THÁNH THỂ- BÍ TÍCH CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG
Ngày 20-6-14, công an quận Gò Vấp đang tạm giữ hình sự nghi can Đòan Văn Gia (45 tuổi, ngụ P.11, Q.Gò vấp) về hành vi giết người. Trưa 18-06, sau khi tàn tiệc đám giỗ bố của Gia tại nhà, Gia gọi mẹ và các chị em trong gia đình lại bàn việc bán căn nhà để chia gia tài. Chị ruột của Gia là bà Hương muốn mua lại căn nhà với giá 2,5 tỉ đồng. Gia không đồng ý vì có người hỏi mua gía 3,3 tỉ nên xảy ra cự cãi. Trong lúc tức giận, Gia lấy dao đâm người chị ruột và em gái. Hai nạn nhân được đưa đi cấp cứu, nhưng người chị ruột đã tử vong (Pháp Luật, 21-6-14).
Ngày 2-6-14, công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt khẩn cấp Nguyễn Giang Anh (25 tuổi)- nghi phạm giết người, cướp của, hiếp dâm một bà cụ hàng xóm 75 tuổi. Lúc 0g00 ngày 29-5, Nguyễn Giang Anh lẻn vào nhà Lê Thị Ba (75 tuổi, ngụ xã Vĩnh Phú Tây, Bạc Liêu) dùng dao cắt giây giăng mùng, rồi khống chế, cắt cổ khiến bà Ba chết tại chỗ. Sau đó Giang lục lấy của bà Ba một chỉ vàng và 4 triệu đồng, rồi thực hiện hành vi hiếp dâm thi thể nạn nhân trước khi trốn khỏi hiện trường. Bà Ba sống neo đơn một mình bằng nghề bán chuối chiên tại nhà (Tuổi Trẻ 3-6-14).
Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta có thể đọc thấy hàng loạt những tin như thế : tranh giành, hận thù, chém giết, ghen tuông, ẩu đả. Có những cái chết lãng nhách, chỉ vì một phút bốc đồng, chỉ vì một câu nói khích. Thế là án mạng xảy ra! Trong một thế giới văn minh tiến bộ lên đến tột đỉnh nhưng lòng thương xót lại xuống dốc không phanh, con người đối xử với nhau không còn cảm thấy “sống trên đời sống cần có một tấm lòng” mà chỉ còn “máu lạnh và sự vô cảm” thì Giáo Hội nhấn mạnh đến lòng thương xót. Và ngày 30-04-2000 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lập ra Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót , và Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu, được gọi là “Bí Tích Của Lòng Xót Thương”.
Mình Máu Thánh Chúa Kitô là mầu nhiệm vượt quá mọi suy tưởng loài người, giống như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi vậy. Và cũng như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Thánh Thể chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới diễn tả nổi, mà kẻ muốn hiểu biết cũng phải lắng nghe bằng ngôn ngữ của tình yêu. Đó là tiếng nói của Thánh Thần ở tận trong sâu thẳm của tâm hồn mình.
Chúa Nhật 4-4 liền sau đại lễ Phục Sinh, sau khi hiệp lễ, thánh Faustina được đắm mình trong Chúa, được kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa. Chị ghi lại : “Ôi, chớ gì các linh hồn đều muốn hiểu biết Thiên Chúa yêu thương họ như thế nào! Tất cả mọi so sánh, dù có dịu dàng hay mạnh mẽ đến đâu cũng chỉ là một bóng mờ khi đặt bên cạnh thực tại” (NK, 1073).
Trong giờ chầu Thánh Thể, chị thánh Faustina đã nghe những lời an ủi này: “Con hãy nói cho thế giới về lòng thương xót và tình yêu của Cha. Những ngọn lửa xót thương đang làm Cha rạo rực. Cha muốn trào đổ trên các linh hồn. Ôi, người ta sẽ làm Cha đau khổ biết bao nếu không sẵn lòng đón nhận những ngọn lửa xót thương ấy! Con hãy làm hết khả năng của con để truyền bá việc tôn thờ lòng thương xót của Cha. Cha sẽ bù đắp những gì con còn thiếu sót. Con hãy nói cho mọi người biết Cha là toàn yêu và toàn thương. Khi một linh hồn đến với Cha trong niềm tín thác, Cha sẽ ban tràn đầy ân sủng đến nỗi họ không thể nén mình mà phải chiếu giãi những ân sủng ấy cho các linh hồn khác.
