Thứ Ba, ngày 30 tháng 9 năm 2014 Tuần XXVI Mùa Thường Niên Năm A
Thánh Giêrô-rô-ni-mô,linh mục,tiến sĩ Hội Thánh ( St. Jerome ) Khi đọc lại hạnh các Thánh, người ta không khỏi ngạc nhiên,có rất nhiều vị Thánh đã được ơn trở lại sau nhiều năm sống trong tình trạng không biết Chúa, sống là dân ở ngoài theo ngôn ngữ của người Do Thái thời đó. Thánh Giê-rô-ni-mô là một trong các vị Thánh đã được ơn quay trở về với Chúa, với Giáo Hội khi Ngài đi học ở Roma. MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ÐỜI
Cuộc đời của thánh Giêrônimô nối liền với lòng đạo đức,thánh thiện và sự từ bỏ không ham gì lợi danh trần thế. Lịch sử ghi rằng:thánh Giêrônimô sinh ra trong một gia đình ngoại giáo, Ngài chưa hề biết Chúa,Ngài cất tiếng khóc chào đời tại Stridon,miền Dalmatie thuộc nước Nam Tư . Lớn lên vì gia đình có tiền bạc,có thế giá, thánh nhân được gửi đi du học ở Roma, tại đây Ngài được lãnh nhận bí tích rửa tội trở thành con Chúa và con của Giáo Hội. Với lòng nhiệt tình, hiếu học,Ngài đã tốt nghiệp sau những năm dài miệt mài học tập. Cha mẹ nào lại không muốn cho con mình thành tài và có danh trong xã hội. Chính vì thế, cha của Ngài bắt Ngài trở về quê hương để làm việc cho triều đình tại Trêve, nhưng thánh nhân đã tìm các từ chối. Thánh nhân cảm nghiệm sâu xa lời Chúa:" Hãy từ bỏ, hãy về bán hết của cải,phân chia cho kẻ nghèo khó,rồi đi theo Ta ". Thánh nhân đã đi rao khắp Palestina và sau cùng ẩn tu trong sa mạc Syrie để đắm mình trong chiêm niệm,suy nghĩ về thân phận con người và phúc lộc quê trời . Ngài miệt mài học,nghiên cứu Thánh Kinh .
Rời sa mạc Syria, Ngài được Giáo Hội cất nhắc và được lãnh nhận sứ vụ linh mục.Và vào năm 382, Ðức giám mục Paulinô mời Ngài cùng đi Roma để tham dự công đồng. Vì tài đức,sự thánh thiện và trí thông minh của Ngài, ngài được vô số người ái mộ. Ðức Thánh Cha Ðamasô đã đặt Ngài làm bí thư riêng của Người và trao cho Ngài trách nhiệm nghiên cứu phiên dịch Thánh Kinh sang tiếng La Tinh.Ngài thông thạo nhiều thứ tiếng: Latinh, Hy Lạp, Do Thái và Chaldée. Thánh nhân sửa chữa các bản dịch Thánh Kinh theo nguyên bản Hy Lạp.Bản Vulgata tiếng La Tinh vẫn còn được Giáo Hội dùng cho mãi tới ngày hôm nay.
Thánh nhân có tấm lòng quả cảm,thái độ cương quyết: Ngài đả phá những thái độ quá khích và sai lạc của một số tu sĩ. Ngài đề cao đức khiết tịnh và lấy Thánh Kinh làm cơ sở,nền tảng, căn bản cho đời sống tu đức.Ðời luôn không xuông xẻ như con người nghĩ tưởng, thánh nhân thành công nhiều,nhưng đó cũng là cái cớ cho nhiềungười ghen ghét Ngài.Năm 385 sau khi Ðức Giáo Hoàng Ðamasô tạ thế, Ngài trở về Palestina sống những ngày cuối đời tại Bêlem . Năm 393, Ngài phải đương đầu quyết liệt với một thầy Dòng Giovênê về đức khiết tịnh và tranh luận với ông Origène về những vụ án sai lầm có liên quan đến tín lý và tinh thần Phúc Âm của Chúa Kitô.
Năm 420, quân Hung Nô tiến chiếm Palestina, phá hủy Tu Viện của Ngài tại Bêlem và Ngài đã tạ thế tại đây. Xác của Ngài được đem về Roma và chôn cất trong đại thánh đường Ðức Bà Cả.Thánh nhân đã được thưởng công và Ðức Giáo Hoàng Bonifaciô VII suy tôn Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh. THÁNH GIÊRÔNIMÔ ÐƯỢC TÁN DƯƠNG
Các tư tưởng của thánh nhân để lại luôn xuất phát từ nguồn Phúc Âm. Ngài luôn đi theo giáo lý chân chính của Chúa Giêsu và Hội Thánh.Chính vì thế, cuộc đời của thánh nhân luôn họa lại hình ảnh đích thực của Chúa Kitô. Ngài đã có tấm lòng từ bi nhân hậu của Chúa,nhưng Ngài cũng rất quả cảm khi đứng trước những con người chống phá Hội Thánh và đi ngược lại tinh thần Phúc Âm . Ngài đã thực hiện như lời Chúa phán,Chúa dậy và hành động quả cảm như Chúa Giêsu khi Ngài đuổi quân buôn bán ra khỏi Ðền Thờ .
Thánh nhân được Giáo Hội tán dương vì sự trung thành của Ngài đối với Chúa,đối với Giáo Hội . Việc Ngài được Ðức Thánh Cha Bonifaciô VII suy tôn lên bậc tiến sĩ Hội Thánh nói lên rằng Ngài đã để lại cho Giáo Hội và nhân loại những chỉ dẫn,những tư tưởng lỗi lạc nhưng hoàn toàn thuần túy bắt nguồn từ Phúc Âm.Ngài xứng đáng được Giáo Hội tán dương. Lạy thánh Giêrônimô, xin mở miệng chúng con để chúng con luôn ca ngợi và nói lời Chúa vì chỉ lời Chúa mới làm cho chúng con đi đúng đường và hạnh phúc.
LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
|