MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: mỗi ngày một vị thánh
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Phương Pháp Rao Giảng Của Cha Thánh Phêrô Giulianô Eymard
Thứ Tư, Ngày 30 tháng 7-2014
PHƯƠNG PHÁP RAO GIẢNG

Của Cha Thánh Phêrô Giulianô Eymard

 

Lm. Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể

 

Chiều thứ hai 12-05-2014, tại Đại Sảnh Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các viện trưởng và cựu sinh viên của các Học Viện Giáo Hoàng và các trú sở ở Roma. Một số linh mục và chủng sinh trên khắp thế giới đang học tập tại Roma đã đặt câu hỏi cho ĐTC và được ngài trả lời một cách tự nhiên cởi mở, không soạn sẵn.

Một chủng sinh Trung Quốc nêu câu hỏi về đời sống cộng đoàn. ĐTC trả lời rằng không thể chuẩn bị làm linh mục một mình; nhưng phải có cộng đoàn, phải hết sức cẩn trọng để thắng được những mối tội đầu vốn có thể phát sinh trong mối tương quan với anh em mình. “Đừng bao giờ nói sau lưng người khác! Nếu  có điều gì đó phản đối ai hoặc không đồng ý với họ, tôi cần trực tiếp nói chuyện với người ấy. Tán chuyện gẫu... là tai họa cho cộng đoàn. Nói chuyện với ai phải luôn nói mặt đối mặt, và cầu nguyện cho những ai mà chúng ta có vấn đề với họ!”

Trả lời một câu hỏi khác: làm thế nào để là một linh mục theo quan điểm Tân Phúc-Âm-Hóa, ĐTC nói rằng điều quan trọng là đi ra khỏi chính mình, để gần gũi với người khác. “Một sự gần gũi thân ái, một sự gần gũi yêu thương, nhưng còn là một sự gần gũi đích thân nữa”.

ĐTC còn nói thêm rằng sự gần gũi của một mục tử với đoàn chiên có thể đo lường bằng việc quan tâm đến bài giảng. ĐTC nhìn nhận: “Nói chung, các bài giảng của chúng ta là không tốt. Đó chỉ là những bài luận văn hay bài học. Đó là những bài giảng nhàm chán về các chủ đề trừu tượng cũng giống như ở trường học… Chúng ta đang tụt hậu trong lĩnh vực này. Đó là một trong những điểm mà ngày nay Giáo hội cần thay đổi: cải thiện bài giảng để mọi người có thể hiểu rõ hơn”.

·       Rao Giảng là một Đề Tài Đặc Biệt Phù Hợp trong Năm Tân Phúc-Âm-Hóa

     Phẩm chất của việc rao giảng có thể được xác nhận và đánh giá bằng cách xem xét người rao giảng liên hệ ra sao với những người khác – nghĩa là người được giao phó sứ vụ truyền đạt Lời Chúa “đối diện” với những người khác như thế nào. Sự “đối diện” này bao hàm việc thực sự đối diện với nhau giữa người với người, mang tính cách tế nhị hơn và cá nhân hơn nhiều, so với các mối quan hệ qua Facebook hay những phương tiện khác trong mạng lưới truyền thông toàn cầu ngày nay. Việc “đối diện” này không chỉ đòi hỏi phải gặp gỡ những người khác ở trước mặt chúng ta, nhưng còn phải chú tâm đến họ, lắng nghe họ, nhạy cảm trước những kinh nghiệm, niềm vui, nỗi đau khổ và niềm hy vọng của họ, cảm nhận những mong ước và những nỗi khao khát của họ.

Nhờ có sự “đối diện” với người khác mà mỗi bài giảng có một liên hệ nào đó với niềm vui, hy vọng, nỗi đau buồn và lo lắng của người nghe. Mục đích của điều này là để có thể làm động não người nghe. Nếu không làm động não được người nghe, thì dù luận lý có rõ ràng, câu văn có đa dạng, người nghe có thể bị ấn tượng, nhưng không có gì xảy ra. Người thuyết giảng cần phải liên hệ bản văn Kinh Thánh với đời sống của Kitô hữu hôm nay. Nếu trong các bài giảng, chúng ta nói về những hoàn cảnh sống thật một cách cụ thể, chắc chắn chúng ta nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người nghe.