Linh hồn nào truyền bá việc sùng kính lòng thương xót Cha, Cha sẽ bảo bọc họ suốt đời như mẹ hiền đối với con thơ, và đến giờ lâm tử của họ, Cha không phải là thẩm phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ… Mọi vật hiện hữu đều được bảo bọc nơi lòng thương xót của Cha còn mật thiết hơn một thai nhi trong cung lòng mẹ. Nghi ngờ lòng thương xót của Cha là đả thương Cha đau đớn biết bao! Những tội nhân nghi ngờ ấy đả thương Cha tê tái nhất.” (NK, 1074-76)
Có lần chị thánh Faustina đã hỏi Chúa Giêsu: “Tại sao hôm nay Chúa buồn thế? Xin cho con biết, ai là nguyên nhân nỗi buồn của Chúa?” Và Chúa Giêsu trả lời cho chị: “Các linh hồn ưu tuyển thiếu tinh thần của Cha, những người sống theo chữ nghĩa, và đặt chữ nghĩa lên trên tinh thần của Cha, trên tinh thần đức ái. Cha đã thiết lập tất cả các bộ luật của Cha trên đức ái. Tuy nhiên, Cha không thấy đức ái, ngay cả trong các dòng tu. Đó là lý do nỗi buồn phiền tràn ngập trái Tim Cha” (NK, 1478).
Nói về tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, bút mực nào của thế gian có thể diễn tả cho hết được. Đến nỗi Tin Mừng Gioan đành kết luận bằng một câu như sau : “Nếu viết lại từng điều thì thiết tưởng thế gian không đủ chỗ mà chứa sách” (Ga 1,25).
Tình yêu Thiên Chúa khác hẳn tình yêu của người ta. Con người thế gian chỉ yêu những cái mình thích, và chỉ thích những gì phù hợp với mình, những người “biết điều” và đối xử tốt với mình. Nếu Đức Giêsu cũng có một tâm tình như vậy thì chẳng một ai trong loài người chúng ta được cứu rỗi. Vì toàn thể nhân loại không ai tốt với Đức Giêsu, và cũng chẳng một ai có gì đáng được Thiên Chúa ưa thích cả. Nhưng Thiên Chúa vẫn cứ đặt tình yêu của Ngài vào giữa những con người như thế, những tấm lòng như thế để yêu mến tất cả và ở lại mãi với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế nơi Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích của Lòng Xót Thương.
Chúng ta thử đặt câu hỏi : khi chọn 12 tông đồ, tại sao Chúa không lựa những người đạo đức tốt lành mà lại chọn Giuđa kẻ sẽ bán Ngài, Phêrô kẻ sẽ chối Ngài, và những môn đồ còn lại là những kẻ sẽ bỏ Ngài trong lúc hoạn nạn ? Và khi Đức Giêsu trao Mình và Máu Thánh Ngài cho họ trong bữa ăn ly biệt, Ngài có thấy được tấm lòng chao đảo “sớm nắng, chiều mưa, tối hâm hẩm” của các ông không ?
Thưa, Ngài thấy và Ngài biết tỏ tường, vì Ngài là Thiên Chúa. Việc Đức Giêsu chọn các tông đồ và trao ban chính mình Ngài cho họ, không phải vì họ đạo đức tốt lành gì. Nhưng chỉ vì lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa đã chọn những con người yếu đuối chao đảo như thế, để Ngài chịu đựng, sửa chữa và làm cho họ nên tốt lành. Chính vì thế mà chúng ta có thể gọi Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của Lòng Xót Thương.
