Thứ Bảy, ngày 8 tháng 11 năm 2014 Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm chẵn
Chân Phước John Duns Scotus, (1266-1308) Chân Phước John Duns Scotus là một tu sĩ Phanxicô khiêm tốn, mà tư tưởng của ngài có ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ. Sinh ở Duns trong quận Berwick, Tô Cách Lan, John thuộc dòng dõi một gia đình giầu có. Trong những năm về sau, ngài được gọi là John Duns Scotus để ghi dấu nơi sinh trưởng. ("Scotus" là chữ Latinh thay cho "Scotland" [Tô Cách Lan]). John mặc áo dòng Phanxicô ở Dumfries, mà bác của ngài là Cha Elias Duns làm bề trên. Sau thời kỳ tập viện, John theo học ở Oxford và Paris và thụ phong linh mục năm 1291. Sau đó ngài tiếp tục theo học ở Paris cho đến năm 1297, ngài trở về làm giáo sư ở Oxford và Cambridge. Bốn năm sau, ngài trở lại Paris để dạy học và hoàn tất luận án tiến sĩ. Vào thời đại mà nhiều người chấp nhận các hệ tư tưởng không có giá trị, thì John đã vạch ra sự phong phú của truyền thống Phanxicô-Augustinô, quý trọng sự uyên thâm của Thánh Aquinas, của Aristotle và các triết gia Hồi Giáo -- nhưng ngài vẫn duy trì là một nhà tư tưởng độc lập. Ðiều đó được chứng tỏ khi Hoàng Ðế Philip, trong một tranh chấp với Ðức Giáo Hoàng Boniface VIII năm 1303, đã cố chiếm lấy Ðại Học Paris về phía mình. John Duns Scotus bất đồng ý và được lệnh phải rời Pháp trong vòng ba ngày. Trong thời đại của John Duns Scotus, một số triết gia chủ trương rằng con người bị định đoạt bởi các động lực ở bên ngoài cá thể. Họ cho rằng sự tự do của ý muốn là một ảo tưởng. Là một người rất thực tế, John lý luận rằng nếu tôi đánh một người nào đó mà họ khước từ sự tự do của ý muốn, thì ngay lập tức người ấy bảo tôi ngừng tay. Nhưng nếu tôi thực sự không có tự do ý muốn, làm sao tôi có thể ngừng tay? John đã khéo léo đưa ra một thí dụ mà ai ai cũng dễ nhớ! Sau một thời gian ở Oxford, ngài trở về Paris, là nơi ngài lấy bằng tiến sĩ năm 1305. Ngài tiếp tục dạy ở đây và vào năm 1307 ngài đã bảo vệ đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria mà sau cùng đại học đã chính thức công nhận lập trường của ngài. Cùng năm đó, bề trên tổng quyền bổ nhiệm ngài về trông coi trường của dòng Phanxicô ở Cologne mà ngài đã từ trần ở đây năm 1308. Dựa vào lý luận của John Duns Scotus, vào năm 1854 Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. John Duns Scotus, vị "Tiến Sĩ Khôn Ngoan", được phong chân phước năm 1993. Lời Bàn Cha Charles Balic, O.F.M., người có uy tín nhất của thế kỷ 20 về Chân Phước Scotus, đã viết: "Toàn bộ thần học của Scotus đều quy hướng về đức ái. Ðặc tính nổi bật của đức ái là sự tự do tuyệt đối. Khi đức ái ngày càng trở nên tuyệt hảo và sâu đậm, sự tự do trở nên cao quý và trọn vẹn hơn trong con người" (New Catholic Encyclopedia, Bộ. 4, tr. 1105). Lời Trích Sự thông thái ít khi đảm bảo sự thánh thiện. Nhưng John Duns Scotus không chỉ là một người tài giỏi mà ngài còn là một người khiêm tốn và siêng năng cầu nguyện -- đó chính là sự tổng hợp mà Thánh Phanxicô muốn nơi bất cứ tu sĩ nào có học thức. Vào lúc phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Pháp đe dọa quyền lợi của đức giáo hoàng, John Duns Scotus đã đứng về phía giáo hội và phải gánh chịu mọi hậu quả. Ngài cũng bảo vệ sự tự do của con người đối với những ai thỏa hiệp sự tự do ấy với chủ thuyết tất định (determinism). Tư tưởng thì quan trọng. John Duns Scotus đã dùng tư tưởng hay nhất của ngài để phục vụ gia đình nhân loại và Giáo Hội.
Trích từ NguoiTinHuu.com
|