Nhờ Mẹ đến với Chúa
Ngày xưa, tại tiệc cưới Cana, khi thấy họ hết rượu, Mẹ thương họ nên đã xin Chúa Giêsu giúp họ. Nhưng Chúa Giêsu nói: “Mẹ ơi, chuyện đó can gì đến mẹ và con? Giờ của con chưa đến” (Ga 2:4). Dù thấy Con Trai Yêu Dấu nói vậy mà Mẹ vẫn tin tưởng và căn dặn gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:5). Sáu chum đá đựng đầy nước lã (mỗi chum khoảng 80-100 lít) đã được Chúa Giêsu hóa phép thành rượu hảo hạng. Đó là phép lạ đầu tiên. Điều đó chứng tỏ lời đề nghị của Đức Mẹ rất có hiệu quả, vì thế mà chúng ta cần nhờ Mẹ và qua Mẹ để đến với Chúa Giêsu – Ad Jesum Per Mariam. Đó là cách khôn ngoan tuyệt vời để chúng ta khả dĩ gặp gỡ chính Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Đi tới bất cứ nơi nào cũng phải qua ít nhất một con đường, chắc hẳn không có con đường nào an toàn bằng Con-Đường-Mẹ-Maria, trong đó còn chứa cả Tình Mẫu Tử kỳ diệu.
Với cảm thức tâm linh như vậy, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) TGP Saigon đã tổ chức chuyến hành hương về linh địa La Vang từ ngày 11 tới 19-8-2014.
Năm nay có điều đặc biệt vì là Đại Hội La Vang lần thứ 30 (ba năm một lần). Đại hội năm 2014 có chủ đề “PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH” vì là Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình: Gia đình cầu nguyện, Hiệp nhất thủy chung, Bảo vệ sự sống, và Loan báo Tin Mừng.
Điểm đến chính là La Vang, đường xa thăm thẳm và quanh co, các đoàn hành hương đều phải dừng chân nhiều chỗ trên hành trình. Hành hương nhắc nhở chúng ta về chuyến lữ hành trần gian về Nước Trời, đặc biệt là khi kính mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Đức Mẹ được đưa về trời qua một “giấc ngủ” (dormition), tức là “chết mà như ngủ”. Ngày 1-11-1950, qua Thông điệp “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa Quảng đại), ĐGH Piô XII đã long trọng công bố tín điều Đức Maria lên trời cả hồn và xác.
Thật hạnh phúc khi chúng ta có được niềm tin Công giáo, niềm tin đó không mơ hồ hoặc ảo tưởng, mà là chắc chắn, đúng như chúng ta vẫn tuyên tín: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Chắc chắn đúng như như vậy, vì Chúa Giêsu đã hứa để củng cố niềm tín đó: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:2-4).
Đoàn chúng tôi khởi hành từ 5 giờ sáng thứ Hai, 11-08-2014, xe chuyển bánh trực chỉ Phú Yên – nơi có biển Cà Ná và biển Đại Lãnh, nhưng đặc biệt nhất là Nhà Thờ Mằng Lăng (1), nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên (1625–1644), vị thánh bổn mạng giáo lý viên và giới trẻ Công giáo Việt Nam. Ngài được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 5-3-2000.
Sau khi tham dự Thánh Lễ tại Nhà Thờ Mằng Lăng sáng thứ Ba 12-8-2014, đoàn khởi hành đi Đà Nẵng, và ghé thăm Tòa Giám Mục Đà Nẵng vào buổi chiều, sau đó đến nghỉ đêm tại nhà hưu dưỡng của Dòng nữ Thánh Phaolô.
