Gặp gỡ Ông Chủ hà khắc
hay từ nhân?
(Suy niệm của Lm.
Gioan Nguyễn Văn Ty)
Rõ ràng chủ đề
của cả ba dụ ngôn Mát-thêu kể trong chương 25
đều liên quan tới thời cánh chung khi mỗi
người chúng ta phải giáp mặt với ‘Con
Người đến trong vinh quang của Người’
(Mt 25,31). Thế nhưng nếu Con Người đó
vẫn luôn mãi là Thiên Chúa của tình yêu và cứu độ,
kể cả (hay đúng hơn nhất là) khi Người
đến trong vinh quang của Người, và nếu
thời cánh chung là cao điểm của Tin Mừng
đầy vui mừng và hy vọng chứ không phải là
cao điểm của sợ hãi âu lo, thì việc tôi phải
khám phá ra ý nghĩa đích thực của ba câu chuyện
dụ ngôn này, nhất là dụ ngôn những yến bạc,
là điều cần thiết; nhất là khi Hội Thánh,
trong các tuần lễ cuối cùng của năm phụng
vụ, đang muốn gởi tới tôi một thông
điệp có tầm quan trọng lớn lao cho toàn thể
đời sống Tin Mừng của tôi.
Câu chuyện những
yến bạc gợi ta nhớ tới đoạn Tin
Mừng Luca Người phụ nữ tội lỗi đã
được tha thứ và đã yêu mến nhiều (xem Lc
7,36-50), trong đó Đức Giêsu khảng định
với một người Pha-ri-sêu có tên là Si-mon mời ngài
dùng bữa tại nhà ông: “Vì thế tôi nói cho ông hay: tội
của chị rất nhiều nhưng đã
được tha, bằng cớ là chị đã yêu
mến nhiều… Còn ai được tha ít thì yêu mến
ít”.
Trước hết
số yến bạc có là năm, hai, hay một (NB: dụ
ngôn này trong Luca có chi tiết hơi khác, đó là mỗi
đầy tớ nhận được một nén bạc
như nhau, nhưng sau đó đã làm sinh lời khác nhau, xem
Lc 19,11-27) mà các đầy tớ nhận được
đều là của cải ông chủ giao phó cho cả.
Vậy thì, của cải đích thực Thiên Chúa tình yêu và
cứu độ giao phó cho tôi là gì? Đấng Tạo Hóa
đương nhiên là giao cho tôi sự sống, trí tuệ,
năng khiếu… và nhiều điều khác nữa; thế
nhưng Kitô hữu chúng ta còn biết: Thiên Chúa cứu
độ trao ban cho chúng ta một thứ còn quí báu và vĩ
đại hơn nhiều đó là tình yêu tha thứ, và nén
bạc này thì mọi người ai cũng nhận
được hết. Chính Đức Giêsu Kitô đã dùng
cả cuộc đời Người để minh
chứng điều này: kho báu quý giá nhất mà Kitô hữu
tìm thấy chính là ‘ơn cứu độ’ Chúa ban. Mỗi
Kitô hữu chúng ta đều tự biết mình đã
nhận được số yến bạc tha thứ
của Ông Chủ là bao nhiêu; từ ngày rửa tội và
trong suốt năm tháng cuộc đời, kẻ năm,
người hai… tùy theo nhận định riêng. Tuy nhiên
vẫn có những kẻ cho rằng mình chỉ nhận
được có một ít ỏi. Trong câu chuyện dụ
ngôn, hai người trước biết mình nhận
được một số yến bạc nào đó,
đã làm sinh lợi ra nhiều yến bạc khác; “Thưa
ông chủ, ông đã giao cho tôi năm (hai) yến, tôi đã
gây lời được năm (hai) yến khác đây”, còn
người thứ ba, vì cho rằng mình nhận
được quá ít nên đào lỗ chôn giấu. Đúng là
“người được tha nhiều thì yêu nhiều
hơn, còn ai được tha ít (đúng hơn cho là mình
được tha ít) thì yêu mến ít” (Lc 7,43.47). Thái
độ và lời hỗn xược của người
thứ ba này càng làm ta phải suy nghĩ: “Thưa ông
chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt
chỗ không gieo, thu nơi không vãi… Vì thế tôi đâm
sợ…” Đúng là nếu có kẻ nhận ra mình
được Thiên Chúa thương xót cứu độ
thứ tha, thì cũng có không ít người suy nghĩ
ngược lại, họ cho rằng Thiên Chúa quá đòi
hỏi và nghiêm khắc. Rất có thể người
tội lỗi hơn lại dễ nhận ra mình
được tha nhiều và do đó yêu nhiều, trong khi
lắm kẻ đạo đức thánh thiện hơn lại
cho rằng mình được tha ít (hay đúng hơn ít
cần được tha) nên yêu mến ít hơn, và đôi
khi còn sống trong sợ hãi. Đức Giêsu đã lặp
đi lặp lại ý kiến này nhiều lần tới
độ một số kinh sư và các Biệt Phái cảm
thấy bực tức khó chịu, phải chăng chỉ
vì họ cảm thấy mình đã quá tốt qua việc
trung thành giữ đạo để mà không cần gì
tới lòng nhân lành tha thứ của Thiên Chúa (xem Ga 9).
