Thứ Ba, ngày 18 tháng 2 năm 2014 Tuần VI Mùa Thường Niên Năm A
Thánh Đa minh Khảm,Giuse Tả và Luca Thìn. Giáo dân tử đạo.
* Gương Thánh Nhân: Thánh Đa minh Phạm Trọng Khảm sinh khoảng năm 1780, tại làng Quần Cống, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Ngay lúc nhỏ, Đa minh đã được cha mẹ chuyên cần dạy dỗ, nên cậu rất đạo đức hiếu thảo. Năm lên 18 tuổi, cậu đã kết hôn với cô A nê Phượng, một thiếu nữ nhân đức trong họ đạo. Vợ chồng luôn sống hoà thuận hy sinh cho nhau, sốt sắng thờ phượng Chúa, nhiệt thành giúp việc trong xứ đạo, và hết lòng thương yêu giúp đỡ mọi người, nhất là những người nghèo khổ bệnh tật.
Lúc đó vua quan đang bắt đạo dữ dội, ông bà tận tâm che giấu các Giám mục, linh mục và khích lệ những người đồng đạo can đảm chịu chết vì Chúa. Mỗi lần binh lính đến bao vây bắt bớ người có đạo, ông bà báo tin cho mọi người, và khuyến khích họ sống chết trung thành theo Chúa. Đối với những người nhút nhác, ông thường hâm dọa cho họ sợ mà can đảm bền chí: “Kẻ nào trong anh em đạp lên Thánh giá, khi quan về, tôi sẽ đuổi cổ ra khỏi làng, sẽ không có chỗ mà chôn xác đâu ” . Nhờ đo nhiều người nhát đảm vẫn cương quyết chịu chết vì Chúa.
***
Thánh Giuse Phạm Trọng Tả sinh năm 1800, đồng minh với thánh Đa minh Khảm. Thánh nhân là người đạo đức và có thế giá, là hội viên hội dòng ba Đa minh và là cai tổng trong làng. Đặc biệt thánh nhân rất có lòng thương người. “ Tiền thóc gia nhân vay mượn ông thường cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng cũng hay được châm chước như thế. Khi bà cai lên tiếng cằn nhằn, ông thản nhiên trả lời: Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”
***
Là con trai của thánh Đa minh Khảm, thánh Lu ca Phạm Trọng Thìn sinh năm 1820.
Lúc nhỏ cậu học hành giỏi giắn. Và nhờ hấp thụ nền đạo đức của gia đình, cậu càng thêm tuổi càng têm khôn ngoan đạo đức, là hội viên hội dòng ba Đa Minh, và được chọn làm cai tổng trong làng.
Năm 1858, cơn bắt đạo trở nên gay gắt trong lịch sử Giáo hội Việt Nam . Nhà vua treo giải thưởng cho những ai tố cáo nơi trú ẩn của các giáo sĩ, đồng thời ra lệnh trừng phạt nặng những ai chứa chấp các ngài. Thực tế, việc thi hành lệnh vua còn tuỳ các quan địa phương; có nơi họ thi hành triệt để, nơi khác cũng làm chiếu lệ. Vì thế, Đức Cha Xuyên nhờ hai ông Cai Tả và Cai Thìn tiếp xúc với quan Tổng đốc Nam Định, xin ông nương tay cho các giáo sĩ và tín hữu được bính an. Nhưng công việc chưa thành thì quan án sát Nam Định đã được mật báo làng Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng ( linh mục nước ngoài). Quan liền sai binh lính đến vây bắt. Cụ Đa minh Khảm nghe tin đó thì vội vàng đưa Đức cha Vinh, Đức cha Xuyên và các cha trốn sang làng khác.
Quan quân ùa vào làng Quần Cống, gọi cụ Khảm đến và bảo: - Hãy mau nộp các đạo trưởng cho ta, nếu không lão sẽ bị bắt, bị tịch thu tài sản, nhà cửa lão sẽ bị thiêu huỷ.
Cụ bình thản đáp:
- Không có đạo trưởng nào ở đây, Nếu không tin, quan cứ cho binh lính lục soát.
Binh lính liền chia nhau lục soát mọi nhà. Nhưng không tìm được đạo trưởng nên quan ra lệnh bắt cụ Khảm với Cai Tả và Cai Thìn dẫn về Nam Định và tống vào ngục.
Sau nhiều lần dụ dỗ, đe doạ, hành hạ, các ngài vẫn cương quyết trung thành theo Chúa, bất khả quá khoá, nghĩa là không chịu bước qua Thánh giá.
Ngày 13 tháng giêng năm 1859, các ngài bị đưa ra pháp trường Bẩy Mầu , Nam Định, với án tử hình.
Đến nơi, binh lính xô các ngài ngã xuống đất, trói tay chân vào cột. Và mỗi vị đều bị hai tên lính cầm hai đầu dây tròng nơi cổ, và kéo thật mạnh cho đến khi tắt thở!...
Cả ba vị đều được Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII tôn lên chân phước ngày 29 tháng 4 năm 1951. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II đã tấn phong các ngài lên bậc hiển thánh.
* Quyết tâm: Noi gương các thánh Đa minh Khảm, Giuse Tả và Lu ca Thìn tử đạo, hết lòng kính mến Chúa và yêu thương người, bằng các giúp đỡ mọi người phần hồn, phần xác, suốt đời chịu cực chịu khó tin thờ Chúa, sẵn sàng hy sinh giúp đỡ những người làm việc tông đồ, và nâng đỡ anh em đồng đạo trung thành với Chúa.
* Cầu nguyện: Lạy Cha Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
|