Theo tin của AP và Zenit ngày 15 tháng 8, ngày thứ hai trong tuần thăm viếng Đại Hàn của Đức Phanxicô, ngài đã đáp xe lửa tới Daejeon, thuộc miền Trung Đại Hàn, để cử hành thánh lễ cho Ngày Giới Trẻ Á Châu.
Nhân dịp này, ngài khuyên người trẻ Á Châu từ bỏ chủ nghĩa duy vật từng tác hại nhiều cho xã hội Á Châu ngày nay. Họ cũng nên từ bỏ các hệ thống kinh tế “bất nhân” chuyên tước đoạt quyền lợi người nghèo. Khuyên như thế, quả ngài muốn đẩy mạnh nghị trình kinh tế của ngài tại một đất nước vốn được coi như là một trong các cường quốc của Á Châu nơi thành tích tài chánh vốn là thước đo chính của thành công.
Đức Phanxicô được tiếp đón nồng nhiệt bởi hàng chục ngàn người trẻ Á Châu khi ngài tới cử hành thánh lễ công cộng đầu tiên tại Nam Hàn, một quốc gia với một Giáo Hội tuy nhỏ nhưng đang lớn mạnh đến nỗi được Tòa Thánh coi là kiểu mẫu cho cả thế giới.
Ngài đáp xe lửa cao tốc tới thành phố Daejeon ở miền Trung, nơi người trẻ Công Giáo khắp Á Châu đang hội họp nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ sáu.
Trong bài giảng, Đức Phanxicô thúc giục người trẻ trở thành lực lượng canh tân và hy vọng cho xã hội. Ngài nói bằng tiếng Ý và được dịch sang tiếng Đại Hàn rằng “Mong họ chống lại sự cám dỗ của một thứ chủ nghĩa vật chất làm tê cứng các giá trị thiêng liêng và văn hóa chân chính và chống lại tinh thần đua tranh vô giới hạn chỉ sản sinh ra lòng vị kỷ và tranh chấp. Mong họ cũng từ bỏ các mô thức kinh tế bất nhân vốn tạo ra các hình thức nghèo đói mới và đẩy công nhân ra bên lề, và nền văn hóa sự chết đang hạ giá hình ảnh của Thiên Chúa, Thiên Chúa sự sống, và vi phạm phẩm giá mọi người đàn ông, đàn bà và trẻ em”.
Sứ điệp của ngài quả là khó nhá tại Nam Hàn, nơi đã phát triển từ hủy diệt và nghèo đói trong Chiến Tranh Triều Tiên của thập niên 1950 thành một trong các nền kinh tế cao nhất của Á Châu. Nhiều người ở đây liên kết thành công với việc khoe của và địa vị. Cạnh tranh trong giới trẻ, nhất là để giành chỗ tại các trường danh tiếng, đã bắt đầu ngay từ lớp mẫu giáo và rất ác liệt. Quốc gia này vốn có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới
Đức Phanxicô nói rằng trong các xã hội “dư thừa ở bề ngoài” như thế, người ta thường trải nghiệm một “nỗi buồn và trống vắng nội tâm. Nỗi thất vọng này đã gây hại cho không biết bao nhiêu người trẻ của chúng ta!”
Đức Thánh Cha nhân dịp này nhấn mạnh rằng Đức Mẹ mời gọi ta hy vọng. Ngài nói: “Nơi Đức Mẹ, mọi lời hứa của Thiên Chúa đã được chứng minh là đáng tin cậy. Được lên ngôi vinh hiển, Mẹ chỉ cho ta thấy lòng hy vọng của ta là có thực; ngay cả lúc này, nó đạt tới chỗ là “chiếc neo chắc chắn và cố định của linh hồn (Heb 6:19) nơi Chúa Giêsu ngự trị trong vinh quang”.
Niềm hy vọng này, Đức Phanxicô nói tiếp, “niềm hy vọng được Tin Mừng đề xuất này chính là phản cực của tinh thần thất vọng hình như đang phát triển như một thứ ung thư trong các xã hội dư thừa ở bên ngoài nhưng thường buồn thảm và trống rỗng bên trong. Niềm thất vọng này đang gây hại trên không biết bao nhiêu người trẻ! Mong sao họ, những người trẻ đang bao quanh chúng ta trong những ngày lòng đầy hân hoan và tin tưởng này, đừng bao giờ bị cướp mất hy vọng!”.