Sáng thứ Tư 13-8-2014, đoàn trực chỉ Thánh Địa La Vang (2). Quảng trị là vùng đất khô cằn sỏi đá, thời tiết khắc nghiệt, nắng cháy da, kèm theo cái nóng bức của gió Lào khiến người ta như ngộp thở. Tuy nhiên, năm nay trời nắng nhẹ nên cái nóng cũng giảm bớt, nhưng so với những nơi khác thì cái nóng bức của Quảng Trị vẫn khiến những giọt mồ hôi đổ ra như tắm. Buổi chiều có mưa nhẹ, dân địa phương gọi đó là Mưa Ngoi – không như mưa phùn, mưa thưa hạt và nhẹ, không đủ ướt áo. Họ cho biết về loại mưa đặc biệt này là những ngày sau có gió nhiều, có thể có giông. Nhưng thật kỳ lạ, ở Đông Hà có mưa lớn nhưng không mưa ở La Vang, nơi có khoảng 200.000 con cái từ khắp nơi về với Mẹ La Vang. Nếu mưa thì hàng trăm ngàn người sẽ cực khổ khi đi lại. Đó là phép lạ chứ đâu xa!
17 giờ ngày 13-8-2014, Đại Hội La Vang lần thứ 30 chính thức khai mạc bằng Thánh Lễ vọng Kính Đức Mẹ Hồn xác lên Trời. Đoàn đồng tế gồm có 10 giám mục và khoảng 150 linh mục.
Nhập lễ là bài thánh ca Nữ Vương Hòa Bình của cố NS Hải Linh. Giai điệu trầm hùng vang dội cả trời La Vang, như dìu đưa mọi người thành tín đến với Đức Maria, Thánh Mẫu Mông Triệu, với niềm hy vọng sẽ được cùng Mẹ về Quê Trời vĩnh hằng.
Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, TGP Saigon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói: “Mẹ Maria cũng đang yêu thương đến La Vang và muốn an ủi chúng ta. Mẹ dạy chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin vào những gì Thiên Chúa đã làm và sẽ thực hiện. Thiên Chúa không ngừng tiếp tục ban Chúa Thánh Thần xuống cho chúng ta”.
Năm 2014 là Năm Gia Đình, Đức TGM Leopoldo Girelli nói: “Chiêm ngắm gia đình Thánh Gia, các ngài đã hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Các gia đình Kitô hữu phải có khả năng thưa lên như Đức Maria: không phải vì tôi, nhưng để cho ý định Thiên Chúa được thành sự. Chúng ta chiêm ngắm đời sống cầu nguyện rất sâu từ Mẹ, Mẹ cũng do ảnh hưởng từ cha mẹ mình. Vì thế, tôi muốn kêu gọi anh chị em, những bậc cha mẹ, hãy trao cho con cái mình đức tin, một đời sống cầu nguyện. Đức Trinh Nữ Maria, khi hay tin bà Isave thụ thai, Mẹ bỏ công việc của mình để đến giúp đỡ và ở lại với bà 3 tháng. Quý gia đình thân mến, như Mẹ Maria chúng ta loan báo Tin Mừng cho lương dân với một tình yêu xuất phát từ lòng bác ái. Quả thế, Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương của niềm tin, cầu nguyện, yêu thương bác ái. Lạy Đức Mẹ La Vang chúc lành cho anh chị em. Lời nguyện tín hữu cầu cho Hội Thánh, cầu cho mỗi người, mỗi gia đình và cho tất cả những ai đau khổ tinh thần lẫn thể xác”.
Sau đó, 20 giờ có rước kiệu Mình Thánh Chúa. Sau đó là giờ cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót (LCTX).
Ngày 14-8-2014, 6 giờ sáng có Thánh lễ kính Đức Mẹ. 8 giờ 30 có thuyết trình và chia sẻ đề tài “Phúc Âm Hóa Gia Đình”. 14 giờ có thuyết trình và chia sẻ đề tài “Chứng nhân Đức Tin trong Đời sống Gia đình”. 15 giờ 30, đoàn chúng tôi tập trung cầu nguyện tại Đài Chúa Thương Xót tại linh địa La Vang. 20 giờ có chương trình “Canh Thức Bên Mẹ” tại linh đài Mẹ La Vang.
