Lễ Thánh Tâm và Sự Sống
Hôm nay, Thứ Sáu là ngày Lễ Trọng Kính Thánh Tâm Chúa của Giáo Hội hoàn vũ, và ngày mai, Thứ Bảy là Lễ Kính Nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Tại sao 2 Lễ Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria lại sát liền với nhau như thế?
Trước hết, nếu để ý, chúng ta thấy, Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, từ Đại Lễ Thánh Thần Hiện Xuống đến hết tuần Lễ Chúa Kitô Vua, tức trước Chúa Nhật I Mùa Vọng, được mở màn bằng các lễ trọng liền nhau: 1- Đại Lễ Thánh Thần Hiện Xuống; 2- Lễ Trọng Chúa Ba Ngôi (Chúa Nhật sau Lễ Thánh Thần Hiện Xuống); 3- Lễ Mình Máu Thánh Chúa (Thứ Năm trong tuần lễ sau Lễ Chúa 3 Ngôi); 4- Lễ Thánh Tâm Chúa (Thứ Sáu trong tuần sau Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi và 5- Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria (Thứ Bảy ngay sau Lễ Thánh Tâm).
Trong 5 lễ mở màn cho Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh này, có đến 3 lễ được xuất phát từ mạc khải tư, đó là Lễ Mình Máu Thánh Chúa liên quan đến Chị Thánh Juliana người Bỉ ở Liège vào năm 1208 và được cử hành chung Giáo Hội từ năm 1264; Lễ Thánh Tâm Chúa liên quan đến Chị Thánh Magarita à Lacoque người Pháp từ ngày 27/12/1673; và Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria liên quan đến Nữ Tu Lucia, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima năm 1917, được Tòa Thánh thiết lập năm 1944 để cử hành chung trong Giáo Hội hoàn vũ, (trước đó địa phương được phép mừng Lễ Khiết Tâm Mẹ Maria và vào ngày 22/8 hằng năm, cho đến sau Công Đồng Chung Vaticanô II canh tân phụng vụ từ đầu thập niên 1970 mới được mừng ngay sau Lễ Thánh Tâm Chúa).
Nếu Mùa Phục Sinh liên quan đến chủ đề "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25), thì Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh là mùa loan truyền Tin Mừng Sự Sống (xem 1Gioan 1:1-4). Bởi thế, các Lễ Trọng về Chúa mở màn cho Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh đều liên quan đến Tin Mừng Sự Sống hay Phúc Âm Sự Sống (The Gospel of Life / Evengelium Vitae - nhan đề Thông Điệp của ĐTC GPII ban hành ngày 25/3/1995).
Sự Sống đó được thông ban ra sao - bởi Thánh Thần Hiện Xuống là Đấng ban Sự Sống: Sự Sống đó xuất phát từ đâu - Từ Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch Sự Sống (xem Mathêu 28:19); Sự Sống đó ở đâu - nơi Thánh Thể là Bánh Sự Sống (xem Gioan 6:48); Sự Sống đó tại sao được ban phát - vì Thánh Tâm Chúa Giêsu là biểu hiệu cho tình yêu vô cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại; Sự Sống đó muốn được thông hưởng phải làm thế nào - phải như Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria tiêu biểu cho "đức tin tuân phục" (Rôma 1:5) nơi loài người trong việc chấp nhận và đáp ứng tình yêu Thiên Chúa. Sau nữa, ngoài ý nghĩa liên kết mật thiết với nhau giữa 5 lễ về Sự Sống Thần Linh mở đầu cho Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh này, riêng hai Lễ Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria còn có một liên hệ bất khả phân ly thế này.
Nếu Thánh Tâm Chúa Giêsu là tiêu biểu cho tình yêu nhưng không vô đối của Thiên Chúa đối với nhân loại thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là tiêu biểu cho tình yêu của loài người đối với tình yêu vô cùng của Thiên Chúa. Thế nhưng, cho dù Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria có thật sự "đầy ân phúc" (Luca 1:28) ngay từ khi vừa được hoài thai trong lòng thai mẫu, thì một tình yêu xuất phát từ con tim thuần túy nhân loại như Mẹ vẫn không thể nào yêu mến Thiên Chúa như Ngài toàn toàn, toàn ái vô cùng đáng yêu.
Bởi thế, vì chẳng những là Thiên Chúa thật mà còn là người thật, Thánh Tâm Chúa Giêsu không phải chỉ tiêu biểu cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại mà còn là chính trái tim của nhân loại đáp đền tình yêu của Thiên Chúa nữa trong việc nhận biết và đáp ứng tình yêu vô cùng của Thiên Chúa, cho đến độ "đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá" (Philiphê 2:8), và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, tiêu biểu cho tình yêu của loài người và đại diện cho loài người, "dưới chân thập giá Chúa Giêsu" (Gioan 19:25), đã hiệp thông với Thánh Tâm Chúa Giêsu để có thể xứng đáng đáp đền tình yêu của Thiên Chúa.
Chưa hết, Thánh Tâm Chúa Giêsu đã bị lưỡi đòng đâm vào trên thập tự giá khiến "máu và nước chảy ra" (Gioan 19:34), khi thi thể đã "gục đầu xuống" (Gioan 19:30) của Người không còn cảm thấy đớn đau gì nữa, thì bấy giờ không còn ai đớn đau như Mẹ, Người Mẹ đã đau cái đau thay Con, đau cái đau của Con và đau cái đau với Con, một cơn đau đến cùng tận để nhờ đó có thể đồng công cùng Con Mẹ hạ sinh loài người và làm Mẹ Giáo Hội (xem Gioan 19:26-27 - Tước Hiệu Mẹ Giáo Hội đã được Đức Phaolô VI chính thức công nhận và tuyên bố ngày 21/6/1964 trước Công Đồng Chung Vaticanô II khi ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội 'Ánh Sáng Muôn Dân - Lumen Gentium).
Ở Fatima, vào lần hiện ra thứ 2 ngày 13/6/1917, Mẹ Maria đã nói với riêng với Lucia là một trong 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải bấy giờ rằng: "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa", đúng như đường lối tận hiến "Per Mariam ad Jesum - Nhờ Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu" được Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) trình bày và phát động trong cuốn tiểu luận về "Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" của ngài từ đầu thế kỷ 18, một tác phẩm đã ảnh hưởng sâu đậm đến Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đã lấy khẩu hiệu "tutus tuus" tác phẩm Thánh Mẫu thời danh này, khoản 233.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin hoán cải con trở nên trẻ nhỏ của Lòng Thương Xót Chúa để con biết nhìn anh chị em con bằng ánh mắt của tình yêu vô cùng nhân hậu của Chúa như Mẹ Maria, cho tất cả được hiệp nhất nên một trong Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
|