Đối với người Công Giáo Nam Hàn, hôm nay là một ngày lễ kép vì 15 tháng Tám cũng là ngày mừng độc lập của Nam Hàn. Đức Phanxicố ghi nhận điều này khi ngài nói rằng: “Người Đại Hàn, theo truyền thống, cử hành lễ này dưới ánh sáng trải nghiệm lịch sử của họ, coi việc bầu cử đầy yêu thương của Đức Mẹ diễn ra ngay trong lịch sử quốc gia và đời sống nhân dân”.
Đức Phanxicô cũng đề cập tới một bài học khác của Đức Mẹ. Dựa vào lời Thánh Phaolô nói rằng Chúa Kitô là Ađam mới mà sự vâng lời thánh ý Chúa Cha đã khắc phục ách thống trị và nô lệ của tội lỗi và khai mở triều đại sự sống và tự do (cf. 1 Cor 15:24-25), ngài cho hay: tự do đích thực tìm thấy nơi việc âu yếm tuân theo thánh ý Thiên Chúa. “Từ Đức Mẹ, Đấng đầy ơn phúc, ta học thấy rằng tự do Kitô Giáo không phải chỉ là giải thoát khỏi tội. Nó là thứ tự do để nhìn thực tại trần gian một cách mới mẻ, thiêng liêng. Nó là thứ tự do để yêu Thiên Chúa và anh chị em ta bằng một quả tim trong sạch, và sống một cuộc sống hân hoan hy vọng chờ mong Vương Quốc Chúa Kitô”.
Vận động đường túc cầu Daejeon có sức chứa 50,000 người, gần như đã chật ních cả mấy tiếng đồng hồ trước khi Đức Phanxicô tới. Đám đông vẫy khăn trong tiếng vang hô "Viva il papa!" (Đức Thánh Cha vạn tuế!) chào đón ngài khi chiếc xe để hở một bên với mái che trên đầu từ từ tiến vào vận động trường.
Trước khi cử hành Thánh Lễ, Đức Phanxicô đã gặp khoảng hơn 10 người sống sót tai nạn chìm phà hồi tháng Tư và thân nhân những người đã qua đời trong tai nạn này đang đòi chính phủ phải điều tra vụ việc.
Phần lớn hơn 300 người tử nạn trong thảm họa trên là học sinh trung học đang đi du khảo. Các thân nhân của họ đang áp lực các nhà làm luật thiết lập một ủy ban điều tra độc lập và trong sáng. Đảng cầm quyền chống đối áp lực này vì cho rằng một ủy ban quốc hội không có quyền buộc tội.
Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, cho hay: Đức Phanxicô sẽ không can thiệp vào vấn đề mà chỉ an ủi các gia đình mà thôi. Một biểu ngữ ở bên ngoài vận đông trường có hình Đức Giáo Hoàng và câu “Xin ngài hãy lau khô nước mắt của các gia đình Sewol”.
Cha Lombardi không cho biết chi tiết nội dung cuộc gặp gỡ.
Sau Thánh Lễ, Đức Phanxicô dùng bữa trưa với một số người trẻ tham dự ngày hội rồi viếng thăm một đền thờ của thế kỷ 18 nơi vị linh mục Đại Hàn đầu tiên đã được dưỡng dục.
Người Công Giáo Đại Hàn chỉ chiếm khoảng trên dưới 10 phần trăm dân số 50 triệu, nhưng tỷ lệ này đang gia tăng. Có thời từng tiếp nhận các nhà truyền giáo ngoại quốc, nay Nam Hàn đang gửi nhiều linh mục tu sĩ do mình đào tạo đi truyền giáo tại các nước ngoài mà điển hình chói sáng và cảm động nhất là linh mục John Lee với tình khúc “Đừng khóc thương tôi, Sudan!”.
Nhìn khung cảnh buổi lễ trực tiếp truyền hình tại Daejeon trên kênh SkyNews, khán giả không khỏi nức lòng trước viễn tượng Giáo Hội Đại Hàn, vốn do các giáo dân trong nước gầy dựng nên đầu tiên, không linh mục, không đến cả bí tích đúng phép, nay quả thật không thua gì bất cứ một Giáo Hội đàn chị nào trên thế giới.