Sáng thứ Sáu 15-8-2014, đúng 6 giờ, rước kiệu Đức Mẹ La Vang, tiếp theo là Thánh Lễ Đại Triều Kính Trọng thể Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cũng là Bế mạc Đại Hội. Chủ tế là Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng – TGP Huế, Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đồng tế có Đức TGM Leopoldo Girelli – Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, ĐGM Cosma Hoàng Văn Đạt, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, ĐGM Giuse Nguyễn Tấn Tước, ĐGM Lôrensô Chu Văn Minh, ĐGM Giuse Đặng Đức Ngân, ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi, ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên, ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Long, ĐGM Giuse Châu Ngọc Tri, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Đệ, ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh, ĐGM Tôma Nguyễn Văn Trâm, và hơn 300 linh mục.
Đầu lễ, Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, TGP Huế, mời gọi cộng đoàn cùng hiệp thông: “Hôm nay chúng ta về với Linh Địa La Vang trong dịp Đại Hội La Vang 30. Về với Mẹ trong những ngày hè oi bức, khí hậu nghiệt ngã, thiếu mọi tiện nghi, ăn chay nằm đất, nhưng chúng ta muốn thưa lên với Mẹ rằng không gì có thể cản trở con cái Mẹ trở về La Vang, mặc dầu phải chấp nhận hy sinh, gian khó vì tình Mẹ yêu con và tình con mến Mẹ. Về với Mẹ trong đại lễ mừng Mẹ được Chúa trọng thưởng hồn xác lên trời, chúng con khẩn khoản cầu xin Mẹ giúp chúng con luôn sống trong vui mừng và hy vọng sẽ được Mẹ đồng hành, nâng đỡ, phù trì, giữa bao thử thách gian nan của cuộc đời, để sau này chúng con sẽ được lên trời với Mẹ. Chúng con chiêm ngắm hình ảnh trong sách Khải Huyền của thánh Gioan, một người nữ ‘mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao’, chính là hình ảnh vinh quang của Mẹ và cũng là hình bóng của Hội Thánh khải hoàn mai ngày trên trời, bên Mẹ”.
Sau Tin Mừng, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Đệ, GP Thái Bình, đặc trách Ủy Ban Tu sĩ, chia sẻ: “Kính mừng Mẹ Đầy ơn phúc… Mẹ có phúc hơn mọi phụ nữ. Chúa có một chương trình kỳ diệu đối với Đức Mẹ và vì Mẹ đã tin, nên được chúc phúc. Khi Đức Giêsu rao giảng thì có người lên tiếng nói: Thưa Thầy, có Mẹ và anh em Thầy muốn gặp Thầy. Nhưng Đức Giêsu trả lời: Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi. Đây chính là Mẹ và anh em tôi, đó là những ai tin và thi hành ý Cha tôi, Đấng ngự trên trời, đó là Mẹ tôi, anh chị em tôi. Mỗi gia đình chúng ta được Chúa tiên liệu trong một chương trình kỳ diệu, đó là bảo vệ sự sống. Chúa tuyên bố ai tin và thi hành chương trình kỳ kiệu đó, là Mẹ và anh chị em với Ngài. Ai tin và đón nhận sự sống như là quyền năng của Thiên Chúa, người đó là mẹ và anh chị em với Chúa”.
Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức TGM Leopoldo Girelli nói với cộng đoàn hành hương: “Tôi xin Đại diện cho ĐGH Phanxicô mang đến phép lành và lời chúc phúc của ngài cho anh chị em hành hương Đại Hội lần thứ 30 này. ĐGH Phanxicô không chỉ là Giám mục của Rôma, của Âu châu, mà của cả toàn cầu và Á châu nữa. Hôm nay, ngài đang ở tại Hàn Quốc, chắc chắn chúng ta không quên cầu nguyện cho Ngài. Xin cộng đoàn lặp lại với tôi: Xin Đức Mẹ La Vang cầu cho chúng con. Lạy Đức Mẹ La Vang, xin cầu cho ĐGH Phanxicô”.
