KINH MÂN CÔI SỐNG – SỐNG KINH MÂN CÔI
“Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo Lời Ngài” (Lc 1.38)
Lời này, một lời này thôi đã làm thay đổi thế giới, làm thay đổi cả vị trí của loài người.
Khi Đức Trinh Nữ Maria đáp trả với tất cả sự tự do của mình bằng lời trên đây, thì Thiên Chúa đã làm được mọi sự tốt lành của Ngài cho nhân loại, và cho cả chính Đức Maria nữa.
Thiên Chúa dựng nên chúng ta, không cần chúng ta, nhưng khi Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người, thì lại cần sự cộng tác của chúng ta với Ngài.
Đức Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa, nhưng sự cộng tác của Đức Mẹ khác với chúng ta. Sự cộng tác của Đức Mẹ là tích cực, vì Mẹ đã tin tuyệt đối, đã bỏ ngỏ đời mình cho Thiên Chúa tái tạo bằng quyền năng và lòng thương xót của Ngài chứ không phải bằng sự cố gắng đạo đức lập công nghiệp của Mẹ. “Xin hãy thành sự cho tôi theo Lời Ngài”, đó là lời thưa của Đức Mẹ. Còn Thiên Chúa, qua lời bà Isave đã nói với Đức Maria rằng : “Phúc cho Bà, là kẻ đã tin” (Lc 1,45). Việc cộng tác của Đức Mẹ là như thế. Còn cách cộng tác của tôi với Thiên Chúa thì ngược lại. Tôi không bỏ ngỏ đời mình cho Chúa hoạt động. Tôi muốn cộng tác bằng việc làm để tự khẳng định mình, bằng niềm hãnh diện tự hào về đạo đức của mình, và đôi khi bằng cả tiền bạc mánh mung nữa. Tôi vẫn lấy danh nghĩa là “để làm sáng danh Chúa” nhưng thực ra chỉ để “sáng danh tôi” mà thôi. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã gặp rất nhiều trở ngại trong việc tái tạo con người tôi. Vì ý của Thiên Chúa luôn bị tôi loại trừ, bóp méo, hoặc bị đặt xuống hàng thứ yếu.
Tháng 10, tháng Mân Côi, tôi được mời gọi đến học cùng Đức Maria và nhìn vào Thánh Đaminh, người đã khởi xướng ra việc suy niệm những mầu nhiệm kinh Mân Côi để “sống kinh Mân Côi”, hay nói cách khác cho lời “kinh Mân Côi được sống” trong tôi.
Vào những năm đầu của thế kỷ XIII, khi đặt chân lên đất Pháp, thánh Đaminh đã phải chứng kiến cảnh hoang tàn của Giáo Hội ở miền Languedoc do bè rối Albigeois gây ra. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuyết nhị nguyên, bè rối này coi tất cả những gì thuộc về thể xác hay trần thế đều do ma quỷ làm ra và thống trị, do đó bản chất nó là xấu. Lúc đó khắp vùng này bị ảnh hưởng tinh thần bi quan, yếm thế. Người ta chỉ lo hãm mình phạt xác, và thấy cuộc đời chỉ còn là một màu đen tăm tối. Liều thuốc thần diệu chữa trị căn bệnh bi quan do bè rối Albigeois gây ra đó chính là kinh Mân Côi.
Kinh Mân Côi bắt nguồn tại các vùng tây bắc Châu Âu từ phong tục kết những vòng triều thiên hoa hồng để đội lên đầu Đức Mẹ trong những buổi hành hương, hay trong những nghi thức ngoài phụng vụ, rồi người ta nhảy múa, ca hát bằng tiếng bản xứ. Dần dần khi hoàn cảnh không cho phép, người ta đọc phần đầu kinh Kính Mừng thay thế cho những bông hoa hồng để trở thành kinh Mân Côi, với những hình thức rất phong phú, linh động.
Kinh Mân Côi lúc đó mới chỉ là một hình thức diễn tả lòng sùng kính đơn sơ, chất phác, có tính cách tình cảm đối với Đức Mẹ. Tới Languedoc miền nam nước Pháp, Thánh Đaminh thấy một bên là cảnh hoang tàn của Giáo Hội do bè rối Albigeois gây ra, một bên là lòng đạo của những người dân mộc mạc, chưa được hướng dẫn đúng cách và đúng mức. Một số nhà truyền giáo Tây Ban Nha thức tỉnh, đã lên tiếng khuyến cáo Giáo Hội địa phương vùng đó rằng : “Các ngài hãy gạt bỏ sự thánh thiện giả tạo của mình ra một bên đi. Các ngài hãy xem những người dân chất phác đang bị bọn lạc giáo lôi kéo bằng sự nghèo khó và thánh thiện của Phúc âm Chúa Kitô kìa !” Thánh Đaminh cũng là một trong những người công bố lời khuyến cáo này vào những ngày đó. Như vậy, phải công nhận rằng đời sống và cách rao giảng của các vị giáo sĩ thời đó (có thể cả thời nay nữa) đã làm cho người ta chán ngán, cho nên khi có ai dùng Kinh Thánh hay phép lạ để làm chiêu bài, thì người ta đi theo như nước chảy.
