để xin ơn tha thứ và để chuộc lại lỗi lầm. Nhưng Cha Triêm giải thích rằng, trong thời buổi khó khăn, chỉ cần xưng tội với bất cứ Linh Mục nào cũng được.

Vài tuần sau, Cha Triêm nhận được thư Phaolô Bột bày tỏ ước muốn, nếu được phép, chú sẽ trở lại Nam Định, gặp quan lớn để tuyên xưng Đức Tin. Cha Triêm trả lời tức khắc và nói rằng, nếu chú muốn, thì đây là một hành động can đảm, đáng khuyến khích, vì chắc chắn nó làm đẹp lòng Chúa và vinh danh Giáo Hội. Nhận được thư, Phaolô Bột liền giã biệt mẹ hiền:
- Thưa mẹ, con đã hèn nhát chối bỏ Đạo Chúa và hành động phản Đạo này đã làm mẹ rất đau lòng. Con xin mẹ tha lỗi cho con, như con đã xin Chúa tha tội. Con đã đền tội, nhưng hôm nay con muốn chuộc lại lỗi lầm, bằng cách trở lại tỉnh, đến trước quan lớn để rút lại hành động mà quan lớn đã đánh lừa con làm. Con chào mẹ và xin mẹ cho phép con đi.

Thưa xong, Phaolô Bột cúi mình sát đất, xá mẹ bốn lần. Người mẹ anh dũng cất tiếng nói:
- Con ạ, con hãy ra đi bằng an và làm những gì con vừa nói. Đã từ lâu, mẹ dâng con cho Chúa để con trở thành Linh Mục của Ngài. Con đã thuộc về Chúa. Nguyện xin THIÊN CHÚA che chở con luôn mãi.

Ngày hôm sau tại Nam Định, tổng đốc Nguyễn Đình Hưng vừa ra ngồi tòa xử, người ta bỗng trông thấy một thiếu niên vội vã đến trước mặt quan lớn và nói:
- Thưa quan, con là chủng sinh Bột. Cách đây mấy tháng, con đã phản Đạo vì quan đã lừa dối con, bằng cách cho lính khiêng con qua hình Thánh Giá, nhưng con không chấp nhận hành động này nữa nên con không muốn giữ nó. Hôm nay con đến đây để công khai phủ nhận nó trước mặt quan lớn và tuyên xưng Đức Tin của con ..

Bị quấy rối bất ngờ, quan nỗi giận truyền đuổi chú Bột ra khỏi tòa, nhưng chú khăng khăng trở lại trước mặt quan lớn và lập lại những lời vừa nói. Nổi giận, quan truyền đánh đòn chú Bột. Trong cơn đau đớn, chú luôn miệng la lớn:
- Hành động phản Đạo không phải của con, nó là của quan lớn nên hôm nay con đem trả lại quan lớn.

Cuối cùng, tức giận vì không thể nào làm cho chú Bột im tiếng, quan truyền ném Phaolô Bột cho voi chà.. Khi vị tử đạo trẻ tuổi bị cột cứng hai tay hai chân và bị đặt nằm dài dưới đất trong chuồng voi, các con voi khổng lồ tiến lại từ từ. Thông thường, chúng rất hung hăng dữ tợn, nhưng trước mặt Phaolô Bột, đàn voi xem chừng như kính trọng chú, không dám tiến lại gần. Chúng đứng im nhìn chú. Trong khi đó, Phaolô Bột luôn thầm thĩ nguyện xin THIÊN CHÚA trợ giúp, hoặc lập lại câu nói:
- Hành động phản Đạo không phải của con, nó là của quan lớn nên hôm nay con đem trả lại quan lớn.

Sau cùng, không thể nhẫn nhục chờ đợi thêm được nữa, người ta đã xông vào thúc mạnh đàn voi. Một con trong đàn, tiến lại gần, giơ cái cẳng khổng lồ đạp mạnh trên ngực Phaolô Bột. Một lời kinh, một tiếng kêu sau cùng.

