Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du Nam Hàn 14-18/8/2014
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển hợp và chuyển dịch
ĐTC Phanxicô trả lời Phỏng Vấn trên chuyến bay từ Nam Hàn về Rôma Thứ hai 18/8/2014
Vấn 1- Trong chuyến viếng thăm Hàn quốc, ngài đến với các gia đình của thảm nạn chìm tầu Sewol để an ủi họ. hai vấn đề xin được đặt ra là: ngài cảm thấy gì khi gặp gỡ họ? Và ngài có quan tâm hay chăng đến việc làm của ngài có thể bị giải thích sai lạc theo chính trị?
ĐTC Phanxicô: Khi bạn đặt mình trước khổ đau của con người, bạn cần phải làm những gì lòng bạn thúc đẩy bạn làm. Thế rồi sau đó người ta có thể nói rằng ngài đã làm điều này vì chủ ý chính trị, hay vì cái gì đó. Họ có thể nói đủ thứ. Thế nhưng khi bạn nghĩ về những người nam nữ cha mẹ bị mất con cái của mình, về những người anh chị em bị mất đi anh chị em của mình, và nỗi đớn đau cả thể của một thảm họa như thế ... lòng tôi. Tôi là một linh mục, tôi cảm thấy cần phải đến gần với họ, tôi cảm thấy như thế. Đó là những gì tiên quyết. Tôi biết rằng niềm an ủi tôi có thể cống hiến, các lời nói của tôi, không hẳn là một phương dược. Tôi không thể nào cống hiến sự sống mới cho những ai đã chết. Thế nhưng sự gần gữi của con người trong những giây phút như thế cống hiến sức mạnh, tình đoàn kết cho chúng ta.
Tôi nhớ khi còn là tổng giám mục Buenos Aires, tôi đã trải qua hai thảm họa giống như thế. Một là đám cháy xẩy ra ở một phòng nhẩy, một cuộc hòa nhạc nhạc pop khiến 194 người chết. Biến cố này xẩy ra vào năm 1993. Thế rồi một thảm họa khác xẩy ra cho xe lửa, và tôi nghĩ rằng có 120 người chết vì thế. Vào những lúc ấy tôi cũng cảm thấy thế, đến gần với họ. Nỗi đớn đau của con người thì mạnh mẽ mà nếu chúng ta gần gũi trong những giây phút buồn thảm ấy là chúng ta đã trợ giúp rất nhiều.
Và tôi muốn nói đến một điều nữa. Tôi đã nhận lấy sợi giây lơ (tôi đang đeo từ những thân nhân của thảm họa chìm tầu Sewold) vì muốn tỏ ra liên kết với họ, và sau nửa ngày thì có người đến gần tôi mà nói rằng 'tốt hơn nên cởi ra, ngài cần phải tỏ ra trung lập'. Thế nhưng, xin hãy nghe đây, người ta không thể nào tỏ ra trung lập trước khổ đau của con người. Tôi đã đáp lại như thế. Đó là cách thức tôi cảm thấy.
Vấn 2- Ngài biết rằng mới đây lực lượng Hoa Kỳ đã bắt đầu dội bom những kẻ khủng bố ở Iraq để ngăn ngừa nạn thảm sát, để bảo vệ dân thiểu số, bao gồm cả người Công giáo là thành phần đang được ngài dẫn dắt. Câu tôi muốn hỏi là thế này: ngài có chấp nhận việc dội bom của Hoa Kỳ hay chăng?
ĐTC Phanxicô: Cám ơn bạn về câu hỏi rõ ràng này. Trong những trường hợp như thế, khi xẩy ra một cuộc tấn công bất chính, tôi chỉ có thể nói như vầy: được phép ngăn chặn thành phần tấn công bất chính. Tôi nhấn mạnh đến động từ ngăn chặn. Tôi không nói đến bom đạn, đến lâm chiến, tôi nói ngăn chặn bằng những cách thức nào đó. Họ có thể bị ngăn chặn bằng cách nào đó? Những phương tiện ấy cần phải được thẩm định. Việc ngăn chặn kẻ tấn công bất chính là điều hợp lý.
Thế nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ. Biết bao nhiêu lần lấy lý ngăn chặn kẻ tấn công bất chính mà các quyền lực (ra tay can thiệp) đã nắm quyền kiểm soát dân chúng và đã thực hiện một cuộc chiến xâm chiếm thực sự.