Hôm nay, Đức Giêsu đã chọn tôi làm tín hữu của Ngài trong Hội Thánh và hàng ngày trao Mình và Máu Ngài cho tôi, thì không phải là tôi đạo đức giỏi giang gì, vì Đức Giêsu đã nhìn thấy rõ cái lòng của tôi từ trước khi tôi có mặt ở trần gian này rồi. Thế mà tại sao, hàng ngày Ngài cứ sẵn sàng trao chính Ngài cho tôi ?
Châm ngôn thế gian có câu : “Chọn mặt gởi vàng”. Có phải tất cả bộ mặt con người thế gian chúng ta đáng để Thiên Chúa gởi kho vàng vô giá là Con của Ngài, để chúng ta chăm sóc giữ gìn hộ Ngài không ?
Đó là câu hỏi hằng làm vương vấn những tâm hồn Kitô hữu. Câu hỏi mà chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới trả lời thỏa đáng được. Có lần Đức Giêsu than thở với một tâm hồn : “Hỡi con! Nếu con đợi khi nào con thánh thiện, con mới yêu mến Cha thì không bao giờ con mến Cha được đâu. Hãy yêu mến Cha với cõi lòng đầy tội lỗi của con, Cha sẽ làm con nên thánh” !
Thánh Thể không phải là bí tích dành cho những giai cấp đạo đức thánh thiện. Vì trước mặt Chúa, nào ai dám nói mình thánh thiện? Thánh Thể là bí tích của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế nhân hậu đem trái tim yêu thương của mình đến cho những tâm hồn đau yếu tội lỗi là tất cả chúng ta. Cha thánh Phêrô Giulianô Eymard, sáng lập Dòng Thánh Thể đã quả quyết : “Trong việc cầu nguyện, tốt hơn hết, bạn nên tìm cách để được Thiên Chúa nuôi dưỡng, thay vì làm cho mình nên thanh sạch và khiêm hạ… Bạn rước Chúa để trở nên thánh, chứ không phải bạn nên thánh rồi mới lên rước Chúa.”
Thánh nữ Faustina đã ghi lại trong nhật ký: “Một lần kia, tôi khao khát được rước Chúa, nhưng vì một nghi nan, nên tôi không hiệp lễ. Tôi rất khổ tâm vì điểm này. Dường như tâm hồn tôi vỡ ra vì nỗi cay đắng. Chúa Giêsu thình lình đứng bên cạnh tôi và phán: “Ái nữ của Cha, con đừng bỏ hiệp lễ, trừ khi biết rõ sự sa ngã của con thật nghiêm trọng; ngoài ra, đừng để nỗi nghi nan nào cản ngăn con hiệp nhất với Cha trong mầu nhiệm tình yêu của Cha. Những lỗi nhỏ mọn của con sẽ biến mất trong tình yêu Cha như một mẩu rơm được ném giữa hỏa lò khổng lồ. Con hãy biết rằng con làm Cha đau khổ rất nhiều khi không tiếp nhận Cha trong giờ hiệp lễ” (NK, 156)
Vì thế những ai tưởng rằng mình phải đạo đức tốt lành mới được lên rước lễ là suy tưởng sai lầm và làm buồn lòng Đức Giêsu nhiều lắm. Rồi từ ý nghĩa sai lầm ấy, nhiều người thấy lúc nào mình cũng có tội, nên càng xa và càng sợ Đức Giêsu, và cuối cùng không dám rước lễ nữa. Đây là một cạm bẫy vô cùng tinh vi của Satan.
Chính Phêrô đã có lần co chân lại, không để cho Chúa rửa chân mình, nhưng Đức Giêsu đã nhẹ nhàng nói cho Phêrô biết : “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” (Ga 13, 8b) “Phần” Đức Giêsu nói đây là ơn cứu độ của Ngài, là chính thân mình của Ngài mà Phêrô cũng như tất cả chúng ta phải sát nhập vào. Ngày hôm nay cũng có rất nhiều người giống như Phêrô, co cụm lại không dám dìm mình vào nguồn suối Thánh Thể để tình yêu của Đức Giêsu rửa cho, tắm gội cho, để được “chung phần” với Ngài, là trở nên thân mình Ngài như cành nho được tháp vào thân cây nho.