Thực ra, mọi thời và mọi nơi, chỉ có một con người duy nhất là Đức Giêsu Kitô mới có thể cuốn hút, lôi kéo người ta. Cho nên phương cách để người ta khỏi rơi vào các lạc thuyết thời xưa cũng như ngày nay chính là làm sáng tỏ chân lý Tin Mừng bằng cách trình bày một giáo lý trung thực với Lời Chúa qua phương tiện sẵn có là kinh Mân Côi. Vấn đề của chúng ta ngày nay là làm sao nâng cao tình cảm đạo đức và lòng sùng kính của người tín hữu lên bình diện một lòng tin yêu có nền tảng vững chắc trong Tin Mừng, được thể hiện qua những biến cố lịch sử của cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Chính niềm vui này mới đánh tan được nỗi bi quan yếm thế luôn ám ảnh người tín hữu, nhất là khi họ ốm đau bệnh tật rồi chạy đi hết nơi này đến nơi kia xin khấn mà không được như ý mình. Buồn lòng hơn nữa là có nhiều kẻ lợi dụng lòng tin đơn sơ của bá tánh bày ra nhiều cách chữa bệnh mang tính mê tín. Bệnh nào cũng chỉ cần vị đó vỗ vào trán 3 cái, hoặc mua nước lã chữa bệnh mà phải do chính tay vị ấy đưa thì mới.. thiêng ! Nếu muốn chắc ăn hơn nữa bệnh nhân mua tấm hình của vị đó đang ngồi thiền về cầu nguyện thì bệnh nào cũng khỏi ! Vị khác thì chữa bệnh bằng cách chỉ cần đưa tấm ảnh của bệnh nhân lên đọc xầm xì vài câu rồi tuyên bố cứ về nhà là khỏi bệnh!
Sống kinh Mân Côi là làm cho những lời kinh đó trở thành một phương tiện loan báo Tin Mừng chứ không chỉ là một hình thức sùng kính Đức Mẹ. Kinh Mân Côi sống chính là phương tiện bồi dưỡng đức tin chứ không chỉ còn là một sinh hoạt đạo đức có tính cách tình cảm nhất thời. Trọng tâm của việc lần chuỗi đó phải là một cách thế để gặp gỡ, kết hợp với chính Đức Kitô, Đấng “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6), và nhờ đó mà con người được thoát khỏi mọi sự lầm lạc, và không để người khác lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ mà gieo rắc hoang mang hay trục lợi (Ga 8,32).
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chính Ngài là Tin Mừng cho mỗi người và mọi người. Không có lý thuyết nào, không có đạo đức nào là Tin Mừng cho chúng ta cả. Vì trong sâu thẳm của tâm hồn, mỗi người chỉ có thể được nghỉ yên thanh thản khi gặp gỡ được con người Giêsu đó và sống với Ngài.
Những người chép hạnh thánh, thường thích tô vẽ cho ông thánh, bà thánh của mình những kỳ công nhân đức, những phép lạ khác thường mà bỏ quên đi điều rất căn bản và hết sức quan trọng, là các thánh cũng chỉ là những tạo vật tối tăm như chúng ta, nhưng biết cúi đầu khiêm tốn trước Đức Giêsu Kitô. Các ngài đã tin vào tình yêu thương của Đức Giêsu, rồi phó thác, bỏ ngỏ đời mình cho Ngài dẫn dắt, điều khiển và thông ban quyền năng lòng mến của Ngài cho. Từ đó chính sự sống, sự sáng, sự thánh thiện của Đức Kitô đến trên các vị đó. Càng bỏ ngỏ đời mình cho Đức Giêsu bao nhiêu thì càng thánh bấy nhiêu. Càng cố gắng để hợp tác với Thiên Chúa bao nhiêu càng thánh bấy nhiêu. Đức Giêsu đã làm như thế với Cha của Ngài. Ai muốn thánh thì cũng phải làm như vậy với Chúa Giêsu. Noi gương Đức Mẹ, Thánh Đaminh đã đi con đường nghèo hèn khiêm tốn trước mặt Chúa, cậy nhờ vào sự sống và lòng mến của Chúa Giêsu, cho nên đã trở thành công cụ dễ dàng để kinh Mân Côi được rao giảng.