Một quốc gia duy nhất không thể phán quyết cách thức ngăn chặn kẻ tấn công bất chính. Sau Thế Chiến Thứ II đã nẩy lên ý nghĩ về một Liên Hiệp Quốc. Vấn đề ngăn chặn thành phần tấn công bất chính cần phải được bàn luận ở Liên Hiệp Quốc. Có phải đó là một kẻ tấn công bất chính hay chăng? Dường như là thế. Vậy thì làm sao chúng ta ngăn chặn hắn đây? Chỉ thế thôi, không còn gì nữa.
Sau nữa, bạn đề cập đến thành phần thiểu số. Cám ơn bạn về từ ngữ ấy, vì họ nói với tôi về thành phần Kitô hữu, những người Kitô hữu nghèo khổ. Thật sự là họ chịu khổ. Những vị tử đạo, có nhiều vị tử đạo. Thế nhưng ở nơi đây có nhiều con người nam nữ, có những người thiểu số về tôn giáo, không phải tất cả đều là Kitô hữu, và họ tất cả đều bình đẳng trước nhan Thiên Chúa.
Việc ngăn chặn thành phần tấn công bất chính là một quyền lợi của nhân loại, nhưng nó cũng là một thứ quyền ngăn chặn kẻ tấn công không được hành ác.
Vấn 3- Xin trở về với vấn đề Iraq. Như Đức Hồng Y Filoni và vị lãnh đạo của Dòng Đaminh, ngài có sẵn sàng ủng hộ việc can thiệp quân sự vào Iraq để ngăn chặn thành phần thánh chiến Hồi giáo (Jihadists) hay chăng? Tôi còn một câu hỏi khác nữa đó là ngài có nghĩ đến việc đến Iraq vào một ngày nào đó hay chăng, có lẽ đến Kurdistan để nâng đỡ thành phần Kitô hữu tị nạn đang chờ đợi ngài ở đây, và để cầu nguyện với họ ở mảnh đất mà họ đã sống 2 ngàn năm nay?
ĐTC Phanxicô: Cách đây không lâu, tôi đã gặp Thống Đốc Barzani của Kardistan. Ông ấy có những ý nghĩ rất rõ ràng về tình hình này và cách thức giải quyết vấn đề, thế nhưng đó là những gì xẩy ra trước cuộc tấn công bất chính này.
Tôi đã đáp lại câu hỏi thứ nhất rồi. Tôi chỉ đồng ý nơi sự kiện là khi có một kẻ tấn công bất chính thì họ cần phải được ngăn chặn lại.
Đúng thế, tôi đang muốn (đi đến đó). Thế nhưng tôi nghĩ rằng tôi có thể nói thế vầy, đó là khi chúng tôi cùng với các hợp tác viên của tôi nghe thấy những cuộc sát hại thành phần thiểu số tôn giáo, thì vấn đề bấy giờ ở Kurdistan đó là họ không thể nào tiếp nhận quá nhiều người. Vấn đề này người ta có thể hiểu được. Vậy thì có thể làm gì đây? Chúng tôi đã nghĩ đến nhiều điều. Trước hết là một tuyên báo được Cha Lombardi phổ biến thay mặt tôi. Sau đó bản tuyên báo này đã được gửi cho tất cả mọi tòa khâm sứ để thông đạt đến các chính quyền. Rồi tôi viết một bức thư cho vị Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc... Nhiều điều khác nữa... Cuối cùng chúng tôi quyết định gửi vị đại biểu riêng của chúng tôi là Đức Hồng Y Filoni, và tôi đã nói rằng nếu cần thì khi chúng tôi trở về từ Hàn quốc chúng tôi có thể đến đó. Đó là một trong những gì khả thể. Đó là câu trả lời của tôi. Tôi đang muốn (đi tới đó). Vào thời điểm này đây thì nó không phải là điều hay nhất để làm, nhưng tôi sẵn sàng thực hiện.
Vấn 4- Câu hỏi của tôi về Trung Hoa. Trung Hoa đã cho phép ngài bay trên không phận của họ. Bức điện tín mà ngài đã gửi đi (trên đường đến Hàn quốc) đã được tiếp nhận mà không có một bình phẩm tiêu cực nào. Ngài có nghĩ đó là những bước hướng tới một cuộc đối thoại khả dĩ hay chăng? Và ngài có ước mong đên thăm Trung Hoa hay chăng? (Cha Lombardi xen vào. Tôi có thể cho các bạn biết là chúng ta hiện nay đang bay trên không phận của Trung Hoa vào lúc này đây. Nên câu hỏi này thật thích thời).