Các giám mục Mỹ phát biểu rằng nhiệm vụ của việc Tân Phúc-Âm-Hóa hệ tại ở việc “đề xuất lại cuộc gặp gỡ với Chúa Sống Lại, Tin Mừng và Giáo Hội của Người, cho những ai không còn nhận thấy sứ điệp của Giáo Hội là hấp dẫn nữa”. Tình trạng này không phải do những người này đang đánh mất ý thức của họ đối với cam kết Kitô giáo, mà là do cách trình bày nghèo nàn về Tin Mừng của những người đi rao giảng. Do đó, thật đáng chăm chú suy nghĩ về cách rao giảng của một vị thánh mà thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII gọi là “Tông Đồ Nổi Bật của Thánh Thể”. Năm 1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa cha Thánh Eymard vào lịch phụng vụ kính nhớ ngày 2 tháng 8 mỗi năm.

·       Cha Eymard Đối Diện với Niềm Khao Khát của Con Người về Thiên Chúa

Lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày phong thánh nhà rao giảng không mệt mỏi về mầu nhiệm Thánh Thể được cử hành ngày 9-12-2012. Việc cha Phêrô Giulianô Eymard, sáng lập Dòng Thánh Thể, được tôn phong là một vị thánh ngay khi kết thúc phiên họp đầu tiên của Công Đồng Vatican II mang ý nghĩa là đời sống của ngài được nhìn nhận và nâng lên như là đáng tôn kính và noi gương. Trong khi giáo huấn của cha thánh Eymard cũng giúp chúng ta, như một gương mẫu truyền cảm hứng, về cách thức dẫn dắt mọi người gặp gỡ Thiên Chúa Hằng Sống, và nhờ đó được biến đổi thành một cộng đoàn những người có khả năng “đối diện” với nhau, trong việc phục vụ yêu thương.

Cha Eymard ý thức hậu quả tàn phá của cuộc Cách Mạng Pháp làm phát sinh một bầu khí dửng dưng đối với đức tin, và gia tăng tinh thần của chủ nghĩa thế tục theo lý trí. Những kẻ thuộc giai cấp tư sản và thế giới kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề chủ nghĩa này khiến họ bị chai lì, không nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa nơi những người không được ưu đãi như họ. Mối quan tâm sâu xa của ngài dành cho những người bị tước đoạt khỏi niềm hy vọng, bị thất vọng và cô độc, không có Thiên Chúa, bất kể những lời hứa hẹn được đưa ra về sự tiến bộ và niềm hạnh phúc vật chất. Do đó, sứ vụ của cha Eymard hướng tới việc bày tỏ khuôn mặt của Thiên Chúa, qua lòng thương xót trong Đức Kitô, Đấng mà ngài vẫn chuẩn bị các bài giảng của mình trước sự hiện diện của Thánh Thể. Ngài luôn chuẩn bị bài giảng trong sự cầu nguyện. Chuẩn bị một một bài giảng thực sự là một công việc khó khăn, nhưng đó cũng là một công việc thánh.

·       Lòng Nhiệt Thành của Cha Eymard đối với việc Rao Giảng

Với tư cách là một linh mục trong các giáo xứ ở thôn quê, cha Eymard biết được nhu cầu về tình bạn nơi các linh mục đồng chí hướng. Sau khi trở thành linh mục Dòng Đức Maria, ngài từng trải nghiệm những sức ép của công việc, bao gồm việc chuẩn bị các bài giảng, mà ngài bắt đầu giải quyết với lòng nhiệt thành và rất nghiêm túc. Năm 1845 đặc biệt khó khăn, vì cha Jean-Claude Colin, sáng lập Dòng Đức Maria, đã giao cho ngài nhiệm vụ quan trọng là giảng dạy trong khóa học về các bài giảng Mùa Chay tại nhà thờ La Charité dành cho giới thượng lưu. Đây là lần đầu tiên các linh mục Dòng Đức Maria được mời đảm nhận một sứ vụ đặc biệt như vậy, khiến một số linh mục trong Dòng phản đối, vì cho rằng việc này không phải là sứ vụ của Dòng mà nên dành cho những giáo xứ trong các khu vực thôn quê.

Người linh mục trẻ Eymard chỉ mất một tháng rưỡi để tự chuẩn bị cho khóa học mỗi tuần 3 bài giảng. Chính cha Colin đã đến nghe ngài giảng, và phê bình phẩm chất của cách ngài rao giảng là tầm thường và không phải là không có lỗi. Một thời gian ngắn sau, trong kỳ tĩnh tâm ở Đền Thờ Đức Maria tại Fourvrière, cha Eymard ghi nhận rằng Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh đã chỉ cho ngài thấy trở ngại lớn nhất đối với sự trọn lành thiêng liêng là do ngài sao lãng việc rèn luyện lòng đạo đức trong sự chú ý của ngài dành cho việc học tập, rao giảng.

