Thứ Sáu, ngay 27 thang 6 nam 2014 Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
“Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta”
Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Vì thế trong ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, các tiên tri đã dùng nhiều hình ảnh để miêu tả tình yêu của Thiên Chúa: hình ảnh của người cha hoặc người mẹ đối với con cái, hình ảnh người chồng đối với người vợ mình, hình ảnh người mục tử đối với đoàn chiên. Hình ảnh người mục tử được tiên tri Êdêkien dùng (bài đọc I) và sau này cũng được Chúa Giêsu dùng lại trong Phúc Âm. Hoàn cảnh của dụ ngôn
Để hiểu bài Phúc Âm hôm nay một cách thấu đáo chúng ta không thể bỏ qua hai câu ngắn ngủi đầu chương 15 của thánh Luca: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Những người thu thuế và những người tội lỗi không được xem là những thành phần toàn vẹn của cộng đoàn tôn giáo và xã hội Israel. Những người Biệt phái cho mình là những người đạo đức, tuân giữ khắt khe lề luật của Thiên Chúa, nên tránh xa lớp người thấp hèn kia. Họ sợ bị hoen ố khi phải tiếp xúc với những người như thế.
Còn Chúa Giêsu thì làm ngược lại: Người vào nhà những người thu thuế và tội lỗi trò chuyện với họ như những bạn hữu; Người để cho những người phụ nữ xấu nết động chạm đến Người, hôn chân Người. Hơn thế nữa, Người còn dùng bữa với họ. Theo quan niệm người Do Thái, cùng ăn cùng uống với nhau biểu lộ một giao ước trọn vẹn, một tình liên đới chặt chẽ. Vì thế những người Biệt phái trách móc Chúa Giêsu.
Để biện minh cho thái độ của mình, Chúa đã kể cho họ câu chuyện người mục tử đi tìm con chiên lạc. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta trái tim
của Thiên Chúa, những tâm tình sâu xa của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ý nghĩa của dụ ngôn
1. Trước hết chúng ta nhận thấy là dưới ánh sáng của dụ ngôn Người mục tử, các sấm ngôn của Êdêkien đã loan báo dự định của Thiên Chúa: “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta và Ta sẽ chăm sóc chúng” (bài đọc I, Ed 34,11). Các mục tử của dân Do Thái là các vua, các tư tế. Họ đã không chu toàn sứ mạng của họ. Họ đã tỏ ra tham lam, hà khắc. Nên họ chỉ đem lại bất hạnh cho dân. Vì thế Thiên Chúa tuyên bố: “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta”. Điều đó đã được thực hiện qua mầu nhiệm Nhập Thể. Khi Ngôi Lời làm người, đến sống giữa loài người, là chính Thiên Chúa, như một người mục tử, đến giữa đoàn chiên. Chính Thiên Chúa đích thân săn sóc đoàn chiên và đi tìm con chiên lạc. 2. Qua hình ảnh người mục tử đi tìm con chiên lạc, chúng ta nhận ra được đặc điểm trong tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta.
a) Tình yêu của Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước: Người đã yêu thương loài người chúng ta, khi chúng ta còn là hư không và nhất là khi chúng ta còn là thù địch với Người, còn sống xa Người:
* Khi chúng ta còn hư không, Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, ban cho chúng ta sự sống và cả vũ trụ huy hoàng này;
* Khi chúng ta còn là thù địch với Người, nghĩa là khi chúng ta còn sống trong tội lỗi, thì Người đã cứu chuộc chúng ta bằng cái chết đẫm máu của Đức Kitô. Thánh Phaolô đã viết trong thư Rôma: “Bằng chứng tỏ lòng Thiên Chúa thương ta, chính là khi ta hãy còn tội lỗi, mà Đức Kitô đã chết thay ta”. Trước khi tội nhân quay trở về, thì Thiên Chúa đã yêu thương họ rồi, và mặc khải tình yêu ấy qua cái chết trên thập giá của Đức Giêsu. Chính nhờ tình yêu ấy mà tội nhân có đủ sức mạnh để hoán cải và trở về; b) Tình yêu của Thiên Chúa đặc biệt hướng về những người bé mọn thấp hèn: Lẽ dĩ nhiên, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, nhưng tình yêu ấy đặc biệt quan tâm đến những người đau khổ trong tâm hồn và trong thể xác. Những người thu thuế, những người tội lỗi đều là những người đau khổ trong tâm hồn, những người bị xã hội Do Thái khinh dễ và khai trừ. Khi con Thiên Chúa xuống trần gian, Người đón tiếp hết mọi người, nhưng đặc biệt Người quan tâm đến những người thấp hèn: các phụ nữ, các trẻ em, những người chăn chiên, chăn cừu, những người đau ốm, những người thu thuế, những người tội lỗi… Có lần Chúa Giêsu nói: “Chỉ có người bệnh mới cần đến thầy thuốc”. Và Chúa đến trần gian với tư cách là Thầy thuốc. Thầy thuốc của tâm hồn. Người còn nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10).
“Những gì đã hư mất” là kiểu nói Do Thái để chỉ những người tội lỗi những người bị xã hội ruồng bỏ. Như ta đã thấy, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người.
Dẫu con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa cũng đi tìm cho được. Tình yêu của Người có đủ quyền năng để thuyên chữa mọi tật nguyền của tâm hồn chúng ta. c) Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu cá biệt duy nhất. Người không yêu chúng ta một cách chung chung, nhưng quan tâm đến từng người. Tiên tri Êdêkien đã nói về sự quan tâm của Thiên Chúa: “Chiên lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức. Con nào béo mạnh, Ta sẽ giữ gìn.”
Dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể còn làm nổi bật tình yêu của Thiên Chúa dành cho từng người: Một con chiên bị thất lạc thôi, người mục tử để 99 con kia lại đó để đi tìm kiếm nó. Khi tìm được, người mục tử vác nó lên vai đưa về, rồi mời bạn hữu chia vui. Như vậy, mỗi một người chúng ta đều có một giá trị vô biên trước mặt Thiên Chúa. Thái độ của chúng ta
Chỉ có Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô mới có một tình yêu cao cả như thế. Đứng trước tình yêu ấy của Thiên Chúa, thái độ của chúng ta như thế nào?
1. Trước hết, chúng ta hãy đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, với tâm tình sung sướng và biết ơn. Chúng ta phải ý thức rằng chúng ta được cứu rỗi không phải vì chúng ta đã lập được công nghiệp gì, nhưng vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta và đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế. Khi chúng ta còn là tội nhân, tình yêu của Thiên Chúa đã đi trước và tình yêu ấy thật là đại lượng. Vì thế không ai trong chúng ta được thất vọng. Dẫu chúng ta có tội lỗi đến đâu, có lạc xa Chúa đến đâu thì tình yêu của Thiên Chúa cũng có đủ sức để biến đổi trái tim chúng ta.
2. Sau nữa, chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu trong cách đối xử với anh chị em chúng ta. Người nói: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Cho dẫu anh em chúng ta có lầm lỗi đến đâu, chúng ta cũng không được thất vọng, nhưng hãy dùng tình thương mà đối xử với họ. Chỉ có tình thương mới đưa lại an vui cho mọi gia đình, mọi tâm hồn và có khả năng biến đổi thế giới.
LM Norbertô Mùa Thường Niên Năm A
|