“Satan, tên cám dỗ cả thế gian”
Nếu "tên phản
kitô" và "nhiều tên phản kitô như vậy", theo nguyên tắc, là thành phần không
chấp nhận Chúa Kitô, "không công nhận Người đến trong xác thịt", thì tất cả
những người nào, bất kể họ là ai, có thái độ và hành động "phản kitô" đều là
Satan, đều thuộc về Satan. Điển hình nhất là trường hợp của Tông đồ Phêrô, vị
tông đồ vừa được Thày đặt làm nền tảng của Giáo Hội Người thiết lập và trao chìa
khóa Nước Trời là quyền cầm buộc và tháo cởi cho thì đã bị Thày quở trách thậm
tệ là "Đồ Satan...", chỉ vì ngài, dù hoàn toàn vì Thày, nhưng lại đã phán đoán
theo chiều hướng trần gian chứ không theo đường lối của Thiên Chúa (xem Mathêu
16:18-19,23).
Vậy Satan chính là
"tên phản kitô" đầu xỏ. Bởi vì, Satan đây là danh xưng của con khổng
long cũng là con cựu xà, như được Sách Khải Huyền minh định như sau: "Con
khổng long, tức con cựu xà là ma quỉ hay Satan, tên cám dỗ cả thế gian" (12:9);
"Con rồng, tức con cựu xà, là ma quỉ hay Satan" (20:2).
Như thế, khi
còn ở trên trời, tức khi vừa được tạo dựng nên, (hay lúc còn đang bị
thử thách vì là loài có tự do hơn cả loài người, trước khi xứng đáng và thực sự
được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng), Luxiphe là đệ
nhất thần trời sáng láng, được biểu tượng nơi một đệ nhất thú vật là rồng
thiêng, nhưng lại là một con khổng long có đuôi, tức là một thiên thần sáng láng
nhất nhưng chỉ ở bản tính tự nhiên mà thôi chứ tinh thần của hắn lại kiêu căng
tự phụ về chính những gì tốt đẹp nhất hắn có được, chứ không phải tự
mình mà có như Thiên Chúa, đến độ đã ngang nhiên tỏ ra thái độ chống đối và
bất tuân phục ý muốn của Đấng đã dựng nên mình, như cái đuôi lòi ra của hắn
vậy.
Thế nhưng, khi
"mất chỗ của mình trên trời" (Khải Huyền 12:8), con khổng long đã biến thành
"con cựu xà", ám chỉ con rắn trong vườn địa đường xưa khi con người mới được
Thiên Chúa Hóa Công tạo thành (xem Khởi Nguyên 3:1), đóng vai trò là "ma quỉ hay
Satan", như được Khải Huyền minh định "con con cựu xà là ma quỉ hay
Satan" (20:2, 12:8), tức vai trò của một "tên cám dỗ", như Khải Huyền đã
xác định: "Con cựu xà được gọi là ma quỉ hay Satan, tên cám dỗ cả thế
gian" (12:8).
Quả thực con cựu
xà được gọi là ma quỉ hay Satan, tên cám dỗ cả thế gian" này, trước hết, đã
cám dỗ nữ nguyên tổ Evà, một cám dỗ theo tinh thần "phản kitô", đúng như tinh
thần "phản kitô" của con khổng long khi còn ở trên trời chưa bị hất nhào xuống
đất cùng với đồng bọn ngụy thần của hắn. Ở chỗ, qua con cựu xà, con khổng long
là tên Satan đã cám dỗ nữ nguyên tổ, (chứ không phải Adong, có lẽ vì hắn tưởng
bà là 'người nữ sắp sinh con' được Thiên Chúa tỏ ra cho hắn cùng các thần trời
biết - Khải Huyền 12:4), cũng lạm dụng tự do của mình để phản loạn bất tuân phục
Thiên Chúa như hắn. Hắn phản loạn bất tuân phục Thiên Chúa ở chỗ không muốn
hạ mình xuống dưới bản tính loài người sẽ được Thiên Chúa Nhập Thể mặc
lấy qua một người nữ, còn nữ nguyên tổ Evà phản loạn bất tuân phục Thiên
Chúa ở chỗ muốn tự nâng mình lên ngang hàng với bản tính thần linh của Thiên
Chúa trong việc biết lành biết dữ, toàn quyết quyết định mọi sự lành dữ theo ý
muốn của mình như Thiên Chúa.
Cho dù thái độ và
hành động phản loạn bất tuân phục Thiên Chúa của con khổng long và nữ nguyên tổ
Evà hoàn toàn ngược chiều nhau như thế, nhưng vẫn theo cùng một tinh thần "phản
kitô" - "không công nhận Chúa Kitô đến trong xác thịt". Trong khi con khổng long
không chấp nhận Lời hóa thành nhục thể mặc lấy bản tính loài người thấp hèn hơn
hắn, thì nữ nguyên tổ Evà không chấp nhận bản tính loài người thấp hèn của mình
là một bản tính sẽ được chính Lời "tuy thân phận là Thiên Chúa nhưng vẫn
không coi mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, nhưng đã
hóa ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra giống như con
người" (Philiphê 2:6-7).
