Tông Du Thánh Địa 24-26/5/2014
ĐTC Phanxicô - Diễn Từ Kỷ Niệm 50 Năm Cuộc Hội Ngộ Hòa Giải 5/1/1964-2014
tại Đền Thờ Mồ Thánh Chúa Nhật 25/5/2014
Kính Đức Thượng Phụ,
Chư Huynh Giám Mục thân mến,
Anh Chị Em thân mến,
Nơi Đền Thờ này, một đền thờ được tất cả mọi Kitô hữu hết sức tôn kính, cuộc hành trình của tôi, được đồng hành với người anh em yêu dấu trong Chúa Kitô, Đức Bartholomaios, giờ đây tiến tới tột đỉnh của nó. Chúng tôi đang thực hiện cuộc hành trình này theo bước chân của các vị tiền nhiệm trước chúng tôi đó là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras, những vị, nhờ lòng can đảm và dễ dậy đối với Thánh Linh, đã hiện thực 50 năm trước nơi thành thánh Giêrusalem này, một cuộc hội ngộ lịch sử giữa Giám Mục Rôma và Thượng Phụ Constantinople. Tôi thân ái ngỏ lời chào tất cả anh chị em hiện diện nơi đây. Đặc biệt tôi xin bày tỏ lòng tri ân chân thành của tôi đến những ai làm hiện thực giây phút này: Đức Theophilos, vị đã hết sức ưu ái nghênh đón chúng tôi, Đức Nourhan Manoogian và Cha Pierbattista Pizzaballa.
Thật là một ơn lạ lùng khi chúng ta được cùng nhau qui tụ lại để cầu nguyện ở nơi đây. Ngôi mộ trống đây, ngôi mộ mới trong khu vườn mà Giuse Arimathea đã cung kính an táng thi thể của Chúa Giêsu đây, là nơi bắt đầu loan truyền cuộc phục sinh: "Đừng sợ; tôi biết rằng các người đang tìm kiếm Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Người không còn đây, vì Người đã sống lại như Người đã phán. Hãy đến mà xem nơi Người nằm. Vậy hãy mau mau đi nói cùng các môn đệ của Ngưoòi rằng 'Người đã sống lại từ trong kẻ chết'" (Mathêu 28:5-7). Việc loan truyền này, được khẳng định bởi chứng từ của những ai thấy Chúa phục sinh hiện ra, là tâm điểm của sứ điệp Kitô giáo, một sứ điệp được trung thực truyền lại từ thế hệ này tới thế hệ kia, như Tông Đồ Phaolô, ngay từ ban đầu đã làm chứng: "Tôi truyền lại cho anh em những gì quan trọng nhất phần tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta theo lời Thánh Kinh, và Người đã được mai táng, rồi Người đã sống lại vào ngày thứ ba theo lời Thánh Kinh" (1Cor 15:3-4). Đó là nền tảng đức tin là những gì hiệp nhất chúng ta, nhờ đó chúng ta cùng nhau tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô, Con một Chúa Cha và là Chúa duy nhất của chúng ta, "đã chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đang trên cây thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông; ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại" (Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ). Mỗi người chúng ta, đều được lãnh nhận phép rửa trong Chúa Kitô, đã sống lại một cách thiêng liêng từ ngôi mộ này, vì nơi phép rửa tất cả chúng ta thực sự đã trở thánh các chi thể của thân thế Đấng là Trưởng Tử của tất cả mọi tạo vật; chúng ta đã được mai táng với Người, nhờ đó được sống lại với người và bước đi trong sự sống mới (xem Rôma 6:4).
Chúng ta hãy nhận lấy ơn đặc biệt của lúc này đây. Chúng ta dừng lại cung kính lặng thinh trước ngôi mộ trống này để tái nhận thức được những gì là cao cả nơi ơn gọi Kitô hữu của chúng ta: chúng ta là những con người nam nữ của phục sinh chứ không phải của sự chết. Từ nơi đây chúng ta biết làm sao sống cuộc đời của mình, trải qua các thử thách của Giáo Hội chúng ta và của thế giới trong ánh sáng của buổi sáng Phục Sinh. Hết mọi tổn thương, hết những gì là đớn đau và buồn khổ của chúng ta, đều đã được gánh vác trên hai vai của vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã hiến tế bản thân mình nhờ đó đã mở đường cho sự sống đời đời. Những thương tích mở ra của Người như là cái khe qua đó triều sóng tình thương của Người tuôn đổ xuống trên thế giới. Chúng ta đừng để mình bị tước lột mất niềm hy vọng nền tảng này của chúng ta, đó là Christòs anest - Chúa Kitô đã phục sinh!Chúng ta đừng làm cho thế giới bị hụt hẫng mất sứ điệp phục sinh vui mừng này! Và chúng ta đừng trở thành điếc lác trước những lời hiệu triệu hiệp nhất mãnh liệt vang lên từ chính nơi chốn này, nơi chính lời của Đấng sống lại từ trong kẻ chết gọi chúng ta là "anh em của Thày" (xem Mathêu 28:10; Gioan 20:17).