Xương gãy, máu trào ra. Phaolô Bột trút hơi thở cuối cùng. Hôm ấy là ngày 14-9-1858, lễ Tôn Vinh Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hãnh diện ghi thêm vào danh sách tử đạo - PHAOLÔ BỘT - Chủng Sinh thống hối và chuộc tội bằng cái chết anh hùng, để nêu gương cho hậu thế.

(”L'héroisme dans le Repentir. PAUL BỘT: Jeune Martyr Tonkinois”, par l'Abbé Gustave Monteuuis, Librairie Saint-Paul, Paris, 1905).

... Chúa Nhật 19-6-1988, trong bối cảnh Năm Thánh Mẫu, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) đã long trọng nâng 117 Anh Hùng Tử Đạo Việt-Nam lên hàng hiển thánh. Thánh Lễ diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô. Cũng trong dịp này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ấn định Lễ Kính hàng năm của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là ngày 24-11. 24-11 cũng là ngày ghi dấu thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đúng vậy. Ngày 24-11-1960 Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963) ban sắc lệnh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Các giáo phận hiệu-tòa trở thành chính-tòa với 3 Tòa Tổng Giám Mục ở Hà Nội, Huế và Sài-Gòn.

Tổng Giám Mục tiên khởi của Hà Nội là Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1898-1978) của Huế là Đức Cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục (1897-1984) và của Sài Gòn là Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995). Cùng lúc, Đức Thánh Cha Gioan XXIII cũng thành lập 3 giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên.

Trong sách nhỏ - phân phát vào dịp Lễ Phong Thánh 19-6-1988 - ghi như sau:

LỄ TRỌNG
Do Đức Thánh Cha GIOAN PHAOLÔ II
chủ sự để tôn phong lên bậc Hiển-Thánh
Các Chân Phước
ANRÊ DŨNG-LẠC, Linh-mục
TÔMA THIỆN và EMMANUELE PHỤNG,
Giáo-dân
GIRÔLAMÔ HERMOSILLA
và VALENTINÔ BERRIÔ-OCHOA,
hai Giám-mục OP
và 6 Giám-mục khác
TÊÔPHAN VÉNARD,
Linh-mục Hội Thừa-sai Paris
và 105 Bạn Tử-Đạo Việt-Nam


Quảng-trường Thánh Phêrô, Vaticanô
19-6-1988

GIÁO HỘI VIỆT-NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI

Công cuộc rao giảng Tin Mừng, khởi sự vào đầu thế kỷ thứ 16 tại hai địa phận đầu tiên ở miền Bắc (Đàng Ngoài) và miền Nam (Đàng Trong) được thiết lập vào năm 1659, qua các thế kỷ, đã biểu lộ sức phát triển lạ lùng, nhờ đó ngày nay có được 26 địa phận (10 ở miền Bắc và 15 ở miền Nam). Hàng Giáo Phẩm đã được thành lập (ngày 24 tháng 11 năm 1960), và trong toàn lãnh thổ Việt-Nam hiện nay có tới 6 triệu người Công Giáo.

Kết quả này có được là nhờ hạt giống đức tin, ngay từ những năm đầu tiên, đã hòa trộn với máu đào lai láng của các vị tử đạo đổ xuống trên mảnh đất Việt-Nam, của các giáo sĩ ngoại quốc, giáo sĩ bản xứ và của giáo dân Việt-Nam. Tất cả đã cùng chấp nhận những lao nhọc do việc tông đồ, đồng thời đã cùng sát cánh đương đầu với cái chết để làm chứng cho chân lý Phúc Âm. Lịch sử Giáo hội Việt-Nam đã ghi nhận 53 sắc lệnh do các Chúa Trịnh và Nguyễn, hay do các Vua hạ bút ký, trong hơn hai thế kỷ, và suốt 261 năm (1625-1886), ra chỉ thị chống lại người Kitô giáo bằng những cuộc bách hại gắt gao cứ mỗi lần thêm dữ dội. Có tới khoảng 130.000 người đã ngã gục khắp nơi trong lãnh thổ Việt-Nam.