·       Cha Eymard Đối Phó với những Nhu Cầu của các Linh Mục

Cha Eymard nhận thấy việc rao giảng, trách nhiệm đầu tiên được đề cập trong nghi thức truyền chức thánh, đã bị nhiều linh mục sao nhãng hoặc thực hiện một cách sơ sài nghèo nàn. Trong bài giảng cuối cùng của mình trong ngày Lễ Hiện Xuống, cha Eymard vạch ra cho thấy nhiều linh mục “bị mắc kẹt trong việc sùng bái sự chết” thay vì truyền cảm hứng cho mọi người để họ vui mừng với sự sống phong phú mà Đức Giêsu đến để “cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10), và Người vẫn tiếp tục trao ban sự sống dồi dào ấy trong Thánh Thể, một bảo chứng cho vinh quang tương lai. Qua kỳ tĩnh tâm dài tại Roma, trong tinh thần cầu nguyện, cha Eymard suy nghĩ về một sự kiện đáng buồn, đó là tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ trong mầu nhiệm nhập thể lại hầu như không được các linh mục biết đến, suy nghĩ hoặc rao giảng.

Vốn là một người có bản chất tốt, thấm đẫm tình yêu của Đức Kitô, người Mục Tử Nhân Lành, cha Eymard không phê phán nghiêm khắc hoặc kết án các anh em linh mục trong sứ vụ, nhưng hướng tới tình bác ái mục vụ dành cho họ cũng như các tín hữu. Ngài hiểu rằng lòng yêu mến đối với Thánh Thể và nhiệm vụ rao giảng cho những người khác về Thánh Thể có thể rất dễ dàng trở nên nhạt nhẽo, làm cho các linh mục giáo xứ, những người vốn thiếu đời sống cộng đoàn, cảm thấy nản lòng, kiệt quệ năng lực thiêng liêng và thể lý, vì công việc nhàm chán hằng ngày và gánh nặng của những bổn phận về mặt quản trị.

Cha Eymard nhận ra tình trạng lãnh đạm âm thầm len lỏi vào đời sống linh mục sẽ lấy đi nhiều niềm vui và lòng nhiệt thành khi các linh mục bước lên bàn thờ và tòa giảng. Ngài nhớ lại thánh Bonaventura nói tính cách hững hờ lãnh đạm ấy đang là một chứng bệnh. Vì thế cha Eymard tìm cách khích lệ tinh thần và kích thích lòng nhiệt thành trong tâm hồn những người được Chúa giao nhiệm vụ quan trọng không thua gì các tông đồ đã từng làm, đó là rao giảng Tin Mừng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 18-19). Nhiệm vụ này không thể chối bỏ được.

Thái độ nhiệt thành của cha Eymard đối với hàng giáo sĩ được các giám mục nhận ra, và ngài đã sẵn sàng đáp lại lời các giám mục yêu cầu ngài giảng trong các kỳ tĩnh tâm của các linh mục hoặc chủng sinh. Đó là một công việc rất khó và rất ít linh mục muốn đảm nhận. Cha Eymard khuyên bảo nhiều người, tiếp nhận vào cộng đoàn mình một số người đang tìm kiếm sự nghỉ ngơi hoặc tĩnh dưỡng về mặt thiêng liêng. Trong mối quan tâm đối với các linh mục, nhất là các linh mục gặp khó khăn khủng hoảng trong đời tu, ngài đề ra một kế hoạch mời gọi các linh mục đến để cùng cầu nguyện với nhau, cũng như thảo luận về các vấn đề mục vụ và những mối bận tâm cá nhân, trong tình huynh đệ. Tình bác ái huynh đệ của Ngài với anh em linh mục được diễn tả qua câu nói: “Tôi sẽ để lại tất cả mọi sự cho các linh mục”.

·       Rao Giảng - Tiếng Nói “Từ Trái Tim đến với Trái Tim”

Có rất nhiều ví dụ về lòng nhiệt thành khi đảm nhận sứ vụ rao giảng từ những ngày đầu đời mục tử của cha Eymard. Chẳng hạn, ngày 7-6-1838, ngài ghi trong cuốn sổ tay cá nhân: “Rao giảng là phương tiện chính mà Đức Giêsu Kitô đã chọn và ra lệnh, hầu mang lại sự hoán cải cho các tâm hồn, nhờ đó giáo huấn của Đức Kitô được tiếp tục trong giáo hội”. Chúng ta cùng nhau gợi lại một số lời khuyên của cha Eymard về cách làm thế nào để rao giảng tốt, cũng như hưởng ơn ích từ các bài giảng.