Trong trường hợp
của tông đồ Phêrô, ngài có thể bị tẩu hỏa nhập ma, không thể nào hiểu được tại
sao mình lại đột nhiên trở thành Satan như vậy đối với Vị Thày đáng yêu kính của
mình. Ở chỗ, thứ nhất, về ý hướng, ngài hoàn toàn có ý ngay lành trong việc bênh
vực Người; thứ hai, về cách thức, ngài tỏ ra rất thân tình với Thày, kéo Thày ra
một nơi mà âm thầm tâm sự với Người; và thứ ba, về tư tưởng, ngài rất có lý khi
nghĩ rằng đã là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (Mathêu 16:16) thì Thày của mình
không thể nào có thể chịu khổ nạn và tử giá, những hình phạt cho tử tội hoàn
toàn bất xứng với Thày.
Thế mà, cho dù
theo nguyên tắc luân lý Kitô giáo, một việc tốt bao gồm 3 yếu tố bất khả thiếu
và bất khả phân ly, đó là ý hướng tốt, việc làm tốt và cách làm tốt, hành động
của tông đồ Phêrô, khách quan, cũng phản ảnh tinh thần “phản kitô” và ngài đã
trở thành “Satan” là “tên cám dỗ”, bởi lời can ngăn của ngài mang tính cách “cám
dỗ” Thày của ngài, như chính Thày đã nói với ngài: “Con đang cố làm cho Thày vấp
ngã” (Mathêu 16:23).
Tuy nhiên, lời can
ngăn của tông đồ Phêrô đã phản ảnh tinh thần “phản kitô” ở chỗ nào, nếu không
phải, ở chỗ “không công nhận Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt”? Không phải hay
sao, khi ngài can ngăn Thày của mình “là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” rằng
“Thày ơi, Thày làm sao lại có thể như vậy được! Thiên Chúa làm sao có thể để cho
điều này xẩy ra cho Thày được chứ!” (Mathêu 16:22), chính là ngài không chấp
nhận cuộc khổ nạn và tử giá cứu chuộc của một “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể”
(Gioan 1:14).
Tức là, ở một
nghĩa nào đó, căn cứ vào lời ngài nói, lời nói theo tự nhiên, theo phán đoán
thuần trần tục (xem Mathêu 16:23), chứ không phải được Cha mạc khải như lời ngài
vừa tuyên xưng rất chính xác về Thày của ngài (xem Mathêu 16:17), thì ngài dường
như chỉ chấp nhận thần tính cao cả siêu việt của Người, một thần tính như không
có liên hệ gì tới nhân tính, hay có chăng nữa thì thần tính hoàn toàn lấn át
nhân tính, và nhân tính của Người không phải để gánh tội trần gian, cùng lắm
Người là một nhân vật được thần linh hóa. Như thế, tông đồ Phêrô, với tâm thức
giống như bất cứ một người Dân Do Thái nào, một tâm thức đã được thấm đẫm lịch
sử cứu độ liên quan đến Vị Thiên Sai, Vị mà một khi được Thiên Chúa sai đến phải
là một nhân vật đầy quyền lực về chính trị để có thể giải thoát Dân khỏi ách
thống trị của ngoại bang, đặc biệt là đế quốc Rôma bấy giờ.
Thật ra, căn cứ
vào lời Chúa Kitô thậm tệ trách tông đồ Phêrô, một người môn đệ có bản chất chân
thật và hăng nồng của Người, Người không trách ông về tấm lòng quí mến của ông
đối với Người, cũng chẳng trách ông về cách thức ông bày tỏ tâm tưởng của ông,
mà chỉ trách ông về ý nghĩ thuần cảm tính tự nhiên của ông đối với Người hoàn
toàn không đúng với ý định của Thiên Chúa về Người mà ông, cũng như các tông đồ
khác, không thể nào và chưa thể nào thấu hiểu, một ý nghĩ bởi thế dầu sao cũng
không xác thực và hoàn toàn sai lạc về Người, mang đầy tính chất cám dỗ của một
tên Satan xui Người ăn cho đỡ đói nếu Người là Con Thiên Chúa (xem Mathêu
4:2-3).
Theo nguyên tắc
“phản kitô” là “không công nhận Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt”, như
trường hợp của con khổng long và 1/3 tinh tú trên trời, hay như trường hợp quận
vương Hêrôđê và Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, hoặc như trường hợp của chính tông đồ
Phêrô, (tất cả 3 trường hợp này đã được nói đến trên đây trong bài này), chúng
ta có thể dễ dàng nhận ra dấu vết, dấu hiệu hay dấu chứng rất tỏ tường về “tên
phản kitô” và “nhiều tên phản kitô như vậy" được tỏ lộ qua 6 thái độ
đối với 5 khía
cạnh sau đây:
Nếu “Đức Giêsu
Kitô đã đến trong xác thịt”, mà Thánh Thể là một Hiện Diện Thần Linh thực sự
(true), thực hữu (real) và thực chất (substantial) của Mình Thánh Chúa nơi Bánh
Thánh và Máu Thánh Chúa nơi Rượu Thánh, thì “phản kitô” "không
công nhận Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt" chắc chắn không thể nào lại
tin vào Hiện Diện Thần Linh Thánh
Thể này, thậm chí còn phạm thánh đối với
Mình Thánh và Máu Thánh Chúa nữa, bằng cách rước lễ đang khi mắc tội trọng, hay
cẩu thả với Mình Thánh và Máu Thánh Chúa sau khi cho rước lễ, hoặc ăn cắp Mình
Thánh Chúa về cho bọn Lễ Đen để làm nhục Chúa v.v.