Thánh lễ kính Đức Mẹ Mông Triệu kết thúc, Đại Hội La Vang 30 cũng khép lại, nhưng ân phúc vẫn đọng lại và âm vang trong lòng của hàng trăm nghìn khách hành hương, đong đầy tâm tình cảm tạ Thiên Chúa và Thánh Mẫu La Vang. Mọi người hân hoan ra về trong bình an của Thiên Chúa giàu lòng thương xót và Đức Mẹ La Vang nhân lành luôn phù hộ các giáo hữu thành tín.
Đức Mẹ là hòm bia, là tư tế, là bàn thờ, là chén thánh, và là nhà tiệc ly. Nguyện xin Đức Mẹ giúp chúng con tìm ra nguồn sống mới để mỗi chúng con sống cuộc sống thánh đức trong Thiên Chúa. Xin Thánh Mẫu La Vang dẫn chúng con tới Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu của Mẹ.
Năm nay trời nắng dịu, dù đã trưa nhưng trời La Vang cũng không nắng nóng như mọi năm. Đoàn chúng tôi khởi hành đi Trà Kiệu (3), nơi có sự kiện Đức Mẹ hiện ra năm xưa.
6 giờ sáng thứ Bảy 16-8-2014, đoàn chúng tôi chia tay Trà Kiệu để đến Tòa Giám Mục Quy Nhơn, nơi có Tiểu chủng viện Quy Nhơn (tức là TCV Làng Sông ngày xưa). Tại đây, lúc 15 giờ, đoàn chúng tôi lần chuỗi LCTX. Sau đó, ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi đã dâng lễ tạ ơn kính LCTX và làm phép Tượng đài LCTX.
Đến Quy Nhơn, đặc biệt là Ghềnh Ráng, người ta không thể không nói tới thi sĩ Hàn Mặc Tử (4). Ông là thi sĩ Công giáo đầu tiên và có lòng sùng kính Đức Mẹ. Ông có tài mà bạc mệnh, chết vì bệnh phong (cùi) khi mới 28 tuổi – độ tuổi sung sức của đời người. Thơ của ông nổi tiếng không chỉ trong giới Công giáo mà cả người ngoài Công giáo cũng biết đến. Chịu đau khổ vì bệnh tật, nhưng ông vẫn tin yêu Thiên Chúa và Đức Mẹ. Trong thi phẩm “Ave Maria”, ông đã cảm nhận:
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh, Run như run thần tử thấy long nhan, Run như run hơi thở chạm tơ vàng, Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn, Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi...
Bệnh nhân phong rất đau đớn vào những ngày có trăng, trăng càng tỏ thì vi trùng càng rúc rỉa, và họ càng đau nhức. Do đó, thi sĩ Hàn đã rao bán trăng: “Trăng! Trăng! Trăng!... Ai mua trăng, tôi bán trăng cho…” (Trăng Vàng Trăng Ngọc). Chính đau khổ đã tạo nên một Hàn thi sĩ với những tứ thơ bí ẩn và những vần thơ bất hủ, chắc hẳn đó là sự công bằng của Chúa và không ngoài Thánh Ý Chúa.
Sua những ngày “nằm gai” tại linh địa La Vang, đoàn chúng tôi đi “nếm mật” tại Nha Trang ngày Chúa Nhật 17-8-2014 (tham quan chợ Đầm và Nhà Thờ Đá – Nhà thờ Chính tòa Nha Trang), và tại Đà Lạt ngày thứ Hai 18-8-2014 để biết thế nào là “thành phố vừa đi đã mỏi”, thế nào là “đường quanh co quyện gốc thông già” – theo cách mô tả của cố NS Lam Phương trong ca khúc “Thành Phố Buồn”.
