KHI NHÀ TU ĐI KIẾM MỘT NHÀ TU
Không phải là vị linh mục đang cai quản một nhà thờ đi tìm linh mục đồng chí đồng lòng bàn chuyện xây sửa nhà thờ nhà xứ, hay làm tượng đài bia đá cho to cho đẹp. Đây là chuyện một vị linh mục già khả kính, tóc trắng phau phau, một tre già đi tìm tre bánh mật mà cậy nhờ một việc.
Một việc chả đem lại cho hai người tu sĩ chưa từng gặp nhau ấy danh thơm tiếng tốt hay lợi nhuận gì cho cam, mà chỉ là vì cả hai thầy tu cùng giống nhau là cứ thấy đau đáu trong lòng khi người ta khổ quá, phải xót thương người vì mình luôn được Chúa xót thương.
•Những Tiếng Thét Xé Lòng
Thầy tu già quê ở Bình Thuận. Một lần về quê, ông nghe tiếng người kêu thét ở đâu mà xé ruột xé lòng. Đó không phải tiếng thét của trẻ thơ khóc đòi sữa mẹ, mà là tiếng gừ gào lạ lẫm của loài thú hoang. Chẳng phải một gừ gào, mà là dàn đồng ca gừ gào, nghe thật là ghê rợn.
Thì phải “đến mà xem” mới biết chuyện gì. Đến xem để rồi thấy não cả ruột gan, như là thấy thân xác Chúa của mình quằn quại trên thập giá.
Hai vợ chồng già như cây tre khô chỉ còn biết nép vào nhau. Bốn thằng con to gộc đang thét gào. Còn một thằng nằm sõng sượt miệng há hốc ra. Nằm thì nằm, cơm vẫn phải ăn, không thể đói dù một bữa.
Kỳ lạ, những cái tô inox giống hệt nhau. Người cha thì thào : “Bọn nó điên mà biết đó. Ăn cơm tô mà không giống nhau cũng xảy chuyện cha ơi!”
Người vợ hom hem xụt xịt : “Năm thằng con tâm thần đó không những ăn tô giống nhau mà cơm cũng phải nhiều giống nhau nữa. Ăn mà không no chúng nó rượt đánh chạy chúng con có cờ. Khổ nỗi cho ăn no rồi chúng nó “xịt” ra đầy nhà, rồi trây chét ra tùm lum, có biết sạch dơ gì đâu. Dơ dáy hôi thối không thể nào chịu nổi.”
- Thế trong nhà không có được đứa nào tỉnh hay sao? Vị linh mục não lòng.
- Bà vợ nấc lên nghẹn ngào : “Dạ có… Vợ chồng con có hai đứa con gái bình thường, không điên, gả được cho nhà người ta rồi. Nhưng khổ quá, bây giờ cả hai cháu đều bị bệnh bướu cổ ba cái xe đò chi chi đó!
- Bướu cổ Ba-xe-đô. Bà này, biết thì hẵng thưa thốt ! Ông chồng chỉnh bà vợ.
Hai vợ chồng khốn khổ bỗng rùng mình. Mới đó mà đã 43 năm. Nửa đời người ngập ngụa trong đói nghèo bệnh tật u ám…
•Niềm Hy Vọng Tắt Dần
Hồi trước năm 1975, ông Toàn mấy năm là lính phía đằng trong. Ông lặn lội đi rừng đi rú hành quân, đói khát thì uống nước suối ăn rau rừng. Gian khổ lắm chứ có đâu mà sung sướng.
Ông về phép. Những ngày phép hiếm hoi của đời lính. Vợ chồng sum họp. Hạnh phúc thật ngắn ngủi quý hiếm. Họ vui mừng khi có được đứa con trai đầu lòng, cũng bình thường bụ bẫm như ai. Chừng hơn năm thì nó cạu cọ khác trẻ thường. Hai vợ chồng cũng rầu rĩ, song chưa hẳn là bi quan cho lắm. Họ còn trẻ mà, còn có cơ hội.