Rõ ràng là chúng ta không thể phủ nhận những chia rẽ tiếp tục hiện diện giữa chúng ta là thành phần môn đệ của Chúa Giêsu: nơi thánh này làm cho chúng ta thậm chí cảm thấy đớn đau hơn về những thứ chia rẽ ấy thảm thương ra sao. Tuy nhiên, 50 năm sau tác động ôm nhau của hai người Cha khả kính ấy, chúng ta nhận thấy một cách tri ân và lại ngỡ ngàng thấy nhờ tác động của Thánh Linh việc thực hiện những bước tiến thực sự đáng kể hướng về mối hiệp nhất đã trở thành khả dĩ ra sao. Chúng ta biết rằng nhiều khoảng cách vẫn còn cần phải tiến bước trước khi chúng ta đạt tới mối hiệp thông trọn vẹn là những gì cũng có thể được thể hiện bằng việc thông phần vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể, điều chúng ta thiết tha mong ước; tuy nhiên, những bất đồng của chúng ta không được làm cho chúng ta run sợ và gây tê liệt bước tiến của chúng ta. Chúng ta cần tin tưởng rằng, như tảng đá trước ngôi mộ đã bị đẩy sang một bên thế nào thì cũng thế hết mọi trở ngại cho mối hiệp thông trọn vẹn của chúng ta cũng sẽ được loại trừ. Đó sẽ là một thứ ân sủng của sự phục sinh, một ân sủng chúng ta có thể nếm hưởng trước ngay hôm nay đây. Mỗi lần chúng ta xin nhau tha thứ về lỗi tội của chúng ta phạm đến những Kitô hữu khác và mỗi lần chúng ta thấy can đảm thứ tha như thế, thì chúng ta cảm thấy sự phục sinh! Mỗi lần chúng ta bỏ lại sau lưng những tổn thương lâu đời và thấy can đảm trong việc xây dựng những mối liên hệ huynh đệ mới, là chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Kitô thực sự đã phục sinh! Mỗi lần chúng ta suy nghĩ đến tương lai của Giáo Hội theo chiều hướng ơn gọi hiệp nhất của Giáo Hội thì rạng đông của Phục Sinh bừng sáng! Ở đây tôi xin lập lại niềm hy vọng đã được bày tỏ bởi các vị tiền nhiệm của tôi về một thứ đối thoại liên tục với tất cả mọi anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô, niềm hy vọng nhắm đến việc tìm cách thực thi thừa tác vụ đặc biệt của Giám Mục Rôma, một thừa tác vụ, trung thành với sứ vụ của mình, có thể mở ra một tình hình mới và có thể, ở bối cảnh hiện tại, trở thành một việc phục vụ yêu thương và hiệp thông được tất cả công nhận (cf. JOHN PAUL II, Ut Unum Sint, 95-96).
Đứng ở những nơi thánh này như là khách hành hương, trong lời nguyện cầu của mình, chúng ta cũng nhớ đến toàn thể Trung Đông, nơi rất thường thảm thương bị đánh dấu bởi các hành động bạo lực và xung đột. Trong lời nguyện cầu của mình, chúng ta cũng không quên nhiều người nam nữ khác ở các phần đất khác nhau trên thế giới của chúng ta đang chịu đau khổ bởi chiến tranh, nghèo khổ và đói khổ, cũng như không quên nhiều Kitô hữu đang bị bách hại vì đức tin của mình vào Chúa phục sinh. Khi Kitô hữu thuộc những niềm tin khác nhau cùng chịu khổ bên nhau và trợ giúp nhau bằng đứa ái huynh đệ thì ở đó xuất phát một thứ đại kết khổ đau, một thứ đại kết máu huyết, một thứ đại kết đặc biệt chứng tỏ là mãnh liệt, chẳng những đối với những trường hợp xẩy ra ấy, mà còn vì sự thông công các thánh, đối với toàn thể Giáo Hội nữa. Những ai sát hại, bách bớ Kitô hữu vì hận thù ghen ghét, đừng đặt vấn đề họ là Chính Thống hay Công Giáo: họ là Kitô hữu. Máu của Kitô hữu thì giống như nhau.
Kính Đức Thượng Phụ, chư huynh thân mến, tất cả anh chị em thân mến, chúng ta hãy loại trừ những ngờ vực chúng ta thừa hưởng từ trong quá khứ và hãy mở lòng mình ra cho tác động của Thánh Linh, Vị Thần Linh của yêu thương (xem Rôma 5:5), để cùng nhau mau chóng tiến tới ngày diễm phúc này, khi mối hiệp thông trọn vẹn của chúng ta được phục hồi. Trong việc thực hiện cuộc hành trình này, chúng ta cảm thấy mình được bảo trì bởi lời nguyện cầu của chính Chúa Giêsu, trong thành này, vào đêm vọng Người khổ nạn, tử nạn và phục sinh, đã dâng lên Cha cho các môn đệ của Người. Đó là lời nguyện cầu chính chúng ta cần phải khiêm tốn không ngừng nhận làm của mình: "để tất cả được nên một... cho thế gian tin" (Gioan 17:21). Khi tình trạng thiếu hiệp nhất làm cho chúng ta cảm thấy bi quan, ngờ vực, sợ hãi,tất cả chúng ta hãy phó mình cho sụ chở che của Thánh Mẫu Thiên Chúa. Khi tâm hồn Kitô hữu cảm thấy bị xáo trộn thì chúng ta chỉ tìm thấy an bình khi tìm đến nấp dưới tà áo của Mẹ. Xin Thánh mẫu Thiên Chúa giúp chúng ta trong cuộc hành trình này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2014/may/documents/papa-francesco_20140525_terra-santa-celebrazione-ecumenica.html
|