ĐTC Phanxicô: Khi chúng ta sắp tiến vào không phận của Trung quốc (trên đường đến Hàn quốc), tôi đã ở trong buồng lái với các phi công, và một người trong họ đã chỉ cho tôi một bản ghi danh mà nói chúng ta chỉ còn 10 phút nữa là vào không phận của Trung quốc, chúng ta cần phải xin phép họ. Người ta bao giờ cũng đòi hỏi điều này. Đó là điều bình thường trước đòi hỏi này của mỗi xứ sở. Và tôi đã nghe họ xin phép ra sao, họ đáp ứng thế nào. Tôi làm chứng điều ấy. Thế rồi người phi công lên tiếng nói rằng chúng tôi đã gửi một bức điện tín, nhưng tôi không biết họ làm như thế nào.
Sau đó tôi rời buồng lái về chỗ của mình và cầu nguyện nhiều cho nhân dân Trung Hoa mỹ miều cao quí, một dân tộc khôn ngoan. Tôi nghĩ đến những con người khôn ngoan cao cả của Trung Hoa, tôi nghĩ về lịch sử khoa học và khôn ngoan. Và tu sĩ Dòng Tên chúng tôi đã có một lịch sử ở đó qua Cha Ricci. Tất cả những điều ấy hiện lên trong đầu óc của tôi.
Có có muốn đến Trung Hoa hay chăng? Chắc chắn rồi! Mai này!
Chúng tôi tôn trọng nhân dân Trung Hoa. Giáo Hội chỉ xin được tự do làm việc của mình mà thôi. Ngoài ra không còn một điều kiện nào nữa.
Thế rồi chúng ta không được quên rằng bức thư căn bản về các vấn đề Trung quốc đã được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI gửi đến nhân dân Trung Hoa. Bức thư này thực sự là thích hợp hôm nay đây. Thực sự là thế. Cần đọc lại bức thư ấy.
Tòa Thánh bao giờ cũng hướng đến chỗ giao hảo. Luôn luôn. Vì Tòa Thánh thực sự mến phục nhân dân Trung Hoa.
Vấn 5- Chuyến đi tới đây của ngài sẽ là Albania và có thể là Iraq. Sau Phi Luật Tân và Sri Lanka mà ngài sẽ đến vào năm 2015 phải không? Và tôi có thể nói rằng ở Avila cũng hy vọng rằng ngài tới, họ vẫn có thể hy vọng hay chăng?
ĐTC Phanxicô: Phải, Nữ Tổng Thống Hàn quốc đã nói với tôi, bằng tiếng Tây Ban Nha thông thạo, rằng hy vọng là một điều cuối cùng mà người ta đánh mất. Bà nói điều đó với tôi ám chỉ về sự thống nhất của Hàn quốc. Người ta bao giờ cũng có thể hy vọng nhưng không quyết định được. Để tôi giải thích cho nghe nhé.
Năm nay Albania đã được định liệu. Một số người đã nói rằng vị Giáo Hoàng này bắt đầu mọi sự từ ngoại biên. Thế nhưng tôi sẽ đến Albania vì hai lý do quan trọng. Trước hết vì họ đã có thể thành lập một chính quyền - chỉ cần nghĩ đến những người Balkan là dân đã có thể thành lập một chính quyền hiệp nhất đất nước với tín đồ Hồi giáo, Chính Thống giáo và Công giáo, với một hội đồng liên tôn hữu ích và cân bằng. Đó là một điều tốt đẹp và hài hòa. Sự hiện diện của vị Giáo Hoàng là muốn nói cùng tất cả mọi dân tộc (trên thế giới) rằng vẫn có thể cùng nhau làm việc. Tôi cảm thấy chuyến đi của tôi như là một trợ giúp thực sự cho dân tộc cao quí ấy.
Còn một điều nữa, đó là nếu chúng ta nghĩ đến lịch sử của Albania liên quan đến tôn giáo thì nó là một xứ sở duy nhất trong thế giới cộng sản có trong hiến pháp của mình chủ nghĩa vô thần thực tiễn. Bởi thế nếu các bạn đi lễ là trái với hiến pháp. Thế rồi một trong những vị thừa tác viên đã nói với tôi rằng 1820 nhà thờ đã bị hủy hoại, cả Công giáo lẫn Chính thống giáo, vào thời ấy. Rồi những nhà thờ khác được biến thành các rạp hát, rạp ciné, chỗ nhẩy đầm. Bởi thế tôi cảm thấy rằng tôi cần phải đến đó, chỉ trong vòng một ngày thôi.