Người ta có thể nói rằng trong các thế kỷ trước đây những vị chết vì Đức tin này đã bị chôn vùi một cách lặng lẻ như là cùng nằm trong một ”Ngôi mộ của chiến sĩ vô danh”; tuy nhiên niềm thương nhớ các Ngài vẫn còn sống động trong lòng người Việt-Nam.

Từ đầu thế kỷ 20, có 117 vị trong số các anh hùng trên đây, là những người được coi là đã chịu đựng các thử thách lớn lao hơn, đã được chọn và được Tòa Thánh tôn lên bậc Chân Phước:

- Năm 1900 thời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII: 64 vị
- Năm 1906 thời thánh Giáo Hoàng Piô X: 8 vị
- Năm 1909 thời thánh Giáo Hoàng Piô X: 20 vị
- Năm 1951 thời Đức Giáo Hoàng Piô XII: 25 vị

Các vị này được xếp theo các quốc gia như sau:

* 11 vị người Tây-Ban-Nha: tất cả thuộc dòng thánh Đaminh. Gồm 6 Giám Mục và 5 Linh Mục.
* 10 vị người Pháp: tất cả thuộc Hội Thừa Sai Paris. Gồm 2 Giám Mục và 8 Linh Mục.
* 96 vị là người Việt-Nam: Gồm 36 Linh Mục (trong số đó có 11 Linh Mục dòng thánh Đaminh), và 59 tín hữu (trong đó có một chủng sinh, 16 thầy giảng và một phụ nữ).

Các vị này là ”những người đến từ cơn thử thách lớn lao: họ đã giặt áo của họ và giủ sạch trong trắng trong máu Con Chiên” (Khải Huyền 7,13-14). Cuộc tử đạo của các Ngài được xếp theo niên biểu sau đây:

- 2 vị tử đạo dưới thời Chúa Trịnh-Doanh (1740-1767)
- 2 vị tử đạo dưới thời Chúa Trịnh-Sâm (1767-1782)
- 2 vị tử đạo dưới thời Vua Cảnh-Thịnh (1792-1802)
- 58 vị tử đạo dưới thời Vua Minh-Mạng (1820-1840)
- 3 vị tử đạo dưới thời vua Thiệu-Trị (1840-1847)
- 50 vị tử đạo dưới thời Vua Tự-Đức (1847-1883).

Tại pháp trường án lệnh của nhà vua đặt bên mỗi vị, có ghi rõ hình thức mỗi bản án như sau:

* 75 vị bị xử chém đầu;
* 22 vị bị xử bằng thừng thắt cổ;
* 6 vị bị thiêu sống;
* 5 vị bị phân thây từng mảnh;
* 9 vị bị tra tấn và chết rũ tù.

KINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Lạy Chúa là CHA Chí Nhân,
chúng con hân hoan ghi nhớ các ân huệ
Chúa đã ban cho dân tộc Việt Nam.

Nhờ lời rao giảng của Giáo Hội
Cha Ông chúng con đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi.
Các Ngài đã vững tin vào Chúa,
là Đấng tạo thành trời đất,
và Chúa Kitô Đấng Cứu Thế được sai đến trần gian.

Trong cơn gian lao thử thách,
Chúa đã ban cho Các Ngài sức mạnh của Thánh Linh để Các Ngài can đảm tuyên xưng Đức Tin,
và hiên ngang hy sinh mạng sống,
để làm vinh quang Thập Giá Chúa Kitô.

Các Thánh Tử Đạo là ân huệ
Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam.
Vì thế chúng con dâng lời cảm tạ và ca tụng Chúa,
hợp với cuộc hy sinh tử đạo
của các tiền nhân anh dũng chúng con.

Xin dâng lên Chúa lời cảm tạ,
để biểu lộ tình con thảo với Chúa là CHA,
bằng chứng từ đức tin sống động của chúng con.

Vì công nghiệp của Các Thánh Tử Đạo
xin ban cho dân Việt Nam chúng con,
được an vui và thịnh vượng,
cho mọi người đón nhận Tin Mừng cứu rỗi,
và bước theo con đường chân lý.