Sáng thứ Ba 19-8-2014, đoàn khởi trở về Saigon. Trên đường về, chúng tôi có ghé Nhà thờ Bảo Lộc và lần chuỗi LCTX tại Đài Chúa Thương Xót tại sân trước của nhà thờ này. Cuối cùng, chúng tôi ghé cầu nguyện tạ ơn tại Đài Đức Mẹ An Bình trước khi kết thúc 10 km đường đèo Bảo Lộc: “Tạ ơn Đức Mẹ An Bình – Xin Mẹ chúc lành suốt kiếp nhân gian”.
Cuộc hành hương La Vang kết thúc, nhưng cuộc lữ hành trần gian vẫn tiếp diễn...
Thánh Tâm Chúa Giêsu là Trung Tâm Thương Xót. Có thể nói rằng, người được hưởng LCTX là tướng cướp Dismas – một trong hai tử tội chịu đóng đinh với Chúa Giêsu. Cả đời gian ác, coi trời chỉ bằng nắp bia và coi mọi người là rơm rác, nhưng nhờ sám hối chân thành, tướng cướp Dismas được Chúa Giêsu tha thứ và cho về trời ngay: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 22:43).
Chúa Giêsu đã cho biết: “Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng Lòng Thương Xót của Cha luôn ấp ủ một linh hồn biết tín thác”. Thật là tuyệt vời và vô cùng hạnh phúc cho các tội nhân chúng ta, nhờ tin mà được cứu độ và được sống. Được cứu độ là được về trời với Đức Mẹ, được hưởng phúc trường sinh để đời đời yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong ba đức đối thần (Tin, Cậy, Mến), đức mến quan trọng nhất. Tại sao? Bởi vì đời sau chỉ còn đức mến, không còn đức tin và đức cậy.
Thiết tưởng cũng nên nói thêm một chút: Thật buồn khi thấy có vài người (phụ nữ) đi hành hương nhưng thiếu sự hòa đồng, coi trọng “cái Tôi” quá. Hành hương chứ không là “hành hung”. Đừng lầm lẫn mà chia phe, kết bè với nhau. Thiếu hòa đồng nghĩa là thiếu hy sinh, thiếu hy sinh là thiếu yêu thương, miệng nói mến Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối (1 Ga 4:20), thiếu yêu thương cũng là không thương xót. Mình không thương xót người khác thì làm sao có thể xin Chúa thương xót? Vậy là đối nghịch. Ai yêu thương thì mới có thể “vác thập giá” và “từ bỏ mình” (Mt 10:37-39; Lc 14:26-27). Từ bỏ mình để vác thập giá tức là từ bỏ “cái Tôi” của mình. Như vậy, từ bỏ mình và vác thập giá liên quan gần gũi với yêu thương, tức là thương xót. Đọc kinh nhiều, lần chuỗi nhiều, xin khấn nhiều,... cũng vô ích, nếu không cố gắng thực hành – tức là sống tình yêu thương, thể hiện lòng thương xót.
Người ta tỏ ra thành kính đến với Đức Mẹ La Vang, xin ơn này hoặc ơn nọ, xin cho mình và người khác, nhưng người ta không “làm ơn” cho người khác, không đâu xa mà chính những người đồng hành với mình, vậy thì làm sao Đức Mẹ có thể ban ơn? Nếu Đức Mẹ ban ơn cho họ, mà họ làm như vậy thì họ “vô tình” lại đổ hết ơn phúc đi rồi! Gương tốt là bài học để chúng ta noi theo, gương xấu cũng là bài học nhưng để chúng ta nên tránh, cố gắng đừng tái diễn điều tương tự.
Dọc đường đi theo hình chữ S, người ta không thể không thấy ít nơi sầm uất, còn quá nhiều người thiếu thốn và nghèo khổ, hãy thương xót họ nếu bạn muốn Thiên Chúa xót thương bạn, đó là thực hành mối phúc thứ Năm trong Tám Mối Phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Thương xót bằng cả con tim và đôi tay, đừng thương xót bằng miệng!
Nhân dịp này, chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho các Kitô hữu I-rắc, vì họ đang bị bách hại dữ dội. Họ bị tàn sát rất dã man!