Năm tới tôi muốn đến Philadelphia cho cuộc hội ngộ các gia đình thế giới. Thế rồi tôi đã được vị Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc mời đến với Quốc Hội Hoa Kỳ. Đồng thời vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng mời tôi đến Văn Phòng Liên Hiệp Quốc ở Nữu ước. Vậy là có thể là 3 thành phố vào cùng một dịp.
Mễ Tây Cơ nữa. Nhân dân Mễ Tây Cơ muốn tôi đến Đền Thánh Đức Mẹ Gualalup, nhờ đó chúng tôi có thể lợi dụng nhân chuyến đến thăm Hoa Kỳ, nhưng vẫn chưa chắc chắn.
Sau hết là Tây Ban Nha. Các Vị Vương Gia Tây Ban Nha đã mời tôi. Các vị giám mục đã mời tôi, có cả một loạt lời mời tôi đến Tây Ban Nha, có thể sẽ thành nhưng chưa có gì là chắc chắn hết, bởi vậy tôi chỉ biết nói rằng tôi có thể tới Avila vào buổi sáng và về buổi chiều nếu được nhưng chưa có gì được định đoạt hết. Bởi vậy người ta vẫn có thể hy vọng.
Vấn 6- Mối liên hệ giữa ngài và Đức Benedicto XVI ra sao? Hai ngài có thường trao đổi ý kiến với nhau hay chăng? Hai ngài có một dự án nào chung sau bức thông điệp (Ánh Sáng Đức Tin) hay chăng?
ĐTC Phanxicô: Chúng tôi gặp gỡ nhau. Trước khi tôi lên đường đi Hàn quốc, tôi đã đến thăm ngài. Hai tuần trước đó ngài đã gửi cho tôi một bản văn đặc biệt và hỏi ý kiến của tôi. Chúng tôi vốn liên hệ bình thường với nhau.
Tôi xin trở lại với ý nghĩ này, một ý nghĩ không được một thần học gia nào đó ưa thích, tôi không phải là thần học gia, nhưng tôi nghĩ rằng vị giáo hoàng hưu trí này không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ thì ngài là vị giáo hoàng hưu trí đầu tiên. Chúng ta hãy nghĩ đến những gì ngài đã nói, đó là tôi già rồi, tôi không còn đủ sức lực. Đó là một cử chỉ tuyệt vời của những gì là cao quí, khiêm hạ và can trường.
Nhưng nếu người ta nghĩ rằng 70 năm trước các vị giám mục hưu trí cũng đã là một thứ ngoại lệ. Không có vấn đề ấy, nhưng ngày nay các vị giám mục hưu trí đã trở thành một điều lệ.
Tôi nghĩ rằng vấn đề giáo hoàng hưu trí đã là một điều lệ vì đời sống của chúng ta tồn tại lâu hơn và ở một độ tuổi nào đó không còn khả năng quản trị tốt đẹp vì thân xác trở nên mệt mỏi, và có thể sức khỏe còn tốt nhưng không có khả năng hành sử tất cả mọi vấn đề của một tổ chức như tổ chức của Giáo Hội. Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã là vị tạo nên cử chỉ này cho các vị giáo hoàng hưu trí. Như tôi đã nói trước, có thể một thần học gia nào đó nói rằng điều này không đúng, nhưng ý nghĩ của tôi là thế đó. Các thế kỷ rồi sẽ cho chúng ta biết rằng có vậy hay chăng. Chúng ta hãy chờ xem.
Bạn có thể nói với tôi rằng nếu ở một lúc nào đó ngài cảm thấy ngài không thể tiến hơn nữa, tôi sẽ làm như vậy! Tôi sẽ làm như thế. Tôi cầu nguyện, nhưng tôi làm như vậy. Ngài (Đức Benedicto XVI) đã mở cánh cửa điều lệ, không còn là ngoại lệ nữa.
Mối liên hệ của chúng tôi thực sự là mối liên hệ anh em. Thế nhưng tôi cũng đã nói rằng tôi cảm thấy như thể tôi có một người ông trong nhà bởi đức khôn ngoan của ngài. Ngài là một con người khôn ngoan, cảm nhận đáng tôi nghe ngài. Và ngài phấn khích tôi khi cần thiết nữa. Đó là mối liên hệ giữa tôi và ngài.
(còn tiếp)
|