Nếu “Đức Giêsu
Kitô đã đến trong xác thịt”, mà Trinh Nữ Maria là Người Nữ được Thiên Chúa dùng để "thụ thai
và hạ sinh một con trai rồi đặt tên cho con trẻ là Giêsu" (Luca 1:31), thì
"phản kitô" "không công nhận Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt"
không bao giờ lại tỏ ra mến phục và tôn kính Người Mẹ của Con Thiên
Chúa này, cho dù chính Con Thiên Chúa tỏ ra "tuân phục" mẹ của
Người (xem Luca 2:51), sẵn sàng đáp lại những gì Mẹ xin (xem gioan 2:3-8),
và cho dù họ tự xưng mình là môn đệ chân chính của Chúa Kitô, thậm chí họ còn
ghen ghét, khinh bỉ và chống phá cả những ai biệt tôn Mẹ lẫn
những việc tôn kính
Mẹ hết sức chướng tai gai mắt họ.
Nếu “Đức Giêsu
Kitô đã đến trong xác thịt”, mà vị đại diện bằng xương bằng thịt của Người trên
trần gian là Đức Giáo Hoàng thừa kế Thánh Phêrô để chăn dắt đoàn chiên được
Người trao phó cho (xem Gioan 21:15-17), thì "phản kitô" "không
công nhận Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt" không tin tưởng vào quyền
bính của Giáo Hoàng, không tin rằng ngài có thể vô ngộ khi long trọng
tuyên tín về tín lý và luân lý, và từ đó không tuân phục ngài và hiệp nhất với
ngài, thậm chí còn chống đối ngài, nhất là về những chủ trương khắt khe ngặt
nghèo của ngài nghịch lại với những gì họ nghĩ và họ muốn.
Nếu “Đức Giêsu
Kitô đã đến trong xác thịt”, mà anh chị em hèn mọn nhất của Chúa kitô trên trần
gian này, nhất là về thể lý (xem Mathêu 25:35-45), là thành phần đã được Người
đồng hóa, đến độ không giúp đáp họ là không giúp đáp chính Người,
thì "phản kitô" "không công nhận Đức Giêsu Kitô đã đến trong
xác thịt" không hề lưu ý đến những người khốn cùng
ấy, như người phú hộ đối xứ với Lazarô khốn khổ ngồi ngay cổng
nhà ông ở trước mắt ông (xem Luca 16:19-21), thậm chí còn có
những ý nghĩ, lời nói và hành động khinh bỉ, xỉ nhục và chà đạp nhân phẩm cao
quí của họ, bóc lột mồ hôi xương máu họ và lạm dụng thân xác hay hoàn cảnh bất
hạnh của họ để trục lợi (kể cả việc nhân danh người nghèo, nhân danh nạn
nhân thiên tai để trục lợi v.v.).
Nếu “Đức Giêsu
Kitô đã đến trong xác thịt”, mà thánh giá đau khổ không thể tách lìa với sứ
vụ cứu chuộc của Người, cho dù Người là "Con Thiên Chúa hằng sống", trái
lại, Người đã trải qua một cuộc khổ nạn và tử giá vô cùng nhục nhã và đau đớn
khốn khổ, thì "phản kitô" "không công nhận Đức Giêsu Kitô đã
đến trong xác thịt" không chấp nhận khốn khổ xẩy ra nhất là cho họ
dù là do lỗi tại họ, trái lại, họ oán hận Thiên Chúa và nguyền rủa
Ngài, thậm chí họ tìm cách chẳng những tránh né đau khổ bao nhiêu có thể là
những gì vốn được phép làm, mà còn bất chấp thủ đoạn để làm sao tiêu diệt cho
bằng được và cho đến cùng đau khổ, bằng cách ly dị, ngừa thai nhân tạo, phá
thai, triệt sinh an tử, triệt sinh trợ tử v.v.
Tuy nhiên, để
chứng tỏ mình thực sự là môn đệ của Chúa Kitô, là chứng nhân trung thực của
Người và cho Người, Kitô hữu không được vướng mắc một trong 5 hiện tượng hay dấu
hiệu “phản kitô” trên đây. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, có những Kitô hữu rất
đạo đức tốt lành, rước Thánh Thể hằng ngày và biệt tôn Thánh Mẫu, tức là có được
2 trong 5 dấu hiệu, nhưng thường là thiếu 3 nên hay khinh thường những anh chị
em khô khan tội lỗi của mình, hoặc phê bình chỉ trích Giáo Hội, nói hành nói xấu
các vị chủ chăn, và gặp đau khổ thử thách một tí là kêu ca trách móc than phiền
v.v.
(còn
tiếp)