Xin cho Giáo Hội Việt Nam,
được sống trong hòa thuận và hiệp nhất,
luôn thông hảo trọn vẹn với Đấng kế vị Thánh Phêrô,
và hăng say lo việc tông đồ,
nhiệt thành rao giảng Đức Kitô cho mọi người.

Xin cho chúng con
được trung thành với Chúa ở trần gian
để ngày sau về hưởng vinh quang bất diệt
cùng Các Thánh Tử Đạo chúng con ở trên trời. Amen.

(Domenica 19 Giugno 1988 - Piazza San Pietro, Anno Mariano, Tipografia Poliglotta Vaticana, trang 106-110).

CHÂN PHÚC ANRÊ PHÚ YÊN: HÃY LẤY TÌNH YÊU ĐỂ ĐÁP LẠI TÌNH YÊU

... Chúa Nhật 5-3-2000, trong khung cảnh Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Thầy Giảng Anrê Phú Yên lên hàng Á Thánh. Trong tập sách nhỏ về nghi thức tôn phong chân phước được phân phát dịp này có phần Việt ngữ sơ lược tiểu sử vị Tôi Tớ Chúa tử vì đạo như sau.

THẦY GIẢNG ANRÊ,
VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM

Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh RanRan (Phú Yên), là con út của một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà đã giáo dục con cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện. Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Đắc Lộ, vị Linh Mục thừa sai dòng Tên nổi tiếng, đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.

Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời, tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625 hay 1626, không rõ ngày tháng, và lúc chịu chết năm 1644, Thầy trạc độ 19 hay 20 tuổi.

Một năm sau khi chịu phép Rửa Tội, tức năm 1642, Anrê được cha Đắc Lộ nhận vào nhóm cộng sự viên thân tín của ngài, và sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo và văn hóa, Anrê được gia nhập Hội Thầy Giảng gọi là “Nhà Đức Chúa Trời” mà Cha Đắc Lộ đã khôn ngoan thành lập: các thành viên Nhà Đức Chúa Trời cam kết, bằng lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các linh mục và truyền bá Tin Mừng.

Lòng hăng say của Thầy Anrê sống trọn điều quyết tâm khi chịu phép Rửa đã chuẩn bị cho Thầy can đảm đương đầu với cuộc tử đạo và ngoan ngoãn đón nhận ơn tử đạo Thiên Chúa rộng ban cho Thầy.

Trước cuối tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh nơi Thầy Giảng Anrê sinh sống. Quan mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá Đạo Kitô trong nước: vì thế quan quyết định hành động trước tiên chống lại các thầy giảng.

Cha Đắc Lộ không hề hay biết ý định này của quan, nên tới thăm quan vì xã giao, nhưng ngay sau đó cha được biết chúa Nguyễn rất giận dữ khi thấy vì cha mà có đông người dân bản xứ theo Đạo Kitô. Vì thế cha phải bỏ xứ Đàng Trong để trở về Macao và không được phép dạy giáo lý cho dân nữa. Còn các tín hữu theo đạo thì bị trừng phạt rất nặng nề.

Rời dinh quan Nghè Bộ, cha Đắc Lộ đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một Ông Trùm, cũng tên Anrê, đã 73 tuổi, mới bị bắt hai ngày trước đó. Trong khi ấy, quan ra lệnh cho lính tới nhà cha lùng bắt một thầy giảng khác tên là Ignatio. Nhưng thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ. Lính chỉ tìm thấy Thầy Giảng Anrê. Để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập Thầy Anrê, trói Thầy lại, rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm 1644, Thầy được dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm thấy thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một ”thầy giảng khác giống như vậy, vì suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về Đạo Kitô và khuyến khích họ theo Đạo”.

Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho Thầy Anrê ”từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin”.

”Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ Đạo mình tuyên xưng: vậy xin quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, chàng vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy”.

Tức giận vì sự bất khuất của Thầy Anrê không hề sợ hãi trước những lời đe dọa, quan truyền đóng gông và giải Thầy vào ngục, cùng nơi giam giữ ông Trùm Anrê.