Muốn tin tưởng và yêu mến ai thì phải biết tấm lòng của người ấy. Muốn yêu mến Thánh Thể thì phải biết tấm lòng của Chúa Giêsu. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà Hội Thánh mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô trong tháng kính Trái Tim Đức Giêsu.
Trong thông điệp nói về Trái Tim Đức Giêsu, Đức Giáo Hoàng Pio XII viết : “Bí tích Thánh Thể không chỉ là một mảnh vụn nhỏ trong trái tim Đức Giêsu Kitô, nhưng là cả khối tình yêu của toàn thể trái tim Ngài ban cho chúng ta.”
Một Kitô hữu không chỉ là một con người thuần túy nhân loại như những người khác, mà còn là con người có Đức Kitô ở trong mình hằng ngày. Nếu một Kitô hữu không có Đức Kitô trong đời mình hằng ngày thì con người đó trở thành con người mất cân đối, nghĩa là chỉ có một nửa. Con người có một nửa là con người đã chết phần hồn đang khi thân xác còn sống. Vì thế Đức Kitô luôn kêu mời chúng ta với lời tha thiết rằng : “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9b).
Khi tham dự thánh lễ, những cuộc cung nghinh Thánh Thể và các giờ chầu, tôi chắp tay cúi đầu quỳ gối trước Thánh Thể Chúa Giêsu, điều ấy rất phải lẽ. Nhưng nếu chỉ có như thế thì thật sự vô ích cho tôi và cũng thật sự vô nghĩa trước mặt Chúa Giêsu. Có một điều Chúa Giêsu muốn là tôi hãy yêu mến và chịu lấy Ngài vào trong đời tôi. Nếu không, tất cả những cử chỉ thờ lạy cung kính trên kia chỉ là hình thức bên ngoài, mà Đức Giêsu thì Ngài không cần những cử chỉ ấy. Chúa Giêsu đến thế gian chỉ với mục đích yêu mến chúng ta và muốn ở lại trong tâm hồn chúng ta, những kẻ Ngài yêu mến và muốn ở với chúng ta cho đến trọn đời.
Một khi đã cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa nơi bí tích Thánh Thể rồi, ta mới biết xót thương anh em mình, là chi thể trong thân mình mầu nhiệm Đức Kitô. Hoặc nói cách khác, người ta chỉ có thể thấy được Thánh Thể là “bí tích của lòng thương xót” khi những người đón nhận Thánh Thể biết tỏ lòng thương xót anh chị em mình, nhất là những người cùng khổ đang sống quanh ta.
Để minh họa điều này, xin chia sẻ một câu chuyện có thật. Đức Giám Mục Dom Helder Camara trong lúc còn làm giám mục ở Recife, thì một ngày kia mấy tay đạo chích vào một nhà thờ cạy cửa nhà tạm. Vì chỉ muốn lấy cắp các chén thánh mạ vàng, nên khi ra khỏi nhà thờ, họ đổ hết bánh thánh trên đất lầy, tệ hơn thế, họ còn dẫm nát lên trước khi đi. Việc này làm giáo dân rất hoang mang và phải dành một ngày cầu nguyện đền tạ cho tội phạm sự thánh này. Họ mời Đức Giám Mục Dom Helder đến cầu nguyện chung với họ, và xin ngài cho vài lời phát biểu. Đức Giám Mục lên tiếng : “Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta tụ họp ở đây để làm việc đền tạ vì tội phạm thánh đã xảy ra trong nhà thờ chúng ta. Người ta đã cạy cửa nhà tạm, lấy cắp chén thánh và chà đạp Mình Thánh Chúa xuống bùn, ngay nơi cổng nhà thờ. Điều này làm chúng ta rất đau buồn và chúng ta đau buồn là rất đúng. Nhưng thưa anh chị em, trên đất nước chúng ta đây, hằng ngày, Đức Kitô vẫn bị chà đạp xuống bùn trong những con người là chi thể của Người, thế mà chẳng ai cảm thấy đau buồn và nhỏ cho một giọt nước mắt !”
