Đi sau Chúa – Lm. Phêrô
Bùi Quang Tuấn
Đang khi dân chúng còn mù mờ về vai
trò và con người của Đức Giêsu thì Phêrô, vị
Giáo hoàng tiên khởi đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Ngài
là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Phêrô được khen là có phúc vì nhận
được mạc khải từ trên cao. Thế
nhưng chỉ một khoảnh khắc sau, chính Phêrô
lại bị Thầy mình trách là “Satan” vì lòng dạ tăm
tối, chỉ “hiểu biết những sự thuộc
về loài người” và đang “làm cớ cho Thầy
vấp phạm”.
Phêrô tuy nhận chân Đức Giêsu là
Đấng Cứu Thế, nhưng trong cái nhìn của ông,
Đấng Cứu Thế sẽ là người hùng
mạnh, đánh đông dẹp bắc, chinh phục vua Chúa,
thâu tóm quyền hành, và rồi đăng quang thống
trị thế giới.
Đức Giêsu hiểu rõ quan niệm
trần gian của các tông đồ về Đấng
Cứu Thế, nên ngay sau lời tuyên xưng đức tin
của Phêrô, Ngài cấm các ông nói cho người khác
những gì họ mới biết. Ngài muốn
giúp các ông thay đổi quan niệm về Đức Kitô.
Đức Kitô đúng nghĩa sẽ là
đấng phải đau khổ, bị từ
khước, chịu giết chết trước khi đi
đến toàn thắng. Sức mạnh của
Đức Kitô không ở trong binh khí hay chiến mã như
bao vua chúa trần gian, song là nơi thập giá khổ
đau. Chiến lược của
Đức Kitô là đi xuống chỗ tận cùng trong
lũng sâu nước mắt của nhân loại để
nâng tất cả lên trong vinh quang của Thiên Chúa.
Nhưng nào các tông đồ có hiểu
được điều đó! Và đâu
phải chỉ có các ông. Chính tôi lắm
khi cũng không hiểu nỗi đấy chứ. Tôi
cứ nghĩ Chúa là Đấng quyền năng đầy
sức mạnh, phải cứu con người khỏi bao
gian nan, khốn khổ, trái ý trên đường
đời; phải ra tay làm nhiều phép lạ cho
người ta tin; chứ đàng này Chúa lại im như
bất lực, thậm chí còn để cho dân Chúa, Giáo
hội Ngài chịu biết bao thách đố đau
thương.
Cũng như Phêrô, tôi muốn chỉ
cho Chúa phương cách cứu thế, chứ làm theo kiểu của Chúa thì e rằng chẳng
còn ai tin và Ngài sẽ thất bại ê chề.
Cũng như Phêrô, tôi muốn chận
Chúa lại, không cho Ngài tiếp tục cuộc hành trình
kỳ quặc về Giêrusalem. Tôi muốn “dạy” cho Ngài lối
đường nên đi. Tôi muốn Ngài rút bớt
điều kiện cho mọi người cảm thấy
nhẹ nhàng; cung cấp bánh ăn, của cải vật
chất dư đầy cho người ta theo
đông; làm nhiều phép lạ, ảo thuật giựt gân
cho dân chúng thích thú.
Nhưng Chúa Giêsu quát lên: ‘Hỡi Satan, hãy
lui ra đàng sau Ta”. Có hai lần trong
đời mình, Chúa Giêsu đã dùng đến chữ “Satan”.
Một lần với tên Cám dỗ và lần
này với Phêrô. Satan đối nghịch
với Thiên Chúa. Satan làm đảo
lộn trật tự thế giới. Satan phá hoại
chương trình của Thượng Đế nơi con
người. Thế nên lời quở
mắng “Satan” là lời khiển trách nặng nề
nhất.
Nhưng để ý sẽ thấy: trong
lần quở mắng tên Cám dỗ, Chúa Giêsu bảo nó “hãy
cút đi”, Ngài không còn muốn thấy mặt nó nữa;
nhưng khi khiển trách Phêrô, Chúa Giêsu lại nói “hãy lui ra
sau Ta”. Như thế Ngài vẫn cho
người môn đệ cơ hội hoán đổi
hướng nhìn và cách đi. Thay vì đi trước
và chỉ lối cho Chúa, tôi phải hướng theo và tiếp bước sau Ngài.
Satan không thể bước theo Chúa vì bản chất kiêu ngạo của
nó. Nhưng riêng tôi, dù bao vấp phạm lầm lỡ, dù
lắm khi sống theo ý mình, hay từng chạy theo
tiếng gọi của quỉ ma, tôi vẫn
được ban cho cơ hội làm lại hành trình
của người môn đệ Đức Kitô, dẫu
biết rằng không môn đệ chân chính nào của Ngài
lại không phải mang thập giá: “Ai muốn đi sau Ta
thì hãy chối bỏ mình, hãy vác lấy khổ giá mình và theo
Ta” (Mt 16:24).
Thánh Phêrô, sau lời khiển trách
của Thầy, đã về lại với chỗ
đứng đúng nhất của mình: ông không đòi Chúa theo ý mình, song là vâng theo ý Chúa; ông không dẫn
đường cho Chúa nhưng là bước theo dấu
chân Ngài. Cao điểm của sự “đi
theo” này là việc Phêrô chịu đóng đinh thập giá vì
Đức Kitô vào năm 69 AD.
Như thế, vị Giáo hoàng tiên
khởi, với biết bao yếu đuối sa ngã, cuối cùng đã lấy cái chết
của mình để xác minh chân lý thập giá. Từ chỗ muốn dạy cho Thầy mình
về sự khôn ngoan của thế gian đến việc
khám phá và ôm ấp giá trị sâu xa sự điên rồ
của Thiên Chúa. Từ chỗ phủ
nhận và ngăn chận Thầy mình bước đi trên
con đường khổ đau, đến việc chính
mình anh dũng tiến vào. Nhưng nhờ đâu mà
Phêrô có được thái độ và hành vi
hào hùng đó? Phải chăng chính nhờ
niềm xác tín vào Đức Giêsu, Đấng ông đã tuyên
xưng. Nếu không có xác tín, hẳn ông đã chẳng
dám theo.
Niềm tin mãnh liệt vào Đức
Giêsu thúc đẩy người ta vâng theo
lời Ngài. Khi Chúa bảo “Hãy lui ra sau Ta”, Phêrô
vâng lời lui ra chứ không giận dỗi bỏ đi.
Khi bị mắng là “Satan”, Phêrô vẫn khiêm
tốn nhìn nhận tầm nhìn nông cạn của mình
chứ không tự ái phản đối.
Thử hỏi tôi có được
niềm xác tín làm phát sinh thái độ khiêm tốn và nghe
lời Chúa như thế không, hay tôi vẫn khăng
khăng chối từ lối đường thập giá?
Một nhà tư tưởng quả
quyết: “Luật của thập giá là luật phổ quát.
Làm người, không ai thoát khỏi thập
giá”. Như thế chối từ
thập giá là chối từ làm người đúng
nghĩa.
Nhưng phải vác thập giá theo
Đức Giêsu-tức là sống theo những giá trị Tin
Mừng như vị tha, thanh khiết, chân thật, từ
tâm, phục vụ, quên mình…-tôi mới là con người
trọn vẹn, một con người phản chiếu
dung mạo Thiên Chúa.
|