Cha Đắc Lộ và một vài thương gia Bồ Đào Nha tới thăm hai thầy: Thầy Giảng Anrê thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô đến độ những người đến thăm Thầy bịn rịn không rời Thầy được, và nước mắt tràn bờ mi, họ xin Thầy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện. Thấy vậy, Thầy tự nhạo cười mình và xin họ cầu nguyện cho Thầy, để Chúa ban cho Thầy ơn trung thành với Chúa cho đến chết, ”dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người .. Những lời Thầy luôn lập lại cho đến khi trút hơi thở cuối cùng là: Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại Tình Yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống”.

Sáng hôm sau, 26 tháng 7 năm 1644, hai tín hữu Kitô cùng tên Anrê, Ông Trùm Anrê 73 tuổi và Thầy Giảng Anrê, cổ mang gông, bị dẫn qua các đường phố đông người qua lại nhất trong thành, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh quan trấn thủ để bị tra hỏi công khai. Quan trấn triệu tập một vài quan

khác, lôi kéo họ về phía mình và tuyên án tử cho Thầy Giảng Anrê, rồi ra lệnh dẫn Thầy về ngục thất. Còn Ông Trùm Anrê thì được tha vì lý do tuổi tác, nhờ lời xin của cha Đắc Lộ và các thương gia Bồ Đào Nha.

Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, nơi vị Tôi Tớ Chúa bị giam giữ, và ra lệnh cho Thầy phải đi theo tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người hiện diện trong tù, Thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và dẫn Thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành. Cha Đắc Lộ, nhiều Kitô hữu Bồ Đào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.

Theo thói quen tại đây, cha Đắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới người Thầy Anrê để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy không muốn nhận điều ấy. Thầy muốn máu mình rơi xuống đất, như trường hợp Máu Cực Trọng Chúa Kitô đã đổ ra. Trong khi đó, Thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững trong Đức Tin, đừng buồn phiền vì cái chết của Thầy, và hãy giúp lời cầu cho Thầy được trung thành tới cùng.

Cuộc hành quyết Thầy Giảng Anrê được thi hành bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, Thầy lớn tiếng kêu lên ”GIÊSU”.

Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Giảng Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong việc chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.

LỜI NGUYỆN LỄ KÍNH CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN

Lạy Chúa là THIÊN CHÚA chúng con,
để đáp lại ơn thánh Chúa, Chân Phước tử đạo Anrê,
người thanh niên trung thành cho tới chết,
đã dâng hiến tình yêu đáp lại Tình Yêu Đức Chúa KITÔ.
Nhờ lời chuyển cầu của Người, xin cho tình yêu
đối với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và với tha nhân
luôn được kiện toàn nơi mỗi người chúng con.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức GIÊSU KITÔ,
Chúa chúng con. Amen.

(BEATIFICAZIONE, Piazza San Pietro, 5 Marzo 2000, Ufficio delle Celebrazioni Liturgiche del Sommo Pontefice, trang 83-86)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thánh Anrê 30/11 (11/30/2014)
Thánh Gioan Ở Monte Corvino, (1247-1328) (11/29/2014)
Thánh James Ở Marche (1394-1476) (11/28/2014)
Thánh Francesco Antonio Fasani (1681-1742) (11/27/2014)
Ngày 26 Tháng 11, Thánh Tô-ma Dụ Và Đa-minh Xuyên, Linh Mục Tử Đạo (11/27/2014)
Tin/Bài cùng ngày
25-11: Chân Phước Vợ Chồng Luigi Beltrame (11/25/2014)
Thánh Columban (543? - 615) (11/25/2014)
Tin/Bài khác
Thánh Cecilia, (thế Kỷ Iii) (11/21/2014)
Thánh Bernward 20/11 (11/20/2014)
Lỡ Hẹn... Và Chuyến Đi Xa Của Mẹ Bề Trên (11/20/2014)
Thánh Agnes Ở Assisi (1197-1253) (11/19/2014)
Thánh Rose Philippine Duchesne (1769-1852) (11/18/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768