Thánh Augustin trong bài giảng số 272, cũng đồng quan điểm này : “Nếu anh em là thân mình Đức Kitô và là chi thể của Người, thì chính mầu nhiệm của anh em được đặt trên bàn thờ. Anh em chịu lấy chính mầu nhiệm của anh em, và đáp trả bằng tiếng Amen với chính mầu nhiệm của bản thân anh em.”
Rất tiếc, quan niệm về Thân Mình Đức Kitô, một thần học có từ thời thánh Phaolô lại không phải là quan niệm trọng tâm đối với nhiều người trong thời đại chúng ta. Phaolô đã đặt một cầu nối giữa các chi thể của thân mình, và một sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các chi thể. Một chi thể bị đau, toàn thân đều bị đau. Việt Nam có câu : “Một con ngựa đau, cả tầu không ăn cỏ”. Mỗi chi thể phải thể hiện phần hành của mình cho lợi ích toàn thân. Phải biết xót thương nhau như Chúa đã xót thương mình. Chúa Giêsu nói với chị thánh Faustina: “Mọi linh hồn, nhất là linh hồn các tu sĩ, phải phản ảnh lòng thương xót của Cha. Trái tim Cha chan chứa tình yêu thương đối với mọi người. Trái tim của những người dấu yêu của Cha cũng phải nên giống Trái Tim Cha; trái tim ấy cũng phải tuôn trào nguồn xót thương của Cha cho các linh hồn; nếu không, Cha sẽ không nhận họ là những người thuộc về Cha” (NK, 1148). Mặc dầu vậy, trong đời sống cộng đoàn, chị Faustina vẫn chịu đủ mọi thứ bách hại. Những sỉ nhục hiểu lầm là lương thực hằng ngày của chị. Nếu không nhờ Thánh Thể, có lẽ chị Thánh không sao có đủ can đảm để dấn bước trên con đường Chúa đã dành cho chị. Chị lo sợ ngày mình không được hiệp lễ: “Trong những lúc ngập đầy đau khổ, tôi cố gắng nín lặng… khi được đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi tha thiết xin Người dủ lòng đoái thương chữa lành lưỡi tôi để tôi không còn xúc phạm đến Chúa và người lân cận. Tôi muốn lưỡi tôi không ngừng ca tụng Chúa. Những sai lỗi của chiếc lưỡi thật kinh khủng. Linh hồn sẽ không đạt đến sự thánh thiện nếu không canh chừng chiếc lưỡi của mình.” (NK, 92).
Chúng ta đã được cứu rỗi nhờ cuộc tử nạn của Đức Kitô, và được cứu thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại nhờ việc trở nên thành phần của một cộng đoàn luôn biết quan tâm đến nhau, và cộng đoàn đó là hiện thân của Thân Mình Đức Kitô ở đây, trên mặt đất này (x. Gl 1,4).
Cha Thánh Eymard thấy rõ điều đó trong những giây phút kết hiệp với Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể : “Xã hội đang hấp hối vì đánh mất dần chân lý, lòng xót thương và tình bác ái. Mỗi người bị cô lập, sống lẻ loi và quay về chính mình, muốn tự mãn với chính mình, chỉ biết lo cho bản thân mình. Một sự đổ vỡ hoàn toàn sắp xảy ra. Nhưng xã hội sẽ hồi sinh khi mọi người tụ họp lại chung quanh Đức Kitô, Đấng giầu lòng thương xót. Những tương quan sẽ được lập lại hoàn toàn tự nhiên chung quanh một chân lý chung. Những giây liên kết của tình bạn chân thật và đáng tin cậy sẽ được đổi mới qua sức mạnh của tình yêu chia sẻ. Nó sẽ đánh dấu sự trở lại của những ngày đầy yêu thương nơi phòng Tiệc Ly.”
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy được lòng thương xót của Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể, bí tích của lòng xót thương, để mỗi ngày con khao khát rước Chúa vào tâm hồn con, cho con biết xót thương anh chị em con như Chúa vẫn hằng xót thương con. Amen.
Lm. Giuse Trần Đình Long Dòng Thánh Thể
|