Khi sinh thêm, thằng em lại giống thằng anh, cũng cạu cọ khác thường. Lần này họ bắt đầu lo sợ thật sự nhưng vẫn nuôi niềm hy vọng. Cặp vợ chồng đau khổ cứ đẻ cố, cách năm một đứa lại chào đời. Nhưng hỡi ôi ! Năm thằng con trai chẳng đứa nào ra gì. Niềm hi vọng mong một mống bình thường thế là tắt lịm !
Thời gian sau năm 1975 mới thật là khủng khiếp. Ông Toàn nhớ lại : “Trong giai đoạn vô cùng khó khăn thiếu thốn đó, thật đau lòng xót ruột khi nhìn bầy con lít nhít. Đứa lớn nhất mới hơn mười tuổi, đứa bé nhất mới lên bốn, y như bầy thú hoang. Chúng nó ngáo ngơ. Chúng nó khóc cười. Chúng nó cắn nhau như là loài thú. Nhưng dù gì đi nữa chúng vẫn cứ là con mình. Chúng vẫn cứ khiến mình phải đau đớn xót xa. Và vì thế vẫn cố mà hi vọng…”
Thế rồi trong niềm hy vọng mong manh như sương khói trên cành, vợ chồng ấy có thêm hai đứa gái nữa. Chúng nó không điên, nhưng chúng lại ốm dặt dẹo luôn. Trong căn nhà rách nát, cặp vợ chồng khốn khổ chăm hai đứa bé gái leo nheo còn tỉnh táo giữa một bầy con trai điên, mà muốn vỡ óc vỡ đầu, phải dạc thân kiếm cái cho chúng ăn. Họ biết là đám con mình bị điên mà không có cái khái niệm đem chúng đi chữa trị ở viện tâm thần. Một phần vì không tiền, ăn còn chưa có lấy đâu đi bệnh viện, một phần vì mặc cảm con cái mình là phận con lính chế độ cũ làm gì có tiêu chuẩn chữa trị. Sau này nghe người ta kháo láo với nhau về nạn nhân “chất độc da cam”, họ mới giật mình, xong đâu dám mơ rằng con mình có quyền lợi, dù chút đỉnh ! Có đêm vợ chồng thức trắng, nhìn nhau mà nghẹn ngào : “Lạy Chúa ! Địa ngục chính là đây, chứ có đâu xa. Xin Chúa xót thương!”
Bà Cảnh bật khóc khi nhớ lại những năm tháng đọa đày khổ ải đã trải qua. Bà từng lê lết đi ăn xin về cho bầy con ngáo ngơ. Tốn tiền tàu xe đi xa nhà, mất công mất sức, nhưng nhục lắm khi người ta nhìn mình với ánh mắt miệt thị. Chẳng được gì, lại phải lê thân gầy về. Nhà chẳng có thu nhập gì ngoài năm sào ruộng. Lâu lâu bầy con có đứa chạy xổng ra đường rầy xe lửa. Bà lại phải vất vả chạy đi tìm đưa về. Mẹ còm nhách chở thằng con to đùng. Nó ghì chân xuống đường xệt xệt, và chửi mẹ y như ông bố chửi đứa con. Người hai bên đường ngó nhìn lạ lẫm kinh ngạc. Bà tủi thân tủi phận, thấy mình chẳng còn là con người nữa.