Cha Eymard nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đừng quên cầu xin Thiên Chúa ban ơn thấu hiểu và chăm chú lắng nghe Lời Chúa, đúng như thánh Augustinô nhận định: “Tất cả những điều rao giảng bên ngoài đều sẽ vô ích, trừ phi Thiên Chúa nói bên trong”. Cha Eymard tiếp tục nhấn mạnh rằng người rao giảng cần phải hiểu rõ toàn bộ những điều mình rao giảng, từng câu, từng chữ phải rõ ràng. Nếu người rao giảng không nắm bắt rõ ràng chính xác những gì mình nói ra thì làm sao người nghe có thể hiểu được người rao giảng đang nói cái gì. Bài giảng không phải là một cái “lẩu thập cẩm” trong đó chứa đựng những câu, những từ rất văn chương bóng bảy được “lắp ráp” lại với nhau một cách vô hồn, vô nghĩa. Người đứng trên bục giảng đọc bài “lắp ráp” ấy nghe kêu lắm, hùng hồn lắm, nhưng thực chất thì rỗng tuếch, “thùng rỗng kêu to”. Người soạn bài giảng toàn là vay mượn chữ nghĩa ở chỗ khác, cắt dán lắp ghép từ ngữ với nhau thành bài giảng như em bé chơi trò ghép hình mà thôi. Cũng phải tránh những từ trừu tượng, ý tưởng mơ hồ trên mây trên gió, chẳng ai vươn tới. Không nhất thiết phải dùng những từ “dao to búa lớn, những thuật ngữ chuyên môn, hoặc cả những từ ngữ mà người ta không hiểu nghĩa. Thận trọng dùng đúng chữ trong mỗi hoàn cảnh. Người nghe muốn bài giảng phải phát xuất từ trái tim chứ không phải chỉ từ cái đầu. Họ muốn người rao giảng ở với họ chứ không ở trên họ, có một đời sống như họ và chia sẻ những kinh nghiệm với họ. Họ mong muốn người rao giảng nói từ chiều sâu của tâm hồn chứ không chỉ nói những điều trên sách vở nặng tính lý thuyết, nhất là đừng bao giờ dùng tòa giảng để “chửi xéo, “mắng vốn, “hù dọa, “nói bóng nói gió cho thỏa mãn những bức xúc, cảm tính cá nhân, cũng đừng bao giờ “bóp méo Lời Chúa” để phục vụ cho ý đồ cá nhân của mình.

Điều quan trọng là người rao giảng phải vững tin vào những chân lý được rao giảng thay cho Thiên Chúa và giáo hội. Có như thế thì người nghe mới chăm chú lắng nghe một cách kính trọng, như thể chính Đức Giêsu đang nói bên trong người rao giảng, và với mong ước thực sự rút ra được những ơn ích từ đó, chứ không phải chỉ vì tò mò. Do đó, từng lời rao giảng nên được tiếp nhận vào tâm hồn chính người rao giảng, như những vấn đề liên quan đến bản thân mình thay vì những người khác. Cha Eymard cũng nhắc lại lời khuyên của thánh Anphôngsô Ligouri là nên ưu tiên chọn một phong cách đơn giản hơn là lối nói hoa mỹ có vẻ cao cấp hoặc giả tạo. Nói cách khác, nên chọn một cung giọng nói chuyện, như người ta vẫn nói, khi đối diện với những người bình thường.

·       Chỉ được Thôi Thúc nhờ Tình Yêu của Đức Kitô

Tình yêu của Đức Kitô đã thôi thúc cha Eymard, như tình yêu này đã từng thôi thúc Thánh Phaolô (2 Cr 5,14). Ngài quyết định đọc và theo giáo huấn của vị tông đồ vĩ đại này, từ khi ngài có một kinh nghiệm sâu xa lúc kiệu Thánh Thể trong cuộc rước kiệu lễ kính Mình Máu Thánh Đức Kitô tại giáo xứ Thánh Phaolô ở Lyons ngày 25-5-1845.

