SỰ
KHẢI HOÀN TOÀN THẮNG CỦA THÁNH GIÁ

CHÚA NHẬT LỄ KÍNH
THÁNH GIÁ 14-9-2014
(Ds 21:4-9; Pl
2:6-11; Ga 3: 13-17)
Bác sĩ Nguyễn Tiến
Cảnh, MD
Lễ kinh Thánh Giá hôm nay trùng vào dịp kỷ niệm cuộc khủng bố
Sept.11, chúng tôi xin ôn lại cuộc hành hương thánh giá ngày giới trẻ thế giới
năm 2002 ở Canada và từ Canada đi về Trung Tâm Thương Mại ở NewYork, nơi đã xẩy
ra cuộc khủng bố phá hủy 2 tòa nhà Tháp Đôi và vùng lân cận làm thiệt mạng gần
4000 người, kinh tế thế giới và Hoa Kỳ xụm đổ một cách thê thảm, kéo theo biết
bao thảm trạng về tinh thần và tâm lý.
Trung tâm điểm Ngày Giới Trẻ Thế Giới là Cây Thánh Giá, biểu tượng
của Kito Giáo thời thượng nhưng đơn giản và đầy quyền lực đã được giới truyền
thông báo chí gọi là “Đuốc Olympic” của đại hội Công Giáo vĩ đại vào tháng 7,
2002 tại Canada.
Năm 1984 khi kết thúc năm thánh Chúa Cứu Chuộc 1983 tại Vatican,
thánh Gioan Phaolo II đã trao cho giới trẻ thế giới một cây thánh giá bằng
gỗ và yêu cầu họ mang đi khắp thế giới như là dấu chỉ của tình yêu mà chúa Giesu
đã có cho loài người và tuyên bố cho mọi người biết rằng “chỉ có chúa Kito
đã chết và sống lại mới đem lại ơn cứu chuộc”. Từ ngày đó, qua
những bàn tay quảng đại và trái tim nồng cháy, thánh giá đã làm một cuộc hành
hương dài và liên tục suốt các lục địa -như lời đức Gioan Phaolo II đã nói-
để chứng minh rằng “cây Thánh Giá đang bước đi với giới trẻ và giới trẻ
đang bước đi cùng với Thánh Giá”.
Cuộc hành hương Thánh Giá khắp Canada vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm
2002 vẫn còn để lại nhiều kỷ niệm kỳ thú. Cuộc hành hương vĩ đại bắt đầu ngày
11-4-2001 đi khắp các tình, thành phố, vùng quê Canada với nhạc, kèn trống và ca
hát qua 72 giáo phận ở Canada đến tháng Giêng năm 2002 mới quay trở lại địa điểm
khởi hành để rồi một đoàn xe bus bắt đầu chuyển bánh rời Toronto vào sáng sớm
lạnh còn mờ sương ngày Chúa Nhật, cùng với đoàn cảnh sát Canada, xe cứu thương,
chữa lửa và Thánh Giá Ngày Giới Trẻ Thế Giới nối đuôi nhau trực chỉ New York
trong vòng 2 ngày.
Sau buổi lễ chiều Chúa Nhật tại nhà thờ chính tòa St Patrick tại
Manhattan do một Giám Mục Canada chủ tế và lễ sáng sớm hôm sau do quan sát viên
thường trực của Tòa Thánh tai LHQ chủ tế, đoàn hành hương vác Thánh Giá đi bộ
tới Ground Zero, ngay trong “pit” để cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm trạng
Sept 11 tại Trung Tâm Thương Mại và mọi nơi trên khắp Hoa Kỳ. Cuộc hành hương
được báo chí quốc tế nồng nhiệt theo dõi và tường thuật là một dấu hiệu thành
công, hy vọng, an ủi, đoàn kết và hòa bình đối với dân chúng Hoa Kỳ và toàn thế
giới đang xoa đầu rứt tai để tìm hiểu thế nào là tội lỗi, khủng bố, bạo động và
tử thần mà con người cảm nghiệm được vào ngày 11 tháng 9 năm
2001.
Cuộc di hành đi vào Ground Zero, đối với chúng ta, là một hành động
can đảm và đầy thách đố. Sáu người trẻ trong đội quốc gia ngày Giới Trẻ Thế Giới
đã mang một cây Thánh Giá lớn đi lên một bục cao được xây đặc biệt để tưởng nhớ
những gia đình nạn nhân bị khủng bố. Trong khi Thánh Giá được dựng lên, tất cả
mọi người quì gối cùng hát bài Taizé refrain: “Jesus, remember me, when you
come to the kingdom / Lạy Chúa Giesu, xin nhớ đến chúng con khi Chúa đi về Nước
Trời.” Khi thánh giá được đặt trên bệ sắt ngay cạnh lỗ hổng vĩ đại mà trươc
kia 2 tòa nhà tháp đôi được xây thì tiếng hát từ từ mỗi lúc mỗi lớn và cao hơn.