Hai vợ chồng nhà ấy rùng mình như muốt rũ đi tất cả nỗi thống khổ. Với họ giờ này có một nỗi lo canh cánh hiện ra lù lù. Mấy hôm rày trời mưa, người ta xả lũ vô tội vạ, chẳng nghĩ gì đến dân nghèo hèn khốn khổ thấp cổ bé miệng. Họ bị thiệt thòi quyền lợi mà chẳng biết kêu ai. Thế là năm sào ruộng tiêu tùng vì úng nước. Đã nghèo còn gặp cái eo. Lấy tiền đâu mà gieo mà cấy lại bây chừ ? Không cấy không gieo thì lấy gì cho chúng ăn ? Đấy, cái nỗi khổ này như sờ thấy mó thấy, như đá tảng đè nặng trên đôi vai gầy guộc mà chả thể nào cất đi đâu cho được.
•Tre Già Tìm Tre Bánh Mật
Mang theo nỗi não nề phận người của gia đình năm con trai điên và hai con gái bướu, người linh mục già về dòng tu ở thành phố, lòng nặng trĩu suy tư : “Phải giúp cái gia đình khốn khổ này thôi, mà mình thì lực bất tòng tâm. Xin Chúa xót thương…” À, vị linh mục như sực nhớ ra. Lòng Chúa xót thương. Phải rồi! Phải chạy đến lòng Chúa xót thương. Không còn nguồn hy vọng nào ngoài chốn này. Những ai được Chúa xót thương thì phải biết xót thương người khác. Những ai rao giảng lòng thương xót thì phải thực hành lòng xót thương. Ông đi tìm những con người như thế. Ông có nghe người ta nói tới họ đâu đó rồi…
- Chúa ơi! Đúng rồi. Ông ấy là lãng tử. Nhà tu già nghe vài bà đi lễ kháo nhau. Hồi đó ổng với đám áo xanh đi như nước lũ tràn bờ. Đi khắp nơi, chả có chỗ nào khó nghèo heo hút mà họ chê. Càng đèo heo hút gió họ càng tới. Đi riết người cứ như tre bánh mật! Ổng là lãng tử thì ai biết đâu mà tìm?
Vậy mà nhà tu tre già lần tìm ra được nhà tu tre bánh mật !
Thư gửi đi thì gửi vậy, nhà tu già cũng chưa chắc tu tre bánh mật có hồi âm…
Ấy vậy mà có hồi âm. Không phải là thư hồi âm mà là người tìm đến tận nhà. Người học trò áo xanh tới gửi món quà của thầy mình mong vị linh mục già tìm cách trao gấp cho gia đình khốn khổ ấy, để đám người chẳng có trí khôn ấm cái bụng mà bớt gào, và hai người già đau khổ là cha mẹ chúng có dịp mà thở, vui mừng vì đám con đỡ đói.
Ngoài ra ông còn gửi cho vợ chồng già ấy những món quà tinh thần là tràng chuỗi, ảnh, sách và CD bài giảng về lòng Chúa xót thương. Ông vẫn nói với học trò rằng trên đời này ai cũng là người nghèo. Nghèo vật chất. Nghèo tinh thần. Nếu chỉ trao tặng cho người nghèo mấy kí gạo, mì, đường, rồi họ ăn cũng hết, rồi lại than sầu kể khổ. Cần phải trao tặng họ món ăn tinh thần nữa để họ biết cách cầu nguyện, biết cách lần chuỗi lòng thương xót, nghe giảng về lòng Chúa xót thương. Nhờ đó họ thêm lòng tin tưởng phó thác vào Chúa, biết chạy đến với Chúa, và cảm nghiệm được Chúa vẫn hiện diện với họ, cảm thông và yêu thương họ, dù hoàn cảnh hiện tại họ vẫn còn chất chồng khó khăn. Phải giúp đỡ họ cả hai mặt như thế thì họ mới cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và sống an vui hạnh phúc hơn. Chính những người giầu tiền lắm của nhưng nghèo tinh thần cũng rất cần được chăm sóc về đời sống tâm linh. Họ tưởng mình đầy đủ không cần ai, nhưng thực sự họ rất nghèo nàn trong đời sống thiêng liêng và rất cần có người quan tâm giúp đỡ họ về mặt này. Họ thật đáng tội. Họ thiếu mà tưởng mình đủ, không có mà tưởng mình dư thừa.