Cha Eymard luôn được lòng nhiệt thành thánh thiện truyền cảm hứng với mục tiêu nhằm hoán cải và khai sáng, trong khi vẫn tìm cách kích thích những người khác. Ngày 17-10-1867, hướng dẫn một nhóm tu sĩ đang chuẩn bị chịu chức linh mục, cha Eymard nhắc nhở, ngay cả khi có được sự tự tin trong việc rao giảng, thì chúng ta vẫn hoàn toàn nên tránh thói tự đắc, hoặc tìm cách lôi cuốn sự chú ý của người khác đến bản thân mình. Từ những ngày đầu, với tư cách là một linh mục Dòng Đức Maria, ngài đã nỗ lực sửa chữa khuynh hướng tự đắc của mình. Rõ ràng thói tự đề cao bản thân làm giảm bớt ý định thuần túy của việc tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Đúng hơn, người rao giảng nên noi theo thái độ khiêm tốn của Thánh Gioan Tẩy Giả: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Cha Eymard thường xuyên trích dẫn câu này. Ngài ý thức sâu xa rằng mình chỉ là một sứ giả tin vui của Đức Kitô, giống như Vị Tiền Hô là sứ giả của Người, mà khi mất đi mạng sống của mình, đã bày tỏ được khuôn mặt của Đức Kitô. Thái độ này hoàn toàn là một với nét đặc trưng của Dòng Đức Maria, như vị sáng lập vẫn thường lập lại: “Trở nên không được biết đến, và như thể ẩn mình trong thế giới này”.

Chìa khóa thật sự người ta thích các bài giảng không phải là sự khéo léo thu hút trong cách rao giảng, nhưng là các bài giảng ảnh hưởng đến đời sống của họ như thế nào. Giữa việc thán phục một tác phẩm nghệ thuật, một bài thơ, một bản nhạc với việc chịu ảnh hưởng của nó có sự khác nhau. Giáo dân ngày nay thích nghe một bài giảng hay, không phải vì ý tưởng này nọ, nhưng vì nó kéo dài suy nghĩ của họ một cách đặc thù và hữu ích: Bài giảng của cha rất có ý nghĩa với chúng con, vì nó cho chúng con một điều gì đó để nghiền ngẫm, và giúp chúng con sửa đổi lại đời sống cho phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng”. Nếu bài giảng ở lại với người nghe, làm họ suy nghĩ, khuyến khích họ sửa đổi đời sống, và thực hiện một việc hoán cải tận căn, đó là một dấu chỉ người rao giảng đang đi đúng đường.

Chúng ta loan truyền tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa chủ yếu qua việc rao giảng. Cha thánh Eymard Tông Đồ Thánh Thể đã hoạt động cật lực nhằm cải thiện phẩm chất việc rao giảng của ngài, và là bậc thầy về nghệ thuật này, đặc biệt vì ngài đã sống những điều mình rao giảng và rao giảng điều mình sống như nhận xét của người đã nghe cha giảng: “Chính tầm nhìn chỉ riêng của cha Eymard, chính cách sống của cha... là một bài giảng hùng hồn!”

Lễ Thánh Eymard 2-8-2014

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thứ Ba: Sự Sống Trung Thực (ngày 25: 1. Thánh Louis Ix, Vua Nước Pháp) (8/26/2015)
Thánh Gioan Maria Vianney Và Tòa Giải Tội (8/3/2015)
Thánh Phanxicô Assisi, Sứ Giả Hòa Bình, Lm Giuse Nguyễn Hữu An (10/4/2014)
Têrêsa, Vị Thánh Của Thời Đại (9/25/2014)
9 Tháng Chín --- Thánh Phêrô Claver (1581-1654) (9/10/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Thánh Gioan Maria Vianney Với Sứ Vụ Thánh Thể --- Dennis J. Billy, Cssr. (7/30/2014)
Tin/Bài khác
Thánh Nữ Maria Magdalene Trong Hội Họa (7/23/2014)
Chúa Nhật, Ngày 17/11/2013 --- Hạnh Các Thánh, Lẽ Sống, 5 Phút Cầu Nguyện (11/17/2013)
Thánh Caterina Ở Genova (11/11/2013)
Thứ 5, Ngày 10/10/2013 --- Hạnh Các Thánh, Lẽ Sống, 5 Phút Cầu Nguyện (10/10/2013)
Thứ 4, Ngày 9/10/2013 --- Hạnh Các Thánh, Lẽ Sống, 5 Phút Cầu Nguyện (10/9/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768