Đó là một hành động đầy thách đố bởi vì, ở đó, nơi mà sự phá hủy tan hoang, kinh
hãi và chết chóc cùng tiêng khóc than sợ hãi vang lên lớn nhất. Chúng ta đặt ở
đó một cây thánh giá gỗ -khí cụ của tử thần đã được biến đổi thành biểu tượng
ban sự sống đời đời của niềm tin Kito giáo.
Trong thánh lễ sáng sớm hôm đó tại Nhà Thờ Chúa Cứu Chuộc bên cạnh
LHQ, Tổng GM Renato Martino đã giảng thuyết: Thánh Kinh nói cho chúng ta về tội
lỗi và những nhu cầu cấp thiết phải có để cải hối. Quang cảnh mà chúng ta nhìn
thấy ngày hôm nay tại Ground Zero chính là hậu quả của tội lỗi: những lỗ hổng,
những tro bụi còn sót lại, là những hủy hoại và sầu buốn của con người, do con
người tạo ra, là dấu vết của ác quỉ tội lỗi không có giấy mực nào tả cho
xiết.
Ngoài ra, nói về hậu quả của khủng bố, của hủy hoại do tội lỗi tạo
nên và những kẻ tạo ra thảm cảnh thì không bao giờ nói cho đầy đủ và hết được.
Chúng ta không thể phục vụ những người đã chết trong thảm cảnh này nếu chúng ta
không tìm ra được lý do của nó. Trong khi tìm hiểu thì tất cả những yếu tố chính
trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, tôn giáo sẽ thi nhau phơi bày ra. Mẫu số chung
của chúng là hận thù ghét bỏ được di chuyển từ người này qua người kia, từ miền
này sang miền khác…Nó chính là bản tính của con người, và chính nó lại giết nó.
Thánh Giá Chúa Giesu Kito chúc phúc và là dấu chỉ cho ngày Giới Trẻ Thế Giới
2002 theo một kiểu mẫu đặc biệt. Mỗi một hình ảnh của Thánh Giá Ngày Giới Trẻ
Thế Giới đều mang ân phúc và là một khía cạnh của giáo lý. Nó hiện diện trong
từng lễ nghi chính thức. Nó dẫn đầu cuộc rước, kêu gọi chúng ta cầu nguyện và
suy niệm, chữa lành chúng ta, hòa giải chúng ta, và đánh động tâm hồn chúng ta.
Kỷ niệm của nó sẽ trải dài giữa chúng ta trong nhiều năm về
sau.
Ai có thể quên được những hình ảnh tươi đẹp, huy hoàng mà ray rứt khó
quên về cây Thánh Giá ngày Giới Trẻ Thế Giới, đã hướng dẫn hơn nửa triệu con
người -phần lớn đang quì gối- trên những chặng đường Thánh Giá chiều thứ sáu
ngày 26-7-2002, đi ngược lên Majestic University Avenue ở Toronto, đi qua trước
tòa án, tòa đại sứ Hoa Kỳ, các công thự, nhà thương, đại học, quốc hội và viện
bảo tàng? Con phố chính của một thị trấn lớn đã trở thành chặng đường Thánh giá,
chặng đường Sầu Bi / Via Dolorosa, đã được cả hơn triệu người chiêm ngưỡng quang
cảnh Chúa chịu nạn trên màn ảnh truyền hình satellite.
Ngày 27-7-2002, chiều thứ 7 vọng ngày giới trẻ Thế giới, tại căn cứ
quân sự cũ, bây giờ là Downsview Park ở Toronto, Đức Gioan Phaolo II đã nói
chuyện với hơn 600,000 bạn trẻ:
“Thiên niên kỷ mới đã mở ra với những khung cảnh trái ngược nhau: một
đằng là quang cảnh nhiều đoàn hành hương đến Roma trong năm thánh đại phúc để
được đi qua cửa Thánh là đức Kito, Chúa cứu chuộc chúng ta; một đàng, một cuộc
tấn công khủng bố ghê gớm xẩy ra ở New York, một hình ảnh của thế giới thù địch,
ghét hận được phơi bày. Vấn nạn đặt ra quả là bi thảm: Dựa trên nền tảng nào để
chúng ta xây dựng một thời đại lịch sử mới trong khung cảnh đổi mới của thế kỳ
20 ?