•Khơi Lên Niềm Hy Vọng
Hôm ra bưu điện nhận món quà từ nơi xa gửi tới, hai vợ chồng già ngỡ ngàng, mừng hết lớn luôn. Bữa ăn hôm đó, năm cái tô inox đầy vun cơm bằng nhau. Lũ con đứa đứng đứa nằm, không gừ gào như mọi khi. Chúng ngắm tô cơm, mắt chúng hình như bớt láo liên mà lại ươn ướt như là sắp khóc. Hai ông bà rưng rưng xúc động trước món quà của lòng Chúa thương xót dành cho những người cần được xót thương.
Họ mở CD “20 Bài Giảng Lòng Thương Xót” ra nghe. Họ mân mê tràng chuỗi và ngắm nhìn bức hình Chúa Thương Xót. Thật lạ lùng. Ánh mắt Chúa nhìn họ tràn đầy lòng xót thương. Một tay Chúa giơ ra chúc lành cho những con người khốn khổ. Tay kia Chúa chỉ vào trái tim như mời gọi họ hãy tìm nơi nương ẩn ấm áp nhất nơi tấm lòng xót thương vô cùng này. Bấy lâu nay vì lầm than vất vả quá, họ suýt quên còn có Chúa vẫn yêu thương chăm sóc họ.
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!” Hai vợ chồng cùng nhau thì thầm lời kinh khi đám con dịu bớt tiếng thét gào và thiu thiu ngủ.
Khi lá thư cảm ơn kịp đến tay người nhận, thì mấy cái tô cơm inox cũng vơi vơi dần. Năm đứa điên đó cũng biết bớt ăn để chia san cho hai người chị có cái bướu sưng to, đau đớn rên hừ hừ một góc.
“Chúng con đã nhận được món quà của lòng Chúa thương xót. Để tỏ lòng biết ơn, vợ chồng con chỉ biết âm thầm chấp nhận thánh giá… Gia đình con như một trại tâm thần nhỏ, 5 đứa bị bệnh tâm thần, 2 đứa bị bệnh bướu cổ. Những đứa tâm thần ăn uống không như người khôn. Đến mỗi bữa ăn từ cha mẹ đến con cái phải chia đều. Vậy mà cha mẹ có được ăn trọn đâu, nhịn cho con ăn no. Cho ăn ít thì chúng chửi. Cho ăn no thì chúng tiêu tiểu vung vãi, hôi hám thối tha quá sức… Còn nhiều thứ khổ lắm, nhưng vì quá thương con nên cha mẹ phải chấp nhận.
Suốt 43 năm qua, gia đình con như địa ngục trần gian. Vợ chồng con luôn tin tưởng phó thác cho Chúa. Xin Người lo liệu. Vợ chồng con không dám than thở nhiều, sợ làm mất lòng Chúa…”
Ở một nơi nào đó, người lãng tử biết hết. Ông biết cả tiếng thở dài của người mẹ già đêm đêm úp mặt vào vách khóc thầm. Thương bầy điên một, thì thương bà mẹ già tỉnh táo mà đành bất lực nhìn đàn con chết lần chết mòn ấy mười. Món quà lòng thương xót được học trò ông gởi ngay về Bình Thuận với lời nhắc nhở : “Cầu nguyện để lòng thương xót của Chúa không bỏ sót một ai. Một mảnh đời bể nát được xoa dịu là quà tặng đẹp lòng Chúa. Các con hãy nhớ lấy !”
Trong một ngôi giáo đường ở thành phố, hồi chuông chiều vừa dứt, người ta nắm tay nhau, cất cao lời kinh : “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”
Và ở hai tu viện nào đó, có hai linh mục lặng lẽ mỉm cười, tràng chuỗi sẵn sàng cho giờ nguyện tối !
T.H Lập Đông 2013
|