Khi cho phổ biến một công việc đạo đức nào để thực hiện khắp hoàn cầu, thì trước hết Hội Thánh phải đi về nguồn, xin Chúa Thánh Thần soi tỏ để nhìn xem việc đạo đức ấy có xuất phát từ Đức Giêsu không ? Có xuất phát từ Kinh Thánh hay không ?
Vậy khi chấp thuận và cổ võ việc rao giảng và lần hạt Mân Côi ở đầu thế kỷ XIII, Hội Thánh cũng phải nhìn trong việc đạo đức này rọi sáng ánh phục sinh của thập giá Đức Kitô, và các tín hữu khi thực hành việc này phải hưởng nhờ được ân huệ của Chúa Thánh Thần. Ơn đó là ơn gặp được Đức Kitô.
Đức Maria khi hiện ra ở Lộ Đức, ở Fatima cũng khuyên nhủ giáo dân lần hạt Mân Côi: “Các con hãy lần hạt với trái tim!” Dạy chúng ta lần chuỗi Mân Côi là dạy chúng ta bắt chước Mẹ, bé mọn sấp mình xuống đón nhận tình thương của Thiên Chúa. Đón nhận tình thương Thiên Chúa là đón nhận Đức Giêsu Kitô, để thấm cuộc đời chúng ta vào ý Cha, như Đức Kitô đã sống suốt đời Ngài bằng ý Cha, từ nhập thể, qua thánh giá đau thương tủi nhục, đến phục sinh vinh quang, và ban Thánh Thần cho cả nhân loại tội lỗi, trong đó có chúng ta.
Đức Mẹ đã sống như vậy, thì hôm nay cả hồn và xác Mẹ cũng được vinh quang như Đức Giêsu Kitô. Nếu đi vào con đường Giêsu như Đức Maria, chúng ta cũng được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu phục sinh như Đức Mẹ. Tuy nhiên nếu khi lần hạt mà tôi lại đi con đường khác, nghĩa là tôi đọc sao cho nhiều lần, nhiều chục trong ngày để nơi kho thiêng liêng của tôi chất đầy công phúc. Và tôi nghĩ rằng khi ra trước tòa phán xét, nếu bên cán cân tội của tôi có nặng hơn bên phúc, thì Đức Mẹ sẽ lấy những tràng hạt, nhiều vô số kể, tôi đã đọc khi còn sống, đặt vào bên đĩa cân phúc nhẹ tênh của tôi. Lúc đó phúc lộc của tôi sẽ nặng xuống, cửa nước trời rộng mở, và tôi sẽ thênh thang hoan hỷ bước vào thiên đàng trước sự bực tức của ma quỷ, và trước con mắt ngỡ ngàng của các Thiên Thần.
Nếu nghĩ như thế thì việc vào thiên đàng thực sự là do công của tôi, là việc riêng của tôi với Đức Maria, và cuộc tử nạn thập giá phục sinh của Đức Kitô để cứu chuộc tôi, thật sự chẳng dính dấp gì vào đời tôi cả !
Trong tiệc cưới Cana, Đức Maria đã chỉ Đức Giêsu cho gia đình hết rượu mà nói : “Ngài bảo gì hãy làm như vậy.” Chúng ta là những cái bình lạnh lẽo thiếu rượu nồng của lòng mến và sự bình an. Đức Maria dạy chúng ta lần hạt để gặp được Đức Giêsu con của Mẹ, để chúng ta được sự bình an, lòng yêu mến, và sự sống của Đấng phục sinh nơi thân xác linh hồn già nua khô héo nghèo nàn của chúng ta. Như vậy là chúng ta gặp được ơn cứu độ và đã đang ở trong Nước Thiên Chúa.
Lần hạt nhiều mà không thay đổi lòng dạ mình nên giống Đức Maria, không thấy lòng mình khao khát Đức Giêsu Kitô, là tôi chỉ mới làm một việc đạo đức để lập công, tôi chưa đích thực đi vào ơn cứu độ. Như thế tôi chưa sống chuỗi Mân Côi hay lời kinh Mân Côi chưa sống trong tôi. Tôi mới chỉ yêu mến Mẹ bằng môi bằng miệng mà thôi.
“Đức Bà làm cho chúng con vui mừng. Cầu cho chúng con.”
Lạy Mẹ Maria, khi Mẹ đưa con đến được với Lòng Thương Xót của Chúa, thì Mẹ làm cho chúng con vui mừng, và Mẹ cũng là Nữ Vương ban sự bình an cho chúng con nữa. Amen.
Lm. Giuse Trần Đình Long,
Dòng Thánh Thể
|