Trong buồi chầu Thánh Thể kết thúc đại hội hôm Chúa Nhật 28-7-2002,
Đức Thánh Cha đã tặng cho hơn 850,000 giới trẻ hành hương tụ họp chung quanh
ngài một số thánh giá nhỏ gỗ làm bằng tay do những người trẻ sống trong những
vùng nghèo khó nhất tại Bogota và Medellin ở Colombia. Chúng ta có thể chọn ở
bất cứ nơi nào để có những thánh giá như vậy, nhưng Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2002
đã chọn những cây thánh giá làm bằng tay ở một nơi mà họ có thể chia sẽ với
chúng ta thánh giá mà họ phải chịu hết năm này qua tháng nọ. Nghèo đói, đau khổ
và khốn cùng!
Vì chúng ta theo đức Kito bị đóng đanh, chúng ta phải đoàn kết hiệp
thông với những người đang đau khổ trên thế giới. Chúng ta cảm nghiệm được sức
mạnh và tình yêu Thiên Chúa qua những kẻ đau khổ và khốn cùng ấy. Thánh Giá dạy
chúng ta rằng cái gì còn ẩn dấu bên trong và vượt qua trí nhớ thì được biến
thành vẻ đẹp, hy vọng và tiếng gọi liên tục thúc giục chúng ta can đảm làm
việc thiện.
ĐÔI LỜI KẾT: SUY NIỆM
Lúc kết thúc giờ chầu Thánh Thể, Đức Thánh Cha nhắc nhở giới trẻ
“Đừng Sợ theo Chúa Kito trên hoàng đạo Thánh Giá! Vào những lúc khó khăn của
cuộc sống thì việc theo đuổi sự thánh thiêng quả là cấp thiết”. Ngài mời gọi
những người bạn trẻ “Hãy học hỏi nơi Thánh Giá”.
Lễ kính Thánh Giá bắt nguồn từ truyền thống Hoàng Hậu Helena, thân
mẫu Hoàng đế Constantine khám phá ra cây thánh giá mà Chúa Giesu đã chịu
chết trên đó vào ngày 14-9-320AD ở Jerusalem. Từ ngày đó, lễ kính Thánh Giá được
tổ chức thường xuyên để tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ “Khải Hoàn”, sự toàn thắng
kẻ khác bằng bạo lực dưới một dạng thức nào đó. Nhưng phải chăng có quá đáng khi
nói về một cây thánh giá khải hoàn toàn thắng? Việc Chúa Giesu bị đóng đanh trên
thập giá là một nghịch lý lớn đối với Thiên Chúa. Thánh Giá, dụng cụ của tử thần
được biến đổi thành cây ban sự sống cho chúng ta. Qua mầu nhiệm của Thánh Giá,
Chúa Giesu bị đóng đanh trở thành sự sống và ánh sáng của chúng ta ở giữa sự
chết và bóng tối.
Khi mà tất cả mọi sinh hoạt ồn ào náo nhiệt như điên dại của Ngày
Giới Trẻ Thế Giới qua đi, một trong những kỷ niệm còn sót lại trong tôi là hình
ảnh cây Thánh Giá gỗ đơn sơ là nguồn mạch ân phúc vĩ đại, là an ủi dỗ giành, là
hàn gắn đau thương, là sức mạnh và là an bình cho hàng trăm ngàn người đã ôm nó,
chạm vào nó, hôn nó, học hỏi về nó và cho phép họ rung cảm vì một sứ điệp tuyệt
vời và kỷ niệm không thể quên về Đấng đã chết trên đó.
Mừng sự khải hoàn toàn thắng của Thánh Giá chính là hiểu biết trọn
vẹn về cái chết được Chúa Giesu hoàn thành trong sứ vụ của Người. Chúa Giesu yêu
cầu chúng ta hãy can đảm chọn lựa cuộc sống giống như cuộc sống của Người.
Đau khổ thì không thể tránh được, cũng như không thể không biết tới đối với
những ai bước theo Chúa Kito. Theo Chúa Giesu Kito có nghĩa là chấp nhận khổ đau
và Thánh giá. Dấu ấn của đấng Thiên Sai là phải trở thành dấu ấn của các môn đệ
của Người.
Hãy học hỏi nơi Thánh Giá. Đừng sợ!
Fleming Island, Florida
Sept. 13, 2014
Fxavvy@aol.com
NTC
|