Xin tạ ơn THIÊN CHÚA giàu lòng thương xót và ĐỨC MẸ tràn đầy ơn phúc. Xin Thánh Mẫu La Vang đoái thương và luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng con, những dân con nước Việt Nam vẫn thiếu thốn đủ thứ, phải chịu nhiều bách hại cả tinh thần và thể lý. Xin Chúa thương cứu các tín hữu I-rắc, và xin Đức Mẹ che chở họ. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(1) Nhà thờ Mằng Lăng thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Giáo xứ Mằng Lăng là nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên. Với lịch sử gần 120 năm tồn tại, nhà thờ Mằng Lăng được coi nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam. Tại đây có hang động lưu giữ thánh tích (mớ tóc) của Chân phước Anrê Phú Yên và cũng là nơi lưu giữ cuốn cuốn “Phép Giảng Tám Ngày” của Lm Alexandre de Rhodes (in năm 1651 tại Roma, Ý), đây là sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên.
(2) Vua Cảnh Thịnh lên ngôi năm 1792. Ông ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc ngày 17-8-1798, giáo dân phải tìm nơi lánh nạn tại vùng núi Lá Vằng – tức là La Vang. Trong cảnh thiếu thốn, dân lâm bệnh nhiều mà không có thuốc chữa. Họ họp nhau bên gốc cây đa cổ thụ để lần chuỗi Mai Khôi cầu xin Đức Mẹ cứu giúp. Đức Mẹ hiện ra trong ánh sáng ngời rực rỡ, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu. Một hôm, Đức Mẹ an ủi và động viên họ chịu đau khổ, cố gắng giữ vững Đức Tin, rồi dạy họ hái lá Vằng ở xung quanh đó mà nấu nước uống (màu như trà, hơi đắng) thì sẽ khỏi các chứng bệnh. Đức Mẹ nói: “Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu đau khổ, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời và ban ơn theo ý nguyện”. Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần khác để an ủi và nâng đỡ các giáo dân trốn cơn bách hại đạo. Năm 1972, chiến tranh khốc liệt, gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, nhưng đài Đức Mẹ La Vang vẫn không bị bom đạn làm hư hỏng chút nào. Quả là một phép lạ của Đức Mẹ!
(3) Đền thờ Đức Mẹ Trà Kiệu được xây dựng năm 1898 trên Ðồi Bửu Châu, phía đông Trà Kiệu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Đền thờ dâng kính Đức Maria với tước hiệu Ðức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, mục đích ghi nhớ sự kiện Ðức Mẹ hiện ra ngày 10 và 11-9-1885 để phù hộ cho giáo hữu nơi đây trong cuộc chiến chống lại Phong trào Cần Vương. Đức Mẹ đã động viên: “Các con chớ lo, này Mẹ đây!”.
Theo truyền thuyết, chữ Trà được lý giải là do người xưa gọi người Chiêm Thành là Chùm Chà, chữ Chà được đọc trại ra là Trà, gợi ý nhắc nhở đó là phần đất xưa của người Chàm. Còn chữ Kiệu, do chữ Kiều đọc trại ra, vì “kiều” nghĩa là người ở xa đến, tức là dân Ðàng Ngoài di cư và lập nghiệp tại đây.
(4) Hàn thi sĩ tên thật là Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại Quảng Bình, an nghỉ trong vòng tay Đức Maria ngày 11-11-1940 tại Quy Hòa (Quy Nhơn), được cải táng tới vị trí hiện nay ngày 13-2-1959. Lên hết dốc Mộng Cầm sẽ thấy mộ Hàn thi sĩ bên tay phải, bên tay trái là Nhà thờ Núi, cũng là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu, nơi tôn nghiêm nhưng đầy chất thi ca, có thể cầu nguyện theo thi hứng. Lên cao hơn sẽ thấy khu tư quán với các câu thơ đặc trưng của chàng thi sĩ muốn bán trăng.
|