Như thế tới ngày
chung thẩm, khi ra trước Con Người của tình
yêu và cứu độ, điều quan trọng hơn
cả sẽ là: tôi nhận ra mình đã được Ông
Chủ tha thứ bao nhiêu, để rồi tôi yêu lại
bấy nhiêu. Lúc đó lời phán quyết của Ông Chủ
sẽ là “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và
trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi
sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui
của chủ anh”. Sẽ không có khác biệt giữa năm
hay hai, quan trọng là đã nhận ra mình được
tha nhiều để đáng vào hưởng tình yêu vô biên
của Thiên Chúa. Cũng vậy, vào ngày đó điều
bất hạnh lớn nhất chính là cảm thấy mình
được tha quá ít; và vì nhận thức hẹp hòi này
mà tôi vẫn coi Con Người quang lâm chỉ là một ông
chủ đòi hỏi và keo kiệt, một thẩm phán công
thẳng và xét nét. Thái độ của đầy tớ ra
trước mặt Ông Chủ sẽ chỉ vỏn vẹn
là mình đã giữ luật sòng phẳng, đã trong sạch
và không phạm tội… “đem chôn giấu yến bạc
của ông dưới đất. Của ông đây, ông
cầm lấy!” để rồi phải nghe phán quyết
nghiêm thẳng của Con Người quang lâm: hãy rút lại
lòng thương xót đã trao, và sử với nó theo đúng
luật công bằng: “hãy lấy yến bạc khỏi tay
nó… quang ra chỗ tối tăm bên ngoài”, đời
đời sẽ “khóc lóc nghiến răng’, vì sẽ không
còn tha thứ và cứu độ nữa đối với
hạng người như thế.
Kitô hữu sẽ là
những người ngày cánh chung “đứng thẳng và
ngẩng đầu lên!” (Lc 21,28), không phải vì họ
đã thánh thiện và đạo đức hơn nhiều
người khác, hoặc vì thấy chẳng có chi phải
sợ Ông Chủ vì mình đâu có phạm tội lỗi gì
quá đáng, nhưng chỉ vì “anh em sắp được
cứu chuộc”. Họ vui mừng và hy vọng vì đã
từng nghiệm thấy trong suốt đời Kitô
hữu của mình lòng thương xót cứu độ
của Thiên Chúa. Tội lỗi đã từng phạm không
hề làm họ sợ hãi, vì hơn lúc nào hết, họ
biết mình đã được tha nhiều nên yêu
nhiều, và họ yên lòng ‘ngẩng đầu’ tiến
đến trước mặt ‘Ngài Quan Án’ từ nhân,
giầu lòng thương xót, và hay thứ tha.
Lạy Thiên Chúa của lòng nhân ái, con đã từng hãi
sợ cái chết và sự phán xét chỉ vì cứ tối
mặt nhìn vào tội lỗi con đã phạm. Con biết
thái độ đó đối với Tin Mừng là cả
một sai lầm lớn lắm! Xin cho con biết luôn
‘đứng thẳng và ngẩng đầu lên’ với
niềm xác tín: con đã từng được tha thứ
rất nhiều trong đời, và vì thế không có gì
phải sợ hãi giáp mặt Đấng con sẽ yêu
nhiều hơn. Trong những ngày cuối năm phung vụ
này, xin cho niềm hy vọng và mừng vui tràn ngập tâm
hồn con cũng như mọi anh chị em tín hữu, vì
chúng con đã nếm cảm được tình Chúa xót
thương. Amen.
|